Nữ sinh 'lớp 13'
(VietNamNet) - Lí do, chỉ có một: ôn luyện thi cho năm tới. Nhưng cảm xúc thì vô vàn. Những nữ sinh lớp 13 khi gói gém hành trang lên thành phố đều mang theo rất nhiều tâm trạng.
Đi ôn thi ĐH, bị rơi vào lầu xanh
Chân dung
Sau khi thi trượt, buồn rầu, ủ rũ một thời gian, họ khăn gói quả mướp lên thành phố, vào các lò luyện thi. Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. LAD |
Hà, quê Hải Phòng, trắng trẻo, xinh xắn, nhìn là biết chưa phải SV, thuê nhà trọ cùng một bạn thân là SV năm nhất. "Ở nhà buồn quá, đi vào đi ra thế nào cũng bị mẹ mắng, vì thế nên em lên Hà Nội ôn thi”.
Với Nhàn, quê Giao Thuỷ, Nam Định thì "em xác định thi năm đầu thế nào cũng trượt nên cũng xác định rõ là đi ôn một năm”.
Còn Thuý ở Thanh Hoá, "ra Hà Nội cho biết, nhỡ sang năm trượt một năm nữa, về quê lấy chồng, phí cả đời đi chị ạ”.
Linh ở Nghệ An "ở nhà vẫn học được nhiều nhưng cứ sốt ruột không biết ở ngoài này người ta học thế nào nên phải ra Thủ đô để còn liệu mà học”.
Với Lan Anh (Quảng Ninh), đi luyện thi lại là "buồn quá, ăn rồi ngủ không biết làm gì chị ạ. Không đi thì bố mẹ mắng, đi rồi ngay nào cũng như ngày nào đến phát phì lên mất”.
Lí do thì chỉ có một: ôn luyện thi cho năm tới. Nhưng cảm xúc thì vô vàn. Những nữ sinh lớp 13 khi gói gém cho mình hành trang lên thành phố đều mang theo rất nhiều tâm trạng.
Đa phần đều muốn thoát khỏi những ngày phiền muộn, khi mà quanh xóm, bạn bè thi đỗ đã kéo nhau đi, tối tối, nhìn chồng sách trước mắt mà không biết bắt đầu từ đâu, thi thoảng (hoặc thường xuyên) bị bố mẹ mắng… đồng thời, hi vọng ở những lò luyện, mình sẽ có cơ hội học tập tốt hơn.
Tuy vậy, có những nữ sinh lớp 13 háo hức đi ôn thi như một phong trào, không có xác định cụ thể gì về ”lò luyện”.
Ngân (Vinh, Nghệ An) là một ví dụ. Hôm đầu, cô bé khoe “Em ôn khối C, thích học văn, sinh, địa”. “Sử chứ?” Thì ra, cô nữ sinh này không hiểu khái niệm mà bạn bè vẫn nói “khối C” là gì! Sau khi nghe giải thích, cô bé hỏi “muốn làm bên công nghệ thông tin thì thi khối gì?”. Hôm sau, cô khoe là đã chuyển sang khối toán, hoá, sinh. Ngân xinh nhất khu trọ, rất “thuộc bài” ăn gì để đẹp da, mặc gì thì hợp mốt. Sau 3 tuần nhảy cóc từ khối C sang A, cô chị ở cùng phòng mới phát hiện ra là Ngân chưa... đăng kí khối nào và chưa đi học buổi nào ở lò luyện thi cả.
Khi luyện thi không chỉ là học...
Phòng trọ của đa số nữ sinh ôn thi khá đơn giản, gọn gàng, thậm chí đẹp. Thường, 4 bức tường luôn được tô vẽ, dán đầy các poster diễn viên, ca sĩ yêu thích. Dễ hiểu vì đây là lần đầu tiên sống một cuộc sống riêng, tự do, như bao 8X lãng mạn khác, họ cũng muốn “style up” căn phòng bé nhỏ của mình để tự tin va hứng khởi cho một cuộc sống mới.
Trong một khu trọ, nữ sinh lớp 13 là những người trầm lặng nhất mà cũng hồn nhiên hơn cả.
Tình, ở trọ khu nhà trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) tâm sự: “Mọi người bảo em xa cách, có người nói em bị trầm cảm, mặc kệ. Em không bận tâm đến bất kì ai trong khu trọ, cố gắng để không bị bất cứ mối quan hệ nào ảnh hưởng đến việc học tập của em”. Thuý, ở cùng phòng với Tình: “Quá nhiều điều hấp dẫn, ngay cả một buổi tối đi ra quán ăn chè với các anh chị trong xóm cũng làm bọn em bàn tán đến khuya, nhiều lúc ngồi trước cuốn sách mà không tập trung vì cú ngẫm nghĩ. Em nghĩ, bây giờ cần phải học nên tránh tất cả. Bọn em chuyển đến một phòng mới và không hề giao lưu với bất kì ai".
Hưng (Hoà Bình), ở cùng 2 bạn ôn thi khác đến từ Hải Dương. Hoàn cảnh gia đình không mấy thuận lợi, nhưng chiều con gái út nên bố mẹ đã gom góp tiền cho Hưng đi ôn thi.
Người trong khu trọ ở khu tập thể Viện 198 gần trường ĐH Thương mại vẫn bàn tán về sự nhiệt tình, tốt bụng đến đáng kinh ngạc của cô bé.
Cô làm hết công việc của người trong phòng để thời gian cho các bạn học, đổ rác cho cả xóm, dự trữ nước cho cả xóm hôm trời nắng, đi chợ hộ mọi người và làm bất cứ việc gì khi đựơc nhờ. Một lần, cho anh hàng xóm mượn 500.000 đồng khi anh kêu ốm, phải vào viện ngay mà chưa có tiền, để rồi sáng hôm sau anh ta chuyển phòng trọ.
Lần khác, gần 1 giờ sáng, đang chong đèn học thì 2 anh hàng xóm đi qua, phì phèo thuốc lá. Hưng khuyên các anh không nên hút thuốc lá, có hại cho sức khoẻ, lại dễ bị ung thư. Hai anh bảo "sẽ bỏ thuốc lá vĩnh viễn nếu em đi mua tặng bọn anh một bao “ngựa trắng” ngay bây giờ". Thế là trong đêm, cô bé liều mạng chạy suốt dọc đoạn đường Phạm Văn Đồng vắng vẻ để tìm được nơi còn bán thuốc. Để rồi vài ngày sau, hai anh chàng lại phì phèo thuốc lá và nhìn cô bé cười chế giễu.
Các anh hàng xóm thường thích “tấn công” các nữ sinh lớp 13. “Dù không muốn, dù hằng ngày vẫn nhắc nhở là phải học, nhưng những mối bận tâm, tương tư… thì khó mà gạt ra được”, Hải trọ ở phố Kim Ngưu thú nhận. Hải hồn nhiên “Anh ấy là SV Bách khoa, vậy mà lại thích một con bé đi ôn như em”.
Ngọc, đang ôn khối C ở lò luyện ĐH Sư phạm, vốn là một cô bé lặng lẽ chăm chỉ, nhưng từ ngày “bị” anh hàng xóm để ý, và những tin nhắn, thư từ, cốc chè, sữa chua… đêm chống cằm mơ mộng, cuốn nhật kí ngày càng dày mà kiến thức văn, sử, địa thì rơi đâu cả.
Ngân, cô bé xinh nhất khu trọ ở ngỡ 123 đường Xuân Thuỷ, cuối cùng cũng vào một lò luyện thi ở trường Sư phạm. Cô bé viết thời khoá biểu hoa hoè dán trên tường (rất đúng kiểu HS), phía dưới có thêm dòng chữ “Nếu bỏ học một buổi thì phải nộp quỹ phòng 5.000 đồng để cuối tháng liên hoan”.
Huyền, khá xinh xẻo, hồn nhiên, chưa nói đã cười, một tiểu thư được gia đình ở Bắc Giang chăm sóc trang bị đầy đủ "cơ sở vật chất" cho 3 năm làm nữ sinh lớp 13, trầm ngâm: “Giờ em thấy tiếc quá, vào ĐH làm chị cả trong lớp mà buồn”.
Trước đây, Huyền ở trọ cùng một chị học ĐH do quen tình cờ. Huyền và nhóm “tứ cô nương” của mình suốt ngày tụ tập ăn uống, đi chơi, xem phim, mua sắm, buổi tối thưòng có những “cây si” đến tìm, ăn hoa quả, cười nói rôm rả. Cuộc sống rất vui và trôi vèo cho đến năm thứ 3, bạn cùng phòng đề nghị tách để tập trung làm luận văn tốt nghiệp ĐH, Huyền mới chợt tỉnh ngộ. Thật may là cô đã đỗ ĐH Văn hóa năm đó.
Hoà, cô bé cao 1,70m, da trắng, ăn mặc giản dị, từ Cao Bằng xuống Hà Nội. Ôn thi đựoc 3 tháng thì thay mốt mới, sắm điện thoại di động và dắt về giới thiệu một anh người yêu “tình cờ nhặt đựợc”. Cô bạn cùng phòng băn khoăn, không biết đến lúc nào thì anh người yêu “tình cờ đánh rơi” cô bạn của mình.
“Bố mẹ không ở bên cạnh, mình tự quản là chính, mình lớn rồi, làm gì mình chịu, có gì đâu mà phải e dè”, đó là lời của Ngân.
Có lẽ chính vì vậy mà mới đây, bà con ở khu chợ Nhà Xanh (Dịch Vọng Hậu) được phen hết hồn khi một buổi sáng, khoảng chục thanh niên nam nữ, tóc nhuộm vàng, mặc đồ hiphop tiến vào nhà B. một nữ sinh trường THPT dân lập ở Hà Nội khi bố mẹ cô bé không ở nhà, vác theo dao, thanh sắt, gây gổ làm ầm ĩ. Bà con lối xóm chạy sang can thiệp, vừa đe nạt vừa van xin. May công an phường ở ngay bên cạnh, đến kịp thời, B. thoát nạn trong gang tấc.
Một số bỏ chạy, một số bị bắt về đồn công an phường. Thì ra, câu chuyện bắt đầu từ Lan Anh, cô nữ sinh từ Quảng Ninh lên Hà Nội học lớp 13, một lần lời qua tiếng lại với B. trong quán internet (do B. vô ý dẫm lên chân Lan Anh). Chỉ có thế, cô nữ sinh đã "huy động" bạn cùng phòng, bạn trai, bạn trong xóm trọ kéo nhau rình tìm nhà của B. để “xử” Giờ đây, em trai của B. - 4 tuổi, hôm đó khóc ngất đi vì sợ - cứ nghe doạ “chị đi ôn bắt” là khóc thét lên như sợ ngáo ộp…
-
Phan Khánh Chi