,
221
5922
Hướng Nghiệp
huongnghiep
/giaoduc/tuyensinh/huongnghiep/
914190
"Chọn nghề cùng bạn": Áp lực "lớp 13"
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

'Chọn nghề cùng bạn': Áp lực 'lớp 13'

Cập nhật lúc 14:27, Thứ Năm, 29/03/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Đã qua 1 lần không thành công trong thi ĐH, và ở kỳ thi lần 2 vẫn chưa quyết định được chính xác hướng đi nghề nghiệp của mình. Những băn khoăn, đắn đo giữa ý thích và nguyện vọng gia đình... của bạn Vũ Minh Quang, thôn Phúc Bồi, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có thể giống với rất nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa ĐH.

Dưới đây là bài viết của Minh Quang và ý kiến tư vấn của bác sĩ Đỗ Bá Phong, giảng viên ĐH Y - Dược TP.HCM, bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt (TP.HCM). 

*****************************

HS dự thi ĐH năm 2006. Ảnh: Lê Anh Dũng
HS dự thi ĐH năm 2006. Ảnh: Lê Anh Dũng
Khác với các bạn lớp 12, tôi đã là dân lớp 13, kinh nghiệm thi cử có thể nói là hơn nhiều bạn vì tôi đã trải qua một kỳ thi đại học. Từ khi các bạn bước vào năm học  mới cũng là lúc tôi bắt đầu hành trình ôn thi lại năm thứ 2. Khăn gói lên thành phố, tôi mang theo niềm hi vọng rất lớn của gia đình, và bản thân cũng tin rằng nhất định năm nay mình sẽ đỗ ĐH.

Tôi học khá cả 4 môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, nên sẽ thi hai khối A, B. Năm trước tôi đã chọn thi hai trường: Đại học Mỏ - Địa chất (Khoa Dầu khí)  và Đại học Y Thái Bình (Bác sĩ đa khoa).

Tôi mơ ước sau này được khoan, thăm dò ra các mỏ dầu khí không những ở trong nước mà còn ở những nước khác, đem lại nguồn lợi cho tổ quốc. Dầu khí cũng là ngành mũi nhọn trong nền kinh tế đất nước.

Còn ngành Y dường như là sự cộng gộp của hai yếu tố bản thân và gia đình. Là một người ít nói và ngại đứng trước đám đông, tôi thấy nghề y khá phù hợp. Gia đình tôi cũng muốn tôi đỗ Y để  còn có thể giúp người thân lúc đau ốm.

Một năm đi qua sau bao biến động, tôi hầu như không đổi về việc chọn trường. Khối A vẫn ưu tiên ngành Dầu khí, khối B vẫn là bác sĩ. Nhưng một năm đi ôn thi đã tiêu tốn biết bao tiền bạc của bố mẹ và chậm lại một năm so với các bạn cùng trang lứa.

Tôi dự định thi vào ngành quân đội. Sinh ra trong một gia đình  nông nghiệp, tôi muốn mình đi học mà không mất tiền học phí để giúp đỡ gia đình. Nhưng thi quân đội lại phải khám tuyển mà tôi lại là một người bình thường không biết có đủ sức khỏe. Anh trai tôi hiện đang học trong quân đội, nhiều lần anh gọi điện về và nói tôi không nên thi quân đội vì sợ tôi không chịu được áp lực trong môi trường quân ngũ. Nếu được đầu quân vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, môi trường quân đội sẽ giúp tôi trưởng thành, sống có bản lĩnh và nghị lực hơn. Tôi nghĩ, quân đội là nơi mình có thể gửi trọn niềm tin được. Nhưng tôi cũng sẽ thi khối B để đáp ứng một phần sở thích của bản thân cũng như người thân, họ mong tôi học Y hơn cả các trường khác, mà đó lại là khối có điểm chuẩn khá cao.

Đứng trước ngã ba đường, lúc này tôi  phải đi về đâu? Đâu là con đường phù hợp với mình? Nhưng cuộc sống là vậy, tôi muốn gửi đến các  bạn có sự lựa chọn sáng suốt, hãy quyết định cho mình một đường đi và một khi bạn đã bước thì nhất định không được lùi lại và các bạn 13 hãy cứ tin rằng mình đang bước tiếp trên con đường tri thức, cánh cửa đại học sẽ chào đón các bạn.

  • Vũ Minh Quang

******************************

Ý kiến tư vấn:

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt

Em Vũ Minh Quang thân mến!

Trước khi có thể định hướng giúp em, chị muốn nói với em, cũng như gửi tới tất cả các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa ĐH, băn khoăn chọn cho mình một hướng, để đi suốt cuộc đời.

Khi chọn lựa nghề nghiệp, em phải nghĩ rằng đây là một lựa chọn quan trọng, nó ảnh hưởng rất nhiều cho sự thành bại của mỗi con người. Vì thế chúng ta chỉ nên tham khảo ý kiến đóng góp của người thân, dư luận, chứ không quyết định nghề cho cuộc đời mình dựa theo ước muốn gia đình, sự rủ rê của bạn bè, chạy theo trào lưu của xã hội…

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp chuốc lấy thất bại do không tự chủ trong việc chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai. Bản thân chị đã từng gặp trường hợp học đến năm thứ 6 nghề Y mà vẫn bỏ vì không lựa chọn đúng lúc ban đầu, lý do bị gia đình áp đặt mong muốn…

Khi quyết định đặt bút nộp hồ sơ vào một ngành nào các em nên chú ý tự hỏi và trả lời cho được những câu hỏi sau:

1. Bản thân mình là người thế nào về mặt tính cách, năng lực, những đặc điểm tâm lý, điểm mạnh, yếu của bản thân mình là gì?

2. Mình có hiểu rõ nghề mình chọn không? Bản thân mình có đam mê nghề này không? Nghề đó đòi hỏi những đặc điểm gì về mặt tính cách, năng lực, phẩm chất tâm lý?

3. Xu hướng của xã hội về nhu cầu việc làm của nghề mà mình chọn trong 5 năm sắp tới?

4. Hoàn cảnh gia đình, khả năng tài chính có đáp ứng được nhu cầu học tập, đòi hỏi của nghề nghiệp hay không?

Trở lại trường hợp của em, chị thấy em đã trải qua một lần quyết định, và chưa thành công. Năm nay em có kinh nghiệm hơn, đã phân tích các vấn đề khá đúng. Nhưng việc em quyết định thi 2 khối A, B cho 2 ngành học hoàn toàn khác nhau, rồi lại còn băn khoăn thêm một quyết định thi vào quân đội nữa, như vậy cái ngã ba đường này cho thấy em vẫn còn loay hoay và chưa có gì chứng tỏ em sáng suốt hơn năm ngoái.

Ví dụ em chọn nghề Y, em thấy học lực của mình liệu có hy vọng đỗ không, tính mình ít nói sau này có giao tiếp tốt với bệnh nhân không? Nghề Y đòi hỏi sự học tập rất vất vả, có thể là phải học suốt đời, em có đủ sức khỏe không? Sự hy sinh thời gian trong đời sống cá nhân hơi nhiều (trực đêm, trực cấp cứu ) tiếp cận nhiều nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm) suốt ngày làm việc với những nỗi đau thân xác… em có đủ tấm lòng, tình yêu thương con người, có chia sẻ, cảm thương với những nỗi đau của bệnh nhân… để đi theo nghề? Gia đình có khả năng tài chính để đầu tư cho em học tập trong một quãng thời gian rất dài không?

Quang thân mến! Khi làm việc gì phù hợp với khả năng, tính cách, sự say mê thì ta sẽ làm một cách hăng say, hứng thú, sẽ dốc hết tâm trí, năng lực, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, rất dễ thăng hoa trong nghề nghiệp, và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công rực rỡ.

Hãy suy nghĩ thật kỹ, đọc và trả lời những câu hỏi bên trên, cho tất cả những nghề còn lại mà em đang phân vân rồi sau đó hãy quyết định nhé em. Chúc em có được một quyết định đúng đắn để là một người thành đạt trong cuộc sống sau này.

BS Đỗ Bá Phong, giảng viên ĐH Y - Dược TP.HCM:

Một sinh viên trường Y đòi hỏi khá nhiều về nỗ lực, nhưng yếu tố đòi hỏi cao nhất của một sinh viên trường Y là sự “đam mê”. Cũng như mọi sinh viên của các trường khác đều phải có tính cần mẫn, nhưng với một sinh viên trường Y đòi hỏi thêm phải có một cái “Tâm”  trong chữ “Đức”. 

Tuy nhiên, cái khó khăn trong việc học cũng khá nhiều, sự thông minh và nhạy bén trong khi tiếp xúc với những tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật. Bước vào trường đã khó mà khi vào được trường bạn sẽ phải đối đầu và gặp rất nhiều khó khăn trong việc học.

Kế đến khi đạt được ước nguyện trở thành một bác sỹ, cái khó khăn lớn nhất là “tìm được một chỗ làm tốt” thì cũng khá vất vả nếu trong thời gian học bạn không chuyên tâm đầu tư về kiến thức. Bạn luôn phải đón nhận đây không phải là “cái nghề” nhưng còn gắn liền theo đó là  một “cái nghiệp” nơi bản thân mình.

Bạn Quang thân mến! Hình như bạn có hơi mâu thuẫn trong chọn lựa nghề nghiệp của mình. Một phần bạn muốn là một nhà địa chất tài ba, nhưng có lúc bạn lại vừa muốn là một bác sỹ cho thỏa lòng mong ước của gia đình nhiều hơn so với bản thân.

Nhưng đối với bạn, tôi không dám khẳng định là bạn phù hợp hay không phù hợp với các ngành trên. Nếu bạn theo ngành Y chỉ vì sự mong muốn của gia đình thì sau này sẽ khó cho bạn. Với những ngành nghề khác, SV ra trường có thể làm trái nghề. Nhưng với ngành Y thì không thể. Bởi đây là một nghề khá đặc biệt.

Nhiều người cho rằng, trở thành một bác sỹ thì sẽ được xã hội trọng vọng nhưng muốn trở thành bác sỹ cũng không phải là điều dễ dàng. 

Chúc bạn thành công. 

  • Đoan Trúc (ghi)
 

Diễn đàn "Chọn nghề cùng bạn" (xem chi tiết tại đây)

Hình thức:  Gửi bài viết hoặc những băn khoăn, thắc mắc của bạn về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Với mỗi bài viết hoặc ý kiến, các bạn sẽ nhận được nhận xét của nhóm tư vấn về: cách lựa chọn, cách tư duy để lựa chọn. Phần nhận xét của các nhà tư vấn sẽ giúp thí sinh có thêm cái nhìn về lựa chọn của mình. Các nhà đào tạo, nhà tuyển dụng và các chuyên gia trong từng lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể do VietNamNet mời sẽ tham gia góp ý cho bạn.

Những bài viết được lựa chọn sẽ đăng tải trên VietNamNet và nhận nhuận bút. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội nhận được quà tặng hàng tháng và quà tặng chung cuộc khi kết thúc diễn đàn.

Qùa tặng:

Qùa tặng tháng: Mỗi tháng sẽ trao giải cho 1 bài viết thú vị nhất: 500.000 đồng và học bổng trị giá 400 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Qùa tặng tổng kết:

Bài viết hay nhất (1 bài): 1 triệu đồng và học bổng 1.800 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Bài viết ấn tượng (2 bài): mỗi bài 500.000 đồng và học bổng 900 USD tại Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech.

Đơn vị tài trợ:  Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech; tầng 4, tòa nhà 285 Đội Cấn, Hà Nội; website: http://www.aptech-news.com.

Địa chỉ gửi bài: Thư từ bài vở xin gửi về: Ban Giáo dục, báo điện tử VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Hà Nội hoặc địa chỉ email: hanhrua@yahoo.com. Lưu ý, các bạn ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, điện thoại liên lạc để chúng tôi tiện liên hệ.

 

,
,