Nhân lực trẻ "nhảy việc" khỏi Bộ Giáo dục
Cập nhật lúc 07:01, 11/01/2010 (GMT+7)
- Đang trong giai đoạn "bù đầu" với những cải tổ, đổi mới giáo dục cũng là lúc Bộ GD-ĐT lâm "cảnh" thiếu nhân lực. Từ đầu năm 2009, nhiều công chức trẻ, có năng lực ở các vụ đã quyết định "nhảy việc".
Có chỉ tiêu nhưng không có hồ sơ
|
Làm giảng viên có cơ hội nghiên cứu nhiều hơn? |
Thống kê của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) cho thấy, liên tục trong 2 tháng (tháng 10 và tháng 11/2009) Vụ đã phối hợp với 11 đơn vị gồm các Vụ, Cục và Văn phòng thuộc cơ quan Bộ thông báo tuyển dụng 33 công chức và 3 cán bộ dự bị.
Sau khi hết hạn nộp hồ sơ, có tổng số 71 hồ sơ đăng ký dự tuyển (trong đó có 57 hồ sơ dự tuyển công chức, 14 hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức dự bị).
Vụ Giáo dục Mầm non tuyển 3 công chức nhưng có đến 11 hồ sơ dự tuyển. Vụ Giáo dục dân tộc tuyển 2 công chức nhưng có 8 hồ sơ. Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em chỉ thông báo tuyển 1 công chức dự bị nhưng có đến 11 hồ sơ đăng ký. Còn Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhận được 22 hồ sơ để lựa 7 công chức.
Trong khi đó, Vụ Giáo dục ĐH cần tuyển 3 công chức nhưng chỉ nhận được 2 hồ sơ. Cục Công nghệ thông tin tuyển 2 nhưng cũng chỉ nhận được 1 hồ sơ. Tương tự, Văn phòng Bộ thông báo tuyển 9 công chức, nhưng số hồ sơ đăng ký chỉ có 4.
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ thiếu 1 công chức, nhưng sau 2 tháng, cũng không có hồ sơ nào đăng ký.
Theo Vụ Tổ chức cán bộ, trong 71 hồ sơ nhận được thì có 5 hồ sơ bị loại vì các lý do: quá tuổi (quy định là 45 tuổi), chưa đủ thời gian công tác theo quy định và 3 ứng viên chưa tốt nghiệp thạc sĩ theo yêu cầu dự tuyển. Số còn lại sẽ phải tham gia thi sát hạch... Nếu đạt yêu cầu từng đơn vị mới đi tiếp vào ’vòng trong".
Theo nhận định của một số nhà quản lý Bộ GD-ĐT, việc thông báo tuyển công khai là để hy vọng "hút" được nhân lực trẻ từ các trường ĐH, CĐ và các đơn vị có chuyên môn tham gia. Tuy nhiên, đây là hy vọng khó khả thi...
5 năm, lương chỉ từ 1,2 - 1,4 triệu
Từ đầu năm 2009 đến nay, nhiều công chức trẻ, có năng lực ở các Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp... đã quyết định "nhảy việc".
Lý do "nhảy việc" đơn giản là vì họ tìm được công việc khác phù hợp với thu nhập tốt hơn.
Hoặc với những công chức trẻ có năng lực, ít người thích làm việc kiểu "đút chân gầm bàn đủ 8 giờ rồi về". Nếu so sánh làm công chức Bộ với làm giảng viên trường ĐH thì chắc chắn họ sẽ chọn ở trường... - Đây là chia sẻ của không ít đồng nghiệp đang công tác trong Bộ GD - ĐT.
"Trong khi đó, có làm việc trong Bộ mới thấy nhiều áp lực", một chuyên viên tâm tư.
Đó là áp lực từ dư luận xã hội luôn đòi hỏi ngành giáo dục phải thay đổi trong quản lý để nâng chất lượng giáo dục.
Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 15/4/2009 cũng đưa nhận định "Công tác quản lý giáo dục còn nhiều yêu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác. Cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước..."
Nhưng thực tế, có "ở trong chăn" thì mới biết là chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, phòng ốc ở Bộ chưa đáp ứng được - một chuyên viên chính bậc 2 cho biết.
Theo lời của chuyên viên này thì mức lương cho chuyên viên chính bậc 2 đã có 15 năm công tác (tính cả thời gian ở sở GD-ĐT ) cũng chỉ 3 triệu đồng, theo đúng ngạch bậc quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, chỉ có thêm tiền ăn trưa, chứ không có thêm khoản thu nhập nào khác. Cố gắng lắm thì mới đây, tiền ăn trưa mới tăng từ 300.000 lên 500.000 đồng hàng tháng.
Theo quan sát của những người có kinh nghiệm làm việc ở Bộ, thực tế, người "chịu" về Bộ làm việc chủ yếu là ở sở GD-ĐT các tỉnh. Vì ít nhất họ còn thấy được cơ hội mới, tương lai mới. Giảng viên trẻ ở các trường ĐH về Bộ công tác rất ít. Người có năng lực một chút về Bộ làm một thời gian rồi lại "nhảy".
Đầu năm 2009, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp chứng kiến 1 cán bộ trẻ chuyển ra ngoài làm doanh nghiệp với lý do "về công tác ở Bộ 5 năm, nhưng lương chỉ dao động trong khoảng 1,2 -1,4 triệu đồng/tháng".
Cũng trong năm 2009, một số vụ khác như Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Công tác HSSV, Vụ Kế hoạch tài chính... chỉ biết chứng kiến sự "nhảy việc" của nhân viên rồi lại thông báo tuyển.
Đào Thị Hoa Mai, giảng viên trẻ Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, thuộc ĐHQG Hà Nội, chia sẻ, dù mức lương không cao (chỉ trên 2 triệu đồng), nhưng môi trường làm việc ở trường rất phù hợp với cô.
Hoa Mai xác định "còn trẻ nên được học mới quan trọng". Bởi vậy, "kể cả có cơ hội về Bộ công tác", chị cũng chưa chắc đã chọn.
"Ở trường thầy - trò sống rất tình cảm và luôn có sự học hỏi lẫn nhau. Mặt khác, trường có nhiều giáo sư các khối ngành Khoa học cơ bản, khối ngành Xã hội nên ở trường cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sẽ nhiều hơn" - chị Mai nói.
Dưới đây là thống kê số hồ sơ nhận của Bộ GD-ĐT:
Đơn vị |
Chỉ tiêu |
Hồ sơ nhận |
Ghi chú |
- Vụ Giáo dục Mầm non |
3 công chức |
11 |
3 vị trí |
- Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp |
3 công chức |
5 |
|
- Vụ Giáo dục ĐH |
3 công chức |
2 |
|
- Vụ Giáo dục dân tộc |
2 công chức |
8 |
2 vị trí |
- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường |
1 công chức |
|
không có hồ sơ |
- Vụ Hợp tác quốc tế |
2 công chức |
3 |
|
- Văn phòng Bộ |
9 công chức, 2 công chức dự bị |
4 công chức, 3 công chức dự bị |
loại 1 hồ sơ công chức dự bị |
- Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục |
1 công chức |
1 |
|
- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục |
7 công chức |
22 |
5 vị trí |
- Cục Công nghệ thông tin |
2 công chức |
1 |
|
- Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em |
1 công chức dự bị |
11 |
|
Bài 2: "Cài" người nhà, Bộ khó tuyển người xứng đáng?
Ý kiến bạn đọc
Nguyễn Mạnh, Ha Nam, 22:36, 14/01/2010
Đại học còn được trả 5000/1 tiết tăng giờ chứ THCS chúng tôi hiệu trưởng còn trả có 3000 thôi. Một ngày hết sức dạy được 4 tiết. Hỏi xin thêm thi nói nhà trường không có kinh phí. Có lẽ nên bỏ nghề chăng?
anh thư, quảng trị, 21:36, 14/01/2010
quả là chán khi nghĩ đén cảnh lương bổng trong giáo dục. Được mấy đồng lương còm mà còn trừ ngược trừ xuôi
Công Luận, 222Trần Phú-Pleuku, 07:28, 13/01/2010
Tôi làm việc cho cơ quan Nhà nước đến nay đã 29 năm, hiện nay lương chỉ 2 triệu 600 ngàn đồng VN. Đời sống quá khó khăn, không nuôi nổi 1 đứa con bậc tiểu học. Các bạn trẻ hãy suy nghĩ kỹ .
Sinh vien thong minh, k0 phai gioi, Hanoi, 21:36, 12/01/2010
Nhiều bạn trẻ nói rằng không nên vào nhà nước vì lưoơg thấp. Đấy là các bạn vẫn tư duy cứng nhắc thôi. Nên nhớ rằng bệnh nào chả có thuốc để chữa trị.
Làm ở doanh nghiệp vì lương cao hơn, lương cao hơn do doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền hơn, doanh nghiệp kiếm đuợc nhiều tiêng hơn do nhiều hợp đồng hơn, hợp đồng đều từ ngân sách nhà nước cả, ngân sách nhà nước do công chức quản lý, công chức là các sinh viên sau khi xin việc, học hành chính, lý luận mà nên. Vậy ai đói hơn ai?
Nguyễn Đức Vinh, Hà Nội, 16:44, 12/01/2010
Nghề nào cũng vậy, bụng đói thì đầu gối phải bò, "nhất sĩ, nhì nông. Hết gạo chạy rông, nhất nông, nhì sĩ".
Tuy nhiên với người trẻ nỗi lo cơm áo gạo tiền chưa phải là vấn đề lớn, môi trường làm việc mới là lý do chính khiến trí thức trẻ nhẩy việc.
Một trí thức trẻ muốn học hỏi, muốn phấn đấu vươn lên, muốn chứng minh khả năng bản thân, muốn cạnh tranh lành mạnh, muốn đóng góp, cống hiến nhưng anh ta sẽ phải làm gì nếu: Bên cạnh toàn con ông cháu cha-làm ít nhưng hưởng lưong như nhau.
Cấp trên là một ông Trưởng phòng-sống lâu lên lão làng, vừa dốt nát, vừa bảo thủ; Trên nữa là ông Lãnh đạo không quan tâm gì đến nhân viên mới …, vậy thì dù lương có cao hoặc chưa nhẩy được thì cũng im lặng chờ thời chứ chẳng tội gì thể hiện hay cống hiến, những cơ quan trả lương kiểu “chùa” như thế muốn giữ và khai thác tốt lao động cũng rất khó.
Hiện nay, do phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm và trả lương(trong khu vực Nhà nước) phải tuân thủ theo rất nhiều qui định nên nhiều ông đại diện Nhà nước bị động hoàn toàn từ khâu tuyển chọn, bổ nhiệm, đánh giá chất lượng lao động đến trả lương…và cuối cùng là trách nhiệm không bao giờ thuộc về người sử dụng lao động, ai ở, ai đi có hại gì đến ai.
Nên chăng, giao quyền tự chủ quĩ lương cho người sử dụng lao động với những điều kiện: Thi tuyển và “đấu thầu” vị trí người sử dụng lao động(phải có ràng buộc trách nhiệm bằng cam kết và bảo lãnh trách nhiệm bằng vật chất), qui định các khung bậc lương đơn giản đối với người sử dụng lao động (tuỳ theo tính chất công việc, cấp bậc và mức độ hoàn thành nhiệm vụ), người sử dụng lao động sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả công việc cũng như chất lượng của lao động được tuyển chọn, được quyền trả lương theo thoả thuận với từng lao động, bãi bỏ cách tính lương cầu kỳ(có đơn vị phải hợp thức hoá cách tính lương sao cho vừa giữ chân người làm vừa phải đúng qui định) và thiếu thực tế đối với người lao động như hiện nay.
Chỉ có vậy đơn vị mới tự sắp xếp lại những lao động lão làng, cắt giảm những lao động dôi dư, đào thải những lao động ký gửi(ký sinh), tận dụng được lao động nhàn rỗi, khuyến khích người lao động nâng cao khả năng làm việc để tăng thu nhập, khắc phục được hiện tượng người làm it hưởng như người làm nhiều-đảm bảo công bằng xã hội, giữ chân được lao động có chất lượng cao, cải thiện chất lượng công vụ…, thông qua thi tuyển và đấu thầu chức danh người sử dụng lao động thì mới có cạnh tranh về chất lượng công vụ và không bao giờ còn tồn tại lý do lương thấp để tham nhũng hay thoái thác trách nhiệm; Tuy nhiên việc làm này sẽ đụng chạm đến quyền lợi của rất nhiều lão làng hiện đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, liệu có làm nổi không?
Hà Huy Tuấn, Khoa Công nghệ Thông tin - Đại học Thái Nguyên, 16:20, 12/01/2010
Tôi đồng ý với các bạn, lương ngành GD quá thấp; Các bạn có tin ở trường ĐH trả GV tiền đứng lớp 25.000đ/ 1 tiết không; Có lẽ được 1 bát phở
Quang Huy, Nha Trang, 10:57, 12/01/2010
Tôi đồng ý với bạn Phạm Quang (Bạc Liêu), cơ chế quản lý, độ ỳ của các vị lãnh đạo cao lắm.
Vũ Hảo, Hà Nội, 07:39, 12/01/2010
Tôi là sinh viên ngoại ngữ mới ra trường,gia đình cũng muấn tôi xin vào một cơ quan nhà nước làm việc cho ổn định.Thú thật là tôi rất thích vào làm cho nhà nước nhưng cứ nghĩ đến vẫn đề lương bổng là tôi lại ngại.
Bây giờ tôi đang làm cho một doanh nghiệp tư nhân,lương 7,5t/tháng,chưa kể phụ cấp,thưởng.....mức lương như thế này nhưng tiêu dùng tôi còn phải hạn chế.Vậy vào nhà nước làm tháng 1,2-1,5t thì sống bằng gì,chỉ riêng tiền thuê nhà 1 tháng là hết rồi.Đó chính là ''vấn đề'',chính là câu hỏi lớn mà nhà nước cần sớm trả lời,tránh tình trạng chảy máu chất sám trầm trọng.Tôi có 7 người bạn đã đi du học,hỏi 7 người sau này có về không thì họ nói rằng về nước làm thì ............ai nuôi ?
Huỳnh Thị Diệu Oanh, 07:23, 12/01/2010
Việc này tôi thấy đã mang ra nói nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thấy cải thiện gì nhiều. Lương công chức tốt nghiệp đại học chính quy không đựoc 2 triệu đồng một tháng. Điều này chắc chắn ai cũng nhìn thấy được. Sống như thế nào với số lương này đây. Dẫu biết tương lai còn dài, chờ đợi chăng?
Nguyễn Giáo viên, Thanh Hóa, 07:19, 12/01/2010
Tôi cũng tán thành với những ý kiến về vấn đề lương bổng của nhiều độc giả. Thực tế cho thấy công chức, nhất là những gia đình 2 vợ chồng là công chức nhà nước (2 vợ chồng là giáo viên như gia đình tôi chẳng hạn) sống rất chật vật với đồng lương còm cõi. Tôi đã ra trường công tác dược 10 năm, vợ tôi cũng gần bằng khoảng thời gian ấy nhưng tổng thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 4 triệu đồng. Đi làm xa nhà gần 10 cây số mỗi tháng cũng đã hết nửa triệu tiền xăng rồi, nuôi 2 đứa con nhỏ nữa thì khốn khổ vô cùng. Đón giao thừa năm mới, nói vui với vợ 1 câu là mong sao sang năm mới gia đình mình bớt chật vật. Nói cho vui nhưng sao cứ thấy chạnh lòng...
Bên cạnh đó, tôi thấy vấn đề quản lí giáo dục cũng có nhiều điều phải bàn. Ở cơ sở chúng tôi thấy rất rõ điều này nhưng có lẽ cấp Bộ chỉ thấy nó ở cấp độ "vĩ mô". Thực tế, công chức (cụ thể là giáo viên) ở cơ sở chịu rất nhiều áp lực, thời gian làm việc tưởng là nhàn nhưng thực tế thời gian làm việc của chúng tôi cả ở trường, cả ở nhà còn hơn cả 8 tiếng/ngày, chế độ thưởng rất thấp mặc dù cả năm học mình đã nỗ lực phấn đấu. Tiền thưởng cuối năm cho những người có thành tích cao nhất chưa bao giờ lên đến con số 400.000 đồng.
Bất cập về mặt lương thưởng là rất quan trọng nhưng có khi nó còn chưa quan trọng bằng áp lực tâm lí. Nhiều người muốn nâng cao trình độ chuyên môn nên họ đi học nâng cao trình độ nhưng đến khi học xong, cầm mảnh bằng trên tay họ cảm thấy thất vọng bởi không được hưởng lương theo bằng cấp, bởi lẽ còn thiếu nhiều điều kiện trời ơi đất hỡi khác...
Bên cạnh đó là rất nhiều vấn nạn tiêu cực. GV phấn đấu, đạt thành tích cao mấy năm liền nhưng đến khi xét thành tích để nâng lương trước thời hạn liền bị Hiệu trưởng gạt phắt ra khỏi danh sách bởi đã có người - dù ít thành tích hơn rất nhiều ... Hiện tượng này tôi đã có bài viết gửi Ban bạn đọc Vietnamnet nhưng chả thấy tăm hơi đâu (chắc là việc nhỏ nên bị quên)
Thử hỏi với những vấn nạn như vậy, một mình Bộ có thể cải thiện tình hình được không ? Hứng thú công việc của người ta không còn thì làm sao người ta có thể tính đến chuyện cống hiến ? Việc này Bộ nghĩ thế nào?
Tôi cứ trăn trở về câu nói đùa của 1 học sinh cũ, đã tốt nghiệp ĐHSP nhưng không chịu đi làm GV mà đang học tiếp để chuẩn bị đi du học: "Em thấy lương của thầy lúc mới ra trường, lên dạy bọn em là hơn 400.000 lúc đó mua được 1 chỉ vàng, nhưng 10 năm sau lương của thầy không mua nổi 1 chỉ vàng".
Năm 2000, tôi ra trường và công tác trên miền núi, lương của tôi là 460.000 đã bao gồm tất cả phụ cấp, bây giờ lương của tôi là 2.200.000.
Vài lời chia sẻ cùng anh chị em giáo viên.
Tuan, Hai Phong, 21:14, 11/01/2010
Được làm công chức nhà nước là mơ ước của nhiều người, bản thân tôi cũng vậy. Tôi thấy bất cập lớn nhất là vấn đề lương bổng. Lương tôi được 2.4 triệu/ tháng, nếu không có khoản thu nhập thêm thì tương đối khó khăn. Nếu giải quyết được vấn đề lương sẽ giải quyết được một loạt các vấn đề tiêu cực như nhũng nhiễu, hối lộ…
Quang Hà, Vinh, 16:24, 11/01/2010
Đây là tình trạng đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu, nhưng đâu vẫn hoàn đó.
Với cuộc sống hiện nay, mà với mức lương theo quy định của Nhà nước thì làm công chức có thể sống nổi. Tôi cũng là 1 người đã từng sống và kinh qua cuộc sống công chức. Cách đây 5 năm, sau khi ra trường, được nhận vào làm việc ở 1 trường CĐ. Mang tiếng là giảng viên đàng hoàng, nhưng hàng ngày cứ mỗi đến văn phòng làm việc pha trà cho các thầy, đánh mỗi ngày vài cái văn bản, sau đó ngồi chơi game...
Lương thì không bằng tiền gia đình cung cấp khi còn đi học... Đó cũng là tình trạng chung của công chức mới ra trường, nhất la những người tre tuổi và sinh viên mới tốt nghiệp.
Vũ Văn Vinh, hung yen, 15:45, 11/01/2010
Tôi đã từng làm việc ở môi trường nhà nước. Tôi thấy rằng, ở cơ quan nhà nước bây giờ đa phần là con em, cháu cha.
Hồng Văn, Hà Nội, 15:22, 11/01/2010
Chưa bao giờ người ta lại nhắc nhiều đến chuyện lương công chức trẻ nhiều như những ngày cuối năm bởi sau một năm cống hiến ,họ lại nhìn lại mình được gì và mất gì sau một năm cống hiến cho đất nước.
Bản thân tôi cũng là một công chức trẻ tại một bộ, công việc bận suốt ngày, số liệu, báo cáo và đọc thêm, nghiên cứu thêm để đáp ứng yêu cầu khiến không còn thời gian để có thể chân trong chân ngoài như nhiều người từng nói.
5 năm sau ngày ra trường, xin việc ở Hà Nội là một khoảng thời gian đầy thử thách, tự xin việc và tự đi bằng đôi chân của mình tại một bộ ở Hà Nội với nhiều người cho đấy là kỳ tích.
5 năm, mất 2 năm thử việc, một năm chờ thi công chức tính đến bây giờ tôi được lên lương 1 lần từ 2,34 lên hệ số bậc 2: 2,67; lương cơ bản được 1,74 triệu, phụ cấp ngành và tăng thu nhập được 1tr tổng cộng là 2,75 triệu.
Đối với nhiều người cho rằng đó là con số cũng ổn! Sống một mình thuê nhà hết 1 -1,5 tr; ăn và sinh hoạt phí cũng từng ấy số tiền.
Nhưng quả thật không cam lòng với những gì mình đã làm, đã cống hiến, chế độ cào bằng tiền lương chính xác đã mang lại một hệ lụy không lường trước được khi rất nhiều những người như tôi đã xin ra ngoài làm.
Chưa nói chuyện lương, họ được làm trong môi trường mà tất cả mọi người đều làm việc không như trong nhà nước có một phần lớn cán bộ làm ít, không làm mà vẫn hưởng lương nhưng lại tạo nên một sức ì và chán nản đối với người làm việc.
Ai cũng bảo tuổi trẻ thì phải cống hiến, không được đòi hỏi, không được kêu ca…
Chính phủ có tin được công việc đòi hỏi chất lượng cao hoàn thành mà được trả với giá rẻ mạt!? Chế độ nhà ở không giữa Thủ đô đắt đỏ, chế độ lương bổng thấp liệu có làm nên nguồn nhân lực chất lượng cao! Tôi định đi học cao học ở nước ngoài! Lúc về tôi sẽ bỏ việc!
Vũ Công Hưng, Thái Bình, 14:48, 11/01/2010
Hiện tượng chảy máu chất xám khỏi bộ máy nhà nước là rất báo động . Nguyên nhân ở chỗ nào? Đó là cơ chế hành chính còn nặng nề. Chế độ lương bổng quá chậm đổi mới. Nhà nước cần thực hiện chế độ hợp đồng lao đồng. Cần trả công người lao động xứng đáng với công việc của từng người. Cứ bình quân chủ nghĩa như hiện nay thì kể cả ở các cơ sở cũng chỉ làm cầm chừng chứ nói gì đến các cơ quan của Cục , Bộ.
Các vị cứ về tỉnh Thái Bình mà xem : Lương của các công chức của một số ban ngành , của rất nhiều giáo viên ( đặc biệt giáo viên các trường THCS và tiểu học ) rất thấp và không có thu nhập gì khác, ngoài lương . Nhà nước cần sớm nghiên cứu hình thức trả lương cho người lao động đúng theo cơ chế thị trường thì mới giữ chân cán bộ có năng lực được .
Thái bình, Thành Phố Thái Nguyên, 14:35, 11/01/2010
Tôi thấy đây là tình trạng chung của các cơ quan hành chính sự nghiệp, công việc đều mang tính hành chính, thật buồn tẻ. Nó chỉ phù hợp với những người già, hoặc không có mấy cơ hội phát triển và trong giai đoạn "ỳ".
Những người trẻ, năng động thì thường lại bị cho là thiếu kinh nghiệm và không giao việc cho họ dẫn đến họ chán chường. Đây là một thực tế đã kìm hãm sự phát triển chung. Tôi thiết nghĩ, Nhà nước cần phải có cách nhìn khách quan khoa học về công tác cán bộ và sử dụng cán bộ nhất là cán bộ trẻ ở các ngành, địa phương, lĩnh vực trong đó một yếu tố không thể thiếu đó là lợi ích của người lao động, thông qua tiền lương, tiền thưởng và các ưu đãi khác thì mới hy vọng có được người tài trụ lại trong các cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan đảng đoàn thể, nói riêng. và xã hội mới phát triển...
Lân, Berlin, 14:15, 11/01/2010
Bộ nên sa thải cán bộ già, tầm nhìn quan liêu, làm việc thì ít nhận phong bì thì nhiều. Tiếp nhận thêm nhiều cán bộ trẻ có năng lực.
Thực ra, làm giúp việc cho các vụ, chỉ cần những người thạo công việc thư ký văn phòng, luật pháp, không cần thạo chuyên môn nên không nên tuyển giáo viên, hoặc cất nhắc từ trong Bộ lên, trừ trưởng phó phòng ban.
Tôi đã từng có thời gian làm làm thủ tục trên Bộ thì thấy không dễ ngày 1 ngày 2 mà giải quyết được. Tôi đề nghị Bộ nên chấm điểm chỉ số hài lòng cho từng công đoạn thủ tục, dựa trên các feed back (phản hồi) từ các bên có liên quan. Những người đã từng làm việc với các văn phòng của Bộ cần được nhận email các câu hỏi (questionaire) và cho điểm lên đó. Hệ thống này sẽ tự động gửi đến các cơ quan cấp trên, đánh giá cho điểm. Dựa trên chỉ số năng lực và sự hài lòng của đối tác mà có thể ra quyết định dừng hoặc không tiếp tục ra hạn hợp đồng với nhân viên trong bộ.
Người Trẻ, Hà Nội, 14:01, 11/01/2010
Tôi thấy, các cơ quan khác đều có thêm tiền ăn trưa, chứ ở Tổng cục Thống kê thì chưa có tiền ăn trưa bao giờ. Vậy khó khăn hơn nhiều. Đây là nguyên nhân chính khiến công chức trẻ nhảy việc, nhất là những người có năng lực, hoặc được đào tạo ở nước ngoài về. Đơn giản vì họ không chịu được cảnh thu nhập của người làm việc và người ngồi chơi là ngang nhau.
Trọng Dân, Q12, 12:41, 11/01/2010
Cũng phải thôi, với đồng lương ba cọc ba đồng như vậy, sống ở đất Hà Nội thì là sao mà sống nổi...Bảo làm sao công chức trẻ cống hiến hết mình được...
Nói thế, tôi thấy mấy Thứ trưởng, vụ trưởng nhiều bộ vẫn nhà lầu xe hơi, con cái du học trời Âu, đất Mỹ ...nếu đúng đồng lương Công chức như bây giờ thử hỏi làm sao ai mà sống được...
Bài báo mới chỉ cập đến lương công chức thôi...chứ còn bổng lộc chưa nói đến...
nam, Hà Nội, 11:11, 11/01/2010
- Việt nam ta lâu nay làm việc vẫn theo cảm tính và kính lão đắc thọ nên việc được nhìn nhận đánh giá còn có phần kiêng nể. Một số vì áp lực công chức mà ngậm bồ hòn làm ngọt không giám làm.
- Ngoài ra cơ chế chính sách không theo kịp thời thế xã hội nên việc chảy chất xám nội bộ là chuyện bình thường thôi. Nhiều đơn vị cứ trả lương, cứ đào tạo nhưng cán bộ của mình lại làm toàn tâm toàn ý cho nơi khác mà có quản lý được đâu.
>> Vừa làm vừa lo thì ai giám làm dám hi sinh cống hiến nữa.
Phan Văn Bình, 4/8 Ng T Minh Khai, Q 1, Tp HCM, 11:10, 11/01/2010
Không có gì đáng ngạc nhiên! Cơ chế của chúng ta muốn "máy" chạy tốt. Nhưng lại không chịu đổ đủ xăng! Và hình như luôn hô hào và hy vọng "máy" sẽ chạy hết công suất nhờ vào khẩu hiệu và nghị quyết! Cái gì cần đến rồi sẽ đến! Cơ chế ơi! Sao chậm đổi vậy! Đừng trách những người trẻ, họ cũng cần "xăng" như bao cái máy khác thôi, đừng hy vọng có động cơ vĩnh cữu! Hãy đổi mới ngay, vì một Việt Nam thân yêu, vì 80 triệu con tim!
Lan - Hà Nội, 11:10, 11/01/2010
Những người làm trong ngành giáo dục nói chung khi có cơ hội là họ nhảy việc ngay vì lương bên giáo dục quá thấp lại nhiều áp lực .
Phạm Quang, Bạc Liêu, 10:44, 11/01/2010
Tôi chỉ là giáo viên "làng" cấp 2 thôi mà còn chán với cơ chế và cách quản lý của cấp trên nữa là những người có học thức cao hơn.
hoàn, hà nội, 09:32, 11/01/2010
Không chỉ riêng ngành giáo dục, công chức của các ngành khác cũng sẽ "nhảy việc" nếu vẫn còn cơ chế sử dụng cán bộ như hiện nay.
Thai nguyen son, Phu Tho, 07:36, 11/01/2010
Hiện tượng trên là hệ quả của cơ chế, của cách quản lý .