,
221
5922
Hướng Nghiệp
huongnghiep
/giaoduc/tuyensinh/huongnghiep/
919504
"Chọn nghề cùng bạn": Sở trường hơn sở thích?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

'Chọn nghề cùng bạn': Sở trường hơn sở thích?

Cập nhật lúc 13:41, Thứ Tư, 11/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Các bạn thường chỉ nêu được “phần nổi” của nghề mà mình cảm nhận: sẽ có nhiều chông gai, cạnh tranh, sẽ tạo ra một hệ điều hành mới… Những điều này sẽ giúp các bạn có khát khao để tiếp tục đi đến với nghề nhưng chưa đủ để các bạn học được nghề và làm nghề vì nó rất chung chung... Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Đào tạo Trung tâm đào tạo Lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech nhận xét. 

Dưới đây là bài viết của Trần Khánh An (17 KTT Thủy sản, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), về ước mơ đi theo ngành CNTT.

Sở trường hơn sở thích?

Thí sinh thi ĐH năm 2006. Ảnh: LAD
Thí sinh thi ĐH năm 2006. Ảnh: LAD
Chỉ mấy ngày nữa là tôi sẽ phải làm hồ sơ thi ĐH. Trong lúc bạn bè còn đang băn khoăn lựa chọn thì tôi đã may mắn tìm được cho mình một con đường…

Tôi rất yêu thích báo chí và cũng đã có vài bài được đăng báo (có cả ở trên VietNamNet). Nhưng với tôi, viết báo chỉ đơn giản là để thỏa mãn mình, làm cha mẹ thêm chút tự hào về đứa con mà thôi. Vì vậy, dù có nhiều người khuyên nên thi báo chí nhưng tôi vẫn chỉ cảm ơn và từ chối. Viết báo là sở thích chứ không phải sở trường, là con đường của tôi.

Tôi băn khoăn giữa hai con đường. Một là Mỹ thuật, hai là Tin học. Cả hai đều là những ước mơ từ nhỏ và tôi cũng có ít nhiều khả năng ở cả hai lĩnh vực.

Lớp 5, gia đình tôi mua máy vi tính. Những đoạn chữ lấp lánh chạy đi chạy lại, những phần mềm phát ra bài hát, bộ phim rồi cả mạng Internet tràn ngập thông tin nữa chứ. Tất cả làm tôi choáng ngợp. Tôi say mê mày mò mà chẳng có và cần ai hướng dẫn. Đêm ngày tôi ngồi dán mắt vào màn hình máy tính tự mò mẫm từng bước một và tôi cũng đã làm hỏng máy tính đến cả trăm lần!

Nhưng tình yêu hội họa của tôi còn lớn hơn nhiều. Tôi thích vẽ từ hồi chưa biết chữ. Tôi đi học vẽ từ năm lớp 3 ở nhà một họa sĩ nổi tiếng. Tôi cũng thích ngắm tranh, thích đến các triển lãm tranh. Ngay cả khi yêu tin học tôi cũng dành nhiều thời gian để tự tìm hiểu về Photoshop, Flash hay thiết kế website.

Nhưng khi phải chọn cho mình một nghề để mưu sinh thì tôi suy nghĩ nhiều. Cả hai đều là những ước mơ, đều là tình yêu thật sự nhưng hiện thực thì sao?

Nhiều người nói tôi vẽ cũng được và bản thân tôi thấy mình cũng có “tố chất”.

Nhưng hội họa, mỹ thuật đòi hỏi quá nhiều năng khiếu. Vẫn biết cái gì cũng phải cố gắng, rèn luyện nhưng tôi không tin mình có thể rèn được cái nhẹ nhàng, cái tinh tế, cái mãnh liệt như những bậc thầy Picasso, Van Gogh hay Matisse. Mà nếu không có những cái đấy thì dù làm đồ họa chứ không phải hội họa, tôi cũng khó lòng làm được những tác phẩm mê hoặc.

Chọn nghề = Ước mơ + mưu sinh

Vì vậy tôi chọn con đường tin học. Một con đường chông gai.

Chông gai ngay từ những bước đầu. Đầu vào rất khó khăn, các trường tốt đều lấy điểm cao chót vót.

Đã vậy học cũng rất khó và kiến thức thì cập nhật liên tục. Có người đã bảo là chỉ một hai năm không cập nhật công nghệ mới là lạc hậu ngay.

Mà khi ra trường thì còn phải cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều. Lại có rất nhiều người giỏi, siêu thông minh học nghề này nữa chứ.

Nhưng không thể vì những lý do trên hay bất kỳ lý do nào khác mà tôi đổi ngành thi được.

Vì Tin học là giấc mơ của tôi, là nơi năng lực của tôi có thể phát huy và hiện nay khi nước ta đã gia nhập WTO thì tôi tin sẽ có nhiều cơ hội cho mình.

Có thể tôi sẽ lập trình ra một hệ điều hành mới cạnh tranh lành mạnh với Microsoft, lập nên một công ty tin học đối đầu với người khổng lồ FPT, tạo ra những công nghệ mới thay đổi cả thế giới!

Hay cũng có thể tôi chỉ làm một anh thợ sửa máy quèn ngày ngày vác túi đĩa đi sửa máy cho những cậu bé giống tôi ngày trước (mà chẳng biết về sau có cho dùng đĩa lậu nữa không!) nhưng dù gì đi nữa thì tôi cũng có niềm vui ở đó.

Tuy hiện tại có thể tôi chẳng là gì nhưng nếu thật sự cố gắng thì sau này tôi sẽ là gì đó (!).  Bây giờ tôi là số 0 nhưng nếu miệt mài cùng con chuột, cùng bàn phím thì sẽ có ngày tôi thành số 1. Giám đốc của Sony ban đầu cũng chỉ là một học sinh bình thường nhưng nhờ vươn lên mà đã là thủ khoa của ĐH Tokyo danh tiếng đó sao?

Vì vậy, tôi chọn Tin học vừa để thỏa mãn ước mơ vừa để mưu sinh. Tất nhiên tôi cũng sẽ không quên tình yêu hội họa được.

  • Trần Khánh An (17 KTT Thủy sản, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)

Ý kiến tư vấn 

TS Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Đào tạo Tâm Việt

Theo thống kê: 17% dân số có ước mơ và mục tiêu cụ thể, 3% viết ra giấy, 3% dân số này chiếm 90% tổng tài sản thế giới. Có thể An cũng đang nằm trong 3% số người trên tức là có một ước mơ, mục tiêu cụ thể và được viết ra.

Để thành công trong bất cứ việc gì chúng ta cần nắm chắc công thức ABC.

A. Ao ước cháy bỏng

Một mong muốn cụ thể được viết ra luôn thúc giục bạn, định hướng cho mọi hành vi của bạn. Qua khẩu khí của bạn trong bài viết, tôi thấy yên tâm một phần về điều này.

B. Bước đi cụ thể

Đi lên tầng 3 ta phải qua tầng 1 rồi tầng 2, để qua được tầng 1 ta phải qua từng bậc thang... Để ước mơ trở thành hiện thực An cần xác định từng bậc thang để đi vào ngành CNTT.

C. Chuyên tâm tới cùng

Để ngựa đua chạy nhanh tới vạch đích người ta đã bịt một phần mắt con ngựa lại chỉ đủ để nó nhìn thấy vạch đích và đường tới đó mà không thể nhìn thấy bất kỳ thứ gì khác nữa. Bạn có khá nhiều đam mê, nhưng đã bước đầu biết cân đo để chọn lựa.

Chúc bạn thành công.

Ông Chu Tuấn Anh – Giám đốc đào tạo Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech:

Trước tiên, từ phía cá nhân, tôi xin ủng hộ quyết định của bạn Khánh An. Bạn đã lựa chọn hướng đi cho bản thân dựa trên sự so sánh hai niềm đam mê: hội hoạ và tin học.

Với hội hoạ, cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác, để thành công, ngoài sự đam mê thì cần khả năng thiên bẩm, năng khiếu vượt trội. Trong khi đó, CNTT thì đòi hỏi con người có kiến thức và kỹ năng, là những thứ có thể học và tích lũy được. Hơn nữa, việc lựa chọn đi theo nghề tin học vẫn giúp bạn có thể theo đuổi hội hoạ dưới góc độ sở thích cá nhân, đam mê cá nhân. Chúng ta thấy nhiều bác sĩ, kỹ sư vẫn là những nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ.

Tuy nhiên, cũng như nhiều thí sinh khác, các bạn thường chỉ nêu được “phần nổi” của nghề mà các bạn cảm nhận: sẽ có nhiều chông gai, cạnh tranh, sẽ tạo ra một hệ điều hành mới… Những điều này sẽ giúp các bạn có khát khao để tiếp tục đi đến với nghề nhưng chưa đủ để các bạn học được nghề và làm nghề vì nó rất chung chung: bạn làm nghề về tin học nhưng sẽ là nghề gì? Lập trình viên hay Quản trị mạng? Nhân viên kiểm lỗi phần mềm hay chăm sóc khách hàng?...

Vì vậy, tôi xin được cung cấp một số thông tin giúp bạn định hướng nghề sẽ học:

- Nếu bạn yêu thích phần cứng máy tính, bạn có thể theo học những nghề như Kỹ thuật viên phần cứng (lắp ráp, sửa chữa máy tính), Quản trị mạng (xây dựng và bảo trì hệ thống mạng máy tính nội bộ, kết nối mạng Internet, bảo mật hệ thống mạng). Nếu bạn yêu thích phần mềm, bạn có thể theo học nghề Lập trình viên (sử dụng các công cụ lập trình viết ra phần mềm).

- Những triển vọng của nghề:

1. Thị trường nhân lực CNTT Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng thiếu hụt rất lớn. Trong năm qua, nhiều dự án lớn của các tập đoàn công nghệ đầu tư vào Việt Nam như dự án Intel đầu tư 1 tỉ USD, dự án của Nhật Bản đầu tư vào khu Công nghệ cao Hoà Lạc, làn sóng gia công phần mềm đến từ Nhật Bản và Bắc Mỹ… đòi hỏi rất nhiều nhân lực, trong khi khả năng đáp ứng của thị trường chỉ được khoảng 50%. Vì vậy, bạn có thể yên tâm với tương lai của nghề trong vòng 5 năm tới.

2. Mức thu nhập trung bình của các nghề trong lĩnh vực CNTT khá cao, ví dụ mức lương khởi điểm của một lập trình viên mới vào nghề từ 200-250 USD/tháng. Tốc độ thăng tiến và tăng lương cũng khá nhanh.

3. Theo nghề, bạn sẽ phải liên tục cập nhật công nghệ mới, điều đó sẽ giúp bạn tăng cường kiến thức bản thân rất tốt.

-  Một số yêu cầu về khả năng bản thân: để theo học nghề công nghệ, bạn cần có tư duy logic (khả năng phân tích và giải quyết vấn đề theo trình tự), khả năng tiếng Anh (ở mức đọc, hiểu tài liệu). Ngoài ra, trong quá trình học, bạn phải rèn luyện thêm các kỹ năng “mềm” (softskills) như khả năng thuyết trình, cách làm việc nhóm, cách quản lý thời gian… là những kỹ năng làm việc chuyên nghiệp rất cần cho ngành công nghệ.

  • Trung Kiên (ghi)

 

Diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" (xem chi tiết tại đây)

Hình thức:  Gửi bài viết hoặc những băn khoăn, thắc mắc của bạn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với mỗi bài viết hoặc ý kiến, các bạn sẽ nhận được nhận xét của nhóm tư vấn về: cách lựa chọn, cách tư duy để lựa chọn. Phần nhận xét của các nhà tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm cái nhìn về lựa chọn của mình. Các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể do VietNamNet mời sẽ tham gia góp ý cho bạn.

Những bài viết được lựa chọn sẽ đăng tải trên VietNamNet và nhận nhuận bút. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội nhận được quà tặng hàng tháng và quà tặng chung cuộc khi kết thúc diễn đàn.

Qùa tặng:

Qùa tặng tháng: Mỗi tháng sẽ trao giải cho 1 bài viết thú vị nhất: 500.000 đồng và học bổng trị giá 400 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Qùa tặng tổng kết:

Bài viết hay nhất (1 bài): 1 triệu đồng và học bổng 1.800 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Bài viết ấn tượng (2 bài): mỗi bài 500.000 đồng và học bổng 900 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Đơn vị tài trợ:  Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; website: http://www.aptech-news.com.

Địa chỉ gửi bài: Thư từ bài vở xin gửi về: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội hoặc địa chỉ email: giaoducvnn@yahoo.com. Lưu ý, để tiện liên hệ, các bạn ghi rõ địa chỉ, email, điện thoại liên lạc.

 

,
,