Khối A, trường nào vừa sức?
(VietNamNet) - Kỳ thi tuyển sinh 2006, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tuyển sinh khối A là một trong những khối thi có sự phân hóa khá rõ nét giữa các trường. Không chỉ có sự phân hóa giữa các trường mà ngay cả các ngành trong cùng trường cũng có sự phân hóa khá rõ bởi sự cách biệt giữa điểm chuẩn trúng tuyển...
Phía Bắc: Vào trường "top 1" phải đạt trên 7 điểm/ môn
Ảnh Lê Anh Dũng
Năm 2006, Trường Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, ĐH Ngoại thương...được "liệt" vào danh sách các trường "top 1" có số thí sinh đăng ký dự thi giảm đáng kể. Nguyên nhân giảm, theo ông Quách Tuấn Ngọc, GĐ Trung tâm Tin học (Bộ GD-ĐT), do các trường ĐH có điểm trúng tuyển mùa thi năm 2005 cao chót vót nên hầu hết đều nằm ngoài "tầm ngắm" của thí sinh.
Sự "chùn chân" trước nhóm ngành Kinh tế cũng thể hiện rõ ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, điểm chuẩn năm 2006 vào các trường top trên vẫn cao hơn...
Trường ĐH Kinh tế quốc dân, số thí sinh dự thi giảm gần 5.000 hồ sơ đăng ký dự thi (từ hơn 23.000 xuống còn gần 18.000) so với năm 2005, nhưng điểm chuẩn năm 2006 ngành thấp nhất là 21,5 điểm. Tính trung bình 3 môn thi thí sinh phải đạt trên 7 điểm/ môn.
Cùng mức điểm chuẩn 21,5 là Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Điểm chuẩn thấp hơn 0,5 có các ngành Khoa học Môi trường, khối A (trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), Công nghệ Điện tử viễn thông (trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội)...với 21 điểm.
Số hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng giảm hơn 5.000 bộ, tỷ lệ "chọi" chưa tới 1 "chọi" 2. So với năm 2005, điểm chuẩn vào trường có giảm nhưng thí sinh phải đạt trung bình 7,5 điểm/ môn mới đậu. Mức điểm chuẩn của trường là 22,5.
Ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh của Học viện Bưu chính Viễn thông (cơ sở phía Bắc) cùng mức điểm chuẩn 22,5. Thí sinh vào ngành Điện tử viễn thông phải đạt 8 điểm/ 1 môn mới đỗ. Mức điểm chuẩn ngành này năm 2006 là 24.
Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội (cơ sở phía Bắc), ĐH Xây dựng Hà Nội (khối A)...cùng mức điểm chuẩn là 20.
Một số trường, ngành có mức điểm chuẩn "dễ thở" hơn như khối A Học viện Ngân hàng (cơ sở phía Bắc) là 19 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Mỏ Địa chất là ngành Dầu khí với 19,5 điểm. Các ngành còn lại có mức điểm từ 15,5 đến 17,5.
Với mức 17 điểm cũng đem lại cơ hội trúng tuyển nguyện vọng 1 cho không ít thí sinh thi vào Học viện Kỹ thuật Mật mã. Điểm trúng tuyển vào trường ĐH Thủy lợi (cơ sở phía Bắc) là 16 điểm; ngành có điểm chuẩn cao nhất là Công trình thủy lợi với 19,5 điểm....
Bên cạnh những trường có mức điểm chuẩn tương đối cao, không ít trường khu vực phía Bắc cũng tạo nên những biến động lớn về điểm trúng tuyển. Cụ thể như, Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội điểm chuẩn cả 2 khối A, B đều là 15,5
Điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Lâm nghiệp khối A (13 điểm), khối B (14 điểm). Riêng ngành công nghệ sinh học có điểm chuẩn là 18, ngành khoa học môi trường có điểm chuẩn là 16 đối với cả hai khối A và B. Những ngành còn lại có điểm chuẩn khối A là 13, khối B là 14.
Phía Nam: Hạ "nhiệt" hơn....
Ở khu vực phía Nam, điểm chuẩn có thấp hơn. Nếu xác định mức điểm chuẩn 20 thì chỉ có một số ngành ở các trường đạt mức điểm này như ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Ngân hàng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Ngoại thương (cơ sở hai), ĐH Công nghiệp TPHCM… Đa số các trường còn lại đều có mức điểm chuẩn dưới 20.
Những trường có 2 cơ sở phía Bắc và Nam đều có mức điểm chuẩn cách biệt từ 2 đến 5 điểm như: ĐH Giao thông vận tải Hà Nội điểm chuẩn cơ sở phía Nam là 15 điểm, cách biệt phía Bắc 5 điểm.
Các ngành tương ứng vào Học viện Bưu chính Viễn cơ sở phía Nam có điểm chuẩn thấp hơn từ 2 - 3,5 điểm. Cụ thể là ngành điện tử viễn thông 22, công nghệ thông tin 19, quản trị kinh doanh 19.
Học viện Hành chính quốc gia cũng có mức điểm chuẩn các khối chênh lệch giữa cơ sở phía Bắc và phía Nam là 3 điểm. Phía Bắc khối A: 19; khối C: 20,5. Tương tự, điểm chuẩn cơ sở phía Nam khối A: 16 và khối C: 17,5....
Xét tổng thể, các trường và nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật, sư phạm có điểm chuẩn vượt trội so với các trường còn lại.
Trong khi đó, ở nhóm trường tốp dưới gồm các trường thuộc khối nông lâm thủy sản, kỹ thuật – công nghiệp, công đoàn, điện lực, hàng hải… có điểm chuẩn dao động từ 14-19 điểm.
Nhiều trường ĐH vùng như Tây Bắc, Thái Nguyên, Tây Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế… cũng có điểm chuẩn dao động trong phổ điểm này từ 14-19 (trừ một số ngành sư phạm). Thậm chí, nhiều ngành thuộc các trường ở khu vực TPHCM, các ĐH vùng còn có mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 chỉ bằng "sàn" của Bộ GD-ĐT là 13 điểm.
Cơ hội vào nhóm trường này cũng khá rộng bởi đây là những trường có chỉ tiêu xét tuyển NV2 khá cao.
Với các trường đào tạo song song cả hệ cử nhân và Sư phạm như trường ĐH Qui Nhơn, ĐH sư phạm TPHCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Cần Thơ, ĐH Hồng Đức… điểm chuẩn các ngành thuộc khối cử nhân thường thấp hơn khá nhiều so với các ngành khối sư phạm.
Thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn các trường ĐH, CĐ năm 2006 tại đây.
-
Kiều Oanh (tổng hợp)