Bỏng ngô: Bí quyết và những câu chuyện lý thú
18:20' 25/02/2004 (GMT+7)

Bộp! Bộp! Bộp! Bỏng ngô (popcorn) là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhất là người Mỹ và người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng làm thế nào để có bỏng ngô "chất lượng cao"? Rất đơn giản: Hãy dùng bếp điện thay vì bếp vi sóng.

Bỏng ngô là món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Vừa ngon miệng lại vừa không làm nặng bụng, bỏng ngô trở thành món ăn nhẹ được ưa thích của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Bạn bè gặp nhau: bỏng ngô. Gia đình ngồi xem ti-vi: bỏng ngô. Đôi tình nhân dạo chơi: cũng bỏng ngô. Chính vì vậy, những người "nghiện" món bỏng ngô rất bực mình khi gặp phải những hạt "ngoan cố" không chịu nở hoặc nở không hết. Nếu tăng nhiệt độ lên cao, chúng chỉ cháy đen đi chứ "nhất quyết" không nở.

Bỏng ngô "chất lượng cao"

Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Mersin (Thổ Nhĩ Kỳ) do Ersan Karababa phụ trách, quyết định sẽ tìm ra lượng muối và bơ cần thiết để trộn vào ngô sống, sao cho khi rang chúng phải nở được đến mức tối đa. Họ lập ra các công thức khác nhau, sử dụng cho cả lò vi sóng lẫn máy làm bỏng ngô chạy bằng điện. Karababa cho biết: Đối với lò vi sóng, cứ 25g ngô lại cần có 1,5g muối, 2g dầu thực vật và 6g bơ để làm cho ngô nở to nhất và ít hạt lép nhất.

Giải pháp sử dụng bếp điện làm bỏng ngô tỏ ra có lợi hơn khi chỉ cần 1,1g muối và 4,2g bơ để tạo được hiệu quả tương tự. Nhằm làm cho bỏng ngô phồng to hơn, các nhà nghiên cứu còn cho thêm một chút xíu (khoảng 0,3g) natri bicarbonate, chất thường được sử dụng để làm nở bánh nướng hoặc bánh ngọt. Ngay cả khi sử dụng loại ngô chất lượng tốt nhất, hiệu quả của việc dùng lò vi sóng cũng kém 10% so với bếp điện. Theo Karababa, nguyên nhân gây nên sự khác biệt chính là lò vi sóng đun nóng hạt ngô quá nhanh. Chính vì vậy, mặc dù dầu nóng quanh hạt ngô khiến cho mỗi hạt ngô đều nổ bung, nó cũng làm cho phân tử tinh bột trong hạt ngô không thể duỗi đến mức tối đa được.

Kết quả nghiên cứu của Karababa đã đóng góp một phần vào lịch sử 50 năm phát triển của bỏng ngô. Để cho ra đời sản phẩm bỏng ngô ngon nhất, các nhà khoa học trước đây đã nghiên cứu nhằm tìm ra loại ngô tốt nhất, lượng nước và nhiệt độ bung thích hợp nhất. Độ bung của bỏng ngô cũng tỷ lệ thuận với lợi nhuận của nhà sản xuất: những người này mua ngô sống theo trọng lượng và bán sản phẩm bỏng ngô theo khối lượng. Còn đối với người tiêu dùng, bỏng ngô càng lớn đồng nghĩa với lượng ca-lô-ri đưa vào cơ thể càng ít, giúp cho cơ thể bớt béo phì và tránh được những bệnh về tim mạch, tiêu hóa.

Những câu chuyện lý thú về bỏng ngô

Không ai biết món bỏng ngô ra đời từ bao giờ, chỉ biết đây là món ăn rất phổ biến ở châu Mỹ, bởi vì ngô là cây lương thực quan trọng đối với châu lục này. Phấn hoa ngô cổ xưa nhất tìm thấy... cạnh thủ đô Mexico City của Mexico có niên đại những 80.000 năm. Khi đến Paraguay vào thế kỷ XVIII, nhà thám hiểm Felix de Azara đã viết những dòng đầu tiên mô tả về món bỏng ngô: "Được đun trong mỡ hoặc dầu, hạt ngô nở bung ra mà không hề vỡ vụn. Các cô gái thường đeo chuỗi hạt này trên tóc làm đồ trang điểm. Bản thân tôi thường xuyên thưởng thức món ăn ngon lành này."

Năm 1893, nhà khoa học Mỹ Charles Cretors tung ra loại máy làm bỏng ngô di động đầu tiên trên thế giới tại Triển lãm Thế giới, tổ chức ở Chicago, Mỹ. Tờ Scientific American viết: "Loại máy này được thiết kế dựa trên ý tưởng đưa máy đi bất kỳ nơi nào mà người bán hàng thấy dễ dàng kinh doanh. Vừa nhẹ vừa khỏe, cỗ máy nặng chừng 180-200kg này có thể được kéo tới điểm cắm trại, hội chợ, mít-tinh chính trị, v.v... và bán bỏng ngô chỉ trong 1-2 ngày". Đây cũng là thời kỳ Đại đình trệ (Great Depression) đối với nền kinh tế nước Mỹ nên mỗi túi bỏng ngô giá 5-10 xu là một trong số ít những món xa xỉ phẩm mà các gia đình bình dân có thể mua. Trong khi các ngành khác đều thất bại, ngành kinh doanh bỏng ngô vẫn phát đạt. Một chủ nhà băng ở Oklahoma phá sản đã phải bắt đầu lại từ đầu bằng cách bán bỏng ngô cạnh nhà hát. Vài năm sau, lợi nhuận mà bỏng ngô mang lại đã nhiều gấp 3 lần số tiền ông bị mất.

Sản xuất bỏng ngô đã trở thành ngành công nghiệp có 50 năm phát triển tại Mỹ.

Đến Thế chiến II, Percy Spencer thuộc Tập đoàn sản xuất Raytheon đã tìm ra cách sử dụng vi sóng để phục vụ mục đích đun nấu. Nhiệm vụ của ông này là chế tạo các ứng dụng cho thời kỳ hậu chiến, và ông đã tạo ra lò vi sóng. Kể từ đấy, lò vi sóng trở thành công cụ "xử lý" bỏng ngô cực kỳ hữu hiệu. Trong những năm 1990, doanh số bán lò vi sóng ở Mỹ lên tới 270 triệu đô la.

Những năm 1950, khi truyền hình ra đời, người đến rạp xem chiếu bóng giảm hẳn, khiến cho lượng bỏng ngô bán ra cũng sụt giảm. Khi công chúng bắt đầu trở lại với thói quen ăn bỏng ngô lúc xem truyền hình, món ăn hấp dẫn này lại lên ngôi. Mỗi năm, trung bình một người Mỹ ăn 67kg bỏng ngô.

Khánh Hà (Tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thử nghiệm tiềm năng nguy hiểm của H5N1 đối với người (25/02/2004)
Sao la vẫn bí hiểm! (25/02/2004)
Nguy cơ nghiêm trọng của cây GM đối với sức khoẻ con người (24/02/2004)
Đôi điều về rùa tai đỏ - động vật xâm hại (24/02/2004)
Cúm gà lây lan cao xuất hiện ở Mỹ (24/02/2004)
Khám phá bí ẩn của nọc rắn (23/02/2004)
Cúm gia cầm đe dọa nỗ lực xóa đói nghèo ở châu Á (23/02/2004)
Tài nguyên biển, sinh cảnh ven biển Việt Nam bị đe dọa! (22/02/2004)
Nam Á với nỗi ám ảnh mang tên "H5N1" (17/02/2004)
Crittercam - camera dành cho thế giới sinh vật (12/02/2004)
Từ gà Việt, gà Nhật, ngỗng Trung Quốc: virus có họ với nhau (12/02/2004)
"Làng thận" và những đường dây buôn lậu nội tạng (12/02/2004)
Cúm gà lây lan mạnh ở Lào và Mỹ (11/02/2004)
Chưa phát hiện virus cúm gia cầm ở lợn Việt Nam (07/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang