Crittercam - camera dành cho thế giới sinh vật
23:25' 12/02/2004 (GMT+7)

Trong số tất cả các loài thú còn sống trên Trái đất, cá voi xanh có tiếng gọi... mãnh liệt nhất. Mặc dù vẫn chưa thể giải thích một cách chính xác được cá voi xanh dùng tiếng gọi này vào mục đích gì, các nhà hải dương học tin rằng việc giải mã tiếng gọi sẽ góp phần rất lớn vào việc bảo tồn loài thú này.

Cá voi xanh, sinh vật khổng lồ của biển cả.

Nhịp điệu trầm bổng và tiếng nỉ non của cá voi xanh lớn tới mức có thể truyền xuyên qua đại dương. Tuy nhiên, tần số âm thanh lại rất thấp nên tai người không thể nghe được. Mặc dù cá voi xanh đang giữ kỷ lục thế giới về... tầm vóc to lớn, chúng chỉ còn tồn tại với một số lượng rất khiêm tốn. Hơn nữa, với bản tính hay lẩn tránh và không tuân theo đường di cư nhất định nào cả nên giới khoa học biết rất ít thông tin về loài thú khổng lồ ở đại dương này. Theo John Francis, nhà hải dương học của tap5 chi1 National Geographic tại Washington D.C., một trong những thách thức đối với việc tìm hiểu về tình trạng của cá voi xanh là nắm bắt được số lượng thực của chúng. Hiện nay, thu sóng từ xa và đo tần số bài hát của cá voi xanh là cách làm duy nhất có thể thực hiện. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra được chính xác con nào phát ra bài hát, mức độ thường xuyên và trong hoàn cảnh nào.

Giờ đây, với để nghiên cứu về cuộc sống của cá voi xanh, chương trình Crittercam của National Geographic đã được đưa vào sử dụng. Với sự hỗ trợ của Francis và chuyên gia cá voi John Calambokidis, lần đầu tiên trong lịch sử cá voi được gắn camera để thu cả âm thanh lẫn hình ảnh để phục vụ mục đích nghiên cứu. Và thước phim quý giá đầu tiên đã được thu tại vùng biển California (Mỹ) và Mexico, mang lại những thông tin hoàn toàn mới mẻ về thế giới loài thú khổng lồ yêu... văn nghệ này.

Crittercam là gì?

Rùa biển cũng được đeo Crittercam.

Kể từ lần thử nghiệm đầu tiên vào năm 1987, Crittercam đã thay đổi đáng kể cách các nhà khoa học nghiên cứu thế giới tự nhiên. Bạn có thể gọi nó là camera - máy quay phim - cũng không sai, nhưng Crittercam không chỉ đơn thuần là một chiếc máy quay phim. Crittercam vừa thu thập dữ liệu, vừa kết hợp mọi thông tin về âm thanh và hình ảnh với các số đo tiêu chuẩn như độ sâu, áp lực, nhiệt độ, thời gian... Nhóm Remote Imaging do Greg Marshall phụ trách đã thiết kế và triển khai loại camera đặc biệt này với mục đích gắn vào thân mình động vật nhằm ghi lại tất cả những gì mà con vật nhìn thấy trong môi trường tự nhiên của nó. Cho đến nay, Crittercam đã rong ruổi khắp mọi nơi trên thế giới với rất nhiều cư dân Trái đất như cá voi, cá mập hổ, rùa, chim cánh cụt, sư tử, v.v., ghi lại những hình ảnh mà trước đây có nằm mơ các nhà khoa học cũng không tưởng tượng nổi.

Nếu chỉ đơn thuần là một chiếc camera, chắc hẳn giới khoa học đã chẳng mặn mà gì với Crittercam, bởi vì hình ảnh thu được sẽ không nói lên được điều gì đáng kể. Tuy nhiên, khi hình ảnh được kết hợp xử lý với nhiều khía cạnh thông tin cần thiết khác, Crittercam lại trở thành dụng cụ nghiên cứu không thể thiếu cho các nhà sinh vật học. Và thực tế đã chứng minh thực tế này. Rất nhiều câu hỏi "Vì sao" mà giới khoa học đặt ra trước hành vi của động vật đã được giải thích nhờ Crittercam. Hơn nữa, mỗi chiếc máy lại có thể được điều chỉnh để thu thập dữ liệu theo nhu cầu của từng nhà khoa học.

Kể từ khi chiếc máy đầu tiên ra đời cho đến nay, hình dáng của Crittercam đã được thay đổi đáng kể. Chiếc bé nhất có đường kính 7,5cm và nặng xấp xỉ 1kg. Mỗi chiếc máy được thiết kế sao cho cân xứng với kích thước và hình dáng con vật cũng như phù hợp với môi trường tự nhiên. Thông thường, mỗi chiếc Crittercam chỉ nặng bằng 1% trọng lượng cơ thể con vật. Đối với đối tượng nghiên cứu là cư dân nước, máy phải được thiết kế theo nguyên tắc thuỷ động học để con vật không bị cản trở trong quá trình bơi.

Crittercam trên lưng cá voi xanh.

Sau một thời gian nhất định nằm trên mình con vật và chu du trong thế giới tự nhiên, Crittercam sẽ tự rơi ra ngoài. Khi đấy, nhà nghiên cứu sẽ xác định vị trí của nó bằng thiết bị định vị như siêu thanh, tần số cao VHF hoặc vệ tinh để thu hồi lại. Đối với trường hợp dùng VHF hoặc vệ tinh, ăng ten của camera phải vươn ra khỏi mặt nước và ổn định để gửi tín hiệu. Do vậy, kỹ sư thiết kế phải tính toán sao cho Crittercam được trang bị phao giữ cho ăng ten nổi lên trên mặt nước. Việc thu hồi camera cũng có nhiều chuyện đáng nói. Có người phải bay bằng máy bay trực thăng mất 7 giờ mới tới được chỗ chiếc Crittercam rơi. Có nhóm nghiên cứu phải lênh đênh 2 tuần trên biển Bắc cực mới đến được chỗ chiếc camera quý giá, nhưng tới nơi thì sóng đã đánh dạt đi mất, chỉ còn lại... 5 chú gấu trắng đứng nhìn trên mỏm băng trôi.

Nghiên cứu cá voi bằng Crittercam

Mời các bạn hãy trở lại với loài cá voi xanh hiền lành và vui tính. Cuối thế kỷ XIX, tổng số cá voi xanh (Balaenoptera musculus) trên toàn thế giới là 300.000, một con số đáng kể. Vậy mà với hoạt động săn cá voi của con người, đến năm 1966 - khi Ủy ban Săn cá voi Quốc tế ra lệnh cấm đánh bắt cá voi - con số này chỉ còn... vài nghìn. Cá voi xanh là loài vừa to lớn lại vừa nhanh nhẹn nên với tàu thuyền lạc hậu, con người không mấy khi đuổi kịp chúng. Chỉ đến khi sử dụng lao móc có gắn thuốc nổ và tàu gắn máy hiện đại, con người đã khiến cho cá voi xanh phải đứng bên bờ vực tuyệt chủng.

Trông từ xa, chiếc đuôi của cá voi xanh như một cánh buồm lớn.

Mỗi con cá voi xanh có thể dài tới 27m hoặc hơn, nặng 140 tấn và cho tới 120 thùng dầu (mỗi thùng khoảng 150 lít). Chính vì vậy, cá voi xanh trở thành đối tượng săn bắn của con người. Thậm chí, một ngành công nghiệp săn cá voi đã được hình thành vào những năm 1900. Đỉnh cao của phong trào săn cá voi là năm 1931, chỉ trong một mùa có tới 29.000 con cá voi xanh bị săn. Nhờ những nỗ lực bảo tồn của các tổ chức môi trường, ngày nay số lượng cá voi xanh đã khôi phục dần - tuy chậm - lên tới 10.000-12.000 con.

Bằng cách nghe tiếng hát của cá voi xanh, các nhà khoa học muốn theo dõi sự tăng trưởng dân số của cá voi từ xa. Họ biết rằng số lượng tiếng hát có thay đổi trong một quãng thời gian nhất định; tuy nhiên, không ai xác định được chính xác rằng đấy là do dân số cá voi biến đổi hay chỉ vì chúng kêu ít đi vào những mùa khác nhau. Nay nhờ có sự hỗ trợ của Crittercam, nhóm nghiên cứu của Calambokidis đã thu được tiếng hát của cá voi và tìm được câu trả lời về tập tính của loài thú khổng lồ này. Cứ sau 6 tiếng, Crittercam lại tách ra khỏi mình cá và nổi lên mặt nước, sau đó nhóm nghiên cứu dùng máy định vị radio để thu hồi lại.

Trước đây, các nhà hải dương học đã từng ghi lại được kiểu lặn "răng cưa" lạ lùng của cá voi mà không thể giải thích được lý do tại sao: chúng liên tục lặn sâu xuống rồi lại trồi lên nhiều lần, trước khi nhô hẳn lên mặt nước để lấy không khí. Với Crittercam, nhóm nghiên cứu của Calambokidis đã có lời giải đáp: khi trồi lên, cá voi lao thẳng vào nơi loài nhuyễn thể quần tụ đông đúc để lấy thức ăn. Không chỉ quay được cảnh cá voi săn mồi, Crittercam còn thu được hình ảnh các nếp gấp ở cổ cá dãn rộng ra khi cá mở to họng ra gấp vài lần bình thường. Thậm chí, các nhà khoa học còn biết cả kiểu lặn của cá voi xanh: chúng ngừng quẫy cái đuôi to bè, ép phổi tới mức tối thiểu để đẩy bớt không khí ra ngoài, sau đó trượt sâu vào lòng biển.

Tuy nhiên, đấy chưa phải là những khám phá thú vị nhất. Dữ liệu mà Crittercam thu thập được cho thấy rằng khi nuôi con, cá voi xanh không hề tạo nên những tiếng kêu dài như trước đây nhiều người vẫn tưởng. Trên thực tế, tiếng kêu dài chỉ có ở cá đực, có thể là để thông tin cho con đực khác về sự hiện diện của chúng hoặc để hấp dẫn con cái.

Cuộc sống đại dương thật tẻ nhạt nếu thiếu đi 'tiếng hát' du dương của cá voi xanh.

Hiện nay, mặc dù cá voi xanh không còn bị nạn săn bắt đe doạ nữa, vẫn còn một số mối nguy khiến cho cá voi xanh khó phục hồi như trước đây. Một trong số đó là âm thanh tần số thấp do công nghệ hiện đại tạo ra, chẳng hạn như tàu biển hoặc hệ thống định vị đáy biển của hải quân. Mặc dù tai người không nghe được những âm thanh này nhưng cá voi lại là loài nhạy cảm với tần số thấp, do vậy chúng có thể bị tổn thương thính giác hoặc không truyền được thông tin cho nhau.

Nếu muốn chỉ sử dụng những nghiên cứu về tiếng hát cá voi để xác định số lượng của chúng, các nhà nghiên cứu còn phải vượt qua nhiều khó khăn và thử thách nữa. Chẳng hạn, Calambokidis vẫn chưa hiểu được tại sao một số con lại kêu nhiều hơn những con khác. Nhưng dù sao thì kết quả mà Crittercam đưa lại cũng là những tín hiệu đáng mừng đối với công việc nghiên cứu loài thú khổng lồ của đại dương này.

Khánh Hà (Theo National Geographic)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Từ gà Việt, gà Nhật, ngỗng Trung Quốc: virus có họ với nhau (12/02/2004)
"Làng thận" và những đường dây buôn lậu nội tạng (12/02/2004)
Cúm gà lây lan mạnh ở Lào và Mỹ (11/02/2004)
Chưa phát hiện virus cúm gia cầm ở lợn Việt Nam (07/02/2004)
Trung Quốc thừa nhận: hệ thống kiểm soát bệnh dịch yếu kém! (05/02/2004)
Khi thế giới quay lưng với... con gà Thái Lan (04/02/2004)
Gần 4.000 ca ghép gan từ người cho còn sống (31/01/2004)
Cúm gà bắt nguồn từ Trung Quốc? (29/01/2004)
Pakistan và Bangladesh: lảng vảng bóng cúm gà (28/01/2004)
Thám hiểm đáy đại dương - khát vọng và thử thách (22/01/2004)
Cúm gà châu Á cũng sắp... bước vào năm Khỉ! (21/01/2004)
Trung Quốc: Cảnh giác và sẵn sàng ứng phó với bệnh cúm gà (20/01/2004)
WHO: Cúm gà ở VN lây lan chủ yếu qua phân chim, gà và thịt không nấu chín (18/01/2004)
Thêm những địa chỉ mới về... cúm gà! (16/01/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang