Chấm thi trắc nghiệm: Có nhanh như mong đợi?
(VietNamNet) - Một số trường đã chấm xong các môn tự luận nhưng vẫn đang "dài cổ" chờ kết quả chấm trắc nghiệm từ Bộ GD-ĐT, nơi "thầu" chấm cho hơn 70 trường. Những trường "chịu chơi" bỏ tiền mua máy về chấm cũng mất nhiều thời gian loay hoay với việc quét bài, với các loại lỗi của thí sinh và chờ đợi đáp án chấm từ Bộ.
>> Độc giả có thể tra điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 tại đây.
Có trường đã hoàn thành chấm thi tự luận nhưng chưa có kết quả thi trắc nghiệm. Ảnh chấm thi môn Toán tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Ảnh minh họa: Lan Hương
"Trăm dâu đổ đầu tằm"
Ông Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: "Mua máy chấm trắc nghiệm rất tốn kém, mà không biết chắc sẽ sử dụng được mấy năm vì không biết đến khi nào Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành gộp 2 kỳ thi vào 1.
Bên cạnh đó, do không có kinh nghiệm xử lý bài thi trắc nghiệm nên theo chúng tôi, tốt nhất là nhờ Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục của Bộ, cơ quan nắm vững mọi thao tác liên quan tới thi trắc nghiệm, chấm giúp."
Cùng chung tâm lý này, một loạt trường khác như ĐH Y Hà Nội, ĐH Thủy lợi, ĐH Hà Nội... cũng gửi bài thi trắc nghiệm lên Bộ GD-ĐT "nhờ" chấm giúp khiến Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục phải "thầu" chấm trắc nghiệm cho tới hơn 70 trường ĐH, CĐ.
Số lượng bài chấm quá lớn, nên tưởng rằng việc chấm thi trắc nghiệm sẽ hoàn thành sớm hơn nhiều so với thi tự luận nhưng thực tế thì ngược lại. Nhiều trường đã hoàn thành chấm các môn tự luận lại đang chờ... dài cổ kết quả bài trắc nghiệm để ghép điểm.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chấm xong toàn bộ bài thi Toán khối A và D nhưng vẫn chưa nhận được "tín hiệu" nào từ phía Cục Khảo thí về những bài thi trắc nghiệm mà trường đã nhờ chấm. Vì thế, các trường dù có chấm tự luận rất nhanh cũng không thể sớm công bố điểm thi.
Ông Đào Văn Long, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết: "Theo tôi được biết, Cục Khảo thí sẽ quét bài trước và sau đó, chỉnh sửa những sai sót rồi mới chấm đồng loạt cho tất cả các trường. Vì thế, sẽ không có chuyện trường có điểm trước, trường có điểm sau."
Thậm chí, kể cả khi các trường chủ động chấm thi trắc nghiệm thì cũng không thể có kết quả nhanh như nhiều người mong đợi vì chấm thi trắc nghiệm là một quá trình với nhiều khâu chặt chẽ, bảo mật, nghiêm túc chứ không chỉ đơn giản đưa bài vào máy và quét ra điểm. Nhiều trường xác định khâu quét bài thi lên máy mất thời gian nhiều nhất.
Vì phiếu trả lời trắc nghiệm được giữ nguyên, không rọc phách nên quá trình quét và xử lý phiếu luôn phải bố trí cán bộ giám sát trực tiếp và liên tục.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) trình bày: "Trước và sau khi quét, phiếu trả lời trắc nghiệm phải được niêm phong dưới sự chứng kiến của cán bộ giám sát. Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa vào phiếu với bất kỳ lý do gì. Sau khi quét, tất cả các phiếu và danh sách thí sinh lại được niêm phong lại. Thư ký chấm thi phải ghi lại rất chi tiết các lỗi mà thí sinh mắc phải trong việc tô số báo danh, mã đề, tô câu trả lời."
Ở trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nơi có đông thí sinh dự thi nhất khu vực phía Nam (44.000 thí sinh), bài thi trắc nghiệm không nhanh như tiến độ dự tính. Trường đã mất tới 3 ngày để quét toàn bộ số bài và phát sinh thêm 3 ngày ngoài dự tính kiểm tra lại lỗi của bài thi.
Sau khi hoàn thành khâu quét bài, toàn bộ dữ liệu phiếu trả lời trắc nghiệm phải được dán niêm phong, có chữ ký của cán bộ giám sát và gửi ngay về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Sau đó Cục sẽ tổng hợp, xử lý và gửi cho các trường tổ hợp hoán vị câu trắc nghiệm, phương án lựa chọn của các mã đề và thang điểm 100 của đề chuẩn cũng như đơn vị quy đổi sang thang điểm 10.
Theo đánh giá của các trường, đây cũng là một khâu kéo dài thời gian chấm thi trắc nghiệm. Bà Huỳnh Thị Hồng Vinh, Phó Trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm Đồng Tháp, chia sẻ: "Trường không chủ động sát sao được thời gian chấm như tự luận. Chúng tôi vừa gửi file dữ liệu lên Bộ và bây giờ chỉ biết ngồi chờ và biết rằng trong khoảng 1 tuần sẽ có đáp án, hướng dẫn chấm tiếp."
Chấm thi trắc nghiệm ở ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Tiền phong
Lỗi thí sinh: kéo dài thời gian chấm vài chục lần
Một nguyên nhân khác làm chậm tiến độ chấm thi trắc nghiệm một cách đáng kể là do những lỗi kỹ thuật khi làm bài của thí sinh. Phổ biến nhất vẫn là các lỗi tô sai mã đề, sai số báo danh, tô mờ, tô hai đáp án một câu hoặc tẩy không hết... Số bài lỗi này thường chiếm khoảng từ 3% tới 5% trong tổng số các bài thi.
Học viện Tài chính đã phải dành cả 1 tuần để xử lý những sai sót của thí sinh trong bài thi trắc nghiệm như viết nhầm mã đề, số báo danh... Ông Ngô Thế Chi, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết "đến ngày 19/7 trường mới quét xong dữ liệu bài thi, đã gửi về Bộ GD-ĐT để nhận phương án chấm."
Với những bài tô sai số báo danh, mã đề, cán bộ chấm thi phải đối chiếu với biên bản có chữ ký của thí sinh khi nộp bài để chỉnh sửa trên máy. Công đoạn này khiến thời gian quét một bài trắc nghiệm lẽ ra chỉ mất có 1 giây bị đội lên tới vài chục lần.
Nếu thí sinh tô đáp án quá mờ, máy cũng báo lỗi. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) xử lý bằng cách đưa vào máy chạy nhiều lần với hy vọng những lần sau, máy sẽ đọc được đáp án. Sau khi chấm xong, những bài có nhiều câu bỏ trống sẽ được lọc riêng ra để kiểm tra lại xem thí sinh bỏ trống thật hay do tô mờ nên máy không đọc được. Công việc hậu kiểm này cũng "ngốn" không ít thời gian của các hội đồng chấm.
Còn Trường ĐH Cần Thơ, mỗi khi gặp lỗi thí sinh tô quá mờ thì phải dùng giải pháp kỹ thuật tăng độ phân giải của máy lên đậm hơn, khiến máy chạy chậm hơn vì nặng.
Đôi khi, có những lỗi của thí sinh rất cá biệt khiến hội đồng chấm lúng túng, không biết xử lý như thế nào đành "cầu cứu" tới Bộ xin hướng dẫn giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết: "Có trường hợp thí sinh tô mã đề không nằm trong mã nào nên trường chưa biết xử lý ra sao."
Ông Huỳnh Thanh Hùng, phụ trách ban chấm thi Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, vẫn còn lấn cấn trong chuyện nội dung bài thi trắc nghiệm, dù file bài thi đã gửi ra Bộ, và đang chờ ý kiến chỉ đạo tiếp tục quy trình chấm.
Trong trường hợp thí sinh chỉ làm 1 câu ở 1 phần tự chọn, làm hết tất cả các câu trong phần còn lại, sẽ tuỳ để xử lí. "Nếu làm 2/3 phần này và 2/3 phần kia hoặc tỉ lệ hai bên ngang nhau thì có thể nghĩ thí sinh cố ý. Chỉ 1 câu, phần nhiều do các em vô tình. Nếu chấm theo “luật” chia đôi số điểm thì rất thiệt cho các em.” - Ông Hùng đặt vấn đề.
Lỗi này cũng gây lúng túng cho Trường ĐH Cần Thơ, tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Xê, Hiệu phó nhà trường, cách giải quyết của ĐH Cần Thơ là cứ chiếu theo luật mà làm!
Không chỉ khâu chấm thi mà cả phúc khảo bài thi cũng sẽ không đơn giản. Ông Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: "Đơn vị nào chấm thi thì phải chịu trách nhiệm xử lý phúc khảo".
Ông khẳng định thêm: "Chắc chắn kỳ thi tuyển sinh nào cũng sẽ có đơn phúc khảo của thí sinh." Như vậy, Cục Khảo thí đã "thầu" chấm thi cho hơn 70 trường nên cũng sẽ phải phụ trách việc phúc khảo cho toàn bộ các trường đó.
-
Lan Hương - Thu Hương
TRA ĐIỂM TUYỂN SINH QUA ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG
Tra điểm thi:
Soạn tin: DT sốbáodanh gửi tới 998
Ví dụ: xem điểm của thí sinh có sốbáodanh là VHHD110433,
soạn tin: DT VHHD110433 gửi tới số 998.
(SBD ghi giống như trong phiếu báo thi, bao gồm cả mã trường)
Tra điểm chuẩn:
Soạn tin: DC mãtrường gửi tới 998.
Ví dụ: xem điểm chuẩn của trường ĐH Văn Hóa Hà Nội (mã trường là VHH), soạn tin: DC VHH và gửi tới số 998.