Hiệp sĩ CNTT 2005 Phạm Sơn Hà
Hiệp sĩ CNTT 2005 Phạm Sơn Hà |
Sinh ngày 29/10/1973.
Người thanh niên mù hoàn toàn cả hai mắt ấy đã nói về cuộc đời của mình: “Tin học đã mang lại cho tôi niềm tin vào cuộc sống, cho tôi điều kiện để san bằng những bất công của số phận, vươn lên hòa nhập với xã hội và có đủ sức mạnh giúp đỡ những người tật nguyền đồng cảnh ngộ”.
● Đôi nét tiểu sử, thành tích, các hoạt động đóng góp cho cộng đồng:
- Bố Hà - Ông Phạm Đình Hạnh người Quảng Bình là một sĩ quan tên lửa, bị nhiễm chất độc da cam. Sơn Hà và Sơn Hùng (em ruột) đều bị ảnh hưởng. Hùng mù hoàn toàn từ nhỏ, Hà chỉ bị một bên, con mắt sáng còn lại bị cận nặng. Năm 1992, vừa học xong lớp 12, đám bạn ngỗ nghịch trong lớp trong lúc quậy phá đánh lộn đã đánh nhầm Hà. Tai ác hơn, trận đòn oan cướp đi con mắt còn lại. Đang ở tuổi 18 tràn đầy mơ ước, Hà phải đối diện với sự thật phũ phàng: anh đã bị mù hoàn toàn cả hai mắt. Chán nản, thất vọng và không còn niềm tin vươn sống, Hà nằm lì trong nhà sau tai nạn. Không bạn bè, không học hành và cắt đứt mọi quan hệ với bên ngoài. Sau đó, thầy Phạm Đình Thắng, một giáo viên trường Nguyễn Đình Chiểu đã đến nhà động viên Hà tham gia vào các công tác xã hội của người khiếm thị. Giúp anh hướng tới niềm tin vào cuộc sống.
- Năm 1993: Hà thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội hệ trung cấp, học khoa Oóc-gan. 4 năm sau anh tố nghiệp trung cấp và học tiếp cao đẳng 3 năm. Trong thời gian này Hà tìm đến tin học và Internet để soạn nhạc trên máy, tìm các bản nhạc hay trên mạng và giải trí… Anh tỏ ra rất yêu thích và có năng khiếu về tin học, từ đó càng say mê tìm tòi và có cơ hội thì dạy cho bạn bè và những người khiếm thị khác mà anh quen trong khi làm các công tác xã hội trước đây.
- Ngày 12/3/2004: Phạm Sơn Hà cùng Nguyễn Đình Toán và Khúc Hải Vân (cả ba cùng là người khiếm thị) lập ra CLB Tin học khiếm thị Hà Nội tại số 11 ngõ 1 Tạ Quang Bửu. Hà là Chủ nhiệm CLB cùng với Vân và Toán đứng ra trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu ứng dụng các phần mềm thích hợp cho người mù. CLB khi đó đã hoạt động rất có hiệu quả và thu hút được đông đảo người khiếm thị đến học hỏi. Tất cả hoạt động của Hà, Vân, Toán đều hoàn toàn tự nguyện, không hề vì lợi ích kinh tế nào. Hoạt động âm thầm của các anh diễn ra trong hơn 1 năm thì Hà cùng Khúc Hải Vân quyết định tách ra thành lập trung tâm riêng.
- Năm 2005: Được sự giúp đỡ của gia đình: cho mượn địa điểm miễn phí tại tầng 2 số 844 Minh Khai, được một chị giáo viên trao tặng chiếc máy tính cũ, một ngôi chùa gần đấy ủng hộ một máy tính khác (không có màn hình), một cửa hàng kinh doanh Internet bán chịu cho hai chiếc khác với giá cả hai chiếc là 2,5 triệu đồng. Ngày 15/6/2005 Trung tâm Tin học Tia sáng do Sơn Hà phụ trách chính thức khai trương. Ngay ngày đầu khai giảng đã có 7 học viên đến đăng kí. Đến nay dù chỉ còn lại 6 người theo học, Hà, thầy Phạm Đình Thắng, Sơn Hùng (em Hà) và Khúc Hải Vân vẫn đều đặn thay nhau lên lớp giảng bài vào các ngày thứ 2 và thứ 4 hàng tuần…
- Hoạt động của Trung tâm Tia Sáng là hoàn toàn vô vụ lợi. Hà nói rằng không phải người khiếm thị chỉ biết chẻ tăm, chỉ là gánh nặng cho xã hội. Chỉ cần cho họ cơ hội, giúp đỡ họ để họ có quyết tâm thì người khiếm thị vẫn có thể hòa nhập tốt và sống tự lập được. Anh mong muốn mang đến tri thức cho những người đồng tật. Hà tin rằng tin học có thể khiến người khiếm thị hòa nhập bình đẳng với xã hội, vì thế anh dạy tin học cho họ.
● Dự định trong tương lai:
- Kêu gọi thành công sự giúp đỡ của các cá nhân hảo tâm để có cơ sở vật chất tốt hơn, nhằm mở rộng trung tâm Tia Sáng đào tạo tin học cho đông đảo người khiếm thị, dấy lên một phong trào học tập CNTT, hoặc bằng các con đường khác để người khiếm thị không còn tự tin mà tìm cách hòa nhập với xã hội.
- Giới thiệu Trung tâm Tia Sáng đến nhiều người khiếm thị hơn nữa để phổ cập tin học cho họ. Mặt khác cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ của xã hội để quyên góp máy móc trang thiết bị tin học rồi trao tặng cho những người khiếm thị có khó khăn về kinh tế nhưng ham học hỏi…