Sự cố Hungary và bài học bauxit với Việt Nam
Bã thải bauxit (bùn đỏ) là loại chất thải lỏng chứa các kim loại, có thể gây nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người. Thải và lưu giữ bùn đỏ là mối quan tâm hàng đầu trong quá trình khai thác chế biến bauxit. Những bài học quý giá đối với nước ta rút ra từ câu chuyện với ngài Quốc vụ khanh Hungary.
Hậu quả của sự cố bùn đỏ Hungary Nền công nghiệp chế biến bauxite – Alumin, niềm tự hào của Hungary một thời. Song sự bảo vệ môi sinh không được chú trọng, nên đã để xảy ra sự cố thảm hoạ môi trường. Mẫu thử nghiệm mới của tổ chức môi trường Greenpeace đưa ra hôm 12/10 cho hay, ít nhất ba khu vực bị bùn đỏ tràn qua có những độc tố nguy hiểm đến môi trường và con người. Ngoài lượng thạch tín cao, các nhà khoa học phát hiện một số kim loại ở mức độ cao hơn bình thường là antimony, nickel và cadmium tại thành phố Ajka và vùng lân cận. Các nhà khoa học đã thử bụi tại Devecser. Trong ngày có gió, mức độ độc còn cao hơn nhiều lần mức độ bình thường. Antimony, một hóa chất gây ung thư cao hơn 3 lần mức cho phép. Nickel, một chất gây dị ứng và cadmium, có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và hệ thần kinh cũng được tìm thất trong đất, khu vực mà lực lượng cứu hộ dùng được phân bón để khử độc trong bùn. Các nhà khoa học nhấn mạnh, mức độ thạch tín hiện nay là vấn đề gây lo ngại nhất và chỉ trích chính phủ Hungary không có cơ chế kiểm tra mức độ an toàn môi trường ở những nơi bùn đỏ tràn ra. Tổ chức y tế thế giới cũng đã cử nhân viên đến hỗ trợ nước này. Kinh nghiệm quý đối với Việt Nam
"Sự cố bùn đỏ là một bài học về khai thác bauxit - alumin" - Németh Zsolt, Quốc vụ khanh Hungary. Ảnh: ND. |
Vài ngày trước đây, người viết bài này có dịp gặp một quan chức Hungary, ông Németh Zsolt, Quốc vụ khanh đến từ đất nước bạn, nơi vừa xảy ra sự cố vỡ đập tràn bùn đỏ gây ra sự cố môi trường với những hậu quả nghiêm trọng nói ở trên. Trong tư cách nhà báo cộng tác viên của Ban Khoa học (Vietnamnet), tôi có cuộc phỏng vấn ngắn ông Németh Zsol đề tìm hiểu những kinh nghiệm quý giá rút ra từ hiểm họa môi trường ở nước bạn. Tôi đặt ra câu hỏi: “Từ sự cố bùn đỏ đầu tháng 10 tại Hungary, ông có thể cho lời cảnh báo gì với chúng tôi, một đất nước đang có dự án khai thác bauxit?”. Ông Németh Zsol cho biết: “Chiều nay tôi vừa có cuộc hội kiến với ngài Bộ trưởng cùng ngài thứ trường Bộ ngoại giao Việt Nam. Trong đó có đề cập đến việc tháng 12 này, Hungary sẽ mời một đoàn cán bộ Việt Nam sang để khảo sát thực trạng. Chúng tôi sẽ nói hết tất cả nguyên nhân sự cố, cách khắc phục; kinh nghiệm xây dựng an toàn hồ chứa bùn đỏ. Nhất là sự quan tâm thích đáng đến bảo vệ môi sinh”. Với câu hỏi: “Ông có thể nói rõ hơn về việc khắc phục sự cố bùn đỏ”, ngài Quốc vụ khanh trả lời: “Hungary đã thành lập Uỷ ban khắc phục sự cố, nhằm đảm bảo con người trên hết. Bảo đảm ổn định và làm sạch càng sớm càng tốt. Tất nhiên việc dọn dẹp cũng phải mất một năm, nhất là vấn đề kinh phí để khắc phục. Man-Rt, Công ty sản xuất kinh doanh nhôm, hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bồi thường thoả đáng”. Tôi đưa ra một câu hỏi cụ thể hơn về chuyên môn, tức sử dụng hóa chất gì để làm sạch khu vực bị ô nhiễm bùn bauxit, ông Németh Zsol tiết lộ: “Tất nhiên lúc này không thể dùng carbon dioxit, và không thể dùng nước biển để trung hoà bùn đỏ. Hungary đã dùng thạch cao làm trung hoà các dòng chảy, nhờ đó nồng độ kiềm giảm xuống còn pH< 9 ở các nhánh sông". Cuối cùng, tìm hiểu về ‘khả năng hồi phục đất trồng trọt", ông Németh Zsol cho biết: “Hungary sẽ hoàn thổ khoảng 1.000 hecta đất trồng - thay đất trên mặt chừng 2-10 centimet là được.” Từ sự cố của Hungary, nước ta có thể rút ra được nhiều bài học quý giá về khai thác chế biến bauxite – alumin. Nguyễn Dược (thực hiện)