KHCN Việt Nam 2005-2010: Nâng bước kinh tế thời khủng hoảng
Nỗ lực đổi mới công nghệ và hàng loạt giải pháp trong các lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) trong 5 năm vừa qua đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam phục hồi sau cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Những bước tiến mạnh mẽ
Công nghệ thông tin - Truyền thông là một trong những ngành có bước phát triển vượt bậc, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như thế giới.
Công nghệ 3G đã được Việt Nam đưa vào sử dụng từ 2009. Ảnh minh họa |
Sau hơn chục năm phát triển, đến nay, hạ tầng viễn thông Việt Nam đã đạt trình độ tiên tiến thế giới. Mạng di động và mạng cố định được phát triển theo cấu trúc mạng thế thế mới (NGN), công nghệ 3G được đưa vào ứng dụng từ năm 2009. Mạng Internet sử dụng các công nghệ băng rộng, nâng đường truyền cáp quang trục Bắc Nam lên dung lượng 20 Gbit/s.
Tốc độ phát triển của công nghệ thông tin đạt 30%/năm, công nghiệp phần cứng đạt tốc độ trung bình 20 - 30%/năm, còn công nghiệp phần mềm đạt 30-40%/ năm.
Công nghệ truyền hình có bước phát triển theo kịp trình độ phát triển của các nước phát triển. Việt Nam đã và đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới: Công nghệ Analog và Số mặt đất theo chuẩn DVB-T (châu Âu); công nghệ lai ghép: Số + ; Đài VTV dùng công nghệ truyền hình số vệ tinh thế hệ thứ nhất (dịch vụ DTH) sử dụng Vệ tinh VINASAT của Việt Nam.
Nếu như năm 1996, công nghệ đóng tàu tại Việt Nam còn lạc hậu so với thế giới khoảng 70 - 100 năm thì sau 15 năm phát triển đã rút ngắn khoảng cách lạc hậu còn 20 - 30 năm.
Thành tựu KHCN giúp giảm chi phí, tăng năng suất
Nhiều lĩnh vực nghiên cứu KHCN đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Việt Nam đã nuôi cấy được tế bào gốc ứng dụng trong điều trị bệnh tim mạch, tổn thương giác mạc và ung thứ máu. Công nghệ nhân giống tạo ra được giống sạch bệnh, tránh ảnh hưởng điều kiện thời tiết bất lợi giúp giảm 95% chi phí phân bón, tiết kiệm 98% nước và tăng năng suất cây trồng từ 45 lên 75%. Ngành thú y cũng sản xuất được văcxin tụ huyết trùng cho trâu bò giúp giảm số lượt tiêm từ 2 lần xuống 1 lần/năm làm lợi cho sản xuất hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều nghiên cứu khoa học làm lợi cho nền kinh tế hàng tỉ đồng. Ảnh minh họa: Internet
Ngành điện đã chế tạo được máy biến áp 500kV đầu tiên của Đông Nam Á, giúp kéo giá thành nhập khẩu thiết bị giảm ít nhất 30%.
Việt Nam cũng làm chủ và ứng dụng thành công nhiều công nghệ, tự chế tạo được dây chuyền sản xuất trong một số lĩnh vực và nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô tô, máy móc thiết bị...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các tiến bộ KHCN trong nông nghiệp đã giúp tăng trưởng nông nghiệp đạt tới con số 30%. Trong những năm qua, Việt Nam vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê; thứ 4 thế giới về cao su; đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, hồ tiêu; xuất khẩu thủy sản đạt 4,26 tỷ USD. Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm, thủy sản năm 2009 đạt 15,2 tỷ USD.
Ngày 21/3/2006, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 5 năm 2006 - 2010. Sau 5 năm thực hiện, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và mục tiêu tăng cường năng lực của ngành KHCN nói riêng, tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển KHCN giai đoạn 2011-2015.
- Diệu Minh