,
221
5921
Tin tức - Sự kiện
tintuc-sukien
/giaoduc/tuyensinh/tintuc-sukien/
890340
Thi trắc nghiệm: Xoay xở "mở" ngân hàng đề
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Thi trắc nghiệm: Xoay xở 'mở' ngân hàng đề

Cập nhật lúc 15:48, Thứ Ba, 23/01/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Công tác chuẩn bị cho việc thi trắc nghiệm đã và đang được từng trường và các địa phương ráo riết chuẩn bị để HS làm quen với hình thức thi này. Tuy nhiên, đề thi vẫn là nỗi lo của những nhà quản lý và giáo viên.

Loay hoay tìm cách ra đề

HS Trường THPT Lê Xoay (Vĩnh Phúc) trong giờ học. Ảnh: Bích Ngọc

Hiện nay, trường phổ thông ở các địa phương đã tiến hành triển khai đề thi trắc nghiệm đến HS thông qua kiểm tra 15 phút, 1 tiết và thi học kỳ, để HS có thể làm quen với kiểu bài thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với mỗi nhà trường vẫn là đề thi.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội: “Thật khó để có đội ngũ ra đề trắc nghiệm theo đúng nghĩa của nó, mà đây lại là khâu quan trọng nhất. Vì thế, nhà trường phải tập trung tổ, nhóm chuyên môn để cùng bàn bạc và thống nhất cách ra đề”. Học kỳ I vừa qua, trường có ra đề thi trắc nghiệm cho các môn Anh văn, Sinh (100% trắc nghiệm) với 4 đề và Hóa, Lý (có 50% tự luận) với 8 đề.

Theo ông Bình, để đạt được điểm tuyệt đối ở đề trắc nghiệm là rất khó, vì câu hỏi dàn trải cả chương trình, phải linh hoạt trong cách làm. Số điểm kém cũng không nhiều, kết quả chủ yếu tập trung vào loạt điểm trung bình. Theo đánh giá của ông, đề do trường soạn thảo vẫn chưa được như mong muốn, cần phải có thêm thời gian và có sự hướng dẫn làm theo cách mới.

Ông Nguyễn Đức Phi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc nhận xét: “Thi trắc nghiệm có hiệu quả hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người ra đề”.

Ông Nguyễn Anh Ninh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết, Sở chủ động thành lập đội ra đề, hướng dẫn các trường cách làm đề trắc nghiệm và triển khai kiểm tra HS các cấp (có trắc nghiệm khoảng 40%) để đánh giá mặt bằng chung trên toàn tỉnh. Mặc dù vậy, địa phương vẫn muốn Bộ nhanh chóng có hướng dẫn chi tiết, vì kỹ thuật ra đề thi trắc nghiệm còn gặp nhiều khó khăn.

Tự luận thành thạo mới làm nhanh được trắc nghiệm

Đối với những giáo viên đã quen với việc làm đề thi trắc nghiệm thì không mấy khó khăn.

Cô Kiều Anh, giáo viên Hóa, Trường THPT Thăng Long, Hà Nội, cho biết: “Quy trình làm đề trắc nghiệm đã được tập huấn từ năm trước, nên năm nay, ra đề trắc nghiệm cho HS rất thuận lợi”.

Đề thi chủ yếu nằm trong khối lượng kiến thức cơ bản, kết hợp thêm SGK, sách bộ đề của những năm trước và đề ra từ tự luận chuyển sang trắc nghiệm, để đảm bảo mỗi học trò đều có thể nắm bắt được kiến thức cơ bản, cô Anh cho biết thêm.

Trên cơ sở đó, giáo viên làm ma trận đề, làm theo các mức: biết (như SGK) - hiểu (cao hơn) - vận dụng (phân loại), trong đó, mức để phân loại HS chiếm 20%, giáo viên sẽ ra nhiều câu hỏi "đánh bẫy" để đảm bảo HS giỏi và nắm vững kiến thức, vận dụng tốt mới có thể làm được. Mỗi HS phải có khả năng tự luận thành thạo thì mới rút ra được cách làm nhanh đề thi trắc nghiệm.

So với cách ra đề tự luận, cách ra đề trắc nghiệm vất vả hơn, thầy Lê Hồng Chung, tổ trưởng bộ môn Hóa, Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội, cho biết.

Ra đề trắc nghiệm thì sau khi làm xong ma trận đề phải kiểm tra và lọc ra 100 câu hỏi, giáo viên sử dụng chương trình phần mềm miễn phí trên mạng, đảo câu hỏi để có ngân hàng đề.

Ông Chung cũng cho biết, để làm đề trắc nghiệm, đòi hỏi mỗi tổ bộ môn phải có ít nhất một người thành thạo vi tính.

Phải lường đến việc HS không nắm vững kiến thức

Đề thi trắc nghiệm yêu cầu các câu hỏi phải bao hàm tất cả kiến thức của chương trình học.

Đánh giá về việc thi trắc nghiệm, ông Lê Thu, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết: “Cần phải đầu tư đúng mức và cẩn thận trong việc ra đề trắc nghiệm khách quan. Người ra đề cần phải biết và hiểu rõ vì sao HS chọn phải phương án sai”.

Theo ông, trong 4 phương án chọn, có 3 phương án sai, người chấm phải hiểu HS chọn sai là do đâu, do không nắm kiến thức nào mà lại chọn phải phương án sai…

Hiện nay, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đang ký kết với tỉnh về việc thiết kế phần mềm ra đề thi trắc nghiệm, nhưng cũng lường đến tính huống, giáo viên sẽ ỉ lại đó mà không suy nghĩ, không tìm ra cách làm và có các câu hỏi sáng tạo.

Trên cơ sở đã được tập huấn cách ra đề từ năm trước, năm nay Sở hướng dẫn các trường chủ động làm ngân hàng đề, ông Trần Văn Quý, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định cho biết. Sở sẽ kiểm tra ngân hàng đề của các trường, nếu làm tốt sẽ phát huy và góp ý những trường hợp chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, địa phương gặp khó khăn về trang thiết bị, máy móc. Đề tự luận đơn giản, thậm chí chỉ cần một tờ giấy, còn làm đề trắc nghiệm đòi hỏi kinh phí nhiều hơn.

  • Thu Thủy

Thi trắc nghiệm: Bất lợi cho HS giỏi

Ông Nguyễn Đức Phi: “Thi trắc nghiệm bất lợi cho HS trường chuyên, không kiểm tra được khả năng tư duy cũng như không thể hiện được quá trình nhận thức của HS”. Trong khi trắc nghiệm đòi hỏi tư duy nhanh nhạy, khả năng nắm bắt kiến thức toàn diện, tổng thể, thì HS trường chuyên lại được đào tạo chuyên sâu. Kỹ năng làm bài bằng tự luận được thể hiện rất đặc trưng ở HS trường chuyên.

Ông Nguyễn Văn Vượng (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc): Năm trước đã tiến hành thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ, tuy nhiên, theo ý kiến đánh giá của nhiều người, đây là một môn học phát triển khẩu ngữ, chủ yếu là nghe, nói, giờ lại thi trắc nghiệm sẽ khó đánh giá được đúng thực chất của HS. Môn ngoại ngữ nên thực hiện trắc nghiệm 70%.

 

,
,