Phòng chống thiên tai: Khoa học công nghệ phải vào cuộc?
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm ổ bão của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thường xuyên phải đối mặt với các loại hình thiên tai. Thực tế về những hậu quả nặng nề từng phải gánh chịu do thiên tai gây ra buộc chúng ta phải chú trọng tăng cường các biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và việc áp dụng khoa học công nghệ để làm tốt điều đó là cần thiết.
Phương pháp truyền thống chưa đủ
Tại nhiều địa phương, việc phòng tránh thiên tai nhiều khi là do bà con tự đúc kết từ kinh nghiệm thực tế. Chẳng hạn, đối với việc phòng tránh sét đánh trong mùa mưa, bà con đi làm đồng khi thấy có hiện tượng mưa giông thì tránh tình trạng ẩn nấp dưới tàn cây cao ở giữa đồng, không cầm cuốc, xẻng, dao, không trú ẩn ở chòi tranh, chòi chăn vịt ngoài đồng...
Nước ta từng phải đối mặt với nhiều trận lũ lụt |
Hoặc đối với người đi biển bất ngờ gặp bão phải dựa vào kinh nghiệm để xác định vị trí tàu, thuyền so với tâm bão để di chuyển tránh bão. Nếu tàu thuyền ở bên phải hướng di chuyển của bão thì phải cho tàu, thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch tuỳ thuộc vào sức đẩy tàu thuyền. Nếu tàu thuyền ở bên trái hoặc ở ngay trên đường đi tới của bão thì phải cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu....
Tuy nhiên, rõ ràng các biện pháp trên đều mang tính thụ động và việc xảy ra những thiệt hại vẫn không thể tránh khỏi. Để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai một cách chủ động, hiệu quả đòi hỏi phải có những chiến lược hợp lý hơn. Về điều này, trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt cuối năm 2009 đã rất chú trọng đến việc áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến.
Chiến lược chú trọng việc nâng cao năng lực dự báo bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, báo tin động đất; cảnh báo sóng thần và các hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm mà trọng tâm là nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới trước 72 giờ; đẩy mạnh thông tin liên lạc; nâng cao năng lực nghiên cứu theo dõi các biến đổi của trái đất, các biến động của tự nhiên trong khu vực và lãnh thổ…
Khoa học công nghệ vào cuộc
Trong năm 2010, có thể kể đến 3 công trình khoa học về phòng chống thiên tai đã được ghi nhận. Trước hết là Phần mềm ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) vào dự báo và phòng tránh lũ lụt là một công trình tiêu biểu đã được Hội đồng khoa học và công nghệ thành phố và Phòng Kinh tế TP. Hội An (Quảng Nam) nghiệm thu vào tháng 3/2010.
Công nghệ GIS đi vào hoạt động, sẽ kết nối phần mềm dự báo ngập lụt cho toàn thành phố. Dự báo mức nước của Trung tâm Khí tượng thủy văn, phần mềm có thể xác định được các thông số tại điểm ngập lụt bao gồm diện tích bị ngập, số lượng công trình, di tích, nhà cửa bị ngập cũng như số hộ, số nhân khẩu... Các thông số này nhằm phục vụ cho yêu cầu thống kê, báo cáo nhanh tình hình ngập lụt, giúp cho công tác điều hành, sơ tán người dân tại Hội An và các nơi lân cận khỏi vùng nguy hiểm.
Cần nâng cao năng lực dự báo để chủ động phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai |
Liên quan đến công nghệ này, giải pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ ngập lụt của ông Lê Hữu Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An cũng đã được Hội đồng Khoa học và công nghệ thành phố xếp loại xuất sắc năm 2010. Ông Lê Hữu Hùng cho biết, bằng phương pháp thống kê khách quan kết hợp ứng dụng công nghệ GIS, phần mềm dự báo ngập lụt này vừa có thể cung cấp thông tin ngập lụt theo mức nước dự báo, vừa có thể xác định và thống kê chi tiết được mức độ thiệt hại do lũ lụt gây ra ngay tại thời điểm truy vấn. Nhờ đó, hỗ trợ tích cực cho công tác thống kê, báo cáo thiệt hại, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, giúp nhân dân chủ động ứng phó với lũ lụt, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tiếp theo là đề tài khoa học “Xây dựng công nghệ dự báo liên hoàn bão, nước dâng và sóng ở Việt Nam bằng mô hình số với thời gian dự báo trước ba ngày” do GS.TS Trần Tân Tiến làm chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học tự nhiên- ĐH Quốc Gia Hà Nội làm cơ quan chủ trì đã được nghiệm thu vào ngày 27/7/2010.
Đề tài này đưa ra phương pháp dự báo quỹ đạo bằng phương pháp siêu tổ hợp, đây là phương pháp tổ hợp kết quả từ 2 đến 7 mô hình dự báo, các tổ hợp này đều cập nhật dữ liệu của Việt Nam. Như vậy, nó cho kết quả dự báo trước 3 ngày chính xác hơn, đạt ngang tầm khu vực và thế giới.
Trong thời gian từ năm 2006 - 2010, đề tài đã hoàn thành một số lượng công việc lớn như: đã nghiên cứu cải tiến các sơ đồ đối lưu, cài xoáy giả, cập nhật số liệu địa phương, tạo nhiễu trường ban đầu thử nghiệm dự báo để chọn ra bộ thông số thích hợp nhất cho từng mô hình số với mục đích dự báo quỹ đạo và cường độ bão. Trong đó đã thực hiện trước 3 ngày quỹ đạo của 54 cơn bão; xây dựng được phương pháp dự báo cường độ bão từ sản phẩm dự báo của 2 và 3 mô hình để làm đầu vào cho mô hình hải dương học; xây dựng được quy trình dự báo sóng ngoài khơi và 17 khu vực ven bờ biển Việt Nam…
-
K.A