,
221
5922
Hướng Nghiệp
huongnghiep
/giaoduc/tuyensinh/huongnghiep/
952064
Nhân lực hiện đại: 3 kỹ năng cần
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Nhân lực hiện đại: 3 kỹ năng cần

Cập nhật lúc 10:47, Thứ Hai, 02/07/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Nền giáo dục của chúng ta hiện nay thiếu một hệ thống tư vấn hướng nghiệp tốt. Học sinh, sinh viên và các đối tượng lao động khác… chưa được tiếp cận những thông tin và phương thức định hướng nghề nghiệp đáng tin cậy. Cần có một chính sách và đội ngũ chuyên gia trong việc giáo dục hướng nghiệp. 

Ông Hoàng Ngọc Vinh: "Cần có một chính sách và đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp". Ảnh: Hoàng Lê

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT nhận định khi trao đổi với VietNamNet xung quanh vấn đề hướng nghiệp cho giới trẻ.

Kỳ tuyển sinh ĐH đang nóng bỏng, chọn ngành nghề để theo đuổi là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với các sĩ tử. Nhưng, thông qua khảo sát nhỏ ở một diễn đàn  thì thấy thực trạng chọn nghề của giới trẻ vẫn còn nhiều bất cập. Ông nghĩ gì về điều này?

 

Ông Hoàng Ngọc Vinh: Ở nước ta, lứa tuổi học sinh còn rất thiếu thông tin về bản thân và nghề nghiệp nên việc xác định ngành để học hoặc nghề để làm vẫn là điều không hề dễ dàng.

 

Một số không nhỏ các em chọn nghề theo cảm tính mà không nhìn nhận đến cơ hội và triển vọng nghề nghiệp tương lai.

 

Một số khác đôi khi bị chi phối bởi suy nghĩ: chọn ngành nào đó cũng được miễn là dễ thi vào.

 

Chưa kể đến các trường hợp đăng ký thi ngành nghề nào đó cho oai, hay đâm đơn vào ngành nào đó theo phong trào…

 

Thậm chí, có những em học rất kém ở phổ thông, đáng ra nên học nghề những vẫn cứ lao vào thi ĐH một cách vô ích.

 

Theo ông thì những nguyên nhân của thực trạng này là từ đâu?

 

- Nguyên nhân lớn nhất là thực tế văn hoá và giáo dục của chúng ta hiện nay chưa chú trọng đúng mức vào vấn đề này. Đây lại là một thực tế còn tồn tại từ lâu.

 

Trong thời phong kiến, xã hội Việt Nam gắn với nền kinh tế tiểu nông, thị trường không phát triển, chịu ảnh hưởng nhiều văn hoá Nho giáo.

 

Khi đó, con người ít có lựa chọn và con đường duy nhất là học để làm quan. Nhiều học giả cho rằng động cơ học để làm quan khiến cho con đường phát triển nhân tài trở nên chật hẹp. Vị trí làm quan có giới hạn trong khi nhu cầu “làm quan” của con người thì nhiều dẫn đến khuynh hướng khinh thị, coi thường nhau và có thể triệt tiêu các cơ hội của nhiều người có khả năng khác.

 

Trong thời kỳ trước đổi mới, nền kinh tế được quản lý theo kiểu kế hoạch tập trung, quan niệm về giá trị con người cũng mang theo văn hoá của thời bao cấp. Văn hoá này làm cho con người dễ trở thành thụ động, thói quen tư duy máy móc, giáo điều và có ảnh hưởng nhiều đến chính sách phát triển nhân lực quốc gia. Chúng ta kiên trì theo hướng học hành, làm việc theo sự phân công của nhà nước. Tính tự chủ bị tước bỏ, sự sáng tạo cá nhân không được phát huy… nên nếp nghĩ ấy còn rơi rớt lại ảnh hưởng về sau này.

 

Ngay cả hiện tại, khi cơ chế mở hơn, con người được giải phóng và có điều kiện tiếp cận thông tin nhiều hơn… thì thực tế này cũng chưa cải thiện được bao nhiêu, nếu xét trên diện rộng.

 

Thực tế này có tác động thế nào đến sự phát triển nguồn nhân lực, theo ông?

 

’Thư
Thư bạn đọc gửi về diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" với nhiều băn khoăn về việc lựa chọn nghề nghiệp trong cuộc đời. Ảnh: HL
- Nguồn nhân lực của một quốc gia thường được đặc trưng bởi các yếu tố về số lượng lao động, trình độ học vấn, tuổi, giới tính, sự phân bố lao động trong các ngành kinh tế và các tổ chức xã hội khác nhau. 

 

Nếu những đối tượng lao động được khai thác, đào tạo và đặt đúng vị trí thì sẽ là đòn bẩy rất tốt cho sự phát triển nguồn nhân lực.

 

Vậy, ở góc độ cá nhân và xã hội, cần phải có những “động thái” gì để đẩy mạnh việc tối ưu hoá nguồn nhân lực?

 

- Xét ở góc độ cá nhân, đối với con người trong xã hội hiện đại thì kỹ năng thông tin là kỹ năng số 1.

 

 Kỹ năng này thể hiện ở việc chắt lọc và xử lý thông tin. Thông tin hiện tại là bể cả nhưng rác cũng không ít, làm sao để “chưng cất” nó thành tri thức phục vụ cho mình là điều không dễ.

 

Thứ 2 là phương pháp tư duy. Trong nền kinh tế tri thức thì nó đặc biệt quan trọng, sẽ là cái dẫn dắt anh đến sự nhận định chuẩn xác và giải quyết khoa học những vấn đề gặp phải. Khả năng này cũng có thể rèn luyện.

 

Và cuối cùng là ngoại ngữ. Khi thế giới là phẳng, và các cơ hội tiếp xúc văn hoá, trao đổi trí thức và chuyển dịch qua lại ngày càng rộng mở thì khả năng ngoại ngữ sẽ là chìa khoá tốt để mở nhiều cánh cửa mà ai nắm được sẽ rất có lợi.

 

Ở tầm chiến lược, phải đầu tư hệ thống hơn cho việc giáo dục hướng nghiệp. Hiện tại, mảng tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay hầu như chưa có gì. Bên ngoài, hệ thống các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm hoạt động tự do, chất lượng không qua kiểm soát… Cần xây dựng và phát triển một cách hệ thống hơn.

 

Cụ thể là...?

 

- Phải đào tạo các chuyên gia chuyên nghiệp về tư vấn hướng nghiệp, am hiểu tình hình kinh tế xã hội, xu hướng ngành nghề và có kinh nghiệm thực tế.

 

Hiện tại, theo tôi biết, ĐHQG Hà Nội đang chuẩn bị đào tạo thạc sỹ ngành Tâm lý học hướng nghiệp, liên kết với Pháp. Và Bộ GD-ĐT cũng đang chủ trương theo hướng này.

 

Ngoài ra, có một kênh rất tốt là truyền thông. Hiện tại, truyền thông phát triển rất mạnh mẽ và có đối tượng chịu ảnh hưởng rất lớn. Nên tận dụng những phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và đào tạo những kỹ năng, những thông tin về hướng nghiệp.

 

Cuối cùng, là khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, giữa nơi đào tạo và đơn vị sử dụng lao động. Nhà nước phải làm bà mai tích cực và mát tay cho những cuộc hôn nhân ấy.

 

Thêm nữa, những hoạt động xã hội lớn như "Ngày hội việc làm" của một số công ty, chương trình "Tư vấn hướng nghiệp", "Tư vấn tuyển sinh" của nhiều báo, hay diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" của VietNamNet là những hoạt động rất có ích cho giới trẻ trong lĩnh vực định hướng nghề nghiệp này.

 

Dù sao, những ý tưởng cái cách giáo dục và những chính sách và chiến lược giáo dục có hoàn hảo đến mức nào đi nữa cũng không phải một sớm một chiều đi vào cuộc sống do những rào cản văn hoá vô hình và năng lực của những người thực hiện - đó cũng chính là khó khăn mà giáo dục phải đối mặt. 

Cảm ơn ông!  

  • Hoàng Lê (thực hiện) 
,
,