'Chọn nghề cùng bạn': Làm giảng viên có thử thách không?
(VietNamNet) - "Không cần nhiều tiền, chỉ cần đủ sống và làm công việc mình yêu thích" - Định hình tư tưởng ấy, bạn Nguyễn Phương Thảo, lớp 12A2, THPT A Duy Tiên, Hà Nam đã xác định mục tiêu "7 năm tới sẽ trở thành giảng viên ĐH".
Bức thư gửi về "Chọn nghề cùng bạn" được thể hiện qua quá trình phân tích bản thân và nghề nghiệp.
*******************************
Mình quyết định thi sư phạm. Mục tiêu trong 7 năm tới là trở thành giảng viên đại học.
1. Vì sao mình chọn ngành sư phạm?
Thí sinh dự thi ĐH năm 2006 |
- Cơ hội tiếp xúc gặp gỡ mọi người: tương đối rộng.
+ Đối tượng làm việc là các em học sinh, bớt đi sự bon chen và áp lực những thứ vốn không phù hợp với một người chịu áp lực kém và không thích tranh giành như mình. Hơn nữa, học sinh thì vẫn còn nét trẻ trung ngây thơ, không tính toán nhiều như thế giới người lớn. Tiếp xúc với học sinh khiến tâm hồn mình trẻ trung hơn.
+ Một đối tượng tiếp xúc nữa: đó là các đồng nghiệp, những người thuộc tầng lớp trí thức, môi trường trong sạch, phù hợp với sức khoẻ và tính cách của mình.
Đọc đến đây nhiều người, đặc biệt là các thầy cô giáo sẽ băn khoăn lắm phải không ạ? Toàn những ý nghĩ ích kỷ cho bản thân, chẳng có lý do gì đại loại như: vì mong muốn đào tạo những công dân tốt, vì muốn đem tri thức đến với các em học sinh. Nhưng đây mới chính là những suy nghĩ của em cho lựa chọn của mình.
2. Những điều có thể khiến mình thất vọng khi chọn ngành sư phạm
- Thu nhập không cao: Bây giờ khi còn trong vòng tay của cha mẹ mình chưa thể lường hết được sự quan trọng của đồng tiền. Ra cuộc sống rất nhiều thứ cần tiền. Vì không có nhiều tiền mình sẽ đôi khi phải chấp nhận không mua cái này, không làm cái kia dù mình rất thích.
- Những áp lực mà mình sẽ gặp:
+ Học sinh hư, khó dạy bảo
+ Xin điểm, hối lộ…mà 1 người thẳng tính như mình không chấp nhận
+ Những tiêu cực, day dứt giữa tố cáo và không tố cáo, những bất công nhìn thấy mà không làm được gì
+ Mình dạy không giỏi trong khi những người khác dạy giỏi hơn
Thực ra những bất lợi mình kể trên thì trong bất kỳ ngành nào mình cũng có thể gặp phải. Đó là những vấn đề chung của cuộc sống, chứ không riêng gì ngành sư phạm. Ở đâu và ở bất kỳ thời điểm nào mình cũng sẽ bắt gặp những người giỏi hơn mình. Đó là động lực để mình phấn đấu.
Còn tiêu cực thì ngành nào chẳng có. Kinh tế ư? Càng nhiều, Dược ư? Không ít, Kỹ thuật à? Không thiếu (người tài không được sử dụng, sáng chế nằm trong tủ kính).
Về thu nhập: Đi làm trong các công ty tư nhân hoặc tư bản nước ngoài, lương có thể cao, nhưng suy cho cùng anh chỉ là người làm thuê. Làm thuê: trước hết anh phải đáp ứng được yêu cầu, tức là chất xám anh bỏ ra phải tương đương với số lương anh nhận được. Điều này không xấu nhưng không phù hợp với người chịu áp lực kém như mình (hơn nữa mình cũng đâu có quá xuất sắc để có thể nhận vài nghìn USD nếu mình lựa chọn ngành kinh tế).
Thu nhập ngành sư phạm không cao nhưng không phải là không đủ sống. Nó phù hợp với những gì mình bỏ ra. Rõ ràng mình lựa chọn mình lựa chọn một ngành nghề không có áp lực lớn cơ mà.
Thực chất của vấn đề là ở chỗ anh bỏ ra từng nào thì cái anh nhận được cũng sẽ tương xứng. Đó là quy luật và khi lựa chọn mình đừng ảo tưởng sẽ vượt ra ngoài quy luật ấy: chọn một nghề vừa nhận lại vừa nhiều tiền ư? Vớ vẩn. Đôi khi thanh niên chúng ta vẫn mơ hồ ảo tưởng về một cái gì đó, một nghề nghiệp nào đó kiếm được nhiều tiền mà không nghĩ đến khả năng của mình cũng như công sức mình phải bỏ ra.
3. Nghề sư phạm không có thử thách?
Tất cả chỉ bình lặng, an phận thủ thường thôi sao? Xin thưa, bạn đã nhầm. Công việc nào chẳng có thử thách để đánh giá khả năng và bản lĩnh của của bạn. Chẳng qua là mình có nhìn thấy thử thách để vượt qua, để cảm nhận cái hạnh phúc khi vượt vũ môn hay không mà thôi.
Khoa học phát triển không ngừng từng ngày. Tri thức nhân loại thì vô cùng. Đối tượng học sinh thì thay đổi theo xu hướng xã hội và chẳng học sinh nào giống học sinh nào hết. Làm thế nào để truyền tải thông tin nhanh, chính xác, dễ hiểu cho học sinh và cho chính bản thân mình cũng là 1 vấn đề nữa.
Một người thầy trong xã hội mới không nhất thiết phải là người giỏi nhất, nhưng phải là người hướng dẫn đúng đắn nhất , phát hiện tài năng và bồi dưỡng tài năng ấy cũng là một vấn đề thú vị. Là nơi tâm sự, khuyên nhủ, là một người bạn của học sinh cũng là một thử thách. Bạn nghĩ ngày ngày cắp sách đến trường với giáo án cũ 3, 4 năm chẳng có gì thay đổi ư? Thật ngốc nghếch khi nghĩ như vậy. Bạn giỏi tiếng Anh? Bạn có biết khai thác thông tin trên Internet? Bạn biết làm thế nào để hướng học sinh đi theo con đường phù hợp với nó nhất không? Đó là những thử thách.
Cũng phải lường trước tình huống: Bạn là một giáo viên trẻ với đầy hào hứng và phấn khởi áp dụng những điều mới mẻ vào giảng dạy, nhưng tình hình giáo dục nước ta vẫn còn ì trệ, lạc hậu, không cho phép bạn thực hiện những ý tưởng. Đồ dùng dạy học thiếu (nhất là khi bạn không được dạy ở các trường trong thành phố, thị xã). Bạn cần máy chiếu, máy vi tính, đồ thí nghiệm... nhưng không có. Bạn định phổ biến những kiến thức mới đến cho học sinh nhưng nhà trường không cho phép bởi thi cử hiện tại không cần những thứ đó.
Còn rất nhiều, đó là những bài toán được đặt ra mà bạn phải tìm cách giải quyết. Ai bảo đó không phải là những thử thách.
Sẽ có ý kiến cho rằng: Bạn cố gắng mãi nhưng không giải quyết được những vấn đề đó và bạn buông xuôi, không làm gì nữa cả, tất cả chỉ là khoảng thời gian bồng bột nông nổi của tuổi trẻ, tin tưởng những điều viển vông
+ Thứ nhất: Điều đó thì bất kỳ ngành nào bạn cũng có thể gặp phải chứ không riêng gì ngành sư phạm.
+ Thứ hai: Bạn bỏ cuộc nghĩa là lỗi ở chính bạn. Tự bạn đã làm mất đi niềm vui của việc vượt qua những thử thách sáng tạo trong công việc, những niềm vui. Lỗi đó là do bạn chứ không phải bất kỳ ai khác. Tại sao bạn không tiếp tục cuộc đấu tranh đến suốt cuộc đời, đề đến khi kết thúc sự nghiệp bạn có thể tin rằng mình đã đấu tranh hết lòng vì một điều mình cho là đúng. Nên nhớ "một điều mình cho là đúng" chứ không phải "điều đúng đắn nhất". Ai là người đứng ra xác định điều đúng đắn nhất? Số đông có phải lúc nào cũng là chân lý?
Tóm lại: Đây là sự lựa chọn của riêng mình, một cô bé vẫn còn nằm trong vòng tay cha mẹ, thích học Toán, thích ngồi một mình, làm việc độc lập giải quyết các bài toán Vật lý, chịu áp lực kém (vẫn còn mơ mộng rằng: mình không cần nhiều tiền, chỉ cần đủ sống và làm công việc mình yêu thích).
-
Nguyễn Phương Thảo
*********************************
Ý kiến tư vấn:
TS Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học
Ở vào lứa tuổi của bạn, một nữ sinh lớp 12 THPT, việc nêu vấn đề và phân tích một cách có ngọn ngành, khá trọn vẹn về ý nghĩa, thuận lợi, khúc mắc, khó khăn và thách thức của một nghề nào đó rõ ràng là một nỗ lực đáng khen.
Bạn đã nêu lên được một ý định, không, hơn thế, là một kế hoạch. Và đó là một kế hoạch khả thi.
Điều cần ghi nhận ở bạn đó là sự thẳng thắn và chân thành. Dường như bạn hơn được khá nhiều bạn trẻ cùng lứa tuổi khác bởi đã không tô hồng hay cường điệu những thuộc tính hay phẩm cách nào đó của mình khi trình bày quan điểm cá nhân. Đây cũng là điểm cần ghi nhận về sự sòng phẳng trong ý tưởng, trong toan tính của bạn.
Đương nhiên, khi viết về điều gì đó, dưới dạng tự sự, tâm tình thì dễ tạo được sự cảm thông, chia sẻ hơn. Bạn đã làm được điều đó. Mặc dù vậy, vẫn lấp ló cách thức bình luận kiểu "khách quan" của bạn.
Chỉ trong một bài viết rất vừa phải, bạn đã có sự chuyển dịch khá rõ trong phong cách trình bày. Nếu ở mục 1, chủ yếu là bạn tự sự, thì đến cuối mục 2, bạn dần chuyển sang bình luận, để đến mục 3, bạn hoàn toàn chuyển sang thể thức bình luận khách quan, tức là đưa mình ra bên ngoài sự vật để phán xét. Có lẽ, với cách thức này bạn dễ nói hơn chăng.
Tôi cho rằng, khi viết bài này gửi đến "Chọn nghề cùng bạn", cái bạn cần ở đây là một sự đồng cảm, một sự phụ hoạ chứ không phải là một lời khuyên. Nhà tư vấn không có việc gì để làm, ngoài việc ghi nhận rằng bạn đã hoàn thành bài luận một cách logic.
Nhưng, đọc bài viết, không thể biết được rằng, bạn đã chuẩn bị gì cho nghề sư phạm (về mặt kiến thức, kỹ năng chứ không phải về mặt tâm lý). Cũng không ai biết được bạn có những thuộc tính, phẩm chất gì tương thích với nghề sư phạm ngoài yếu tố giới tính và tất cả những gì liên quan đến việc theo đuổi nghề sư phạm giống như một giá trị.
Có lẽ cũng không sao, dường như bạn đã thuyết phục được những ai đã đọc bài luận này tin rằng bạn sẽ thành công.
GS, TS Vũ Đức Nghiệu, Phó Hiệu trưởng ĐHKHXH&NV Hà Nội
Em xác định làm nghề giáo, nhưng trong bài viết chưa thấy em định hướng là thi vào khoa nào, trường nào, ở đâu. Em cũng không nói rõ lực học của em như thế nào.
Theo tôi để trở thành giảng viên không nhất thiết phải học ở trường sư phạm rồi thành nhà giáo. Em có thể học ở một trường đại học, cao đẳng nào đó, trong quá trình học tập nếu em cố gắng và nỗ lực phấn đấu, em sẽ được giữ lại trường. Khi đó em đã là giảng viên truyền đạt tri thức, lối sống cho thế hệ trẻ.
Làm giảng viên, ngoài kỹ năng sư phạm còn đòi hỏi chuyên môn trong từng ngành riêng biệt. Để mục tiêu được tập trung và thiết thực hơn, em nên xác định, môn học nào, ngành học nào là thế mạnh của mình, và phấn đấu tích luỹ các kiến thức trong ngành đó.
Em đã thử đặt mình vào môi trường nghề nghiệp và tự đưa ra khá nhiều những khó khăn để lường trước. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ. Hình như em đưa sẵn câu trả lời duy nhất cho mình là theo đuổi nghề này nên đã cố gắng tự đặt và trả lời các câu hỏi "ủng hộ" cho phương án đó.
Trên thực tế, làm giảng viên phải đối mặt với nhiều thách thức và đòi hỏi nhiều yêu cầu khác. Người giảng viên phải có đủ vốn kiến thức cần thiết và vững vàng ở các cấp độ khác nhau. Thực tế nhiều giáo viên giỏi, trình độ cao nhưng khả năng truyền đạt kiến thức còn hạn chế. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải tích lũy, rèn luyện cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
Nghề giáo là nghề cao quí và thiêng liêng. Chúc ước mơ trở thành giảng viên của em sớm thành hiện thực.
-
Trung Kiên - Phương Thảo (ghi)
Diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" (xem chi tiết tại đây) Hình thức: Gửi bài viết hoặc những băn khoăn, thắc mắc của bạn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với mỗi bài viết hoặc ý kiến, các bạn sẽ nhận được nhận xét của nhóm tư vấn về: cách lựa chọn, cách tư duy để lựa chọn. Phần nhận xét của các nhà tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm cái nhìn về lựa chọn của mình. Các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể do VietNamNet mời sẽ tham gia góp ý cho bạn. Những bài viết được lựa chọn sẽ đăng tải trên VietNamNet và nhận nhuận bút. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội nhận được quà tặng hàng tháng và quà tặng chung cuộc khi kết thúc diễn đàn. Qùa tặng: Qùa tặng tháng: Mỗi tháng sẽ trao giải cho 1 bài viết thú vị nhất: 500.000 đồng và học bổng trị giá 400 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech. Qùa tặng tổng kết: Bài viết hay nhất (1 bài): 1 triệu đồng và học bổng 1.800 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech. Bài viết ấn tượng (2 bài): mỗi bài 500.000 đồng và học bổng 900 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech. Đơn vị tài trợ: Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; website: http://www.aptech-news.com. Địa chỉ gửi bài: Thư từ bài vở xin gửi về: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội hoặc địa chỉ email: hanhrua@yahoo.com. Lưu ý: Để thuận tiện cho việc liên lạc, các bạn ghi rõ địa chỉ, email, điện thoại. |