Đại học Trung Quốc giảm chính trị, tăng thơ ca
Thầy giáo bước vào lớp và chỉ thông báo cho học sinh một câu vỏn vẹn rằng: Mỗi anh chị sẽ có 15 giây để đứng lên và nói về một vấn đề gì đó, thuộc bất kỳ chủ đề nào. Đó là cách thức mà một tiết học tại trường Cao đẳng quốc tế đoàn kết (viết tắt là UIC - United International College) diễn ra.
Lần lượt từng người một, 10 sinh viên đã đứng lên và diễn thuyết. Không khí ngày càng trở nên sôi nổi, đầy hứng thú. Người thì hồi tưởng lại về cố hương. Người thì bàn luận về một ngôi sao nhạc Pop ưa thích.
Đây không phải là kiểu học truyền thống của Trung Quốc. Tại những lớp học theo mô hình mới thế này, tiếng cười nói luôn rộn vang, sinh viên thoải mái bàn luận những điều mình thích theo cảm hứng và không bị gò bó trong khuôn phép gì, giáo sư thì rút lui về phía “hậu trường” để lắng nghe sinh viên.
Hàng thập kỷ qua, các trường đại học Trung Quốc chỉ học theo kiểu giáo sư giảng bài, sinh viên chăm chú ghi chép lại. Tuy nhiên, Trường UIC, ngôi trường đã thực hiện mô hình "giáo dục khai phóng" (Liberal Arts) đầu tiên ở Trung Quốc đang cùng với nhiều trường đại học khác nỗ lực vươn ra ngoài khuôn phép chật hẹp, cứng nhắc nhằm đưa nền giáo dục đại học trở nên năng động, sôi nổi và bao gồm nhiều môn học phong phú hơn.
Mô hình của trường UIC được xây dựng từ một dự án của những nhà giáo dục Hồng Kông khi cố tìm cách thâm nhập vào đại lục Trung Quốc. Cho đến nay, chỉ với 4 năm tuổi nhưng trường đã trở thành cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước, thậm chí cung cấp cho cả các viện nghiên cứu nhỏ của Mỹ.
Ngoài việc học chính, trường này luôn chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa. Và 4.000 sinh viên theo học ở đây được coi là những người đầu tiên được tham gia chương trình cải cách giáo dục mới này.
"Nếu kêu gọi là hãy cải cách, đổi mới, thì có lẽ chẳng ai biết nói gì và làm gì. Vì vậy chúng ta chỉ cần nói đơn giản là hãy giảm các chương trình học chính trị. Thay vào đó hãy gia tăng các cuộc thảo luận, trao đổi dành cho sinh viên về bất cứ vấn đề gì. Chỉ cần họ được nói và được sáng tạo một cách tự do thoải mái" - Daly, một cán bộ của trường đại học Maryland Trung Quốc |
Những dự án giáo dục như thế này đang đươc khuyến khích cổ vũ mạnh mẽ tại Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo nước này đã từng than thở suốt một thời gian dài rằng, đất nước của họ hãy còn thiếu nhiều phát minh, sáng chế hiện đại và những giải Nobel khoa học. Sau nhiều năm cất công tìm kiếm những vĩ nhân, họ bắt đầu nghĩ đến việc thay đổi chương trình giáo dục để đào tạo ra những con người sáng tạo năng động hơn.
Để hỗ trợ kế hoạch này, những trường đại học hàng đầu Trung Quốc cũng đã giới thiệu cho sinh viên về những trường cao đẳng, đại học tư có quy mô nhỏ hơn tương tự mô hình của trường UIC.
Các truờng khác bắt đầu chú trọng đến việc giảng dạy các môn học đại cương và tạm hoãn lại các chương trình học chuyên sâu cho sinh viên năm thứ hai.
Đây được coi là một thay đổi căn bản tại một đất nước mà từ xưa đến giờ hầu hết các học sinh đều thích lựa chọn các chuyên ngành học chính như kinh tế thương mại, kỹ sư cơ khí trước khi bước chân vào một trường đại học.
Nhận xét về xu hướng này, Giám đốc điều hành của Lingnan, một tổ chức phúc thiện nhằm hỗ trợ chương trình cải cách giáo dục đại học tại miền nam Trung Quốc phát biểu:
“Nội dung học của các sinh viên Trung Quốc đang ngày càng có nhiều khác biệt. Mỗi trường học đã thực sự sáng tạo và thực hiện những sáng kiến mới phát triển những chương trình giảng dạy hiệu quả cho riêng mình”.
Có thể phát triển?
Các chuyên gia tư vấn đến từ Mỹ và Hồng Kông đang tích cực giúp đỡ các trường đại học Trung Quốc bắt nhịp với những thay đổi mới trong thời kỳ quá độ quan trọng này. Họ đã tiến hành trao đổi trao đổi cán bộ giảng dạy, chia sẻ chương trình học và hỗ trợ mở thêm các chương trình học cũng như các mô hình trường đại học mới. Nhưng một câu hỏi lớn đặt ra cho Trung Quốc là liệu nền giáo dục tự do, khai phóng này có thể phát triển trong một xã hội hãy còn nhiều khuôn phép cứng nhắc, máy móc chặt chẽ hay không?
Robert Daly, Giám đốc trung tâm Global Chinese Affairs tại Đại Học Maryland cho rằng: “Những thay đổi này đang đi theo một định hướng đúng đắn. Cần có một điều kiện tiên quyết về mặt xã hội để thúc đẩy sự sáng tạo và điều kiện tiên quyết đó chính là tính tự do”.
Phần 2: Tăng cường tiếng nói sinh viên
-
Sinh Phạm (Theo The Chronicle Higher Education)
Liberal Arts tạm dịch là "giáo dục khai phóng", được coi là mô hình đặc sắc của giáo dục đại học Hoa Kỳ, được xây dựng dựa trên triết lý: phát triển con người một cách toàn diện. Do đó, khác với các chương trình đào tạo mang tính chất hướng nghiệp như các trường đại học thông thường, chương trình đào tạo của các trường liberal arts thường chú trọng đến phát triển các kỹ năng có thể áp dụng được trong nhiều công việc và hoàn cảnh khác nhau (transferable skills), chẳng hạn như kỹ năng trình bày bằng ngôn ngữ nói và viết, kỹ năng tư duy logic cũng như phát triển thể chất. Mục tiêu chính của các trường Liberal Arts là xây dựng nền tảng cho sinh viên cách suy nghĩ và làm việc, có tầm nhìn về con người, xã hội, thế giới. Trong 2 năm đầu tiên khi học ở đây, sinh viên được thử tiếp xúc với nhiều lĩnh vực khác nhau và chọn ra đâu là thế mạnh của mình. Hai năm học này gọi là 2 năm đại cương, và phải đến đầu năm thứ 3 họ mới phải quyết định xem mình sẽ đi sâu vào chuyên ngành nào (declare major). Tuy vậy, dù bạn có lựa chọn chuyên ngành nào đi chăng nữa, bạn cũng phải tham gia các khóa học cơ bản (general education) ở các lĩnh vực: khoa học tự nhiên (natural science), khoa học xã hội (social science) và nhân văn (humanities), đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu về giáo dục thể chất trước khi bước vào các khóa học đào tạo chuyên môn. Các trường theo mô hình này này phần lớn là trường tư, qui mô nhỏ, với số sinh viên từ 1.000 đến tối đa 2.500, chương trình cử nhân 4 năm, không có chương trình cao học hay hậu đại học, chú trọng vào dạy – học nhiều hơn nghiên cứu, tập trung vào các môn kiến thức căn bản : triết học, lịch sử, văn chương, ngoại ngữ, các khoa học xã hội và tự nhiên, toán, lý, sinh … Đa số sinh viên sau khi ra trường với căn bản kiến thức ấy tiếp tục vào các trường chuyên sâu, như trường y, hay theo đuổi các chương trình nghiên cứu hậu đại học, hay tự thiết kế chương trình học suốt đời từ cuộc sống. Mô hình giáo dục khai phóng rất coi trọng sự phát triển của từng cá nhân, vì thế lớp học thường rất nhỏ. Số lượng sinh viên trung bình mỗi lớp chỉ từ 9 – 12 người. Sinh viên có điều kiện gặp gỡ thường xuyên với các giáo sư và có mối quan hệ gần gũi hơn. Hầu hết các giáo sư đều nhớ tên từng sinh viên và nắm rõ những điểm yếu, điểm mạnh. Bởi vậy sự tương tác giữa người dạy và người học cũng nhiều và hiệu quả hơn. Một đặc điểm nổi bật nữa là các trường theo mô hình Liberal Arts thường nằm ở vùng ngoại ô vắng vẻ, bình yên và ít phức tạp. |