Phòng ngừa cúm gia cầm:
Thử nghiệm tiềm năng nguy hiểm của H5N1 đối với người
15:34' 25/02/2004 (GMT+7)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các nhà khoa học đang tiến hành một loạt thí nghiệm về virus cúm gia cầm ở châu Á để đánh giá mức độ nguy hiểm nếu nó thích nghi với con người. Họ sẽ "trộn" virus H5N1 lây lan cao với một dạng virus cúm người để tìm hiểu cách chúng trao đổi gien. Cuối cùng, họ sẽ thử nghiệm nhiều dạng virus kết hợp trên chồn sương và những động vật khác để xác định dạng nào là nguy hiểm nhất.

Chôn hàng nghìn bao tải gà tại tỉnh Saphan Buri, Thái Lan.

Ông Klaus Stohr, giám đốc phụ trách cúm tại WHO, cho biết: ''Điều chúng tôi muốn làm là giảm... sự ngạc nhiên. Mỗi sự ngạc nhiên đều phải trả giá bằng mạng người. Chúng ta vẫn còn thời gian để nghiên cứu bởi chưa có đại dịch toàn cầu. Tuy nhiên, thời gian đó không nhiều''.

Dịch cúm gia cầm hiện nay đã buộc các nước châu Á giết hơn 80 triệu con gà và gia cầm khác. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh là khá hiếm. Các chuyên gia nhất trí rằng chỉ còn vấn đề thời gian trước khi một đại dịch cúm chết người bùng phát. Họ nghi ngờ dịch cúm hiện nay là ứng cử viên hàng đầu có thể gây ra đại dịch đó.

Ông Stohr nói: ''H5N1 không phải là dạng virus mà con người có thể thoát khỏi. Nó trở lại, trở lại và các đợt dịch ngày càng lớn hơn''. Có 2 con đường để virus H5N1 lây lan cao ở châu Á hiện nay có thể trở thành mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với con người. Thứ nhất, virus có thể tự đột biến để dễ dàng lây nhiễm giữa người và người. Các chuyên gia đang theo dõi để dò những thay đổi lớn về gien. Tuy nhiên, cho tới nay điều đó vẫn chưa xảy ra.

Khả năng thứ hai, đáng sợ hơn nhiều. Virus H5N1 đột ngột thay đổi bằng cách kết hợp với một dạng cúm người trong cơ thể của một ai đó. Hai virus có thể trao đổi gien và tạo ra một virus lai cực mạnh. Virus lai này thừa hưởng khả năng giết người của H5N1 và tính lây lan cao của virus cúm người thông thường. Chỉ cần một người nhiễm đồng thời hai dạng này là đại dịch sẽ bắt đầu.

Dọn vệ sinh tại một chợ gia cầm ở Houston, Texas.

Các nghiên cứu trên khỉ, chỉ sử dụng cúm gà thuần chủng (H5N1) sẽ được tiến hành ở Rotterdam, Hà Lan. Kết quả sẽ được công bố vào cuối tháng 3. Địa điểm nghiên cứu cũng trên các loài động vật khác vẫn chưa được công bố. Các thí nghiệm tại Rotterdam sẽ tìm ra nhiều bí ẩn về cách virus hoạt động ở người chẳng hạn như thời kỷ ủ bệnh, thời gian bệnh nhân vẫn còn khả năng lây nhiễm, khi nào có thể dò thấy kháng thể, thời gian lên cơn và hạ sốt, cơ hội sống sót và liệu virus H5N1 có thể lây lan qua nước tiểu, phân hoặc nước bọt hay không. Thí nghiệm cũng giúp các quốc gia quyết định có nên đóng cửa các trường học và hạn chế đi lại hay không.

Ông Stohr cho biết: ''Chúng tôi không biết liệu H5N1 lây lan trong toàn bộ cơ thể hay chỉ ở trong phổi. Biết được điều đó sẽ giúp bác sĩ quyết định nên dùng loại nào trong số hai loại thuốc sẵn có để điều trị. Tamiflu xâm nhập vào nhiều tế bào trong khi Relenza thì không. Relenza chỉ xâm nhập vào phổi. Nếu virus H5N1 xâm nhập vào não, gan và các phần khác của cơ thể, Relenza sẽ vô tác dụng. Lúc đó, chúng ta chỉ có thể sử dụng Tamiflu. Không thể trả lời những câu hỏi này nếu không tiến hành thí nghiệm''.

Một phụ nữ bán gà bất hợp pháp tại một ngõ nhỏ ở Hà Nội.

Vào cuối tháng 3, các nhà khoa học sẽ tiến hành thí nghiệm để tìm hiểu cách virus H5N1 kết hợp với một dạng cúm người. Một số thí nghiệm sẽ liên quan tới việc trộn 2 dạng trong chai để xác định mức độ kết hợp và theo dõi gien thay đổi thường xuyên nhất. Mỗi virus chỉ có 8 gien nên các nhà khoa học có thể nghiên cứu được các dạng kết hợp (lai) của chúng. Từ đó, họ có thể phân biệt dạng lai nguy hiểm và dạng lai ôn hoà để có cách đối phó phù hợp khi một dạng lai xuất hiện.

Bước tiếp theo là tiêm dạng lai vào cơ thể động vật để xác định cách nó hoạt động. Chồn sương sẽ được sử dụng đầu tiên, và sau đó có thể là khỉ. Stohr cho biết: ''Chúng ta sẽ có đạn dược. Chúng ta không muốn tham chiến khi không có trinh sát và không biết kẻ thù là ai''.

Minh Sơn (Tổng hợp) 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sao la vẫn bí hiểm! (25/02/2004)
Nguy cơ nghiêm trọng của cây GM đối với sức khoẻ con người (24/02/2004)
Đôi điều về rùa tai đỏ - động vật xâm hại (24/02/2004)
Cúm gà lây lan cao xuất hiện ở Mỹ (24/02/2004)
Khám phá bí ẩn của nọc rắn (23/02/2004)
Cúm gia cầm đe dọa nỗ lực xóa đói nghèo ở châu Á (23/02/2004)
Tài nguyên biển, sinh cảnh ven biển Việt Nam bị đe dọa! (22/02/2004)
Nam Á với nỗi ám ảnh mang tên "H5N1" (17/02/2004)
Crittercam - camera dành cho thế giới sinh vật (12/02/2004)
Từ gà Việt, gà Nhật, ngỗng Trung Quốc: virus có họ với nhau (12/02/2004)
"Làng thận" và những đường dây buôn lậu nội tạng (12/02/2004)
Cúm gà lây lan mạnh ở Lào và Mỹ (11/02/2004)
Chưa phát hiện virus cúm gia cầm ở lợn Việt Nam (07/02/2004)
Trung Quốc thừa nhận: hệ thống kiểm soát bệnh dịch yếu kém! (05/02/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang