'Chọn nghề cùng bạn': Cơ hội trải lòng
(VietNamNet) - Kéo dài trong 3 tháng, "Chọn nghề cùng bạn" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh, sinh viên... trên khắp mọi miền đất nước. Khép lại diễn đàn, VietNamNet xin chia sẻ những ghi chép xung quanh cuộc thi.
>>Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp: "Cần một hệ thống tư vấn hướng nghiệp tốt"
Diễn đàn mở cho sĩ tử
Thư bạn đọc tham gia diễn đàn |
Ở lứa tuổi trước ngưỡng cửa đại học, bạn cần phải tự trả lời những câu hỏi đó, một cách nghiêm túc. Lần đầu tiên có một cuộc thi viết dành cho các sĩ tử bày tỏ tâm tư trước ngày "ra trận" - đó là diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn".
"Tình cờ biết bao khi tôi được bạn bè cho biết địa chỉ của báo và khi truy cập, tôi đã bắt gặp chương trình này. Đọc nội dung chương trình, tôi chợt bừng tỉnh và nghĩ: “Ừ, có lẽ mình đã bao giờ tự nghĩ về bản thân chưa?". Bạn Nguyễn Thị Lan, thôn Hoàng Đông, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng mở đầu trong bức thư gửi về diễn đàn.
Kéo dài trong 3 tháng, "Chọn nghề cùng bạn" đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo học sinh, sinh viên... trên khắp mọi miền đất nước. 3 tháng không phải là thời gian dài, nhưng đúng giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học nên BTC cuộc thi cũng bất ngờ về lượng thư từ, tâm sự nhận được. Gần 3.000 email và hàng trăm thư viết tay của bạn đọc đã gửi về tham gia diễn đàn, trong đó có 300 bài viết hoàn chỉnh.
Từ những lời thắc mắc dồn dập về mọi vấn đề trong thi cử đến những sự e dè khi bộc bạch các hoàn cảnh riêng tư. Từ những học sinh "lớp 13" thi đến 2, 3 năm không đỗ trăn trở tìm hướng đi đến những sinh viên đại học năm thứ 2, 3 sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với lớp đàn em. Từ những câu hỏi đơn giản, ngắn gọn đến những tâm sự tha thiết kéo dài. Từ những lời tuyên ngôn mạnh bạo đầy tự tin đến những nỗi băn khoăn, hoang mang đầy lo lắng. Có cả những niềm ân hận, nuối tiếc được được dịp nói thành lời và cả những khát vọng ấp ủ bấy lâu có thời cơ thể hiện.... Đồng hành cùng cuộc thi, BTC đã nhận được chia sẻ nhiều thông tin và tâm sự của các bạn trẻ.
Muôn nẻo đường chọn nghề
Hàng trăm bức thư là từng ấy cảnh huống và ước mơ. Tuổi trẻ thường lãng mạn và bay bổng với nhiều khát vọng. Có những ước mơ thật đẹp, thật trong sáng.
Ảnh: LAD
Lê Thị Hồng Mận, lớp 12 Văn, trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam chia sẻ: "Ngành tôi thích nhất từ bé đến giờ là Công an. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao nữa. Có lẽ đơn giản vì đó là tình yêu, mà đã yêu thì không thể hiểu. Tôi yêu ngành Công an trong niềm tin, niềm tự hào và lòng khát khao được dâng hiến".
Từ nhỏ đã được tiếp xúc với dân ca qua những đêm diễn cải lương, chèo tại làng, Đặng Thị Hân, lớp 10C2 - trường THPT Mỹ Hào, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên "muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc gìn giữ vốn cổ truyền của dân tộc và tiếp tục thực hiện mong ước của cụ Toạ, người thầy đem hết tâm sức truyền dạy cho tôi những lời ca điệu nhạc của đất nước".
“Con đường có thể rất gần nhưng không đi thì chẳng bao giờ đến. Nghề báo có thể là một con đường dài hơn, dài hơn thế. Và hành lí “cái đầu lạnh, trái tim nóng” của tôi có lẽ là chưa đủ, nhưng tôi đã và sẽ đi, từng bước một...". Nguyễn Bảo Ngọc, SV năm 2 khoa Báo chí - Học viện Báo chí tuyên truyền, 192 Đội Cấn - Ba Đình, Hà Nội.
"Từ nhỏ, em chẳng phải là một người nổi trội nhưng có một điều là em thích xem phim hoạt hình. Khi lớn lên một chút thì những bộ phim 3D đã thức sự tạo cho em sự lôi cuốn... Cùng với sở thích vẽ tranh phong cảnh của mình, tuy không được đẹp cho lắm nhưng ước mơ làm phim hoạt hình 3D của em đã trỗi dậy khi lên lớp 11... Tuy ngành này chưa phát triển nhưng em luôn tin rằng nó có cơ hội nghề nghiệp lớn"... bạn Nguyễn Đắc Hoàng, lớp 11A4 trường THPT Liên Hà, Hà Nội lại gây cảm tình với những dòng tự sự hồn nhiên.
Còn Nguyễn Thị Quyên, lớp 12A5, trường THPT Kim Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên lại có những suy nghĩ khá già dặn: "Tôi thấy nghề sư phạm rất cao quý bởi sản phẩm của nghề này là con người: kiến thức, nhân cách... Ngày ngày được đứng trên bục giảng, tiếp xúc với những cô cậu học trò, và truyền đạt những kiến thức của mình, được sống, gắn bó với nghề mà mình yêu thích là điều hạnh phúc nhất".
Nghề giáo cũng là nghề được khá nhiều bạn trẻ say mê. Bạn Mai Thị Vân, số nhà 20/2, tiểu khu 2, thị trấn Nga Sơn, Thanh Hoá viết "Tôi thích nghề giáo vì luôn được tiếp xúc với thế hệ trẻ, vì họ là điển hình cho sự thay đổi của xã hội. Một lý do nữa thôi thúc tôi yêu nghề này là vì tôi yêu sách, thích tích luỹ kiến thức. Và tôi muốn cả cuộc đời mình gắn liên với sách"...
Ngược lại, có những bạn rất thực tế, trong từng đánh giá và quyết định: "Em đăng ký vào ngành Đầu tư chứng khoán thuộc ĐH Ngoại thương, một ngành được coi là "thời thượng" và rất "hot" trong mùa tuyển sinh năm nay.
Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán phát triển "nóng" dẫn tới "cháy" nhân lực cho ngành chứng khoán. Do đó, lượng hồ sơ ĐKDT vào khối ngành Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng năm nay sẽ rất lớn và tăng đáng kể so với mùa tuyển sinh năm 2006.
Tuy nhiên, theo em việc lựa chọn nghề nghiệp không thể dựa vào ngành đó đang "hot" hay không mà phải xem khả năng có phù hợp với ngành nghề mà mình lựa chọn hay không". Bạn Nguyễn Phúc Trường mở đầu bài phân tích những yêu cầu của ngành và so sánh tố chất bản thân một cách sắc sảo.
Bạn Trần Mai Thảo, 11 Hoá chuyên Sơn La tâm sự khá thật: "Tôi từng mơ ước trở thành phi công... Càng lớn, những ước mơ của con người càng gần với thực tế. Và tôi biết chắc rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội ngồi trong khoang lái của chiếc Boing 777 cả"...
Ảnh: LAD |
Cơ hội chia sẻ, trải lòng
Không chỉ là hỏi - đáp, nhiều bạn coi đây là cơ hội thể hiện tâm tư, suy nghĩ. Nguyễn Thị Bảo Trân, số 154/54/13B Âu Dương Lân, phường 3, Q8, TP.HCM tự sự: "Thi vào đại học là ước nguyện lớn nhất của ba mẹ và em. Trong suốt 12 năm qua, ba mẹ đã đổ biết bao của cải, công sức để nuôi em ăn học. Mỗi bước chân của em là cái dõi nhìn theo của ba mẹ với tình thương bao la trìu mến và ánh mắt chứa chan nhiều kỳ vọng. Em sẽ cố gắng để không phụ lòng".
Bạn Đặng Văn Lực, thôn Lam Sơn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây nói đúng tâm trạng của khá nhiều học sinh lớp 13: "Mới chỉ có chưa đầy một năm ở nhà tiếp tục ôn tập mà em thấy quãng thời gian đó dài bằng mấy năm học trung học. Càng ngày em càng cảm thấy hoang mang lo sợ, áp lực cứ ngày ngày thêm đè nặng bọn em".
"Một người bạn tôi nói rằng, bạn ấy muốn quay trở lại thời gian hè lớp 11 và muốn không bao giờ lớn lên. Tôi thì chỉ muốn cái ngày thi nhanh đến, đằng nào chúng tôi cũng sẽ phải đối mặt với nó. Tôi muốn thi luôn để không còn phải lo lắng như thế này. Thực sự là chúng tôi phải chịu áp lực thi ĐH quá lớn". Suy nghĩ của Nguyễn Thu Trang, lớp 12C7 trường THPT Tuyên Quang có lẽ cũng nhận được nhiều sự đồng cảm của các sĩ tử.
Nguyễn Thị Phương Thảo, Cầu Treo, Tân Lập, Yên Mỹ, Hưng Yên thì trăn trở "Bây giờ tôi thấy khó quá, không biết chọn con đường nào đây? Nghe lời mẹ an phận làm một công nhân bình thường hay vẫn kiên trì với ước mơ của mình?".
Còn Nguyễn Hải Yến, lớp 12A1 trường THPT Tùng Thiện, Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Tây tiếc nuối: "Đến bây giờ tôi cảm nhận rõ ràng, tôi đã sống thiếu một thứ rất quan trọng đó là "ước mơ". Nếu tôi sớm hình thành cho mình một ước mơ thì ngày hôm nay tôi đã không phải trăn trở quá nhiều như thế".
Có rất nhiều suy nghĩ đĩnh đạc, nghiêm túc ở lứa tuổi còn trẻ, như bạn Lê Thu Hằng, lớp 11 Hoá, THPT chuyên Sơn La: "Cuộc sống luôn đặt ra cho mỗi chúng ta rất nhiều những lựa chọn, những con đường khác nhau... Từ ngày còn bé, tôi luôn mong ước mình có thể trở thành một doanh nhân thành đạt. Tôi luôn tìm thấy trong những người thành đạt những điều mới mẻ và thú vị của cuộc sống...".
Lê Văn Trọng, số nhà 208 Trần Phú, Thành phố Huế chia sẻ bằng chính sự trải nghiệm của mình, có lẽ là khá có ích cho những bạn trẻ học lực chưa hẳn khá nhưng quyết chí ôm mộng sĩ tử: "Tôi cũng như tất cả các bạn khi chưa vào được ĐH thì luôn khao khát. Nhưng khi vào rồi mới nhận ra rằng đường đến tương lai của mình không nhất thiết phải trải qua con đường này. Còn rất nhiều con đường khác để đi, miễn là ta bước đi thế nào trên con đường đó. Các bạn hãy luôn nhớ đừng bao giờ đòi hỏi quá nhiều ở bản thân mình, đừng cố gắng làm những việc mà mình không thể làm".
Tâm sự của bạn Nguyễn Thu Hiền, lớp Xã hội học, K30, ĐH Khoa học Huế mang đến một niềm vui và tự hào với những người thực hiện cuộc thi: "Tôi đã thường xuyên truy cập các phương tiện thông tin đại chúng và diễn đàn “Chọn nghề cùng bạn” là đối tượng thu hút tôi suốt thời gian qua. Ngay khi diễn đàn vừa bắt đầu, những cảm xúc tận sâu trong đáy lòng tôi thêm một lần nữa trở về, tôi đã nghĩ: “Diễn đàn này, chính là cơ hội là nơi để mình bộc bạch tâm sự và phần nào chia sẻ tâm trạng với các bạn thí sinh bởi tôi từng ở vị trí của một người mang tâm trạng như các bạn lúc này...”
Hiền cho biết, "Năm học thứ nhất, của cuộc đời sinh viên của tôi đã gần kết thúc, ngẫm lại những gì đã qua tôi thầm cảm ơn những thử thách ngày hôm qua dã cho tôi trưởng thành hơn, tôi lớn lên không chỉ trong suy nghĩ mà trong cả từng hành động của mình".
Khép lại diễn đàn, những người thực hiện muốn mượn lời bạn bạn Phạm Thị Phương Thảo, lớp KT31C, Trường ĐH Luật Hà Nội. "Cuối cùng, chúc cho những ai sắp bước vào "chảo lửa" có được tinh thần, nghị lực, sự bình tĩnh và quyết tâm cao nhất để vượt qua khó khăn đầu tiên trên con đường hiện thực hoá ước mơ và khẳng định bản thân mình. Chúc thành công".
-
Ban Giáo dục - VietNamNet
Đơn vị tổ chức: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội,email: bangiaoduc@vasc.com.vn ; giaoducvnn@yahoo.com.
Đơn vị tài trợ: Trung tâm Đào tạo Lập trình viên quốc t ế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; 212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM; website: http://www.aptech-news.com. |