,
221
5922
Hướng Nghiệp
huongnghiep
/giaoduc/tuyensinh/huongnghiep/
917624
"Chọn nghề cùng bạn": Thi lại để phục thù?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

'Chọn nghề cùng bạn': Thi lại để phục thù?

Cập nhật lúc 08:04, Thứ Ba, 17/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) -  "Tôi chưa hiểu rõ về ngành đó vì không hề có ai định hướng, nhưng tôi muốn thi lại một phần để phục thù. Thời gian gần đây tôi lại đắn đo không biết mình chọn thế là đúng hay sai?  Tôi cần tư vấn. Tôi cũng muốn nhìn nhận và khám phá lại bản thân mình".

Thí sinh dự thi ĐH
Thí sinh dự thi ĐH
Lựa chọn cảm tính, thiếu thông tin ngành nghề, thất bại là than vãn... tâm trạng của bạn Nguyễn Thị Cẩm Tú dưới đây cũng tương đồng với khá nhiều bài viết gửi về diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn".

Vô tình lên mạng thấy chuyên mục “Chọn nghề cùng bạn” của VietNamNet, đọc xong tôi tự hỏi liệu mình đã đưa ra một lựa chọn thật sự sáng suốt cho tương lai của mình chưa? Tôi viết bài này với mục đích được diễn đàn tư vấn thêm. Song hơn hết, tôi muốn nhìn nhận và khám phá lại bản thân mình.

Áp lực từ truyền thống

Nếu tôi kể thì nhiều người sẽ cảm thấy tôi phải rất tự hào về gia đình. Nhưng trong niềm tự hào ấy là cả một nỗi xấu hổ và một áp lực dành cho tôi.

Sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em, tôi lớn lên bên tình yêu thương của cha mẹ và ông bà. Cuộc sống gia đình tôi lúc đó vô cùng vất vả và khó khăn, những tưởng chẳng bao giờ có thể mở mặt với thiên hạ. Vậy mà chị gái và anh trai tôi nhờ sự tìm hiểu và khả năng của bản thân đều đã tìm được những suất học bổng đi Úc, cả hai người đã xây dựng và theo đuổi cho đến cùng hoài bão và ước mơ của mình: một trở thành nữ doanh nhân trẻ và một ấp ủ thành "Bill Gate" của Việt Nam.

Anh chị tôi là những con người tài giỏi như thế khiến tôi cũng thầm ghen tị ước ao, nhưng tôi đã không thể cố gắng để đạt được bất cứ một thứ gì. Điều đó đã làm sự kỳ vọng của mọi người đặt vào nơi tôi bị sụp đổ.

Tất cả mọi người đều muốn tôi cố gắng hết khả năng của mình để đạt được một chút gì đó gần giống như anh chị tôi. Nhưng ngay từ những bước khởi đầu tôi đã thất bại chỉ vì tôi đã không tìm cho mình được một quyết tâm. Tôi đã không đủ điều kiện để dự thi vào ngôi trường có bề dày thành tích của tỉnh, ngôi trường đã rèn luyện và hun đúc tài năng cho cả anh và chị tôi.

Bản thân tôi đã tự trách mình nhiều lắm vì trong suốt những năm học đó cũng đã có lúc tôi đã thật sự cố gắng và cũng đạt được một cái gì đó cho dù là rất nhỏ thôi. Nhưng dù sao thì tôi cũng đã thất bại một lần.

Than vãn - nuối tiếc!

Và rồi thất bại đã nối tiếp thất bại khi mà tôi đã để cho bản thân mình chìm trong những lời than thân trách phận. Đã vậy tôi vẫn không chịu cố gắng và than trách vẫn chỉ là than trách rồi để đó. Tôi đã cố gắng giấu đi những gì nổi bật của anh chị để tự an ủi bản thân mình. Nhưng tôi sợ rằng sẽ không giấu mãi được. Nếu mọi người biết được điều đó, liệu sẽ nhìn tôi với con mắt khác chăng? Đôi khi tôi cũng nghĩ những điều đó chỉ do mình tưởng tượng ra mà thôi.

Tôi không chịu và không muốn chấp nhận hiện thực là tôi đã thất bại và tôi đã không muốn tin rằng mình chưa cố gắng hết khả năng. Nhưng rồi tôi cũng đã quen dần với tất cả. Tôi đã học như là một sự bắt buộc, một nghĩa vụ với mọi người trong gia đình. Trong đầu tôi luôn ám ảnh một viễn cảnh mình học giỏi để được đi du học.

Tôi sống trong tưởng tượng nhiều hơn là trong thực tại. Đến khi tôi nhận ra điều đó thì đã muộn. Kỳ thi đại học năm 2006 đến gần, tôi lo sợ vì bản thân không biết sẽ chọn cho mình một nghề nghiệp gì. Có lẽ vì thế mà tôi đã đăng ký dự thi vào 5 trường ĐH. Trong đó thì có 2 trường do bố mẹ và chị tôi chọn, 3 trường còn lại đều là những ngôi trường mà anh chị tôi đã từng học và đã từng thi. Trong đó có Học viện quan hệ quốc tế là trường tôi đặc biệt yêu thích.

Rồi, tôi đã không thi đỗ cả hai trường. Tôi biết khả năng của mình khó có thể đạt được điều mà mọi người đã kỳ vọng vào tôi. Nhưng tôi đã tự trách mình vì không nói ra được những gì mình nghĩ với bố mẹ, đã không đưa ra lựa chọn của chính mình. Và hơn hết tôi đã không thực sự cố gắng với hết khả năng của mình. Tôi tin rằng nếu tôi cố gắng hết sức thì mọi điều đều có thể. Bằng chứng là lần tôi thi khối D chỉ với vỏn vẹn ba ngày ôn mà tôi đã có thể đạt được 7 điểm môn văn.

Chọn lựa cảm tính

Tôi biết mình đã lựa chọn Học viện Quan hệ Quốc tế một phần là do cảm tính. Tôi không phải là một người năng động và không có khả năng giao tiếp. Vậy lựa chọn thi vào trường với ngành Ngoại giao là sáng suốt hay không?

Khi còn đi học tôi đã rất yêu thích môn Hoá nhưng bố mẹ tôi không muốn tôi thi bất cứ một trường nào có liên quan đến ngành đó, vì thế mà tôi đã từ bỏ niềm đam mê của mình.

Tôi có một người bạn đã phải bắt đầu lại từ đầu 3 lần sau khi đã theo học 3 ngôi trường hàng đầu Việt Nam. Tất cả những lựa chọn đó đều do bố mẹ và những định hướng sai lầm của cậu ta mà ra cả. Không biết khi phải làm lại cậu ta sẽ trách ai nhỉ? Gia đình? Bản thân? Có lẽ là chỉ có cậu ta mới hiểu được thôi.

Còn tôi, tôi đã không lựa chọn sáng suốt, đã đi sai một nước cờ trong cuộc chiến với bản thân mình. Tôi đã theo quyết định của bố mẹ thi vào Học viện ngân hàng còn Học viện quan hệ quốc tế là do tôi chọn. Mọi thứ xảy ra đều không nằm ngoài những gì mà tôi đã dự đoán.

Lưỡng lự - mông lung

Tuy nhiên, cơ hội chưa phải là kết thúc, tôi đã đăng ký NV2 vào Trường Thái Nguyên và giờ đây khi đang là SV đại học năm đầu tôi đã tự thấy mình sai lầm khi quyết định học ở đây.

Chính vì thế, tôi lại muốn thử sức mình một lần nữa, với quyết định của chính mình. Nghề nghiệp mà tôi định sẽ gắn bó suốt đời lại vẫn chính là nghề mà tôi đã thi năm trước ở Học viện quan hệ quốc tế.

Nhưng kỳ thực tôi cũng chưa hiểu rõ về nó cho lắm. Không hề có ai định hướng cho tôi. Một phần do tôi muốn phục thù vì mình đã thiếu chỉ 1 điểm duy nhất là có thể đỗ vào đó. Tuy vậy, thời gian gần đây tôi lại đắn đo không biết mình chọn thế là đúng hay sai? Bản thân tôi không thấy mình có đủ khả năng lắm nếu theo đuổi ngành ngoại giao vốn đòi hỏi sự nhanh nhạy và khôn khéo này. Giờ tôi vẫn đang lưỡng lự cho việc làm hồ sơ vì chỉ ít hôm nữa là đã đến hạn nộp hồ sơ rồi.

Vậy với tư cách là những người đứng ngoài cuộc, là những chuyên gia, xin hãy cho tôi một lời khuyên để tôi biết mình phải làm gì cho tương lai của mình lúc này.

  • Nguyễn Thị Cẩm Tú, lớp Tin AK4, Khoa học tự nhiên, ĐH Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

 Ý kiến tư vấn

 TS Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học

Trước hết, bạn đã giới thiệu được đôi điểm về truyền thống gia đình, trong đó đáng chú ý là nỗ lực của anh chị bạn.

Điểm quan trọng nữa, bạn biết tự phê phán, giống như lời sám hối. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là sức ỳ của bạn khá lớn. Trên dưới 1 năm qua, sau thất bại, lẽ ra người ta có thể đã trưởng thành ít nhiều, bản lĩnh hơn, chín chắn hơn.

Nhưng, ở đây, tôi thấy bạn vẫn tự trói mình trong một mớ bòng bong phức tạp. Bạn đã thẳng thắn nhìn nhận khá nhiều điểm yếu của mình. Bạn đã nhận mình là một kẻ "ảo tưởng", thiếu rõ ràng và không thực tế, đã chỉ ra sự bị động, mâu thuẫn, thậm chí cả xung đột trong định hướng chọn trường, nghề của mình.

Tóm lại, bạn dành rất nhiều thời gian để than vãn, gặm nhấm thất bại, mà chưa thấy có nhiều nỗ lực thực tế để cải thiện.

Bạn hãy hỏi lại mình rằng, mình đã chuẩn bị gì cho cuộc chiến mới. Tôi thấy hình như bạn chưa hiểu rõ về nó lắm, và động cơ lại là ý chí phục thù (?).

Điều mà tôi còn ái ngại nơi bạn là sự do dự, là những ứng xử cảm tính, những suy nghĩ thiếu logic lý tính cần thiết. Một khi đã ý thức được rằng, các tố chất cá nhân của mình không phù hợp với ngành nghề được chọn thì cần cân nhắc lại mục tiêu. 

Ai đó bảo rằng, sự nảy sinh cái mới là trên cơ sở phủ định cái cũ. Song, nếu ngộ nhận và không kiên định với những gì ta đang có thì biết dừng ở đâu.

Cái lưỡng lự của bạn hiện tại là hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được. Nếu bạn thật sự yêu thích và có sự chuẩn bị kỹ càng thì hãy nhập cuộc. Và, một khi nhập cuộc thì phải thật sự khẩn trương và có kế hoạch tập trung một cách rõ ràng, dứt khoát, không để bị chi phối.

Chúc bạn nhanh chóng và dứt khoát tìm được cho mình một lựa chọn phù hợp.

Thạc sĩ Hà Anh Tuấn, Giảng viên Học viện Quan hệ quốc tế

Cá nhân tôi nhận thấy trong việc học tập và lựa chọn nghề, bạn Cẩm Tú có hai ưu điểm.

Thứ nhất, gia đình bạn có phong trào học tập, và các anh chị bạn đã đạt được những thành công nhất định. Nói cách khác, bạn được ở trong một môi trường thuận lợi cho nỗ lực học của mình. Hơn nữa, anh chị bạn cũng là minh chứng cho thấy các con trong gia đình bạn (bao gồm cả bạn) được thừa hưởng những tố chất tốt của bố mẹ. Thực tế cũng cho thấy bạn có khả năng tốt trong môn văn, chứ không phải yếu kém ở tất cả các môn.

Thứ hai, bạn có những trăn trở về tương lai nghề nghiệp, sở trường, và niềm đam mê. Đó là điều không phải nhiều học sinh có được khi bước vào chọn nghề. Trong xã hội ta, đa số học sinh, đặc biệt ở miền quê, thường chọn trường thi ĐH theo cảm tính, hoặc chịu ảnh hưởng từ sự hướng dẫn của bố mẹ.

Tôi cho rằng với hai ưu điểm nêu trên, bạn có khả năng thực hiện được ước mơ của mình. Vậy tại sao bạn vẫn đang loay hoay với những câu hỏi chưa có lời giải đáp, và làm sao để bạn tìm được đường đi thích hợp cho mình?

Lý do lớn nhất khiến bạn chưa thành công là bạn đang thiếu tự tin và lòng quyết tâm. Mặc dù bạn đã ít nhiều nhận ra được khả năng của mình, và cho rằng nếu cố gắng hết sức thì mọi điều đều có thể; bạn vẫn không thực sự tin tưởng vào chính bản thân mình. Điều này có thể vì bạn đang phải học nghề mình không yêu thích, trái với sở trường của mình; có thể vì không có hiểu biết rõ ràng về công việc tương lai của những trường mình đang chọn, hoặc có thể vì bạn cảm thấy sức ép từ truyền thống gia đình quá lớn.

Để giải quyết khó khăn này, cách tốt nhất là trao đổi với bố mẹ, những người lớn tuổi, và đặc biệt là các anh chị mình, những người đã qua giai đoạn này và có nhiều kinh nghiệm hơn. Trao đổi với bố mẹ cũng khiến bạn được cảm thông hơn, và mong muốn thực hiện ước mơ của bạn dễ được chấp thuận. Một khi được gia đình ủng hộ đối với nghề mình yêu thích, bạn sẽ có quyết tâm và thực hiện được mơ ước của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm hiểu thêm thông tin về các ngành mình dự định chọn qua báo chí và mạng internet hoặc có thể tìm đến các chuyên gia, những nhà tư vấn để họ giúp bạn nhận thức rõ hơn về công việc bạn yêu thích.

Mặt khác, bạn cũng cần hiểu giới hạn của yêu thích và lựa chọn nghề nghiệp. Về cơ bản, bạn chỉ có thể lựa chọn được một nghề. Do vậy không thể vừa "thích môn Hóa",lại "đặc biệt yêu thích Học viện Quan hệ Quốc tế" được. Cá nhân tôi nhận thấy, nếu muốn thành công khi học và làm trong ngành Ngoại giao, những yếu tố cơ bản bạn cần có là tố chất học ngoại ngữ tốt, nhạy bén và chủ động trong giao tiếp. Nhưng Ngoại giao không chỉ dừng lại ở đó. Do vậy, để có được thành công, bạn cần có tinh thần liên tục học hỏi để đáp ứng được với những thay đổi thường xuyên.

Chúc bạn đạt được mơ ước của mình!

Trung Kiên - Ngọc Oanh (thực hiện) 

 

Diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" (xem chi tiết tại đây)

Hình thức:  Gửi bài viết hoặc những băn khoăn, thắc mắc của bạn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với mỗi bài viết hoặc ý kiến, các bạn sẽ nhận được nhận xét của nhóm tư vấn về: cách lựa chọn, cách tư duy để lựa chọn. Phần nhận xét của các nhà tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm cái nhìn về lựa chọn của mình. Các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể do VietNamNet mời sẽ tham gia góp ý cho bạn.

Những bài viết được lựa chọn sẽ đăng tải trên VietNamNet và nhận nhuận bút. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội nhận được quà tặng hàng tháng và quà tặng chung cuộc khi kết thúc diễn đàn.

Qùa tặng:

Qùa tặng tháng: Mỗi tháng sẽ trao giải cho 1 bài viết thú vị nhất: 500.000 đồng và học bổng trị giá 400 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Qùa tặng tổng kết:

Bài viết hay nhất (1 bài): 1 triệu đồng và học bổng 1.800 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Bài viết ấn tượng (2 bài): mỗi bài 500.000 đồng và học bổng 900 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Đơn vị tài trợ:  Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; website: http://www.aptech-news.com.

Địa chỉ gửi bài: Thư từ bài vở xin gửi về: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội hoặc địa chỉ email: giaoducvnn@yahoo.com. Lưu ý, để tiện liên hệ, các bạn ghi rõ địa chỉ, email, điện thoại liên lạc.

 

,
,