'Tôi đang ở trên cao...'
(VietNamNet) - Gọi điện thoại cho Long bao giờ cũng là: "Đang ở trên cao, không thể nói chuyện được. Tí nữa xuống đất, mình sẽ gọi lại". "Xuống đất" Long giải thích: "Phải làm thật kỹ không thì chủ đầu tư bắt thay lại toàn bộ hệ thống. Lúc đó chỉ có nước... bán nhà".
Kiểm tra hệ thống lạnh |
Nhìn dơ dơ là biết
Xin một cuộc hẹn, Ngọc Long (công ty TNHH Thái Thiện, chuyên đấu thầu hệ thống lạnh của các công trình, tốt nghiệp ĐH Văn Lang) bảo: buổi trưa, cứ ghé công trình, nhìn thấy ai bận quần áo dơ dơ là tui. Đúng hẹn, Long vừa làm vội ly cà phê vừa xem lại bản vẽ của hệ thống lạnh.
Long cho biết: "Bọn này cũng như kỹ sư xây dựng, cả ngày ở công trình và người luôn đầy bụi". Một điểm nữa mà cả kỹ sư điện lạnh làm việc tại các công trình xây dựng và các kỹ sư xây dựng đều công nhận: là kỹ sư nhưng buộc phải biết xã giao. Môi trường làm việc luôn thay đổi theo từng công trình. Luôn luôn phải làm việc với chủ mới, thợ mới nên sẽ khó cho những ai khó hoà nhập, không biết xã giao.
Long chỉ về phía công trình của mình và nói đùa: đây là công trình "thế kỷ", làm mấy năm mới xong. Mình đang cho chạy thử hệ thống lạnh và chuẩn bị bàn giao. Kinh nghiệm làm việc mấy năm, Long sợ nhất là những công trình "xuyên thế kỷ", công trình càng kéo dài thì càng mệt mỏi.
Cùng học điện lạnh ra, nhưng các kỹ sư điện lạnh làm trong các lãnh vực khác nhau: quản lý kho lạnh, điều hoà không khí, lò hơi, bão trì sửa chữa, thiết kế hệ thống lạnh.... Với công việc của Long thì suốt ngày ở ngoài công trình, suốt đời đi từ công trình này qua công trình khác-nếu không có ý định thay đổi công việc. Có lúc phải chạy sô giữa các công trình. Mang tiếng là kỹ sư, nhưng công việc thì luôn như một công nhân. Muốn công nhân làm thì mình cũng phải làm trước. Công nhân đang đi đường dây điện thì mình cũng phải tới nơi để xem xét.
Anh Phan Minh Thành, cựu sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM phân tích về nghề: các bạn nữ nếu theo nghề này thì chỉ nên xác định mình sẽ là một chuyên gia dự đoán đấu thầu, báo giá, tư vấn thiết kế...Không như các bạn nam, công việc sau khi ra trường sẽ là thiết kế, thi công, làm việc trong các hãng máy lạnh, làm hệ thống lạnh công nghiệp, điều hoà không khí, vận hành hệ thống lạnh...
Sau một thời gian làm việc, Thành nhận ra: muốn bám trụ đươc với nghề này, đòi hỏi một kỹ sư phải nhanh nhẹn, lanh lẹ trong cuộc sống. Anh bảo, nếu ai không có khả năng bám sát được sự chuyển động của xã hội, không bon chen được thì khó mà tồn tại được với nghề.
Tiếp cận với công nghệ mới là điều bắt buộc đối với kỹ sư điện lạnh. Điều này ở trong trường không ai dạy cả. Chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp, họ sẽ mách cho mình những công nghệ mới mà mình chưa biết.
Tài liệu về điện lạnh hầu hết bằng tiếng Anh. Nếu không có trình độ hiểu biết về Anh văn chuyên ngành thì khó có thể làm tốt công việc. Đối với kỹ sư điện lạnh, hiểu biết về sơ đồ điện, đọc được bản vẽ là điều cần thiết. Dẫu rằng các hệ thống lạnh đều có nguyên lý chung. Nhưng nếu không biết đọc bản vẽ thì khó hướng dẫn công nhân thi công.
Mức lương dành cho một kỹ sư mới ra trường cũng trên 2 triệu.
Cũng học điện lạnh ra, nhưng anh Trần Văn Huân, chủ cửa hàng điện lạnh Trần Nguyễn mở riêng cho mình một cửa tiệm buôn bán, sửa chửa hàng điện lạnh nho nhỏ. Những ngày đầu, khách hàng của anh là hàng xóm, bạn bè. Và rồi, tiếng lành đồn xa, bây giờ anh có thêm 4 nhân viên phụ việc. Theo anh Huân, cần một người thợ tỉ mỉ và luôn biết học hỏi. Ở trường, SV sẽ ít được tiếp xúc với công nghệ mới. Chính vì thế, sau khi ra trường, điều tối cần thiết là học hỏi thêm.
Một trưởng phòng nhân sự của công ty TNHH PN nhận xét: công việc cho ngành điện lạnh khá nhiều. Nhưng cũng khá nhiều SV không đáp đứng nhu cầu công việc sau khi ra trường. Yếu kém về ngoại ngữ cũng hạn chế SV nhiều. Anh khuyên các bạn kỹ sư điện lạnh, sau thời gian làm việc, nên nâng cao chuyên môn bằng các khoá học ngắn hạn, như giám sát chẳng hạn.
lạnh, sau thời gian làm việc, nên nâng cao chuyên môn bằng các khoá học ngắn hạn, như giám sát chẳng hạn.
Học: Đủ từ trung cấp tới ĐH
Khác với nhiều ngành nghề, điện lạnh được đào tạo ở khá nhiều trình độ: ĐH, CĐ, trung cấp và cả các trung tâm dạy nghề.
Với các trường ĐH, ngành Điện lạnh sẽ đào tạo liên ngành Điện-Lạnh, vừa có trình độ khoa học kỹ thuật về điện, nhiệt và lạnh, vừa có năng lực thực hành tương đương bậc 3/7. SV sẽ được nắm vững các kiến thức cơ bản của kỹ thuật điện, kỹ thuật lạnh, điện lạnh công nghiệp, có khả năng tham gia thiết kế, triển khai bảo trì, sửa chữa, cải tiến, nâng cấp các hệ thống điện lạnh công nghiệp.
Kỹ sư ngành Điện lạnh có thể đảm nhiệm các công việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan quản lý khoa học - công nghệ có liên quan đến các chuyên ngành công nghệ nhiệt, nhiệt điện, điện lạnh và điều hoà không khí.
Ở khối THCN và dạy nghề, học viên sẽ được cung cấp khả năng thi công lắp đặt, vận hành bảo dưỡng, sửa chữa máy lạnh CN và dân dụng, điều hoà không khí trung tâm; đông lạnh thực phẩm; sửa chữa, lắp đặt bảo trì máy lạnh; phân phối thương mại thiết bị điện lạnh...
Điện lạnh là một nghề kỹ thuật, các trường đa số đều đào tạo lý thuyết song song với thực hành nhằm giúp người học rèn luyện nâng cao tay nghề. Hầu hết các nơi đào tạo đều bố trí nhiều giờ thực tập cho học viên.
Ngoài ra các trung tâm dạy nghề cũng có đào tạo công nhân kỹ thuật ngành điện lạnh. Thời gian học cũng tương đương với hệ trung cấp.
Hiện nay, khá nhiều trường có đào tạo ngành điện lạnh: Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật, Văn Lang, ĐH Công nghiệp, CĐ DL Kỹ thuật Bình Dương, Kỹ thuật Cao Thắng, Lý Tự Trọng...
Hiện nay, các công ty tuyển dụng kỹ sư, công nhân điện lạnh khá nhiều. Điểm qua một vài công ty lớn như: Công ty Carrier, REE, LG, SAMSUNG, Cty Đông lạnh thủy hải sản Searefico, Seaprodex, Agifish An Giang, Xí nghiệp chế biến thủy hải sản Cầu Tre, Xí nghiệp chế biến thủy hải sản VISSAN, Kho lạnh Swirepacific Sóng Thần,… Tại Tp.HCM khá nhiều công ty đấu thầu lắp đặt hệ thống điện lạnh ở các công trình công nghiệp, dân dụng...
Kỹ sư điện lạnh có thể về công tác ở các tổ kỹ thuật cơ điện lạnh để đảm bảo công việc vận hành, bảo dưỡng các hệ thống lạnh hệ thống điều hòa không khí của các cơ quan, công sở quan trọng của nhà nước. Cũng không ít kỹ sư, kỹ thuật viên đang thiết kế hệ thống lạnh cho các công trình xây dựng.
- Đoan Trúc