Trước tuyển sinh: Cấp tập chống gian lận
(VietNamNet) - Do áp lực căng, những hiện tượng vi phạm quy chế thi, vi phạm pháp luật vẫn sẽ tiếp diễn phức tạp trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Thí sinh làm hồ sơ ĐKDT. Ảnh Đ.T
Tại các khu vực có diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, tất cả số máy trong chế độ đàm thoại có thời gian trên 30 phút đều sẽ bị lưu ý. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, sẽ lập tức bị điều tra.
Đây là một nội dung trong công văn mới nhất mà Bộ GD-ĐT vừa gửi, đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Công an cùng phối hợp để kiểm soát giúp việc kiểm tra gian lận trong kỳ thi ĐH sắp tới.
"Các thủ đoạn gian lận trong kỳ thi tuyển sinh ĐH tới đây vẫn theo những phương thức "truyền thống" như: qua điện thoại di động, thi hộ, thi kèm… Tuy nhiên, năm nay có tới 4 môn thi bằng phương thức trắc nghiệm, đề thi dài, nhiều mã đề… nên gian lận sẽ khó khăn hơn; đặc biệt là hình thức gian lận bằng điện thoại di động" - Ông Quách Tuấn Ngọc GĐ Trung tâm Tin học (Bộ GD-ĐT), thành viên ban Chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2007 dự đoán.
Theo Vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH Trần Thị Hà, từ tháng 3, Bộ GD-ĐT đã tập huấn nghiệp vụ máy tính phục vụ tuyển sinh cho 64 Sở GD-ĐT và 336 trường ĐH, CĐ. Chương trình máy tính tuyển sinh năm nay có tích hợp chức năng chống gian lận trong tuyển sinh như: thi hộ, thi kèm, chống dùng giấy chứng nhận kết quả giả.
Một cách lâu dài, trong nhiều năm, Trung tâm Tin học đã phân tích các dữ liệu điểm thi tốt nghiệp và kết quả thi ĐH và phát hiện nhiều trường hợp nghi ngờ thi hộ: TS có cùng tên, họ, ngày tháng, năm sinh, quê quán… có kết quả thi tốt nghiệp rất thấp nhưng điểm thi ĐH cao vọt lên.
Hiện nay các trường vẫn tiến hành “hậu kiểm” bằng cách rà soát và nếu có nghi vấn thì lấy bài thi gốc ra để so chữ viết. Tuy nhiên, cách làm với bài tự luận này sẽ khó áp dụng với bài thi trắc nghiệm bởi chữ viết của TS lưu lại trên bài thi không nhiều.
"Muốn làm tận gốc đối với hình thức thi hộ, thi kèm thì chỉ có cách đưa số chứng minh thư của TS vào dữ liệu tuyển sinh", ông Ngọc nói.
Ông Trần Bá Giao, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho hay Thanh tra Bộ đã hoàn thành việc phân cấp thanh tra đến các trường. Một cán bộ thanh tra sẽ trực tiếp phụ trách 15 phòng thi. 17 đoàn thanh tra cũng được thiết lập, cùng với 25 cán bộ giám sát việc in sao đề thi, 40 cán bộ thanh tra lưu động.
"Thanh tra sẽ chủ động phòng ngừa, kiến nghị xử lý sai phạm, giúp các cơ quan quản lý, chỉ đạo thu thập thông tin chính xác kịp thời", ông Giao nói.
Thưởng "nóng" cho giám thị
Ngoài việc tuân thủ các quy định của Bộ GD-ĐT, Học viện Hành chính quốc gia có sáng kiến thực hiện nhiều năm qua là thưởng "nóng" cho giám thị phòng thi nếu phát hiện và lập biên bản thí sinh phạm quy - Hiệu trưởng nhà trường Trần Đình Kiên cho biết. Mức thưởng là 200.000 đồng/người/biên bản. Song song với đó, Học viện còn "treo" mức thưởng "nóng" 500.000 đồng/người/phát hiện 1 trường hợp thi hộ, thi kèm....
Tuy nhiên, chưa có giám thị nào nhận thưởng mức 500.000 đồng. Còn mức 200.000 đồng thì năm nào Học viện cũng chi hàng chục triệu cho cán bộ phát hiện đình chỉ thí sinh phạm quy. Cách thưởng "nóng" để chống gian lận như vậy tiếp tục được áp dụng cho năm nay.
Không có "sáng kiến" nhưng Trường ĐH Nông nghiệp 1 dự báo, năm nay áp dụng nhiều môn thi trắc nghiệm sẽ khó thi hộ, mà khả năng phát sinh thi kèm.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó phòng Đào tạo, mặc dù khâu kiểm duyệt hồ sơ đăng ký dự thi, bộ phận máy tính đã không để những trường hợp trùng họ tên, ngày, tháng, năm sinh...ngồi gần nhau trong cùng phòng thi. Nhưng, trong các buổi tập huấn quy chế vẫn lưu ý cán bộ làm thi lưu ý trường hợp thi kèm. Buổi tập huấn ngày 29/6, nhà trường sẽ lưu ý cán bộ làm thi lần nữa...
Ông Trần Đình Kiên băn khoăn, với hình thức thi trắc nghiệm cũng chưa thể nói trước điều gì. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhà trường cũng luôn lưu ý cán bộ coi thi không được rời phòng thi để hạn chế hiện tượng "phím" đáp án trắc nghiệm... Thêm nữa, năm nay điểm trưởng ở các địa điểm thi bị cấm không được dùng điện thoại di động.
Hạn chế sử dụng điểm thi trường phổ thông, giám thị sinh viên
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có trên 14.500 thí sinh dự thi đợt 1. Theo đó, trường bố trí hơn 1.000 cán bộ coi thi ở 8 hội đồng.
Theo GS.TS Thái Bá Cần, năm nay, trường hạn chế sử dụng các địa điểm thi là các trường THPT. Cụ thể, năm nay, trường chỉ thuê 3 trường Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Huân và Tam Phú đều thuộc địa bàn Thủ Đức. Tại 3 điểm thi này, trường bố trí khoảng 4.000 thí sinh dự thi.
Ths Dương Thị Mai Phương, đại diện Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Mở TP.HCM cho hay, trong đợt 1, trường chỉ sử dụng một điểm thi duy nhất là trường THPT.
Năm nay, Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng không sử dụng SV trong công tác coi thi. Tuy nhiên, sẽ huy động 100 giáo viên cấp 2 tham gia công tác này. Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Trưởng phòng đào tạo của trường: "Những giám thị ở các trường THCS đều là những thầy cô có kinh nghiệm về công tác coi thi. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa rồi, các thầy cô đều đã làm giám thị".
Trong đợt thi đầu tiên, ĐH bán công Marketting có 4.680 thí sinh dự thi. Trường đã huy động trên 600 cán bộ coi thi. Theo Ths Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của trường: "Năm nay, trường hạn chế sử dụng SV làm giám thị coi thi. Trường chỉ sử dụng những SV là cám bộ lớp, cán bộ đoàn để đi coi thi". Với 8 điểm thi, trường chỉ sử dụng một trường tiểu học làm điểm thi.
Tuy nhiên, ở những trường có lượng thí sinh đăng ký dự thi đông, vẫn phải "cầu viện" tới đội ngũ SV.
Năm nay, ĐHQG TP.HCM có 44.505 thí sinh đăng ký dự thi vào 6 đơn vị trực thuộc cho cả 2 đợt thi với 2.400 giám thị. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Kinh tế sử dụng nhiều SV năm cuối làm giám thị coi thi thứ 2.
-
Kiều Oanh - Đoan Trúc
TRA ĐIỂM TUYỂN SINH QUA ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG
Tra điểm thi: Soạn tin: DT sốbáodanh gửi tới 998
Ví dụ: xem điểm của thí sinh có sốbáodanh là VHHD110433, soạn tin: DT VHHD110433 gửi tới số 998.
(SBD ghi giống như trong phiếu báo thi, bao gồm cả mã trường)
Tra điểm chuẩn: Soạn tin: DC mãtrường gửi tới 998. Ví dụ: xem điểm chuẩn của trường ĐH Văn Hóa Hà Nội (mã trường là VHH), soạn tin: DC VHH và gửi tới số 998. |