Bỏ thi tốt nghiệp THCS: Không thi nên không học?
Từ năm học này, học sinh khối 9 trên cả nước sẽ không phải thi tốt nghiệp. Có thể nhận thấy cả nhà trường và học sinh đều cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn trong việc dạy và học.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Cầu Kiệu (Phú Nhuận) làm bài kiểm tra học kỳ I môn văn. Nội dung kiểm tra nhẹ nhàng như một bài kiểm tra bình thường - Ảnh: Minh Giảng |
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều băn khoăn, trăn trở quanh việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS lần đầu tiên được áp dụng kể từ năm học này...
Xuất hiện tâm lý ỉ lại
Những năm trước đây, HS khối 9 thường học hành khá vất vả. Hết học chính khóa rồi tăng tiết, học thêm, nhiều HS đến 22g đêm mới hoàn thành một ngày học tập căng thẳng ở trường. Nhưng năm nay, do không còn bị áp lực bởi chỉ tiêu, những con số tốt nghiệp tròn trĩnh, đẹp mắt mà việc dạy và học của nhà trường đã nhẹ nhàng hơn.
Lác đác ở một số trường vẫn còn những giờ tăng tiết, những buổi học thêm ban đêm nhưng không nhiều và hầu hết là trên tinh thần tự nguyện của những HS yếu, đặc biệt là không còn cảnh “cấm trại” như mọi năm.
Ông Nguyễn Hòa Thuận, hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, cho biết việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp khiến tâm lý HS và giáo viên thoải mái hơn nhiều. Mặc dù vừa được chuyển sang công lập trong năm học này nhưng thực chất HS khối 9 vẫn là đầu vào bán công (sức học của HS có phần kém) nên nhà trường cũng cố gắng tổ chức học hai buổi để củng cố kiến thức cho HS.
Tuy nhiên, buổi thứ hai chủ yếu là cho HS học thể dục hoặc củng cố bài học nhẹ nhàng chứ không gắt gao như mọi năm. Thế nhưng ông Thuận cũng tỏ ra lo ngại: " Việc tâm lý HS thoải mái tuy thuận lợi cho việc dạy và học nhưng cũng lo lắm vì HS nghĩ không phải thi nên không cố gắng học tập. Thầy cô có cố gắng mấy thì HS vẫn cứ ỉ lại!".
Bà Đỗ Thị Thu Anh, hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn (Bình Thạnh), cũng nhận xét: "Học thì không có gì quá khó khăn, nặng nề cả nhưng có một điều dễ nhận thấy nhất là chưa năm nào HS lười học như năm nay!".
Và những băn khoăn
Từ năm học này, môn nhạc họa lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy cho HS khối 9. Tuy nhiên theo phân phối chương trình, môn học này chỉ được giảng dạy trong học kỳ I. Vì thế nếu HS nào “sảy chân” không hoàn thành những môn này thì sẽ không có thời gian để “trả nợ” và nguy cơ không được xét tốt nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra. Không hoàn thành
1/3 môn học đồng nghĩa với việc không được xét hoàn thành tốt nghiệp THCS, hoặc nếu được xét tốt nghiệp thì kết quả cũng rất thấp! “Mọi năm HS bị xếp học lực yếu vẫn được dự thi tốt nghiệp và có thể đậu nhờ may mắn, nhưng năm nay nếu bị xếp học lực yếu thì coi như chưa hoàn thành chương trình học, mà như thế sẽ không được xét tốt nghiệp THCS” - bà Nguyễn Thị Minh Phương, hiệu phó Trường THCS bán công Võ Văn Tần, lo lắng.
Cũng theo bà Phương, HS thường coi trọng các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh mà đôi khi xem thường các môn khác nên nếu không thận trọng có thể sẽ bị “liệt” và không được xét tốt nghiệp. Vì vậy, mặc dù không còn áp lực của những chỉ tiêu, những con số tốt nghiệp nhưng bà Phương cho biết trường vẫn phải chăm HS học đều các môn để hoàn thành môn học. Có lẽ vì thế mà hiệu phó một trường bán công cũng khẳng định: “Năm nay mà đặt chỉ tiêu cho chúng tôi 100% HS tốt nghiệp như mọi năm thì chưa chắc chúng tôi đã hoàn thành”!
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hòa Thuận, vì là năm đầu tiên thực hiện bỏ thi tốt nghiệp trong khi vẫn chưa có văn bản hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 năm học sau nên nhà trường và phụ huynh đều rất lúng túng. Phụ huynh gọi lên trường hỏi về hình thức tuyển sinh để có định hướng kịp thời cho con em trong khi nhà trường cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào. Hơn nữa, những HS nếu không được xét tốt nghiệp trong năm học này thì sẽ giải quyết ra sao?
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết vì đã bỏ thi tốt nghiệp nên việc tuyển sinh lớp 10 sẽ bằng một kỳ thi, tuy nhiên môn thi cũng như số lượng môn thi vẫn chưa quyết định. Tất cả còn phải chờ sự hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và UBND thành phố.
Bỏ thi tốt nghiệp THCS là một chủ trương đúng đắn, được cả các trường lẫn phụ huynh đồng tình. Tuy nhiên, vì là năm đầu tiên thực hiện nên vẫn còn một số băn khoăn từ phía các trường và phụ huynh. Điều quan trọng là các trường, HS và cả phụ huynh cũng cần hiểu rõ rằng bỏ thi tốt nghiệp không đồng nghĩa với việc thoải mái học hành, học sao cũng được.
Trước mắt vẫn còn một kỳ thi mà ở đó kiến thức học tại bậc THCS sẽ được đánh giá và nhìn nhận một cách khách quan, trung thực để quyết định xem HS sẽ được vào học hệ trường nào ở bậc THPT...
(Theo MINH GIẢNG - Tuổi Trẻ)