Thi trắc nghiệm 2006: Có từ 7-10 phiên bản đề thi
(VietNamNet) - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD - ĐT) Nguyễn An Ninh cho biết như vậy tại buổi tập huấn quy trình công nghệ trong thi trắc nghiệm cho các Sở GD - ĐT, tổ chức sáng 24/3.
Thí sinh làm bài thi trong mùa tuyển sinh 2005 (Ảnh Lê Anh Dũng) |
Theo TS Nguyễn An Ninh, quy trình thi trắc nghiệm đợt thi thử vừa qua cho kết quả rất khách quan. Trong 100 trường THPT đứng top đầu phần lớn là các trường chuyên thuộc các tỉnh. Hai địa phương có kết quả dẫn đầu là TP.HCM và Hà Nội.
Điều đó cho thấy, đề thi và hình thức thi trắc nghiệm đã xếp loại chính xác về chất lượng giáo dục ở các tỉnh thành và các trường. Do vậy, ở kỳ thi thử chỉ sử dụng 4 phiên bản đề thi, nhưng ở kỳ thi thật tới đây sẽ có nhiều phiên bản đề thi hơn. Có thể là từ 7 đến 10 phiên bản đề thi.
Thi trắc nghiệm khác với thi tự luận ở chỗ: không có chuyện đếm đề thi đủ với số lượng thí sinh trong phòng vì nếu như thế sẽ để lộ có bao nhiêu phiên bản đề. Đề thi trắc nghiệm được niêm phong vào tận phòng thi và đến giờ thi giám thị mới biết có bao nhiêu phiên bản đề. Khi đó, giám thị và thí sinh khó có đủ thời gian để gian lận.
Đối với học sinh phân ban và không phân ban, đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ tốt nghiệp THPT năm 2006 sẽ có hai đề. Riêng thi ĐH, thí sinh của hai chương trình này thi chung một đề. Khi đăng ký dự thi tuyển sinh, HS tốt nghiệp THPT phân ban được lựa chọn trường học, ngành đào tạo và đăng ký theo 4 khối A, B, C, D và các khối năng khiếu như HS chương trình không phân ban hiện hành.
Đề thi gồm 2 phần: Phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban. Và trong đáp án, có nhiều phương án trả lời cho học sinh
Về việc nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH làm một trong thời gian tới, ông Ninh cho biết: Nếu nhập hai kỳ thi làm một, dự định sẽ phải thi khoảng 5 môn, trong đó có 3 môn cố định và 2 môn còn lại cho thí sinh tự chọn.
-
Kiều Oanh