Bí kíp giữ "lửa phòng the" của bệnh nhân đái tháo đường

Cập nhật lúc 17:02, 04/11/2010 (GMT+7)

Tình dục luôn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ vợ chồng. Nhưng nếu bạn mắc phải bệnh đái tháo đường, thì ham muốn tình dục của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

Có đến 50% nam giới và 25% nữ giới là bệnh nhân mắc đái tháo đường gặp phải những rắc rối liên quan đến tình dục hoặc suy giảm ham muốn tình dục. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc đái tháo đường hoàn toàn vẫn có thể duy trì đời sống tình dục nếu thực hiện được một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện và dùng thuốc hợp lý.

Những rắc rối tình dục thường gặp

Bệnh đái tháo đường có thể làm giảm ham muốn tình dục một cách trực tiếp. Bệnh gây hủy hoại các mạch máu, ngăn cản các dòng máu chảy vào các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả cơ quan sinh sản. Điều này sẽ làm mất đi khả năng kích thích tình dục ở cả nam và nữ. Với nam giới, đái tháo đường có thể chính là thủ phạm ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây nên chứng bệnh khó cương cứng dương vật khi “yêu”, suy giảm ham muốn trong quan hệ vợ chồng.

Nam giới bị đái tháo đường muốn duy trì phong độ chốn phòng the cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống, tập luyện, chế độ dùng thuốc khống chế đường huyết. Hầu hết các thuốc điều trị bệnh đái tháo đường đều có ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc “yêu”.

Phụ nữ mắc đái tháo đường, lượng máu đến cơ quan sinh dục không đầy đủ, làm giảm chất bôi trơn âm đạo, giảm ham muốn và cảm thấy bị đau trong quá trình giao hợp. Có nhiều nguy cơ bị viêm nhiễm âm đạo hoặc chứng bệnh này khó điều trị dứt điểm. Viêm nhiễm do nấm là rắc rối thường gặp nhất ở những phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường. Khi giao hợp, họ dễ có cảm giác bị đau đớn hoặc nóng rát, tấy đỏ. Ngoài ra, tình trạng viêm bàng quang, gây khó đạt “đỉnh” cũng là chứng bệnh thường gặp với phụ nữ mắc đái tháo đường. Dùng chất bôi trơn, bao cao su, tăng ý thức vệ sinh vùng kín để bảo vệ bạn và bạn tình khỏi nguy cơ viêm nhiễm âm đạo là những điều bạn nên tuân thủ để đảm bảo an toàn khi “yêu”.

Nếu đường huyết của bạn không được kiểm soát tốt, nó sẽ có thể ảnh hưởng sâu sắc tới chức năng thần kinh. Tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường và có liên quan đến việc các dây thần kinh bị hủy hoại, là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề rối loạn tình dục. Trên thực tế, có tới 35% phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường phải trải qua các rối loạn tình dục, bao gồm ít ham muốn tình dục, khó bị kích dục và khó đạt đến cực khoái. Việc đầu tiên cần làm là kiểm soát mức đường huyết của bạn. Khi bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt, bạn sẽ giảm được nguy cơ gặp phải các vấn đề phức tạp, trong đó có các khó khăn trong quan hệ tình dục. Sau đây là một số cách giúp bạn vượt qua một số tình trạng mà bạn phải đối mặt do bệnh đái tháo đường gây ra, để giúp bạn có thể quay trở lại được cảm giác khoái cảm ban đầu.

Tình trạng giảm sự kích dục

Về lâu dài, đường máu cao có thể hủy hoại các mạch máu và giảm dòng máu chảy tới nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, trong đó có bộ phận âm đạo và âm vật. Dòng máu hạn chế vào các cơ quan sinh dục này có thể gây khó khăn cho việc kích thích tình dục. Vì vậy cần trao đổi với bạn tình của bạn. Cần kích thích ham muốn tình dục bằng những “khúc dạo đầu” cần thiết. Những cử chỉ vuốt ve âu yếm trong “khúc dạo đầu” sẽ làm tăng hưng phấn và làm tăng lượng máu chảy vào các bộ phận sinh dục. Nếu bạn tình đang cao hứng, thì giải pháp này có thể thực hiện đơn giản hơn đôi chút.

Tình trạng "khô khan"

Sự hủy hoại các dây thần kinh tới các tế bào nằm trong âm đạo, cùng với sự giảm lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục, có thể làm khô âm đạo và sẽ dẫn tới khó khăn và không thoải mái trong khi giao hợp. 2/3 số phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường gặp phải tình trạng khô âm đạo, cần sử dụng dầu bôi trơn có thể tan trong nước hay một số các loại thuốc giúp âm đạo hết khô. Nếu ở giai đoạn mãn kinh và đang gặp phải tình trạng khô âm đạo, cần đi khám bệnh, có thể dùng liệu pháp hormon thay thế theo chỉ định của bác sĩ.

Tình trạng rối loạn tiết niệu

Bệnh đái tháo đường cũng có thể huỷ hoại các dây thần kinh có chức năng kiểm soát chức năng bài tiết, bao gồm các biểu hiện như bàng quang hoạt động quá mức, buồn đi tiểu, tần suất đi tiểu nhiều, thức dậy vào ban đêm để đi tiểu, hoặc thậm chí là đi tiểu vô thức (đái dầm). Đặc biệt, bệnh đái tháo đường thường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Đối với bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn. Uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa các ảnh hưởng khác của bệnh. Phải luôn kiểm soát chặt chẽ đường huyết của bạn để có thể giảm thiểu các biến chứng.

Tình trạng lo lắng

Nếu đường huyết của bạn hạ xuống, bạn cũng có thể cảm thấy lo lắng. Khi bạn cảm thấy bồn chồn lo sợ và có cảm giác không giống mình hàng ngày, thì chuyện gối chăn không xuất hiện trong tâm trí bạn. Bạn nên ăn để cân bằng mức đường huyết để giảm bớt căng thẳng lo âu. Một giải pháp tình thế cho tình trạng hạ đường huyết là ăn nhẹ một món gì đó. Nếu bạn có xu hướng đường huyết thấp, hãy trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh cho hợp lý.

Tình trạng mệt mỏi

Bệnh nhân tăng đường huyết phải đi tiểu nhiều lần nên không thể ngủ ngon được. Thêm vào đó, bệnh nhân sẽ bị mất nước và sẽ có một cảm giác chung là mệt mỏi buồn chán. Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 và béo phì, dễ trở thành nạn nhân của trạng thái suy nhược. Cơ thể không khoẻ mạnh, có thể họ sẽ không thể đi bộ được, có một số công việc bị hạn chế.

Khi bạn bị suy nhược cơ thể, bệnh đái tháo đường không được kiểm soát sẽ có thể gây ra một số vấn đề tình dục, và bạn có thể trở nên mệt mỏi, cáu giận và sẽ không còn hứng thú với chuyện gối chăn nữa. Tất nhiên, việc cần làm nhất là phải kiểm soát đường huyết. Nhưng nếu như bạn thấy sự mệt mỏi là một vấn đề (thường xuyên), bạn hãy thử gần gũi nhau vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày khi mà bạn có nhiều năng lượng nhất, dù là sáng sớm, chiều tà hay khi màn đêm tới. Không nên bi quan, suy nghĩ quá nhiều về bệnh tật.

Có những thứ bạn có thể làm để giải toả cảm giác mệt mỏi liên quan đến rối loạn chức năng tình dục. Hãy tìm một người mà bạn thích nói chuyện, có thể người đó là bác sĩ của bạn, là chuyên gia y tế, hay một bác sĩ nội tiết. Họ sẽ giúp bạn chăm sóc sức khoẻ, đưa ra lời tư vấn, phương pháp điều trị và kê đơn thuốc.

Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường mà muốn sinh con thì cần phải theo dõi đường huyết rất chặt chẽ. Nếu bạn vẫn cảm thấy trong trạng thái mệt mỏi thì cần phải sử dụng các biện pháp tránh thai. Mức đường huyết cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn bình thường trước khi bạn quyết định có thai. Và hãy đọc thêm tài liệu để bạn có thể hiểu thêm về bệnh đái tháo đường do thai nghén.

Theo ĐS&SK

Các tin khác