Rosetta bắt đầu cuộc rượt đuổi Sao chổi
17:50' 02/03/2004 (GMT+7)

Vào lúc 14g17 chiều nay 2/3, phi thuyền Rosetta của châu Âu đã rời sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana (Pháp). Với sứ mạng rượt đuổi và hạ cánh xuống Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, hành trình của nó sẽ kéo dài mười năm, với quãng đường 7 tỷ km. Vào năm 2014, Rosetta sẽ tới được Sao chổi và thả một robot xuống bề mặt của nó.

Hành trình

Tên lửa Ariane 5 mang theo Rosetta rời bệ phóng.

Ngau sau khi ở trong không gian, Rosetta sẽ bay theo quỹ đạo quanh Trái đất ba lần và một vòng quanh Sao Hoả trước khi khởi hành tới vùng ngoài của Thái dương hệ.

Rosetta được phóng bằng tên lửa Ariane-5. Tên lửa gồm các bộ phận tăng lực cho động cơ, phần lõi (động cơ giai đoạn I), và động cơ giai đoạn II được gắn với phi thuyền. Hai phút sau khi rời Trái đất, tên lửa Ariane-5 sẽ vứt bỏ bộ phận tăng lực, phần còn lại sẽ bay tới độ cao 4.000km.

Sau khoảng 10 phút, tên lửa bắt đầu rơi trở lại Trái đất. Khi điều này xảy ra, động cơ giai đoạn I tách ra và rơi trở lại khí quyển trong khi động cơ giai đoạn II và phi thuyền vẫn ở trong quỹ đạo, sử dụng trọng lực của Trái đất để tăng tốc độ, giúp Rosetta thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trái đất.

Sau khoảng 2 giờ nữa, động cơ giai đoạn II tách khỏi Rosetta, để phi thuyền bắt đầu chuyến hành trình của nó. Trong suốt hành trình mười năm, Rosetta sẽ quay vòng quanh Mặt trời bốn lần trước khi tới được Sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko với tốc độ lên tới 135.000km/g, nghiên cứu các vệt bụi và khí ở đằng sau.

Thả robot

Khối lượng của Rosetta là 3.000kg. Hơn một nửa trong số này là nhiên liệu, giúp nó hoàn tất chuyến đi dài quanh Thái dương hệ. Vào tháng 5 hoặc tháng 6/2014, Rosetta sẽ bắt đầu đi vào quỹ đạo quanh Sao chổi, tiến gần tới lõi của nó. Lúc đó, các camera của Rosetta sẽ vẽ bản đồ chi tiết nhân Sao chổi để giúp các nhà khoa học chọn một địa điểm hạ cánh phù hợp. Sau khi địa điểm hạ cánh đã được chọn, Rosetta sẽ thả robot Philae xuống bề mặt Sao chổi.
Robot Philae ở bên dưới và Rosetta ở bên trên.

Chậm chạp hạ cánh xuống Sao chổi với tốc độ chậm như đi bộ, Philae, nặng 100kg, có kích cỡ tương đương một chiếc máy giặt, sẽ bắn ra hai chiếc lao móc xuống 67P/Churyumov-Gerasimenko để tự neo cũng như ngăn nó thoát khỏi trọng lực yếu của Sao chổi.

Tại điểm gặp gỡ với Sao chổi, các mệnh lệnh từ Trái đất phải mất 50 phút mới tới được phi thuyền. Do đó, phi thuyền được thiết kế sao cho nó có thể "tự suy nghĩ". Rosetta sẽ phải chịu nhiệt độ thấp tới mức -150 độ C khi đi ra ngoài Sao Mộc. Sứ mạng này sẽ chấm dứt vào tháng 12/2015.

Kế hoạch phóng Rosetta vào tháng 1/2003 tới Sao chổi Wirtanen đã bị huỷ bỏ khi có những lo ngại về độ an toàn của tên lửa mang nó rời Trái đất. Các tên lửa Ariane-5 hiện nay phải nằm bắt động kể từ vụ nổ của tên lửa Ariane-5 ESCA hồi cuối năm 2002. GS David Southwood, giám đốc khoa học tại ESA cho biết: ''Chúng tôi tin rằng sao chổi là những khối kiến tạo nên Thái dương hệ. Vì vậy, phóng một phi thuyền để nghiên cứu chúng sẽ giúp con người biết được nguồn gốc hệ Mặt trời và Trái đất''.

Rosetta

Rosetta.

Rosetta là một chiếc hộp nhôm lớn có kích thước 2,8x2,1x2m. Các dụng cụ khoa học được gắn trên nóc hộp trong khi các hệ thống phụ trợ nằm ở đáy. Trên phi thuyền có 11 dụng cụ khoa học khác nhau, có chức năng chụp ảnh và phân tích các mẫu bụi từ một quỹ đạo quanh 67P/Churyumov-Gerasimenko. Một thiết bị sóng radio 3-D sẽ thăm dò cấu tạo vùng trung tâm của Sao chổi. Một bộ máy cảm biến plasma sẽ phân tích sự tương tác giữa Sao chổi với các hạt nhiễm điện của gió Mặt trời.

Một chiếc chảo thông tin với đường kính 2,3m - ăng-ten cực nhạy có thể xoay được - nằm ở một cạnh của phi thuyền. Cạnh còn lại là robot Philae. Hai ''cánh'' pin mặt trời khổng lồ giang rộng từ hai cạnh còn lại. Những chiếc cánh này có tổng chiều dài khoảng 32m. Mỗi cánh rộng 32m2 và gồm năm tấm pin. Cả hai có thể được xoay +/-180 độ để bắt được nhiều ánh sáng Mặt trời nhất. Khi tới gần Sao chổi, các dụng cụ khoa học luôn luôn hướng về Sao chổi trong khi ăng-ten và tấm pin mặt trời hướng về Trái đất và Mặt trời.

Trung tâm của Rosetta là hệ thống đẩy chính. Hai bình nhiên liệu lớn được gắn quanh một ống đẩy thẳng đứng. Bình phía trên chứa nhiên liệu và bình phía dưới chứa chất oxy hoá. Phi thuyền cũng mang 24 động cơ đẩy để kiểm soát quỹ đạo và độ cao. Mỗi động cơ đẩy phi thuyền với một lực 10N. Chi phí chế tạo Rosetta vào khoảng 1 tỷ euro. Hơn 50 công ty từ 14 quốc gia ở châu Âu và Mỹ đã tham gia vào việc chế tạo phi thuyền. Nhà thầu chính là Astrium Germany, nhà thầu phụ là Astrium UK, Astrium France và Alenia Spazio.

Minh Sơn (tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chín hành động ưu tiên để bảo vệ sao la (01/03/2004)
Trung Quốc: Mười biện pháp phòng chống đại dịch cúm gia cầm (27/02/2004)
Robot thế hệ tiếp theo sẽ cùng chung sống và trợ giúp con người (26/02/2004)
Bỏng ngô: Bí quyết và những câu chuyện lý thú (25/02/2004)
Thử nghiệm tiềm năng nguy hiểm của H5N1 đối với người (25/02/2004)
Sao la vẫn bí hiểm! (25/02/2004)
Nguy cơ nghiêm trọng của cây GM đối với sức khoẻ con người (24/02/2004)
Đôi điều về rùa tai đỏ - động vật xâm hại (24/02/2004)
Cúm gà lây lan cao xuất hiện ở Mỹ (24/02/2004)
Khám phá bí ẩn của nọc rắn (23/02/2004)
Cúm gia cầm đe dọa nỗ lực xóa đói nghèo ở châu Á (23/02/2004)
Tài nguyên biển, sinh cảnh ven biển Việt Nam bị đe dọa! (22/02/2004)
Nam Á với nỗi ám ảnh mang tên "H5N1" (17/02/2004)
Crittercam - camera dành cho thế giới sinh vật (12/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang