Tôi sẽ thi lại!
(VietNamNet) - Hải Long đã thi đỗ ĐH và học năm thứ nhất Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội. Nhưng Long vẫn muốn thi lại làm SV ở một trường khác. Trong bài viết tham gia diễn đàn “Chọn nghề cùng bạn”, Hải Long đã trình bày rất thật tâm trạng phổ biến của những HS từng thi đỗ ĐH mà chưa hề xác định cho mình thích gì, muốn gì khi học.
Dưới đây là bài viết của Hải Long và ý kiến của TS. Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học; chị Nguyễn Thu Hương, nhân viên Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)
*************************
Thí sinh xem điểm thi ĐH. Ảnh: Anh Dũng
Tôi cũng như các bạn lớp 12 lúc này đây đang phân vân không biết lựa chọn trường gì cho phù hợp với mình, sau khi ra trường liệu có tìm được công việc phù hợp với ngành nghề mà mình đã lựa chọn hay không?
Nhưng có một điều khác biệt là đây không phải là lần lựa chọn thứ nhất, mà là lần lựa chọn thứ hai của tôi.
Hiện nay tôi đang là SV của trường ĐH Giao thông vận tải. Chắc chắn trong số các bạn, có người đang tự hỏi tôi rằng, đang học như vậy rồi thì cần gì phải thi lại? Hay là thấy trường khác hay hơn thì thi vào? Xin trả lời rằng, không phải vì những lí do đó.
Vậy tại sao tôi lại thi vào đó làm gì?
Không có câu trả lời!
Khi bắt đầu làm hồ sơ dự thi ĐH năm ngoái (2006), thú thật với các bạn, tôi chưa thể hình dung được điều này quan trọng với mình như thế nào. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có ý nghĩ là làm sao vào được một trong các trường ĐH tại Hà Nội. Tôi không được ai nói cho mình hiểu rằng mình phải lựa chọn điều gì cho phù hợp với bản thân.
Thay vào đó là những chỉ tiêu của trường, lớp và của gia đình. Nhà trường luôn có thật nhiều HS thi đỗ ĐH, cô giáo chủ nhiệm cũng vậy. Cô nói: năm ngoái các anh chị lớp 12A1 thi đỗ ĐH 35%, thì năm nay chúng ta phải quyết tâm vượt qua thành tích đó.
Bố mẹ tôi trước kia luôn thoải mái trong chuyện hành động của tôi vì ông bà cho rằng, bây giờ, tôi đã lớn, cần phải tự quyết định bản thân, không thể nào bố mẹ theo con suốt được.
Vậy mà một hôm, bố gọi tôi xuống và nói: "Việc chọn trường là tuỳ ở con, nhưng con phải thi đỗ! Mọi người trong cơ quan bố sẽ nghĩ thế nào khi biết tin con trượt ĐH, họ sẽ cười vào chúng ta đấy. Vì vậy bố tin ở con và con sẽ đỗ". Tôi lại có thêm sức ép, nhưng điều đó không phải là vấn đề ở đây, sức học của tôi không phải là giỏi nhưng cũng đủ khả năng để đỗ vào những trường có mức điểm dưới 22. Điều mà tôi băn khoăn nhất lúc bấy giờ là: Tôi yêu thích ngành nghề gì nhất? Điều gì mới thực sự là đam mê của tôi? Tôi không thể tìm được câu trả lời.
Thời hạn nộp hồ sơ cũng đã sắp hết khi lũ bạn hỏi tôi:
- Mày đã làm xong hồ sơ chưa? Trường gì vậy?
Tôi trả lời: "Chưa" và nhận được một lời khuyên: "Nhanh nhanh lên sắp hết hạn rồi đấy! Cứ chọn đại đi, như bọn tao đây này làm ba, bốn bộ hồ sơ vào rồi sau đó thi trường gì thì tính sau".
Vậy là tôi làm theo lời lũ bạn, cùng làm ba bộ hồ sơ. Khoảng thời gian cuối năm lớp 12 trôi qua thật là nhanh, tôi bị cuốn vào những buổi đi học thêm rồi ôn thi tốt nghiệp. Chẳng bao lâu sau thì ngày thi cũng đã đến. Tôi quyết định thi vào ĐH GTVT vì đơn giản lúc đó tôi chỉ nghĩ năm ngoái trường đó lấy 20,5 chắc năm nay cũng không cao hơn và lý do chính là tôi phải đỗ.
Sau hơn một tháng chờ đợi kết quả thi đại, tôi vui mừng và thở phào khi biết tin mình đậu. Không phải nói lúc này bố mẹ, gia đình và người thân của tôi vui như thế nào. Nhưng trong tôi có một cảm giác rất lạ, một điều gì đó chưa được vui vẻ và thoải mái thực sự nhưng cảm giác đó rồi cũng chỉ thoáng qua mau.
Học ĐH không như tưởng tượng!
Tôi hoàn toàn ngỡ ngàng từ phương pháp dạy học, cách tính điểm và môi trường học tập. Phải mất một thời gian sau đó, tôi mới có thể làm quen với cách học này. Cuộc sống ở thành thị đã dạy cho tôi rất nhiều điều: tính tự lập, khả năng thích nghi... Bạn không thể làm việc hiệu quả nếu những gì bạn đang làm không thực sự đam mê, không là niềm yêu thích của mình.
Tôi bắt đầu nhận ra rằng, mình đang đi không đúng hướng. Rất nhiều đêm trăn trở và suy nghĩ, tôi hoang mang và lo lắng khi phải nghĩ về những gì mà mình sẽ làm sau này.
Cuối cùng, tôi cũng đã nhận ra điều gì là niềm đam mê. Đó là lĩnh vực kinh tế mà đặc biệt là ngành tài chính - ngân hàng. Các bạn không thể biết được cảm giác của tôi trong giai đoạn đó như thế nào, nó như là kẻ đang mò mẫn bước đi trong bóng tôi và bất chợt mở ra được cánh cửa của ánh sáng của những kỳ vọng và hoài bão.
Có thể, trong suy nghĩ của nhiều bạn hiện nay, thì ước mơ và hoài bão, sự đam mê luôn là điều xa vời. Tôi không nói là tất cả nhưng rất nhiều bạn chỉ quan tâm sau này làm sao khi ra trường mình có một công việc ổn định có thu nhập khá còn nó có phù hợp với mình hay không thì không quan trọng.
Những người bạn học cùng tôi từ cấp III và những người bạn tôi mới quen họ đều nói với tôi rằng: "Mày đừng thi lại làm gì, đứa nào chả vậy, năm đầu nên ai cũng thế thôi, cảm giác chung ấy mà, rồi năm 2, năm 3 thì quen hết, học cố mà lấy cái bằng thôi. Ra trường xin được chỗ nào "ngon" là được rồi".
Thực sự, nghe những lời nói ấy tôi rất thất vọng. Nếu ai cũng như vậy thì quả thực là một sự lãng phí rất ghê gớm. Rất nhiều người đã không dám theo đuổi đam mê, ước mơ của mình để rồi chấp nhận công việc không như mong đợi và để cuối tháng lĩnh lương. Ai cũng như vậy thì làm sao đất nước phát triển đây?
Các bạn ạ! Những gì tôi trải qua trong một năm qua rất nhanh, vui có buồn có, có những suy nghĩ của tôi về nghề nghiệp cũng như các bạn thôi.
Chúng ta ai cũng cần suy nghĩ về tương lai của chúng ta.
Nhưng qua những gì đã trải qua, tôi khuyên các bạn hãy lựa chọn nghề nghiệp, ngành nghề theo đúng sở thích, đam mê của các bạn. Nếu các bạn lo sợ rằng mình không đỗ vào ngành đó ở bậc ĐH thì còn có hệ CĐ, trung cấp. Chỉ cần bạn thực sự đam mê và giỏi trong lĩnh vực của mình thì học ngành gì cũng có việc khi ra trường...
Cuộc sống trôi qua rất nhanh cuốn chúng ta đi theo lúc nào không hay biết. Tôi chỉ muốn khi các bạn như tôi ngoảnh lại nhìn những gì đã trải qua không phải hối tiếc vì đã không dám lựa chọn theo sở thích và khả năng của mình.
Bây giờ, điều quan trọng nhất đối với tôi lúc này là ôn tập tốt để thi vào trường ĐH Ngoại thương. Xin chúc tất cả các bạn có sự lựa chọn đúng đắn và thành công.
Thay cho lời kết xin trích câu nói của một tác giả mà tôi rất thích nhưng không nhớ tên: "Hãy theo đuổi đến cùng ước mơ của bạn".
-
Trần Hải Long (Phố Hoa Bằng - Phường Yên Hoà - Cầu Giấy - Hà Nội)
**********
Ý kiến tư vấn:
TS. Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Đào tạo Tâm Việt: Đừng vội quá say sưa với mục tiêu "đi tìm lại niềm đam mê"
Chào Hải Long!
Tôi rất thích chủ đề mà bạn đưa ra, đấy là tìm ra sự đam mê của mình. Có đam mê mới thành công và hạnh phúc. Người Việt chúng ta do bị sống trong chế độ bị trị và nghèo đói khá lâu nên khả năng tự chủ lựa chọn không cao lắm. Đa số chúng ta tiếc 1 tháng để lựa chọn rồi mất 1, 2 năm để sửa sai.
Nhưng bạn nhớ phải lựa chọn thật kỹ, phải tự hỏi mình có thật sự thích hay không? Nhiều lúc ta cứ tưởng là ta đam mê nhưng sau một thời gian lại chán, nhiều khi ta chỉ thích theo “mốt thời đại” mà lại ngộ nhận đấy là sứ mệnh của mình.
Trong bài viết, bạn chưa nói nhiều đến các sự kiện dẫn dắt đến quyết định thi ĐH Ngoại thương, ngoài việc "đột nhiên" thấy mình đam mê ngành Tài chính - Ngân hàng.
Hãy thử trả lời các câu hỏi này một cách khách quan và nghiêm túc: Đó có thực sự là đam mê ngành mới không hay chỉ là cảm giác cộng hưởng khi đang thất vọng về việc học trong trường Giao thông? Mình có thực sự muốn làm và sẵn sàng đánh đổi mọi giá để được làm việc này không? Hãy tìm ra 3 tố chất mạnh nhất của mình và so sánh yêu cầu ngành nghề đó, liệu chúng có tương đồng không?
Bây giờ, nếu khuyên bạn, tôi nghĩ bạn đừng vội quá say sưa với mục tiêu "đi tìm lại niềm đam mê" mà lơ là việc học trong trường ĐH hiện tại. Đôi khi, những gì ta đang có thì thấy chán, còn những thứ chưa nắm chắc lại được tô vẽ lung linh. Giới trẻ đôi khi dễ "thả mồi bắt bóng", nhưng thật sự cần thận trọng.
Nếu bạn quyết tâm, tốt nhất hãy duy trì kết quả học ĐH còn việc ôn thi lại thì tăng cường song song. Các bạn trẻ bây giờ trưởng thành hơn trước, vừa có thể lực tốt, vừa có nhiều khả năng trí lực, và vì vậy có khả năng đáp ứng được nhiều việc. .
Chúc bạn lựa chọn được sự đam mê để thành công
TS. Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học: Có phải sự lựa chọn cuối cùng hay duy nhất đúng?
Bạn đã đưa ra một cái nhìn sắc nét về lao động việc làm. Bạn là người hết sức coi trọng niềm say mê cũng như động cơ cho mọi hành vi trong đời thường của mỗi con người.
Vấn đề là ở chỗ, cách nhìn đó đến trước hay đến sau khi bạn đã có một năm học ở ĐH GTVT Hà Nội.
Cảm ơn vì bạn đã cởi mở trình bày rõ toàn bộ lộ trình thi ĐH lần trước. Ở đó, áp lực đè nặng lên mỗi cá nhân, lên nhóm và lên cả cộng đồng, đại loại cũng gần giống như bệnh thành tích vậy.
Mọi việc đều có giá của nó! Theo bạn thì bạn không yêu thích ngành mình đang học và nay đang rắp tâm làm lại, hướng đến lĩnh vực mà bạn đam mê, hứng thú hơn: ngành Tài chính - Ngân hàng thuộc ĐH Ngoại thương.
Đương nhiên, dường như bạn mới khám phá thêm bản thân mình, dám tự phủ định mình khi đã có những thành công nhất định là một sự dũng cảm, một thái độ quyết đoán.
Tôi khó mà đưa ra một lời khuyên nào mà lại là sự cản trở bạn đi đến niềm đam mê của mình, nhất là niềm đam mê lành mạnh dựa trên sự phát hiện lại bản thân. Song, tôi cho rằng, bạn rất cần kiểm tra kỹ lưỡng rằng liệu đây có phải là sự lựa chọn cuối cùng hay duy nhất đúng khi đi đến với nghề nghiệp.
Không ai nỡ phủ nhận các lời nhắn nhủ, tự sự của bạn về định hướng nghề nghiệp, về những suy tư xung quanh tư tưởng "hãy theo đuổi đến cùng ước của bạn". Nhưng, bạn hãy cố gắng khách quan hơn trong ý nghĩ để tự phân tích nhé.
Với những người sẵn sàng chia sẻ với bạn một lời khuyên thì còn rất thiếu dữ liệu và điều kiện, chẳng hạn bạn có những điểm mạnh nào thích hợp với ngành Tài chính - Ngân hàng.....
Tôi cảm nhận rằng, nhận thức của bạn vẫn nghiêng nhiều về lý thuyết và ý chí chuyển đổi ngành nghề của bạn, dẫu mạnh mẽ, nhưng vẫn mơ hồ, thiếu tính thực tiễn (bởi ngay trong ngành Giao thông Vận tải cũng có lĩnh vực Tài chính và trong xã hội hiện nay, vẫn thường xuyên có sự xen gối lẫn nhau giữa các lĩnh vực.
Dẫu sao, khi có một niềm tin và ý chí đủ mạnh, việc thử sức mình luôn luôn là thách thức với bạn trẻ nói chung. Tin rằng bạn sẽ thu được những kết quả, những bài học mới.
Chị Nguyễn Thu Hương, nhân viên Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank): Cân nhắc xem có phải cảm nhận tức thời?
Theo tôi, làm bất cứ một việc gì để dẫn đến thành công thì phải có lòng mê và sự quyết tâm của mỗi con người, nhất là công việc có thể găn bó với bạn suốt cuộc đời. Nếu thực sự bạn thích làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tôi đồng ý và khuyến khích bạn thi lại trong năm nay.
Nhưng trước trước khi quyết đinh thi lại, tôi cũng muốn nói với bạn rằng nên tham khảo và tự vấn lại bản thân xem có thực sự là bạn thích ngành tài chính ngân hàng không? Hay đó chỉ là các cảm nhận hoặc sở thích nhất thời của bạn do tác động của môi trường xung quanh như tác động của bạn bè, của các bảng quảng cáo tuyên dụng nhân sự tác động của thị trường chứng khoán trong thời gian qua mà bạn nghĩ là dễ dàng kiếm việc làm, thu nhập tốt và dễ kiếm tiền hơn các ngành nghề khác?
Với kinh nghiệm của nguời đã từng và đang làm trong ngành tài chính ngân hàng, tôi có đưa ra một số khó khăn và thuận lợi khi bạn tham gia vào lĩnh vực này:
Thuận lợi:
Bạn sẽ được tiếp cận với những công nghệ thông tin hiện đại: giao dịch thanh toán qua mạng, dịch vụ thanh toán quốc tế, thẻ F@staccess, thẻ Visa, và các hình thức thanh toán khác.
Bạn có cơ hội được tham gia các khóa đào tạo với các chuyên gia nước ngoài.
Bạn luôn có cơ hội để tiếp cận với các nghiệp vụ mới.
Bạn được làm việc trong lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế; có cơ hội thăng tiến vì trong thời gian tới, ngành tài chính ngân hàng còn thiếu nhiều nhân lực cho sự phát triển.
Khó khăn:
- Thông thường các ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán khi tuyển nhân viên họ đưa ra các tiêu chuẩn đầu vào cao hơn các ngành nghề khác. Bạn phải làm trong môi trường cạnh tranh cao và nguy cơ bị sa thải nếu bạn không đáp ứng được yêu cầu công việc.
- Bạn phải là người năng động, luôn luôn học hỏi và cập nhật kiến thức thường xuyên, có khả năng chịu được áp lực công việc, có kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm tốt, tác phong chuyên nghiệp.
- Bạn phải là người có khả năng phân tích và tổng hợp thông tin tốt.
Với những thông tin đã nêu, hy vọng bạn xác định được sự lựa chọn sáng suốt cho mình.
-
Thực hiện: Trung Kiên - Hạ Anh
Mời các bạn tham gia diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" (xem chi tiết tại đây) Hình thức: Gửi bài viết hoặc những băn khoăn, thắc mắc của bạn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với mỗi bài viết hoặc ý kiến, các bạn sẽ nhận được nhận xét của nhóm tư vấn về: cách lựa chọn, cách tư duy để lựa chọn. Phần nhận xét của các nhà tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm cái nhìn về lựa chọn của mình. Các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể do VietNamNet mời sẽ tham gia góp ý cho bạn. Những bài viết được lựa chọn sẽ đăng tải trên VietNamNet và nhận nhuận bút. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội nhận được quà tặng hàng tháng và quà tặng chung cuộc khi kết thúc diễn đàn. Quà tặng: Quà tặng tháng: Mỗi tháng sẽ trao giải cho 1 bài viết thú vị nhất: 500.000 đồng và học bổng trị giá 400 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech. Qùa tặng tổng kết: Bài viết hay nhất (1 bài): 1 triệu đồng và học bổng 1.800 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech. Bài viết ấn tượng (2 bài): mỗi bài 500.000 đồng và học bổng 900 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech. Đơn vị tài trợ: Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; website: http://www.aptech-news.com. Địa chỉ gửi bài: Thư từ bài vở xin gửi về: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội hoặc địa chỉ email: giaoducvnn@yahoo.com. Lưu ý, để tiện liên hệ, các bạn ghi rõ địa chỉ, email, điện thoại liên lạc. |
Chia sẻ của bạn: