Anh em nhà Wright và lịch sử hàng không thế giới
15:01' 15/12/2003 (GMT+7)

Từ xa xưa, con người đã mơ ước bay được như chim và khát vọng này luôn ám ảnh họ. Cuối cùng, đầu thế kỷ 20, anh em nhà Wright đã biến mơ ước này thành hiện thực, rời mặt đất trên những cỗ máy nặng hơn không khí.

Wilbur Wright và Orville.

Wilbur Wright (1867-1912) và Orville Wright (1871 - 1948) là con của giám mục Milton Wright. Họ được sinh ra tại một nông trường nhỏ gần Millville, bang Indiana, Mỹ. Con đường sự nghiệp và giáo dục của hai anh em này giống nhau tới mức mặc dù Orville sống lâu hơn Wilbur 36 năm song họ luôn được đề cập tới cùng nhau. Cả hai đều học tới bậc trung học song không lấy được bằng tốt nghiệp. Nguyên nhân là do Wilbur bỏ lỡ lễ phát bằng do gia đình chuyển nơi ở và Orville nghiên cứu các môn học đặc biệt chứ không phải giáo trình bình thường ở năm trung học thứ hai.

Từ xe đạp tới... tàu lượn

Sau khi rời trường trung học, Orville xây dựng và điều hành một xưởng in. Hai anh em xuất bản một tờ tuần báo và Wilbur làm biên tập. Orville đã từng là nhà vô địch đua xe đạp. Năm 1892, họ mở một cửa hàng bán và cho thuê xe. Không lâu sau, chính họ bắt đầu chế tạo loại phương tiện này và mở Công ty Wright Cycle tại Dayton, Ohio. Vào năm 1896, anh em nhà Wright quan tâm tới bay. Ở thời điểm đó, bay có nghĩa là lượn. Họ đọc mọi thứ có thể tìm thấy về đề tài này. Với những kiến thức mới, hai anh em đã chế tạo và thử nghiệm chiếc tàu lượn đầu tiên của họ gần Kitty Hawk, bắc Carolina, vào năm 1900, và thử nghiệm chiếc thứ hai vào năm 1901. Sở dĩ họ chọn làng chài này bởi gió đều tại đây sẽ giúp họ bay lên không trung và bãi biễn nhiều cát sẽ làm đệm cho những lần hạ cánh.

Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người đã tìm đủ mọi cách để trở thành cá nhân đầu tiên có thể bay lên không trung. Phần lớn các nhà phát minh thời đó thường hấp tấp và không được giáo dục. Họ thường chế tạo máy bay trong một ngày và cố bay trên đó ngay ngày hôm sau. Phần thưởng đối với họ là thảm hoạ hoặc con số không. Trái lại, anh em nhà Wright làm việc có tính khoa học và tính phương pháp khi tiếp cận với kiến thức mới này. Với tư cách là thợ chế tạo xe đạp, hai anh em tin vào việc thử nghiệm các ý tưởng một cách kỹ lưỡng. Để đánh giá tiến bộ đạt được, họ làm một chiếc ống gió - ống đầu tiên được chế tạo nhằm kiểm tra một mẫu cánh máy bay.

Chiếc Wright Flyer vào ngày 17/12/1903.

Trong những năm trước khi tiến hành chuyến bay đầu tiên, anh em nhà Wright đã tiến hành thành công gần 1.000 chuyến bay bằng tàu lượn trước khi cảm thấy sẵn sàng chế tạo một chiếc máy bay có động cơ. Do các nhà sản xuất ôtô lúc đó không thể cung cấp động cơ đủ nhẹ và mạnh nên hai anh em quyết định tự chế tạo động cơ máy bay. Điều quan trọng khác là sau 4 năm, Orville và Wilbur Wright cuối cùng cũng đã sẵn sàng thử nghiệm chiếc máy bay có động cơ đầu tiên mang tên Wright Flyer. Nhiều đặc điểm của máy bay mà hai anh em thiết kế vẫn được sử dụng trong nhiều loại máy bay ngày nay. Vào buổi sáng ngày 17/12/1903, họ đứng trên bãi biển ở Kitty Hawk, bắc Carolina và tung đồng xu để quyết định ai trong số hai anh em là người đầu tiên thử nghiệm chiếc máy bay này. Số phận đã lựa chọn Orville.

Khai sinh ngành hàng không thế giới

Wright Flyer:
Sải cánh: 12,3m
Chiều dài: 6,4m
Chiều cao: 2,7m
Trọng lượng: 274kg
Tốc độ tối đa:16 km/h
1 động cơ xăng 12 mã lực, 4 xy lanh
1 người lái, 2 tầng cánh.

Chuyến bay đầu tiên này chỉ kéo dài 12 giây với quãng đường 37m song là chuyến bay có người lái, sử dụng động cơ đầu tiên trên thế giới. Trong ngày hôm đó, hai anh em thay phiên nhau điều khiển máy bay và họ đã thực hiện nhiều chuyến bay thành công. Chuyến bay dài nhất là 59s với quãng đường bay 260m. Tuy nhiên, anh em nhà Wright có lẽ không biết phát minh của họ sẽ làm thay đổi thế giới nhiều như thế nào. Kỷ nguyên hàng không đã bắt đầu.

Sự thật là anh em nhà Wright đã giấu kín phát minh của họ, lui về cửa hàng xe đạp ở Dayton, không thích làm cho mọi người chú ý tới kỳ tích mang tính lịch sử mà họ đã đạt được. Do lo ngại phát minh có thể bị người khác đánh cắp nếu họ chứng kiến chuyến bay thử đầu tiên, hai anh em nghĩ tới việc xin cấp bằng sáng chế cho Wright Flyer. Trong 5 năm tiếp theo, anh em nhà Wright hiếm khi bay và nếu có những chuyến bay đó chỉ dành cho chính họ chứ không phải tại các cuộc trình diễn trước công chúng.

Trong khi Orville và Wilbur tự cô lập bản thân thì các phi công khác bắt đầu say mê với bầu trời và thành tích của họ được báo chí đưa tin rộng rãi. Alberto Santos-Dumont người Brazil xuất hiện trên các trang đầu của nhiều tờ báo châu Âu với chuyến bay ngắn ngủi vào năm 1906 tại Pháp. Vào ngày 4/7/1908, Glenn Curtiss người Mỹ giành cúp bạc James Gordon Bennett tại Reims với tư cách là người bay nhanh nhất và sự hoan nghênh của công chúng Mỹ khi bay được 1km trên chiếc máy bay June Bug. Sự ca ngợi mà công chúng và báo chí dành cho những phi công này như một chiếc gai nhọn đâm vào sườn anh em nhà Wright, người đã bay xa hơn và cao hơn nhiều so với tất cả các phi công nói trên.

Hoài nghi và thán phục

Ngay khi được cấp bằng sáng chế, anh em nhà Wright cảm thấy yên tâm để chứng minh với thế giới rằng họ là những người mở đường thực sự của ngành hàng không. Nơi họ chọn là Pháp. Tại đây, họ làm cho giới hàng không châu Âu sửng sốt.

Vào thời điểm đó, nhiều người châu Âu tỏ ra hoài nghi về các bản thông báo liên quan tới khả năng bay của anh em nhà Wright. Họ muốn tận mắt chứng kiến hai công dân Mỹ này bay lên bầu trời. Wilbur đi thuyền tới Pháp cùng với phiên bản tháo rời của một trong những chiếc máy bay của họ.

Bức điện hai anh em gửi cho cha thông báo về chuyến bay thành công.

Vào ngày 8/8/1908, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên và các quan chức Pháp tại Le Mans, Wilbur Wright đã trèo lên chiếc máy bay của mình và cất cánh. Người Pháp lúc đó chỉ quen nhìn những chuyến bay kéo dài vài giây ngắn ngủi. Anh em nhà Wright có thể ở trên không trong nhiều phút, thậm chí là hàng giờ. Trong một cuộc trình diễn kỹ thuật bay phi thường cùng ngày, Wilbur Wright đã bay vòng tròn trong hơn 2,5 giờ. Công nghệ của hai anh em vượt xa so với tất cả những người khác. Họ rời nước Pháp với những lời ngợi ca là chủ nhân của ngành hàng không. Ngay sau đó, họ ký hợp đồng với Chính phủ Mỹ để chế tạo chiếc máy bay quân sự đầu tiên. Thành công của họ đã thúc đẩy ngành hàng không.

Trong những năm sau đó, hai anh em chính thức thành lập công ty chế tạo máy bay Wright Company. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào việc cải tiến mô hình máy bay hai tầng cánh ban đầu, họ liên tiếp tiến hành đâm đơn kiện các công ty chế tạo máy bay khác chẳng hạn như Glenn Curtiss. Anh em nhà Wright khẳng định những nhà sản xuất đó vi phạm bằng sáng chế mà họ sở hữu. Việc kiện tụng kéo dài nhiều năm. Cuối cùng, vụ kiện được quyết định vào năm 1914. Mặc dù toà án ra phán quyết có lợi cho hai anh em song chiến thắng của họ thực sự là chiến thắng trống rỗng.

Wilbur qua đời do sốt thương hàn vào năm 1912. Orville bán cổ phiếu của mình trong Công ty Wright 3 năm sau đó và tiếp tục nghiên cứu hàng không học trong phòng thí nghiệm riêng. Năm 1929, huân chương Guggenheim đầu tiên được trao cho Orville do những đóng góp của hai anh em cho ngành hàng không. Orville qua đời vào năm 1948. Orville Wright nói: ''Chúng tôi may mắn khi lớn lên trong một môi trường luôn luôn có nhiều sự khuyến khích để trẻ em theo đuổi những điều thích thú về tri thức, khám phá mọi thứ khơi dậy sự tò mò''.

Vượt biển

Máy bay của Louis (trên) và Spirit of St Louis.

Sau khi theo dõi chuyến bay của anh em nhà Wright ở Le Mans, Louis Bleriot người Pháp đã chế tạo chiếc máy bay một lớp cánh. Chiếc máy bay này đã trở thành hình mẫu cho những thiết kế tương lai. Khoảng cách giữa các quốc gia trên thế giới đã ngắn lại vào ngày 25/7/1909 khi Louis hạ cánh xuống một sân gôn gần Dover, Anh, trở thành người đầu tiên bay qua Eo biển Anh trong một chiếc máy bay. 2 thập kỷ sau đó, Charles Lindbergh đưa ngành hàng không thế giới tới những độ cao mới bằng cách bay một mình không ngừng nghỉ qua Đại Tây Dương, từ New York tới Paris. Chiếc máy bay mang tên Spirit of St Louis đã hoàn tất chuyến đi trong chưa đầy 34 giờ.

Bình đẳng giới

Amy Johnson trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới bay từ Anh tới Australia vào năm 1930 trong chiếc máy bay Gypsy Moth. Chuyến bay kéo dài 19 ngày. 2 năm sau, Amelia Earhart người Mỹ trở thành người phụ nữ đầu tiên bay qua Đại Tây Dương. Johnson qua đời trong một vụ tại nạn máy bay vào năm 1941. Earhart không bao giờ được tìm thấy sau khi máy bay của bà biến mất vào năm 1937.

Máy bay và chiến tranh

Cuối Đại chiến thế giới lần thứ nhất, Orville Wright tiết lộ với một người bạn: ''Máy bay đã làm cho chiến tranh kinh khủng tới mức tôi không tin là có bất kỳ quốc gia nào lại muốn khiêu chiến''. Tuy nhiên, hơn 20 năm sau, Anh và Đức tiến hành chiến tranh, đánh dấu bước ngoặt trong Đại chiến thế giới lần thứ hai cũng như việc sử dụng máy bay làm công cụ giết người. Chỉ tính riêng trong mùa hè và mùa thu năm 1940, 2.000 máy bay đã bị phá huỷ.

Trực thăng

Chiếc trực thăng VS-300.

Igor Sikorsky rời Kiev vào năm 1919 tới ''miền đất hứa''. Trong vòng 20 năm, ông đã chế tạo và lái chiếc trực thăng một cánh quạt thành công đầu tiên trên thế giới. Ông tiếp tục đặt ra những tiêu chuẩn mới về tốc độ, độ cao và sức bền. Vị trí của ông trong lịch sử hàng không được bảo đảm khi chiếc trực thăng VS-300 bay liệng vài giây trên bầu trời Connecticut, Mỹ, vào năm 1939. VS-300 đã giúp công ty của ông có được danh tiếng về sản xuất trực thăng hàng loạt.

Máy bay dân dụng

Chiếc Boeing 707 đầu tiên.

Ngành hàng không thế giới mắc nợ Frank Whittle, người chế tạo ra động cơ phản lực. Loại động cơ này đã làm thay đổi ngành hàng không, giúp công chúng có thể đi lại bằng may bay. Những chiếc máy bay dân dụng cỡ lớn, tốc độ nhanh và hiệu quả, có thể chở hàng trăm hành khách và hàng hoá cồng kềnh, đã tạo ra một ngành mới. Dẫn đầu các loại máy bay chở khách là Boeing 707. Chiếc Boeing 707 nguyên mẫu đầu tiên, kiểu 367-80, cất cánh vào ngày 15/7/ 1954 từ Renton Field, Seattle, tới Baltimore trong thời gian 3 giờ 48 phút với vận tốc 989 km/h.

Vào năm 1957, Boeing 707 trở thành máy bay phản lực đầu tiên cung cấp dịch vụ chở khách thường xuyên. Boeing 707 nhanh chóng chở thành thần tượng xuyên Đại Tây Dương. Lớn hơn, nhanh hơn và êm hơn nhiều so với máy bay cánh quạt mà nó đang thay thế, Boeing 707 nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt của ngành vận tải quốc tế. Hơn 1.000 chiếc máy bay loại này thuộc nhiều kiểu đã được bán trên thế giới, bao gồm một phiên bản liên tục chuyên chở các tổng thống Mỹ cho tới năm 1990. Dây chuyền sản xuất Boeing 707 bị đóng cửa vào tháng 5/1991.

Tiếp theo thành công của 707, hãng Boeing đã phát triển một dòng máy bay phản lực thương mại. Mỗi kiểu Boeing được thiết kế sao cho phù hợp với yêu cầu của các lộ trình cụ thể. Tính cho tới nay, có hơn 14.000 chiếc Boeing các loại đã được sản xuất và Boeing chiếm gần 30% tổng số máy bay phản lực thương mại trên thế giới.

Phản lực lên thẳng

Harrier (trên) và B-2.

Khả năng cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng của máy bay phản lực là một bước đột phá lớn trong ngành hàng không. Được chế tạo lần đầu tiên vào những năm 1950, máy bay phản lực lên thẳng Harrier cất cánh vào năm 1966 và phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh 3 năm sau đó. Tính linh hoạt và khả năng cất cánh từ các hàng không mẫu hạm đã làm cho loại máy bay này trở thành vũ khí then chốt trong cuộc chiến tranh Falklands giữa Anh và Tây Ban Nha vào năm 1982. 10 năm sau, Không lực Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay ném bom B-2 Stealth. Nó có thể xâm nhậm vào các tuyến phòng không phức tạp ở nhiều độ cao.

Máy bay siêu âm

Concord.

Máy bay siêu âm thương mại Concord ra đời nhằm đáp ứng mong muốn đi lại nhanh hơn của con người. Vào năm 1956, Anh và Pháp bắt đầu chế tạo loại máy bay có thể đi với tốc độ gấp 2 lần tốc độ âm thanh. Chiếc Concord đầu tiên cất cánh từ Toulouse, Pháp, vào năm 1969. Nó ở trong không trung 27 phút, đạt tới độ cao 3.000m song chỉ bay với tốc độ dưới 480 km/h.

Với cánh hình tam giác nhằm giúp nó bay với tốc độ siêu âm cũng như một động cơ sử dụng thùng nhiên liệu phụ để cung cấp lực đẩy cần thiết, Concord là một kỳ công của ngành cơ khí. Concord mất 3,5 giờ bay từ châu Âu tới Mỹ, chưa bằng một nửa thời gian bay bình thường của Boeing 747. Tốc độ của nó là 2.160 km/h và độ cao là 18.288km, gấp 2 lần độ cao của các máy bay phản lực khác.

Tuy nhiên, vào Hãng British Airways của Anh và Air France của Pháp đã ra tuyên bố chung vào tháng 4/2003 về chấm dứt sự hoạt động của Concord do loại máy bay này không còn mang lại lợi nhuận. Chuyến bay cuối cùng của Concord Pháp diễn ra vào tháng 5 vừa qua. Chuyến bay cuối cùng xuyên Đại Tây dương diễn ra vào ngày 24/10/2003, hạ cánh xuống phi trường Healthrow của Anh.

(Minh Sơn - Tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bệnh tim và đột quỵ - Hai sát thủ đồng hành (11/12/2003)
Hãy nói không với doping! (04/12/2003)
Đại kiện tướng Kasparov - con người và sự nghiệp (20/11/2003)
Trung Quốc đi vào lịch sử chinh phục vũ trụ (22/10/2003)
Nobel 2003 - một tuần nhìn lại (12/10/2003)
Nobel Y học 2003 (07/10/2003)
Chuột nhân bản đầu tiên chào đời (26/09/2003)
Nhân bản thành công con ngựa đầu tiên trên thế giới (07/08/2003)
Ladan và Laleh Bijani - con người và số phận (10/07/2003)
Chinh phục Hoả tinh - dự án và tham vọng (09/07/2003)
Hội chứng viêm phổi cấp - SARS (07/04/2003)
Sao chổi - tảng băng trôi của vũ trụ (20/02/2003)
Tàu con thoi Columbia - nhiệm vụ và thảm kịch (18/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (10/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang