|
Thần Châu 5 rời bệ phóng. |
Mơ ước đưa người vào không gian của Trung Quốc từ thời nhà Minh tới nay đã trở thành hiện thực vào ngày 15/10/2003 khi tên lửa Trường Chinh 2F rời Trung tâm phóng Cửu Toàn tại sa mạc Gobi, mang theo phi thuyền Thần Châu 5 cùng với nhà du hành duy nhất Dương Lợi Vỹ, 38 tuổi. Với sự kiện này, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới đưa người vào quỹ đạo trái đất sau Liên Xô và Mỹ.
Thần Châu 5 được tên lửa Trường Chinh 2F đưa vào không gian. Tên lửa này đã được sử dụng trong nhiều năm qua để đưa các vệ tinh do Trung Quốc chế tạo vào quỹ đạo trái đất. Trường Chinh 2F, cao 19 tầng, là tên lửa 2 giai đoạn được trang bị 4 động cơ đẩy bằng nhiên liệu lỏng.
Thần Châu 5 quay theo quỹ đạo quanh trái đất 14 lần và hạ cánh khoảng 21 giờ sau đó xuống vùng đồng cỏ cách thủ phủ Hồi Hột của Nội Mông khoảng 100km. Khoảng 15 phút sau, Trung tá không quân Dương Lợi Vỹ đã thực hiện được điều đã nói trước lúc bước lên phi thuyền: ''Tôi sẽ không làm cho tổ quốc thất vọng. Tôi sẽ tập trung hoàn toàn cho mỗi động tác và sẽ mang lại niềm vinh dự cho Quân đội giải phóng nhân dânTrung quốc và cho đất nước Trung Quốc''.
Sự kiện này đánh dấu giây phút đăng quang của chương trình vũ trụ do cố Chủ tịch Mao Trạch Đông khởi xướng vào năm 1959. Chương trình đó đã bị tụt hậu trong ''cuộc chạy đua vũ trụ'' chiến tranh lạnh với việc Mỹ đưa người lên mặt trăng vào năm 1969. Một năm sau, Trung Quốc đã phóng vệ tinh đầu tiên bằng tên lửa Trường Chinh. Vệ tinh này quay theo quỹ đạo quanh trái đất và phát hát ca ngợi cách mạng văn hoá ''Đông phương hồng''.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và người tiền nhiệm của ông, Giang Trạch Dân, đã mang lại sức sống mới cho chương trình đưa người vào không giao vào năm 1992 nhằm hiện thực hoá giấc mơ có từ thời nhà Minh. Chương trình Thần Châu là bước đi đầu tiên hướng tới việc xây dựng một trạm vũ trụ của nước này. Trung Quốc hy vọng phóng phi thuyền không người lái tới mặt trăng trước năm 2008.
Thần châu 5
Đây là con tàu được thiết kế dựa trên phi thuyền Soyuz của Nga song có cải tiến. Thần Châu có nghĩa là con tàu linh thiêng, có sức chứa 3 người. Nó dài 8,65m, nặng 7,8 tấn và có đường kính 2,5m. Khi ở trong quỹ đạo, tàu sẽ được cấp điện bởi 2 tấm pin mặt trời.
Thần Châu 5 có dạng hình ống, gồm 3 module: Module quỹ đạo ở phía trước, module trở về trái đất và module đẩy ở đằng sau. Module quỹ đạo có một cửa sập nơi nhà du hành có thể bước ra và thực hiện chuyến đi bộ ra ngoài không gian nếu cần. Module này sẽ bị bỏ lại trong không gian, song sẽ không phải là rác vũ trụ. Nó sẽ ở lại đó có lẽ với vai trò là module đầu tiên của trạm vũ trụ. Hệ thống điện và kiểm soát sẽ cho phép giới khoa học nước này sử dụng module quỹ đạo để nghiên cứu trong thời gian 6 tháng sau khi sứ mạng chấm dứt.
Tàu vũ trụ do Công ty Khoa học và Công nghệ không gian Trung Quốc chế tạo. Theo các nguồn tin, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân là người đặt tên cho Thần Châu 5. Thần Châu 1 được phóng vào ngày 19/11/1999 và quay quanh quỹ đạo trái đất 14 lần trước khi hạ cánh bằng dù. Ba tàu Thần Châu tiếp theo đã được phóng, mở đường cho sự kiện phóng Thần Châu 5. Trung Quốc dự định phóng phi thuyền có người lái từ những năm 1960 song do thiếu công nghệ và nguồn lực nên đã tập trung vào việc hoàn thiện khả năng phóng vệ tinh.
Dương Lợi Vĩ
|
Dương Lợi Vĩ trên quỹ đạo. |
Tháng 1/1998, Trung tá Dương Lợi Vỹ, cùng 13 phi công khác, đã vượt qua 1.500 phi công trong cả nước, được chọn tham gia khoá huấn luyện phi hành đoàn đầu tiên cho dự án chinh phục không gian của Trung Quốc. Nhờ kết quả học tập xuất sắc, cuối năm đó, anh tiếp tục vượt lên 13 ứng cử viên khác. Một năm sau, nhờ có tinh thần "thép" trong các cuộc sát hạch tâm lý, anh vượt qua Địch Chí Cương và Nhiếp Hải Thắng, 2 phi công ưu tú nhất Trung Quốc, được chọn làm người lái Thần Châu 5.
Dương đã có 20 năm tại ngũ. Anh nhập ngũ năm 18 tuổi, và tốt nghiệp Học viện Không quân của PLA. Anh là một người có một lý lịch hoàn hảo. Mẹ là cô giáo, bố là quan chức một công ty chế biến nông phẩm. Theo lời chị gái Dương, hồi bé, anh là một đứa trẻ rất hiếu động, rất thích bơi lội và trượt băng. Hồi đi học, Dương chỉ thuộc loại học sinh khá nhưng lại rất giỏi các môn khoa học tự nhiên.
Dương đã trải qua 1.350 giờ bay và được đồng đội coi là một người "tận tuỵ phi thường". Anh được tuyển chọn vào phi hành đoàn đầu tiên của Trung Quốc và tham gia chương trình huấn luyện phi hành gia năm 1998, với thu nhập 10.000 NDT/tháng (1.200 USD). Sau đó, anh lấy vợ, một sĩ quan quân đội. Hai người hiện có một cậu con trai 8 tuổi.
Phản ứng của thế giới
Việc phóng tàu Thần Châu 5 được các chuyên gia ngành không gian khắp thế giới hoan nghênh. Cơ quan Không gian châu Âu gọi đây là một "thành tựu nổi bật", trong khi NASA của Mỹ đánh giá cao việc phóng tàu diễn ra trôi chảy. Đài Truyền hình Trung Quốc dành 30 phút để đưa tin về cảnh phóng tàu Thần Châu. Với thành công của Thần Châu V, Trung Quốc đã trở thành nước thứ 3 trên thế giới đưa con người vào vũ trụ, 40 năm sau Liên Xô (cũ) và Mỹ.
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan cũng lên tiếng chúc mừng Trung Quốc, cho rằng, việc khám phá không gian "không có biên giới quốc gia, sứ mạng của Thần Châu V là một tiến bộ của cả nhân loại". Các thành viên nhóm thám hiểm 8, trước khi lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã gọi Trung Quốc là một đối thủ trong cuộc chạy đua chiếm thế thượng phong trong không gian. "Liệu tôi có xem Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng không à? Có chứ, không chỉ trong không gian, mà còn về thương mại, kinh tế. Tôi nghĩ họ còn có tiềm năng về quân sự nữa", phi hành gia người Mỹ Michael Foale nói với hãng tin Reuters.
(Minh Sơn - Tổng hợp)
|