,
221
5922
Hướng Nghiệp
huongnghiep
/giaoduc/tuyensinh/huongnghiep/
944244
"Chọn nghề cùng bạn":Tôi muốn làm giàu!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

'Chọn nghề cùng bạn':Tôi muốn làm giàu!

Cập nhật lúc 13:15, Thứ Tư, 13/06/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Mùa hè, không khí nóng lên. Và mùa thi nóng lên. Với tôi, nó còn nóng lên gấp bội. Năm nay tôi thi Đại học. Tôi sẽ thi vào ĐH Kinh tế. Vì tôi tham vọng làm giàu và tôi khao khát được làm một chiến binh trên thương trường.

Bạn Thạch Ngọc Thuỳ Dương gửi về diễn đàn“Chọn nghề cùng bạn" những tâm sự rất thật.

Nữ sinh trước ngưỡng cửa ĐH

Nhà tôi nghèo. Đến năm 1994 mà nồi cơm nhà tôi vẫn ba phần sắn một phần gạo. Mẹ sinh em. Thiếu ăn nên mẹ thiếu sữa. Em bé khóc hoài. Ba đi làm xa nên mẹ không thể nghỉ lâu được, phải vùng dậy đi làm thêm kiếm tiền mua sữa cho em. Em tôi mới được hơn 3 tháng tuổi. Tôi khi ấy, cứ chiều chiều lại mang bát sang nhà hàng xóm xin chút nước cơm về bón cho em khi mẹ chưa kịp về. Em khóc, chị khóc. Tèm lem. Ước gì nhà mình khá hơn một chút. Em tôi sẽ không phải khản đặc tiếng nhiều lần như thế vì thiếu sữa.

Tám tuổi. Chú tôi ốm. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ba khóc. Con bé tôi lúc ấy làm gì đã hiểu chữ K trong bệnh án của chú là gì? Nhưng nhìn thấy ánh mắt bất lực của ba tôi quặn thắt ruột lại. Chú ra đi sau một tháng đổ bệnh. Ước gì nhà mình khá hơn một chút. Dù chỉ là để kéo dài  sự sống cho chú tôi - người đã thay ba dạy dỗ tôi suốt những năm ba xa nhà. Dù chỉ một chút thôi.

Mười tuổi. Cơ quan ba giải thể. Ba về mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Nhà bốn miệng ăn trông vào đồng lương y tá còm cõi của mẹ. Ba xoay qua làm đủ các thứ nghề vụn vặt. Cắt tóc, sửa xe, đục đẽo... Chắt chiu và nhặt nhạnh. Ba khắc vào tâm hồn tôi rõ mồn một: "Ba mẹ nuôi con lớn lên bằng những đồng bạc lẻ. Con phải sống làm sao cho xứng đáng với những đồng bạc lẻ ấy". Ba đã dạy cho tôi ý thức rất rõ về đồng tiền.

Mười ba tuổi. Khi ấy em tôi bị viêm màng não mủ. Cả ba mẹ và bác sĩ  lao vào cuộc chiến tranh giành em tôi với tử thần. Tôi ở nhà, cả ba và mẹ đều phải ở dưới viện tỉnh túc trực bên em. Mỗi bữa ba mẹ chỉ dám mua 500 đồng tiền cơm ăn với muối lạc mang đi từ nhà, tất cả dành tiền mua thuốc cho em. Mỗi lần xuống thăm em, nhìn em nằm mắt nhắm nghiền thiêm thiếp thở, nhìn ba mẹ xơ xác gầy rộc đi tôi đau thấu tận tuỷ. Khuỵ luỵ chạy vạy khắp nơi mà nhà tôi vẫn không đủ tiền để mua loại thuốc tốt nhất cho em. Ước gì nhà mình khá hơn một chút. Em tôi sẽ ít đau hơn, ba mẹ tôi đỡ vất vả hơn trong cuộc chiến dai dẳng hơn một tháng trời ấy.

Mười bốn tuổi. Năm ấy, một lần nữa tôi nhìn thấy sự bất lực trong đáy mắt ba khi bác tôi khuỵu xuống vì ung thư gan. Dường như chịu dựng hai lần cùng một nỗi đau là quá sức với ba tôi - một người đàn ông không kiếm được tiền lo cho vợ con, một người đàn ông nhìn người thân của mình ra đi mà chẳng thể làm gì dù chỉ là giảm bớt đau đớn thôi. Vì nghèo.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ba say. Cái cảnh tượng mâm cơm bay vèo từ trong nhà ra ngoài sân đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn làm tôi giật thót mình trong giấc ngủ vùi mệt mỏi. Nước mắt của mẹ, tiếng khóc thét của em, tiếng ba quát tháo, tiếng bát đũa thất thanh đổ vỡ cứ bóp nghẹt trái tim lầm lũi của tôi. Mắt mẹ trũng sâu. Căng thẳng và mệt mỏi. Không khí trong nhà tôi cứ nặng nề trôi qua. Ì ạch... Rồi một buổi chiều nắng chói chang tháng 7, ba mẹ tôi ra toà. Đấy là quyết định của ba mẹ, của người lớn. Tôi biết họ có nhiều lý do để làm vậy nhưng tôi cũng biết có một lý do... Ước gì nhà mình khá hơn một chút.

Tôi vào cấp III. Vì ở huyện nên tôi bắt đầu cuộc sống xa nhà trọ học trường chuyên dưới tỉnh. Em tôi cũng vào cấp II. Mọi khó khăn lại dồn lên vai mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ kêu ca. Mẹ tôi luôn tâm niệm, dù mẹ có khổ bao nhiêu đi chăng nữa nhưng không bao giờ để chị em tôi phải cúi mặt với đời. Mọi người có 10 thì chị em tôi cũng được mẹ giành cho 6. Mẹ hi sinh tất cả cho chị em tôi. Không kể thời tiết nắng mưa, không kể đường xá, mẹ sẵn sàng đi làm thêm để có thu nhập lo cho chị em tôi.

Thư em tôi viết "có những đêm mẹ đi về mệt, ngủ vùi lại rên và gọi tên chị" sao mà xót xa đến thế. Dáng mẹ tần tảo, mái tóc mỗi lần tôi về thăm lại là một lần thêm mấy sợi bạc đã tiếp thêm nguồn động viên cho tôi dù thời gian mẹ giành để tâm sự với tôi không nhiều. Ước gì nhà mình khá hơn một chút. Mẹ đã bớt đi được chút nhọc nhằn.

Bây giờ tôi đang đứng trước một kì thi, trước một thử thách cũng là trước một cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Nếui thi vào kinh tế, tôi sẽ có cơ hội lớn hơn.

Thứ nhất: Nhà tôi không có ruộng, chẳng có ao, rừng cũng không nốt. Nên "đi lên không phải bằng con đường Đại học" với tôi là điều không tưởng. Học là hướng đi duy nhất dành cho tôi.

Thứ hai: Ở một nơi như quê tôi, muốn có một chỗ biên chế trong một trường học, một bệnh viện, một công sở không phải chuyện đơn giản. Mẹ tôi không có tiền, "vây cánh" lại càng không, vì thế xin việc là việc tôi phải tự làm bằng năng lực của mình sau khi ra trường.

Nếu tôi học Kinh tế thì sẽ bớt chông gai hơn cho tôi? Việt Nam đã gia nhập WTO, thị trường Việt Nam bây giờ là một thị trường mở. Những công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, những Tập đoàn Tài chính đang trên đà phát triển. Tôi tin, nếu tôi nỗ lực và thường xuyên phấn đấu thì cơ hội sẽ không quay lưng lại với tôi.

"Cuộc sống không cho không ai cái gì bao giờ và cũng không bao giờ lấy không của ai cái gì" là điều tôi vẫn an ủi mình mỗi khi có ý định nản chí. Nếu làm về khối Kinh tế tôi sẽ có nhiều khả năng được ở Tỉnh, hoặc Thành phố.

Thứ ba: Tuổi thơ tôi được tiếp xúc với đồng tiền từ sớm đã luyện cho tôi biết quý trọng đồng tiền, đã dạy tôi biết tiêu tiền và bây giờ tôi phải học cách kiếm tiền. Tôi không sợ cạnh tranh, bon chen. Mẹ đã dạy tôi phải biết mạnh mẽ. Tôi biết là con gái mà theo nghiệp Kinh tế sẽ vất vả, nhưng hơn hết đó là ước vọng của đời tôi, hợp với tôi. Và tôi sẽ không bỏ cuộc dù phía trước có nhiều gian khó hơn nữa. Làm Kinh tế nghĩa là phải quyết đoán, phải đưa ra những quyết định quan trọng trong những khoảnh khắc quan trọng. Với tôi, đây là một quyết định như thế.

Tôi muốn mình sẽ trở thành doanh nhân, vì hơn cả "niềm đam mê với những tờ polyme mỏng mỏng có nhiều số 0", hơn cả khát vọng làm giàu tưởng chừng rất thực dụng ấy là một tâm nguyện muốn giành cho mẹ tôi một chút thanh thản, dù chỉ là phần cuối cuộc đời. Muốn để con tôi sau này được sinh ra và lớn lên không phải ở nơi "mười người thì chín người rưỡi mù vi tính", để nó không bao giờ phải nói "ước gì nhà mình khá hơn một chút" cay đắng đến như thế.

Tôi sẽ thi vào kinh tế.

  • Thạch Ngọc Thuỳ Dương, số 887 - Khu 9 - Thị trấn Cổ Phúc - Huyện Trấn Yên - Tỉnh Yên Bái 

Diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" (xem chi tiết tại đây)

Hình thức:  Gửi bài viết hoặc những băn khoăn, thắc mắc của bạn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với mỗi bài viết hoặc ý kiến, các bạn sẽ nhận được nhận xét của nhóm tư vấn về: cách lựa chọn, cách tư duy để lựa chọn. Phần nhận xét của các nhà tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm cái nhìn về lựa chọn của mình. Các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể do VietNamNet mời sẽ tham gia góp ý cho bạn.

Những bài viết được lựa chọn sẽ đăng tải trên VietNamNet và nhận nhuận bút. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội nhận được quà tặng hàng tháng và quà tặng chung cuộc khi kết thúc diễn đàn.

Qùa tặng:

Qùa tặng tháng: Mỗi tháng sẽ trao giải cho 1 bài viết thú vị nhất: 500.000 đồng và học bổng trị giá 400 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Qùa tặng tổng kết:

Bài viết hay nhất (1 bài): 1 triệu đồng và học bổng 1.800 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Bài viết ấn tượng (2 bài): mỗi bài 500.000 đồng và học bổng 900 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Đơn vị tài trợ:  Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc t ế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; website: http://www.aptech-news.com.

Địa chỉ gửi bài: Thư từ bài vở xin gửi về: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội hoặc địa chỉ email: giaoducvnn@yahoo.com. Lưu ý, để tiện liên hệ, các bạn ghi rõ địa chỉ, email, điện thoại liên lạc


,
,