Trên bản đồ châu Á:
Thêm những địa chỉ mới về... cúm gà!
19:12' 16/01/2004 (GMT+7)
Trong khi virus cúm gà lây nhiễm cao đã và đang hoành hành ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, buộc chính phủ của các nước phải cho giết bỏ hàng triệu con và hạn chế vận chuyển gia cầm nhằm ngăn chặn bệnh dịch thì lại có tin xuất hiện một số gà bị nghi ngờ mắc bệnh ở Campuchia, Indonesia và Thái Lan. Đài Loan cũng vừa cho giết hàng chục nghìn con gà do nhiễm virus H5N1.

Thái Lan: 50 triệu hay 40 nghìn con, và tại sao?

Một nhà hàng bán đùi gà ở BangKok.

Hôm qua (15/1), ông Viroj Na Bangchang, Chủ tịch Hội Quyền người tiêu dùng của Thái Lan đã buộc tội chính phủ nước này che đậy thông tin về việc khoảng 50 triệu con gà ở Thái Lan đã chết do mắc một căn bệnh ở gà. Căn bệnh này có thể là cúm gà.

Trước đó, chính phủ Thái Lan lại cho biết nước này không bị ảnh hưởng bởi cúm gà, và 40.000 con gà đã chết là do bệnh tả và viêm phế quản, hoặc bị giết để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Đài Loan: Xuất hiện cúm gà H5N1

Dịch cúm thứ tư đã xuất hiện ở châu Á, lần này là ở Đài Loan. Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, gần 20.000 con gà tại một trang trại ở thị trấn Phương Uyển, huyện Chương Hoá, miền Trung Đài Loan đã bị giết vào hôm qua (15/1) sau khi một dạng yếu của virus cúm gà H5N1 được tìm thấy ở một số con. Các quan chức thuộc Cục Điều tra Sức khoẻ động thực vật thuộc Hội đồng cho biết dạng cúm gà trên được tìm thấy vào ngày 5/1. Nó ít gây bệnh hơn so với dạng virus H5N1 ở Việt Nam.

Các nhân viên nuôi gà ở Đài Loan.

Để phòng ngừa, gà tại 21 trang trại trong phạm vi bán kính 1km từ trang trại trên đã được kiểm tra kể từ ngày 7/1. Tuy nhiên, không một con nào bị nhiễm virus. Các cuộc kiểm tra tổng cộng 7.000 trại gà cũng đã được bắt đầu. Theo ông Trần Vi Kiên thuộc Cục Điều tra sức khoẻ động thực vật, tất cả gà trong phạm vi bán kính 3km sẽ được giám sát trong ít nhất 6 tháng. Năm ngoái, virus H7N7 và H5N1 dạng yếu đã được tìm thấy tại một số trại gà ở huyện IIan và Đài Nam. Hiện các trại bị ảnh hưởng vẫn đang được giám sát.

Các quan chức cho biết Đài Loan phải thận trọng bởi vùng lãnh thổ này là nơi trú đông của khoảng 30.000 con chim di cư từ Siberia. Trên đường tới Đài Loan, chúng bay qua Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, nơi có dịch cúm gà. Phân của chúng có thể dễ dàng làm lây truyền virus. Virus có thể sống tới 5 năm nếu được chôn trong đất. Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan cũng tăng cường kiểm tra thịt gà tại các khu chợ bởi đây cũng có thể là ổ lây lan virus. Một số trang trại đã giăng lưới cá để ngăn chặn sự xâm nhập của chim di cư vào trang trại. Các nhà chức trách cũng đang điều tra nguyên nhân của dịch bệnh. Một khả năng là virus có nguồn gốc từ gia cầm bị buôn lậu từ Trung Quốc đại lục.

Nhật Bản: chậm trễ trong kiểm dịch

Trước khi xảy ra dịch cúm gà mới đây tại trại gà Win-Win ở quận Yamaguchi, hồi tháng 9/2003 Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản đã gửi hướng dẫn về việc kiểm soát bệnh dịch tới các quận nhằm ngăn chặn sự bùng phát của cúm gà. Hướng dẫn yêu cầu chính quyền các quận giám sát các trang trại gia cầm bằng cách chọn ra một trại và, hàng tháng hoặc hai tháng một lần kiểm tra kháng thể của 10 con gà tại trại đó cũng như dấu hiệu của virus H5N1. Kết quả phải được thông báo cho Bộ.

Theo Cục Động vật của Yamaguchi, các nhà chức trách ở quận này phải mất một thời gian dài mới có được sự đồng ý từ một trại gà chọn làm địa điểm kiểm tra. Việc kiểm tra bắt đầu từ ngày 27/1 tới.

Nhân viên thú y đang tiến hành giết gà ở trang trại Win-Win.

Trong khi đó, kể từ hôm qua (15/1), Yamaguchi đã tẩy uế các phương tiện giao thông vào, ra các trại gà cũng như những phương tiện cách trại gà Win-Win trong bán kính 30km. Shimane, quận lân cận Yamaguchi, thông báo không có con gà nào bị nghi ngờ nhiễm H5N1 sau khi kiểm tra các trang trại. Hiện vẫn chưa có thông tin về sự lây nhiễm của H5N1 ở các trại gà khác tại Nhật Bản.

Bộ Môi trường và Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu cách điều tra nguồn gốc của cúm gà, đặc biệt là kiểm tra khả năng truyền virus H5N1 từ chim di . Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Môi trường Shigeru Sumitani cho biết Bộ này sẽ hợp tác với Hàn Quốc để xác định loại chim, số lượng, nơi xuất phát ở Hàn Quốc và nơi chúng di cư tới ở Nhật Bản. 

Có 11 loại chim di cư từ Nhật Bản sang Hàn Quốc song vẫn chưa xác định bao nhiêu loài chim di cư từ Hàn Quốc sang Nhật Bản. Có khoảng 280 loài chim hoang dã sống ở cả hai nước. Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ thu thập thông tin từ các chuyên gia trong lĩnh vực chim di cư và nghiên cứu lộ trình của chúng bằng cách gắn băng vào chân chim.

Hàn Quốc: cúm gà tái phát!

Dịch cúm gà lây lan nhanh dường như đã được kiểm soát tại Hàn Quốc sau khi ảnh hưởng tới 15 khu vực tại nước này, buộc các nhà chức trách phải giết bỏ 1,8 triệu con. Vào ngày 14/12, Hàn Quốc đã thiết lập một vùng cách ly quanh một trang trại cách thủ đô Seoul 380km ở phía Đông Nam, sau khi virus cúm gà đã lan tới đây và làm chết hơn 9.000 con gà. Việc giết bỏ 18.000 con khác ở đây đã được hoàn tất. Bộ Nông nghiệp cũng đang xem xét lệnh cho giết tất cả gia cầm (gần 900.000 con) của khoảng 30 trang trại, trong bán kính 3km từ trang trại trên.

Một số nhân viên y tế ở Umsong, Hàn Quốc đang chôn sống vịt tại một trang trại bị ảnh hưởng bởi cúm gà.

Đây là đợt dịch đầu tiên được khẳng định trong vòng 13 ngày qua. Hôm thứ bảy tuần trước (10/1), các nhà chức trách đã điều tra sau khi một nông dân ở Yangsan thông báo gà ở trang trại chết vì những nguyên nhân không rõ ràng. Xét nghiệm gà chết cho kết quả dương tính đối với virus cúm gà H5N1. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu H5N1 lây từ gia cầm sang người ở Hàn Quốc. Không một ai trong số 1.500 công nhân tiếp xúc với gà tại các trang trại bị ảnh hưởng có triệu chứng cúm. Hàng trăm mẫu máu người đã được lấy để xét nghiệm.

Đợt dịch này đã làm cho lượng gà tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh. Gà xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản, Trung Quốc đã bị đình chỉ.

Các nước còn lại: tăng cường kiểm dịch

Hôm nay (16/1), Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết không có cúm gà hoặc virus cúm gà tại nước này. Kết luận trên dựa vào khảo sát của Viện Nghiên cứu Y tế. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết vẫn sẽ thận trọng và phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm theo dõi chặt chẽ tình hình. Bộ đã cử cố vấn tới Cục Thú y để phối hợp hướng dẫn nông dân phòng ngừa và ngăn chặn trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Cục Thú y Malaysia đang giám sát tình hình sức khoẻ của gia cầm tại các trang trại, thông báo các trang trại có tỉ lệ gia cầm tử vong cao, gửi mẫu máu của gia cầm thường xuyên tới các phòng thí nghiệm trong khu vực để kiểm soát bệnh dịch. Cục Thú y cũng cũng đang phối hợp với Cục Động vật hoang dã để thu thập mẫu từ các động vật hoang dã bị bắt tại các khu bảo tồn.

Trong khi vẫn còn cảnh giác cao độ với hội chứng viêm phổi cấp SARS, các quan chức kiểm dịch và y tế Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực phòng chống bệnh cúm gà. Bộ Nông nghiệp của nước này đã tuyên bố cấm nhập khẩu gia cầm gián tiếp hoặc trực tiếp cùng với hàng hoá liên quan từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Cơ quan kiểm dịch của Trung Quốc cũng yêu cầu các chi nhánh tăng cường kiểm dịch đối với người từ các quốc gia có dịch cúm gà.

Cục Công nghiệp Động vật của Philippines tuyên bố ngành gia cầm nước này không bị ảnh hưởng bởi cúm gà và đang thực hiện mọi biện pháp ngăn chặn bệnh dịch. Ngay từ đầu tháng 12, Cục đã cấm nhập khẩu gia cầm sống từ Hàn Quốc và đề nghị cấm nhập gia cầm từ các quốc gia đang có dịch, như Nhật Bản và Việt Nam, để bảo vệ 136 triệu con gà tại nước này.

Indonesia là nước mới nhất đã cấm nhập các gia cầm từ các nước ở châu Á đang bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gà. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu lệnh cấm này có được áp dụng cho lãnh thổ Đài Loan hay không. Campuchia cũng tạm thời cấm nhập khẩu gia cầm từ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cúm gà.

Minh Sơn (Tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bệnh dịch gà ở Thái Lan, đâu là sự thật? (16/01/2004)
H5N1 + H9N2 = H5N1 ở người (14/01/2004)
Cúm gà xuất hiện ở... miền Nam Nhật Bản! (14/01/2004)
Thể chế hóa việc phòng chống cúm gà (14/01/2004)
Dịch cúm gà ở Hàn Quốc: Đến hẹn lại “lên”? (09/01/2004)
Thực phẩm biến đổi gene - nên hay không? (02/01/2004)
10 sự kiện CNTT và viễn thông VN 2003 (31/12/2003)
10 sự kiện khoa học tiêu biểu 2003 (31/12/2003)
Bí ẩn của những vòng tròn lạ trên các cánh đồng (30/12/2003)
Anh em nhà Wright và lịch sử hàng không thế giới (15/12/2003)
Bệnh tim và đột quỵ - Hai sát thủ đồng hành (11/12/2003)
Hãy nói không với doping! (04/12/2003)
Đại kiện tướng Kasparov - con người và sự nghiệp (20/11/2003)
Trung Quốc đi vào lịch sử chinh phục vũ trụ (22/10/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang