Cháy rừng ở Nga: Lời cảnh báo khẩn thiết toàn nhân loại
- Những đám cháy rừng khủng khiếp đang diễn ra ở Nga là bức thông điệp khẩn cấp gửi đến với mọi người, mọi quốc gia, chung tay ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu, giảm mạnh sự phát thải khí nhà kính để cứu lấy Trái Đất.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Thủ phạm giấu mặt” của các đám cháy rừng
Các đám cháy rừng bùng phát trên khắp lãnh thổ nước Nga. Ảnh: Chinadaily. |
Những đám cháy rừng và than bùn tại Nga bắt đầu bùng phát vào thời điểm những ngày cuối tháng 7, sau hơn một tháng nước Nga phải chịu cảnh hạn hán và nắng nóng lên đến mức kỷ lục trong vòng 130 năm trở lại đây.
Tiếp đó, các đám liên tiếp bùng phát ở khắp nơi. Đến ngày 4/8, 22 chủ thể của nước Nga phát hiện các điểm cháy rừng với tổng diện tích lên đến hàng trăm ngàn hecta. Do thiếu phương tiện phòng cháy chữa cháy, thiếu cả nhân sự, một phần miền Trung nước Nga chìm trong khói lửa.
Tại khu vực thủ đô Matxcơva, các đám cháy rừng và than bùn cũng xuất hiện ở khắp nơi khiến khói bụi từ các đám cháy tràn vào thành phố khiến mức độ ô nhiễm ở thành phố này cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn an toàn. Hàng trăm người đã mắc bệnh do hít phải khói bụi từ các đám cháy rừng.
Những đám cháy rừng này đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên toàn bộ lãnh thổ nước Nga. Đã có ít nhất 60 người thiệt mạng và hơn 3.500 người khác rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất” do các đám cháy rừng.
Khoảng 1/5 sản lượng ngũ cốc của Nga bị tàn phá, làm tăng vọt giá lúa mì trên thị trường quốc tế đầu tuần qua. Tổng số thiệt hại mà nước Nga phải chịu, theo Kommersant, ước tính lên đến 15 tỷ USD.
Khói bụi bao trùm cả Matcơva. Ảnh: Chinadaily. |
Tuy vậy, các đám cháy vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cho đến ngày 9/8 vừa qua, các vệ tinh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vẫn tiếp tục ghi nhận hàng trăm đám cháy mới tại nhiều nơi ở Nga mặc dù Nga đã công bố tình hình các đám cháy đang dịu lại.
Phải nói rằng, nắng nóng và hạn hạn kéo dài ở mức kỷ lục chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra những đám cháy rừng khủng khiếp đang xảy ra ở Nga mặc dù cũng không thể loại bỏ nguyên nhân chủ quan từ sự bất cẩn của con người. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn thì thủ phạm gây ra những tai họa khủng khiếp này không chỉ là nắng nóng.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng sự ấm lên của khí hậu toàn cầu có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng nắng nóng và khô hạn kỷ lục ở Nga trong những ngày tháng 7 vừa qua. Do vậy, chính sự biến đổi khí hậu toàn cầu là “thủ phạm giấu mặt” gây ra các đám cháy rừng ở Nga cũng như những thiên tai liên tiếp xảy ra tại Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Âu khác trong thời gian gần đây.
Cháy rừng ở Nga đang đẩy nhanh biến đổi khí hậu
Không chỉ gây thiệt hại lớn về người và của... |
Nếu như biến đổi khí hậu là nguyên nhân sau xa gây nên những trận cháy rừng thì đáng sợ hơn, chính những đám cháy trên quy mô rộng ở Nga đang là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, theo một cảnh báo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF).
Vào ngày hôm qua (10/8), các nhà khoa học thuộc tổ chức này tuyên bố, những vụ cháy rừng dữ dội chưa từng có xảy ra tại Nga, làm gia tăng lượng khí cacbon thải vào bầu khí quyển, có thể dẫn đến việc tiếp tục đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.
Các nhà sinh thái học của WWF cho rằng các đám cháy rừng và tình trạng khí hậu ấm lên tạo thành một quá trình tự thúc đẩy. Theo đó mật độ khí thải CO2 gia tăng trong khí quyển dẫn tới làm mất cân bằng hệ khí hậu, làm gia tăng số lượng và thời lượng những "sóng nóng".
Đến lượt mình, những "sóng nóng" này lại làm số vụ cháy rừng tăng lên. Mặt khác, lượng khí CO2 phát thải từ những đám cháy rừng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự cân bằng của khí hậu.
Các đám cháy rừng ở Nga đang đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. |
Cũng trong một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 9/8, sản lượng lúa gạo tại các nước châu Á sẽ giảm do nhiệt độ Trái Đất ấm lên.
Nhóm nghiên cứu của FAO tính toán rằng, nhiệt độ tăng trong hơn 25 năm qua đã khiến sản lượng lúa gạo tại một số vựa lúa lớn ở châu Á giảm từ 10% đến 20%. Tình trạng sẽ tồi tệ hơn khi nhiệt độ tiếp tục tăng vào giữa thế kỷ này. Và điều này sẽ là một vấn nạn thực sự với Châu Á, khi gạo là đồ ăn chủ yếu của khoảng 600 triệu người trong số 1 tỷ người nghèo nhất thế giới.
Như vậy, rõ ràng biến đổi khí hậu không chỉ là nguyên nhân gây ra những đám cháy rừng khủng khiếp mà còn để lại những hệ quả khôn lường tác động đến toàn bộ đời sống của nhân loại.
Những thiên tai liên miên tại khắp nơi trên thế giới trong những ngày gần đây có thể coi là một thông điệp sống và đầy nước mắt mang theo lời kêu gọi mọi người trên quả đất, chung tay ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu, giảm mạnh sự phát thải khí nhà kính ở mọi quốc gia trên hành tinh.
-
Lê Văn (Tổng hợp)