Kiểm soát nhanh cúm gia cầm?
WHO: Không khả thi tại châu Á!
03:13' 05/03/2004 (GMT+7)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), triển vọng kiểm soát nhanh dịch cúm gia cầm tại châu Á là không nhất quán với kinh nghiệm chống các đợt dịch trong hơn bốn thập kỷ qua trên thế giới. Chính vì vậy, WHO khuyến cáo: Trong tương lai gần, các nước châu Á chưa thể kiểm soát được dịch cúm gia cầm hiện nay.

Tình hình cúm gà đang diễn biến rất phức tạp ở Nhật Bản.

Cho tới cuối năm 2003, dịch cúm gia cầm lây lan cao (HPAI) được coi là một bệnh hiếm. Kể từ năm 1959, chỉ có 21 đợt dịch được thông báo trên toàn thế giới và đa phần dịch cúm gia cầm xảy ra ở châu Âu và châu Mỹ. Trong số này, năm đợt dịch dẫn tới sự lây lan rộng tới nhiều trang trại và chỉ một đợt lây lan xuyên biên giới.

Kể từ giữa tháng 12/2003, tám quốc gia châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia) đã khẳng định các đợt dịch cúm gia cầm lây lan cao do H5N1 gây ra. Tại hầu hết các nước trên, đây là lần đầu tiên họ phải đối phó với dịch cúm gia cầm trong lịch sử. Ở một số quốc gia, virus H5N1 xuất hiện ở hầu hết các tỉnh thành.

Trong hơn hai tháng qua, hơn 100 triệu gia cầm, chủ yếu là gà, đã bị chết hoặc tiêu huỷ tại châu Á. Trong số này, hơn 64 triệu con tập trung ở Thái Lan và Việt Nam. Con số trên lớn hơn tổng số gia cầm bị giết trong năm đại dịch lớn nhất trên thế giới cộng lại. Kinh nghiệm trên toàn thế giới từ năm 1959 ủng hộ các tuyên bố về bản chất chưa từng có của dịch cúm H5N1 hiện nay, cùng những thách thức độc nhất vô nhị trong việc kiểm soát dịch.

Những đặc trưng độc nhất vô nhị đó là:

  • Sự tập trung của gia cầm tại các trang trại nhỏ và sân nhà: Tại nhiều quốc gia có dịch, tới 80% gia cầm được nuôi trong các trang trại nhỏ và vườn của các hộ gia đình nông thôn - nơi gà được thả tự do. Ở Trung Quốc, 60% trong tổng số 13,2 tỷ con gà được nuôi theo kiểu trên và ở gần con người cũng như các động vật khác, bao gồm cả lợn.
     
    Tình hình này làm cho việc thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát chặt chẽ - yếu tố quan trọng trong việc phòng chống các đợt dịch trước đây trên thế giới - cực kỳ khó khăn. Các biện pháp kiểm soát, như chống chim hoang dã, kiểm soát sinh thái, tẩy uế mọi người, vật và phương tiện ra vào, ngăn chặn gà tiếp xúc với côn trùng, động vật gặm nhấm và sinh vật lây truyền... không thể áp dụng được tại các trang trại nhỏ.
  • Tầm quan trọng của hoạt động chăn nuôi gia cầm: Chăn nuôi gia cầm đóng góp lớn vào các nền kinh tế cũng như là nguồn cung cấp thực phẩm ở các quốc gia bị ảnh hưởng. Ngành nông nghiệp phải đối mặt với các thách thức: giảm thiểu thua lỗ đối với ngành và thu nhập của nông dân, đồng thời giảm nguy cơ về sức khoẻ đối với con người. Do nhiều người trong khu vực phụ thuộc vào gia cầm nên việc giết gà thích đáng khó có thể thực hiện được.
  • Thiếu kinh nghiệm kiểm soát: Do dịch cúm gia cầm là bệnh mới đối với hầu hết các nước ở châu Á nên có rất ít kinh nghiệm ở cả cấp quốc gia và quốc tế để có những phương pháp kiểm soát phù hợp nhất. Ở một số nước, ngay sau khi tuyên bố giết gà thành công ở những khu vực nhất định, các đợt dịch mới lại bùng phát trở lại, điển hình là Thái Lan. Điều đó cho thấy virus vẫn tồn tại trong môi trường.
  • Thiếu nguồn lực: Nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lực, bao gồm tiền bồi thường cho nông dân, nên không thể khuyến khích họ tuân thủ các yêu cầu của chính phủ. Một thực trạng hiện nay là một số nước tuyên bố có dịch song không giám sát để phát hiện mức độ lây lan hoặc không giết gia cầm hàng loạt.
  • Quy mô lây lan quốc tế: Với nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, cần phải có một chiến lược toàn khu vực để đảm bảo thành công của một nước không bị lật nhào bởi công tác kiểm soát dịch bệnh lỏng lẻo ở một nước khác.

Một nông dân với đàn vịt mới nở ở tỉnh Hà Tây.

Những đặc trưng trên sẽ làm cho việc kiểm soát cũng như ngăn chặn sự tái phát của dịch cúm gia cầm châu Á khó có thể đạt được.

Giết gà theo đề xuất của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), Tổ chức Sức khỏe Động vật (OIE) và WHO vẫn là phương pháp đầu tiên để kiểm soát các đợt dịch hiện nay. Các quốc gia không nên trì hoãn việc giết gà quyết liệt chỉ vì những lo ngại về tác động lâu dài đối với ngành gia cầm.

Không giống như các vật nuôi khác có tầm quan trọng về kinh tế, nuôi gia cầm diễn ra trong một hệ thống sản xuất rất ngắn. Do vậy, miễn các nước có đủ nguồn lực thì có thể thay thế đàn gia cầm bị tiêu huỷ.

Minh Sơn (tổng hợp) 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Các trò chơi video dễ làm trẻ béo phì, quen với bạo lực! (03/03/2004)
Rosetta bắt đầu cuộc rượt đuổi Sao chổi (02/03/2004)
Chín hành động ưu tiên để bảo vệ sao la (01/03/2004)
Trung Quốc: Mười biện pháp phòng chống đại dịch cúm gia cầm (27/02/2004)
Robot thế hệ tiếp theo sẽ cùng chung sống và trợ giúp con người (26/02/2004)
Bỏng ngô: Bí quyết và những câu chuyện lý thú (25/02/2004)
Thử nghiệm tiềm năng nguy hiểm của H5N1 đối với người (25/02/2004)
Sao la vẫn bí hiểm! (25/02/2004)
Nguy cơ nghiêm trọng của cây GM đối với sức khoẻ con người (24/02/2004)
Đôi điều về rùa tai đỏ - động vật xâm hại (24/02/2004)
Cúm gà lây lan cao xuất hiện ở Mỹ (24/02/2004)
Khám phá bí ẩn của nọc rắn (23/02/2004)
Cúm gia cầm đe dọa nỗ lực xóa đói nghèo ở châu Á (23/02/2004)
Tài nguyên biển, sinh cảnh ven biển Việt Nam bị đe dọa! (22/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang