Hố tử thần, chưa bị truy tố chưa sợ
Liên quan đến tai nạn do các hố đen tử thần gây ra, Luật sư Thái Văn Chung, Văn phòng Đoàn Luật sư (LS) TP cho rằng, chưa xảy ra tai nạn chết người mà chỉ cần thiệt hại tài sản, người dân đã có thể khởi kiện.
>> Nỗi khiếp sợ mang tên... hố tử thần ở TP.HCM
>> Sụp hố tử thần, xe container chổng vó
Hố tử thần là do tái lập tạm …
Ngày 19/10, đại diện tư vấn giám sát dự án Vệ sinh môi trường TP Nhiêu Lộc - Thị Nghè (CDM) thừa nhận, khoảng 1/4 số vụ sụp hố tử thần là “tác phẩm” của dự án này. Có thể nhắc lại những hố tử thần làm khiếp vía người đi đường như: khu vực ngã tư Phú Nhuận, đường Lê Văn Sỹ, ngã tư Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng...
Lên tiếng về các hố tử thần này, đại diện CDM cho rằng, nguyên nhân xuất hiện hố tử thần do mưa lớn, mặt đường vừa tái lập tạm, “đụng” công trình ngầm và có việc nhà thầu thi công không đạt chất lượng …
Ra đường, người dân không khỏi bất an với những cái "bẫy" như thế này! (nắp hố ga nhô cao hơn mặt đường trên Xa lộ Hà Nội). Ảnh: Thái Phương |
Và cống thoát nước cũng trở thành "bẫy" giết người khi mưa lớn, đường ngập. Ảnh: Thái Phương
“Do tính chất tái lập tạm, nhà thầu thi công không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật dẫn đến các sự cố lún sụt mặt đường. Cụ thể, tại hẻm 386 Lê Văn Sỹ, mưa lớn dòng chảy ngầm trong cống phá vỡ kết cấu cống cũ dẫn dòng tạm gây lún sụt mặt đường. Hay hố tử thần ở ngã tư Phú Nhuận do tường gạch xây tạm chặn đầu cống bị sập vì mưa lớn, đất đá trôi vào cống làm hở hàm ếch” - đại diện một nhà thầu dẫn chứng.
Ở các hố tử thần khác, nhà thầu giải thích do thời gian đào đường kéo dài, mương đào sâu gây chấn động các công trình lân cận như ống nước, cáp điện lực, cáp điện thoại… làm lún sụt mặt đường. Ngoài ra, nhiều tuyến cống nhánh thi công trong đêm, sáng ra phải tái lập trả mặt đường cho giao thông đã không đảm bảo kỹ thuật, dẫn đến nguyên nhân gây sụp hố tử thần.
“Vì thế, những tuyến đường mới làm và đào lên như vậy sau khi đưa vào sử dụng sẽ bị lún sụp một số vị trí là không tránh khỏi. Mặt đường sẽ ổn định sau vài năm, trong khoảng thời gian bảo hành của công trình” - vị cán bộ CDM cho biết.
Chưa xử lý hình sự, chưa sợ!
Liên quan đến vấn đề xử phạt, đơn vị tư vấn giám sát dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho rằng mọi hình thức xử phạt đối với các nhà thầu vi phạm, chây ỳ đều được áp dụng. Mới đây, mức phạt cao lên đến 20 triệu đồng/ngày, cứ 10 ngày chốt sổ một lần (tổng mức phạt 200 triệu đồng). “Thế nhưng có một số nhà thầu quyết… chây ỳ, vẫn vi phạm khiến chúng tôi đau đầu” - một cán bộ CDM thừa nhận. Hiện 4 nhà thầu đang chịu mức phạt này là Liên danh xây dựng VIC, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty xây dựng số 1 và Liên danh Dreco-Cienco 5.
Đồng thời, BQL dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang xem xét tìm nhà thầu thay thế Tổng Xây dựng Hà Nội thi công trên tuyến Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh do tiến độ chậm, thi công ẩu… khiến con đường này thành nơi “bẫy” tai nạn. Đồng thời, lãnh đạo Sở GTVT TP cũng cho biết đã chỉ đạo thanh tra sở, BQL dự án xem xét cắt hợp đồng của nhà thầu Liên danh Dreco - Cienco 5 nếu tiếp tục vi phạm, nhất là sau vụ hố tử thần “nuốt” xe taxi ở đường Lê Văn Sỹ, Q.3.
Thống kê của Sở GTVT từ đầu tháng 7/2010 đến nay có gần 20 vụ sụp mặt đường. Hiện một đoàn thanh tra do Sở GTVT lập đang tổng kiểm tra, rà soát lại nguyên nhân các vụ sụt lún mặt đường, tạo hố tử thần đe doạ người đi đường.
Những cái "bẫy" đầy rẫy trên đường, (gạch đá được đổ đống trên quốc lộ 13). |
Và những hố tử thần cứ xuất hiện bất thình lình trên đường. |
Sau những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên các tuyến đường ở Sài Gòn, người dân bất an khi ra đường nhưng lại không biết phải kêu ai?
Từ khoảng 2-3 năm trước, vấn đề kiểm điểm trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, đơn vị liên quan đã được đề cập. Thậm chí việc xử lý hình sự nhà thầu cũng được lãnh đạo Sở GTVT khẳng định trong các cuộc giao ban với báo chí. Thế nhưng sau hàng loạt sự cố từ té ngã, lật xe đến chết người, chưa có cá nhân đơn vị nào bị truy tố, xử lý hình sự.
Luật sư Thái Văn Chung, Văn phòng Đoàn Luật sư (LS) TP cho rằng, chưa xảy ra tai nạn chết người mà chỉ cần thiệt hại tài sản, người dân đã có thể khởi kiện. Tuy nhiên, có thể nói biện pháp chế tài hiện nay chưa nặng khiến nhà thầu “lờn luật”.
Thực tế, trong bất kỳ dự án nào đều xác định rõ ràng trách nhiệm của từng đơn vị từ nhà thầu, tư vấn giám sát, chủ đầu tư hay cơ quan quản lý. Nếu công trình đang thi công thì nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra; còn công trình đã bàn giao, nghiệm thu nếu có tai nạn cơ quan quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm với người dân…
Theo nguyên tắc, đơn vị nào tắc trách để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, chết người sẽ bị xử lý hình sự. “Vì thế, nếu người dân muốn kiện tôi sẵn sàng hỗ trợ về mặt pháp lý để người dân nắm rõ cần kiện ai: nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn giám sát hay đơn vị quản lý?” - luật sư Chung cho biết.
Phải chăng do chưa có ai bị truy tố, chưa đủ sức răn đe nên tính mạng của người dân vẫn bị đánh cược với sự chủ quan, tắc trách?
Nhiều hố tử thần xuất hiện giữa đường khiến các nhà thầu… giật mình. Một cán bộ nhà thầu thi công dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiết lộ, đơn vị này đã lập đoàn kiểm tra riêng để rà soát các tuyến đường vừa hoàn thành xem có bị lún sụt nhằm khắc phục sớm. “Nếu phát hiện sớm các vết nứt, lỗ hổng trên đường thì sụt lún sẽ không nghiêm trọng” - kỹ sư nhà thầu này nói. |
-
Thái Phương