Bệnh tay chân miệng: Sốt cao, nguy cơ biến chứng gấp 3
(VietNamNet) - Ngày 29/6, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1, cảnh báo thông thường, trẻ mắc bệnh tay chân miệng rất ít sốt. Do đó, trẻ mắc bệnh tay chân miệng kèm theo sốt cao trên 38,5oC, sẽ có nguy cơ biến chứng nặng gấp 3 lần trẻ mắc bệnh nhưng không sốt.
Một bệnh nhi tay chân miệng biến chứng nặng đang điều trị tại khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng 1. Ảnh chụp ngày 29/6. (Ảnh: H.Cát)
Ngoài ra, ói nhiều, run chi cũng là các triệu chứng báo hiệu biến chứng nặng đối với các trẻ bị bệnh tay chân miệng.
Qua một số kinh nghiệm điều trị bệnh tay chân miệng từ năm 2004 cho đến nay, BS. Khanh còn cho biết thêm, ông nhận thấy thời điểm vàng để cứu sống các em bé bị biến chứng do bệnh tay chân miệng là trong vòng 6 giờ đồng hố.
Đây là thời điểm vàng đối với các ông bố, bà mẹ khi có trẻ đi vào các biến chứng về não và tim mạch: run chi, chới với, giật mình; thở mệt. Một khi trẻ đã bị hôn mê co giật, nếu đưa con vào viện trễ hơn 6 tiếng thì khả năng cứu sống rất thấp.
Số liệu năm 2006 cho thấy, bệnh nhi bị tay chân miệng nhập viện đông nhất vào các tháng 3 - 4. Ví dụ, tháng 4 có 303 ca, và đến tháng 5 - 6, số bệnh nhi nhập viện vì căn bệnh này bắt đầu giảm dần xuống hơn 1,5 lần. Đến tháng 7 hầu như không có ca bệnh nào.
Trong khi đó, năm nay tuy tổng số bệnh ít hơn năm ngoái, nhưng đỉnh dịch vẫn còn và biến chứng nhiều hơn. Bệnh nhi đã bắt đầu giảm vào tháng 5, nhưng đột ngột tăng trở lại vào tháng 6.
Bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú vì tay chân miệng trong tháng 6 là 86, gấp 2 lần tháng 5/2007. Hiện tại, bệnh tay chân miệng vẫn còn nhập viện, biến chứng nhiều. Bệnh nhi nằm rải rác khắp thành phố.
Chỉ tính riêng ngày 29/6, khoa Nhiễm đang điều trị cho 22 trẻ bị bệnh tay chân miệng. Trong đó 6 trẻ bị biến chứng nặng.
Theo thống kê của khoa Nhiễm, tỷ lệ bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng biến chứng nặng tính từ đầu năm đến nay là 50 - 60%. Trong khi vào năm 2006, tỷ lệ biến chứng chiếm 20%, trong hơn 2000 trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng.
Nguyên nhân nhiều bệnh nhi bị biến chứng nặng là vì năm nay, tác nhân gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là EV71. 30% trong tổng số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng dương tính với EV71. Tuy nhiên, vì sao EV71 nổi trội vẫn chưa có câu trả lời.
Đối với bệnh tay chân miệng, khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 đã từng tiếp nhận bệnh nhi ở hai tháng tuổi. Vi vậy, điều tốt nhất mà các bậc cha mẹ nên làm là phải cho trẻ sử dụng các thực phẩm an toàn vệ sinh. Không chỉ giữ gìn tay chân trẻ mà đồ chơi của trẻ cũng phải luôn sạch sẽ. Đặc biệt là bàn tay của bà mẹ cũng phải sạch sẽ.
-
Hương Cát