Dự án bảo tồn loài ngựa biểu tượng nước Kenya

Cập nhật lúc 13:49, 26/06/2010 (GMT+7)

Ngựa vằn Grevy (Grevy’s Zebra), có tên khoa học là Equus grevyi, được xem là một biểu tượng của Cộng hòa Kenya, miền đông châu Phi, nhưng hiện nó đang ‘biến mất’ trong hoang dã ở mức báo động và đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng.

TIN LIÊN QUAN

Ngựa vằn Grevy được tìm thấy chủ yếu tại Kenya và một quần thể khoảng 150 cá thể sống ở Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, đông Phi. Trong ảnh là bầy ngựa vằn Grevy đang ăn cỏ trong Khu bảo tồn quốc gia Samburu, Kenya.

Theo Ban Động vật hoang dã Kenya (KWS), vài thập niên trước đây, có hơn 15.000 con ngựa vằn Grevy sống tại châu Phi, nhưng hiện nay ‘dân số’ của chúng giảm xuống đáng kể, còn chưa đầy 2.500 con.

Kenya là một trong những quốc gia có tỷ tệ tăng dân số cao nhất trên thế giới. Do vậy, dần dần những cộng đồng dân cư tại Kenya đã ‘tranh giành’ thức ăn, nước uống và môi trường sống với ngựa vằn Grevy tại vùng Samburu.

Một dự án nhằm bảo tồn loài ngựa vằn Grevy đã được khởi động với sự hợp tác giữa Quỹ Động vật hoang dã châu Phi (AWF), Ban Động vật hoang dã Kenya (KWS) và Viện Quan sát Trái đất (Mỹ), trưởng nhóm thực hiện dự án là tiến sĩ Paul Kimata Muoria công tác tại AWF.

Thông qua Hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System, GPS), những tình nguyện viên của Viện Quan sát Trái đất giúp các nhà khoa học khảo sát sự phân bố và đếm số lượng ngựa vằn Grevy dọc theo những tuyến đường ở Khu bảo tồn quốc gia Samburu.

Một cách khá dễ dàng để biết được ‘dân số’ ngựa vằn Grevy tăng hay giảm là kiểm tra và giám sát tỷ lệ sinh và tử vong của chúng theo thời gian. Trong ảnh là phân tích hình ảnh sọc vằn của một con ngựa vằn Grevy dựa trên phần mềm máy tính.

Theo AWF, mối đe dọa chính tới loài ngựa vằn Grevy là mất môi trường sống, nhiều mảnh đất trong khu vực được dành riêng cho sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, bệnh tật, hạn hán và sự chăn thả gia súc quá mức làm cạn kiệt nguồn thức ăn là cỏ và nước uống cũng đã làm giảm dân số ngựa vằn Grevy. Các nhà khoa học đã đề nghị kiểm lâm hãy góp sức thêm trong chiến dịch bảo vệ loài ngựa đặc hữu của châu Phi.

  • Đ.T.V (Theo BBC, earthwatch.org)

Các tin khác