Suy thoái môi trường và thiếu lương thực ở sông Mekong
22:35' 10/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hôm nay 10/3, tại cuộc họp báo triển khai chương trình "Thách thức về nước và lương thực ở vùng Mekong" diễn ra tại Bangkok, các nhà khoa học quốc tế khuyến cáo vùng hạ lưu có thể sẽ bị thiếu lương thực và suy thoái môi trường nghiêm trọng trong tương lai gần nếu không có những hành động khẩn cấp nhằm giải quyết sự cạnh tranh hiện nay giữa các bên sử dụng nước.

Lưu vực sông Mekong (màu da cam).

Chương trình sẽ dành mười triệu USD cho các dự án tìm cách làm cho vùng này sản xuất được nhiều lương thực hơn trong khi sử dụng ít nước hơn, nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế trong khu vực cũng như bảo vệ đa dạng sinh học của sông Mekong. Tuyến đường thuỷ dài 4.000km này chạy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có bốn nước thuộc Đông Nam Á - thành viên của Ủy ban sông Mekong (MRC), sẽ thực hiện chương trình nói trên.

Người phát ngôn MRC Đào Trọng Tứ cho biết: ''Có sự căng thẳng giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất ngư nghiệp. Sản xuất nông nghiệp cần nhiều nước hơn, trong khi ngư nghiệp phụ thuộc vào chu kỳ lũ tự nhiên hàng năm để cá sinh sản. Nếu tình hình  không được cải thiện, đa phần dân số ở lưu vực này, phụ thuộc vào nghề cá và nông nghiệp, sẽ bị ảnh hưởng''.

Được biết 80-90% nước được lấy từ sông Mekong được sử dụng cho nông nghiệp - nguồn thu nhập của khoảng 75% dân số ở hạ lưu Mekong. Lượng nước này chủ yếu được sử dụng cho trồng lúa, hoạt động cực kỳ cần nhiều nước. Để sản xuất 1kg gạo, cần 3-5 lít nước. Theo nghiên cứu của MRC, dân số vùng hạ lưu sông Mekong đã tăng gấp hai lần trong 30 năm qua và ước tính sẽ tăng 30-50% vào năm 2050. Gần 50% diện tích đất ở lưu vực Mekong được sử dụng cho nông nghiệp.

Theo Kim Geheb, điều phối viên nghiên cứu của MRC, nếu không có sự can thiệp, lưu vực sông Mekong chưa phát triển có thể đi theo "vết xe" của sông Hoàng hà ở Trung Quốc. Kim Geheb nói: ''Một phần lớn hạ lưu sông Hoàng hà thiếu nước và tôi nghĩ điều này thực sự đáng sợ. Chúng ta sẽ thấy hàng triệu hec-ta đất nông nghiệp bị nhiễm mặn mỗi năm do không thể duy trì áp lực nước xuôi dòng Mekong để ngăn sự xâm nhập của nước biển''.

Đoạn sông Mekong chảy qua Lào.

Lưu vực sông Mekong ở Việt Nam đã đối mặt với tình trạng thiếu nước trong suốt những tháng khô nhất (từ tháng 2 cho tới tháng 5). Nước biển xâm nhập sâu hơn vào sông và kênh rạch mỗi năm, phá hoại mùa màng. Các rào cản nước mặn đã được xây dựng song tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi lượng nước được sử dụng cho nông nghiệp ở thượng nguồn tăng lên.

Lưu vực sông Mekong là một trong những vựa cá lớn trên thế giới, tạo ra trên hai triệu tấn cá mỗi năm. Đa phần số cá này được sử dụng làm thực phẩm cho người dân địa phương. Sự suy giảm lượng nước theo mùa chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thực phẩm quan trọng này. Đợt hạn hán vào năm 2003 đã ảnh hưởng mạnh tới lượng cá đánh bắt ở Campuchia trong năm nay. Vào tháng 2, thời điểm kết thúc mùa đánh bắt cá dai, sản lượng chỉ bằng 1/7 so với năm ngoái.

Sông Mekong còn được coi là một trong những nguồn thuỷ điện lớn nhất, chưa được khai thác trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà môi trường cho biết những dự án thuỷ điện lớn sẽ có tác động xấu tới môi trường và xã hội. Trung Quốc dự định xây dựng chín đập trên sông Mekong. Kế hoạch này đã bị các nhóm môi trường chỉ trích do lo ngại tác động xấu tới hệ sinh thái cũng như nguồn nước ở vùng hạ lưu.

Minh Sơn 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chủ tịch công ty gia cầm tự tử sau khi bán sản phẩm nhiễm virus! (08/03/2004)
"Xóa đói giảm nghèo" cho cán bộ nghiên cứu? (05/03/2004)
Robot ASIMO tới Hà Nội vào trung tuần tháng 4 (05/03/2004)
WHO: Không khả thi tại châu Á! (05/03/2004)
Các trò chơi video dễ làm trẻ béo phì, quen với bạo lực! (03/03/2004)
Rosetta bắt đầu cuộc rượt đuổi Sao chổi (02/03/2004)
Chín hành động ưu tiên để bảo vệ sao la (01/03/2004)
Trung Quốc: Mười biện pháp phòng chống đại dịch cúm gia cầm (27/02/2004)
Robot thế hệ tiếp theo sẽ cùng chung sống và trợ giúp con người (26/02/2004)
Bỏng ngô: Bí quyết và những câu chuyện lý thú (25/02/2004)
Thử nghiệm tiềm năng nguy hiểm của H5N1 đối với người (25/02/2004)
Sao la vẫn bí hiểm! (25/02/2004)
Nguy cơ nghiêm trọng của cây GM đối với sức khoẻ con người (24/02/2004)
Đôi điều về rùa tai đỏ - động vật xâm hại (24/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang