Hai bạn trẻ & nhật ký làm web chất độc da cam
Thiết lập và chăm chút cho Website www.chatdocdacam.info (trước đây là Chatdocdacam.org) là hai người rất trẻ, Nguyễn Bích Ngọc và Trịnh Công Thanh. Tiếng nói đồng cảm với nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam và sức lan truyền của không gian mạng đã “kết nối” Thanh và Ngọc để lập nên một trang web đầy day dứt. Có thể coi những dòng “nhật ký người làm Web” dưới đây như câu chuyện thể hiện tiếng nói của những người trẻ không đứng ngoài nỗi đau từ quá khứ và hướng về một tương lai tốt đẹp hơn...
Trịnh Công Thanh: “Chúng tôi bắt đầu bằng niềm tin yêu cuộc sống”
Thanh và Ngọc là 2 trong số những người trẻ không đứng ngoài nỗi đau từ quá khứ và hướng về một tương lai tốt đẹp hơn. |
Ngày... tháng... năm. Tháng 7-2004, nằm trong khoa phục hồi chức năng của bệnh viện Bạch Mai để luyện tập, mình cũng như những bệnh nhân cùng phòng thường chỉ phải tập nửa ngày. Những lúc rảnh rỗi mình lên mạng tìm kiếm và đọc thông tin với ý tưởng ban đầu là lập một website cho những người khuyết tật Việt Nam. Sau khi bỏ đi một phần chân phải, mình đã trở thành người khuyết tật. Những ngày tháng truy cập Internet trong bệnh viện, mình thấy có một đối tượng đặc biệt trong số những người khuyết tật cần quan tâm hơn cả, đó là những nạn nhân của chất độc da cam - dioxin. Mình phải làm web về họ, dẫu biết rằng chính những người kém may mắn có khi chưa bao giờ được biết và hiểu thế nào là Internet và biết đến website của mình.
Ngày... tháng... năm. Thái Bình là quê hương mình - nơi chứng kiến thảm cảnh nặng nề nhất về nạn đói năm 1945 và cũng là nơi còn hằn dấu nỗi đau chiến tranh với rất nhiều nạn nhân dioxin, nay nhiều người đang sống như cây cỏ... Điều ấy càng thôi thúc mình làm website coi như chút thành tâm với quê hương. Tìm những tài liệu và hình ảnh có liên quan đến chữ “chất độc da cam, dioxin, Agent Orange...”, thật tình cờ mình thấy rất nhiều bài viết của bạn gái có nick là pearl_hn1. Bích Ngọc, tên bạn ấy, lại là người Hà Nội, nơi mình đang học. Mình làm quen và hợp tác vì cùng chung ý tưởng.
Ngày... tháng...năm. Hồi ấy, kiến thức về tin học còn hạn chế, cộng với việc không có tiền để mua domain và hosting nên rất nhiều website với tên miền về chất độc da cam do mình và Ngọc lập ra nhanh chóng bị xóa mất. Suốt ngày phải lang thang trên mạng để tìm kiếm những hosting free và nhờ những người bạn cho đặt dữ liệu. Một ngày có biết bao bạn trẻ lên mạng Internet, và có biết bao website được lập lên, nhưng trang thông tin về dioxin trong lúc ấy thì không có. Nhiều khi thấy buồn vì số lượng truy cập vào website của mình quá ít.
Cuối năm 2004, khi phong trào ký tên vì công lý được phát triển rộng khắp, số người lên mạng tìm hiểu về vấn đề này ngày một nhiều hơn. Hôm 13-9-2004, www.chatdocdacam.org chính thức được đưa lên Internet. Những tháng đầu tiên, mỗi ngày có hơn 500 lượt truy cập, rồi sau, tên miền www.chatdocdacam.org bị khóa, mình phải chuyển sang tên miền mới. Những trắc trở như lúc bị khóa domain, mất cơ sở dữ liệu..., mình và Ngọc phải cố gắng kiên trì lắm mới duy trì website được đến nay. Thực ra, chẳng gì có thể bù đắp được những mất mát mà những người nạn nhân của dioxin phải gánh chịu. Mong sao, khi Ngọc ra trường, có nhiều thời gian rảnh hơn, mình và Ngọc sẽ phát triển website thành một tổ chức phi chính phủ trong nước, từ website có thể chia sẻ được nhiều hơn với những nạn nhân dioxin.
Nguyễn Bích Ngọc: “Khi tốt nghiệp, mình vẫn đi tiếp con đường đã chọn...”
Ngày ... tháng... năm. Bắt đầu tìm tài liệu về chất độc da cam khá vất vả. Lúc đó, năm 2002, tài liệu về vấn đề này rất hiếm, mặc dù được vào hẳn Thư viện quốc gia nhưng mình vẫn chẳng tìm được bao nhiêu. Cuối cùng địa chỉ lý tưởng là Hội Chữ thập đỏ. (Mình chẳng thông minh chút nào, lẽ ra phải tìm đến đây ngay từ đầu tiên chứ!).
Cuối năm 2002, đến Quỹ bảo trợ nạn nhân da cam của Hội Chữ thập đỏ, được cô Mạc Thị Hòa - Phó giám đốc Quỹ - tiếp và cho tài liệu rất nhiệt tình. Mình nói với cô, mình đang làm bài nghiên cứu khoa học và sau đó hy vọng có thể làm một điều gì đó cụ thể cho các nạn nhân chất độc da cam. Có vẻ cô không tin lắm. Chắc lúc đấy cô nghĩ rằng mình sẽ như rất nhiều người khác, đến xin tài liệu, rồi đi mất hút, bặt vô âm tín. Mình vẫn trở lại. Đến giờ mình vẫn đến Quỹ bảo trợ nhờ các cô chú giúp đỡ. Khi có site Da cam thì lại càng có nhiều việc cần sự giúp đỡ, hợp tác trong các hoạt động về chất độc da cam của Quỹ bảo trợ hơn.
Ngày ... tháng... năm. Hiện nay có rất nhiều sinh viên tình nguyện tích cực hoạt động giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa da cam. Mình thấy tự hào khi cũng là sinh viên tình nguyện. Lúc này đây, điều thôi thúc mình là đến tận sau này vẫn sẽ làm việc trong mảng chất độc da cam. Từ khi làm Website Chất độc da cam, mình quan tâm hơn đến những hoạt động của sinh viên tình nguyện. Hy vọng trong tương lai sẽ có thể tìm được những người cùng tâm huyết để lập một tổ chức phi chính phủ về Thanh niên tình nguyện và các hoạt động xã hội về trẻ em. Thời gian hoạt động tình nguyện cùng bạn bè sinh viên các trường đã cho mình nhiều ý tưởng, nhiều quyết tâm.
Làm site Da cam, mình, anh Thanh và các thành viên đã nhận được nhiều sự ủng hộ và quyên góp của các cá nhân, đặc biệt là các bạn sinh viên du học ở nước ngoài (tổng cộng số tiền đến gần 20 triệu đồng). Ban điều hành website đã đi được một số địa điểm trao quà ngoài Hà Nội như Hà Nam, Nam Định, Hà Tây. Càng đi, mình lại càng thấy nhiều người cần sự giúp đỡ, liệu sự giúp đỡ của mình tới được thì có muộn quá không? Năm nay site Da cam đặt ra kế hoạch đến thăm và trao quà cho một số trường hợp ở Quảng Trị. Mình hy vọng sẽ nhận được nhiều hơn nữa lòng tin và sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức và mình cùng bạn bè lại tiếp tục đến với nhiều vùng đất...
-
Bùi Dũng (thực hiện)