Ngành nào làm trái nghề nhiều nhất?
"Không phải là điều tồi tệ khi SV từ bỏ ngành triết học, văn học và lịch sử để chuyển sang học làm y tá, công tác xã hội và kỹ sư". Đó là quan điểm của Bộ trưởng ĐH Bill Rammell đối với số hồ sơ xin nhập học mới nhất của các trường ĐH ở Anh: Lượng hồ sơ nhập học ĐH giảm nhiều. Đồng thời, xuất hiện xu hướng trường đạo tạo hướng nghiệp có giá hơn các trường ĐH.
Dự đoán nghề nào sẽ được tuyển dụng trong tương lai là rất khó, đòi hỏi phải có sự nhận biết tinh tế. |
Đã có sự giảm đáng kể đối với một số ngành học của các khóa học năm 2006: triết học (-3,9%), Anh văn (-4,5%), và lịch sử (-7,8%).
Đây là những chuyên ngành học rất phổ biến. Năm ngoái, lượng hồ sơ xin học các ngành này so với trước như sau: Triết học (+12,8%), Anh văn (+4,7%), và Lịch sử (+8,9%).
Trong khi đơn xin học của SV một số ngành học truyền thống đang giảm đi, các chuyên ngành khác được đăng ký tăng đáng kể. Y khoa, điều dưỡng, công việc xã hội, kỹ sư xây dựng, kỹ sư hóa học và các chuyên ngành kết hợp với kinh doanh và quản lý đang đắt giá.
Mặc dù xu hướng chuyển từ trường ĐH đến trường dạy nghề không hoàn toàn quá nhiều (trong năm nay, lượng đơn xin học ngành Luật và Kế toán đều giảm nhưng ngành Toán học lại tăng), nhưng điều đó không có nghĩa là SV giờ đây cân nhắc kỹ lưỡng hơn về học phí cao để lấy được bằng cấp hay là để làm việc.
Tăng khả năng kiếm tiền
Nhận xét của Bill Rammell cho thấy đây là xu hướng mà chính phủ muốn khuyến khích. Nhưng liệu bằng cấp của các trường dạy nghề có thực sự tăng được khả năng kiếm tiền của SV tốt nghiệp?
Một báo cáo về kinh nghiệm việc làm của SV đã tốt nghiệp gần đây của trường ĐH Warwick cho rằng, bằng cấp của các trường dạy nghề thực sự thuận lợi khi đi xin việc. Bản báo cáo nói về kết quả tìm hiểu những SV 4 năm sau khi tốt nghiệp và phát hiện những phần được gọi là "những công việc trái ngành nghề" hay nói cách khác, các công việc mà không đòi hỏi phải có bằng cấp chuyên ngành mới làm được.
Không ngạc nhiên là các SV tốt nghiệp ngành y và các ngành có liên quan là những người ít phải làm những công việc trái ngành nghề nhất. Chỉ khoảng hơn 5% làm ở vị trí công việc trái ngành nghề 4 năm sau khi tốt nghiệp.
Các chuyên ngành khác gần 15% làm các công việc trái ngành bao gồm giáo dục, luật, kỹ sư, toán và vi tính. Ngược lại, những người có khả năng làm những công việc trái ngành nghề sau khi tốt nghiệp gồm những người đã học về nhân văn (28%), nghệ thuật (27%) và khoa học xã hội (24%).
Những kỹ năng mềm
Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như thế. Điều tra mới nhất của Hiệp hội các nhà tuyển dụng (AGR) cho thấy, lựa chọn các ngành học không quan trọng bằng có bằng chứng về các kỹ năng rõ ràng khi nhà tuyển dụng tìm kiếm các tài năng mới. Họ không tìm ra những gì họ muốn. Theo AGR, gần một nửa các công ty hàng đầu ở Anh không mong chờ đón nhận "những bộ hồ sơ đầy đủ của các ứng viên với đầy đủ những kỹ năng phù hợp".
Nói chung, các nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng những SV tốt nghiệp "có những kỹ năng cơ bản như làm việc theo nhóm, có kiến thức về văn hóa, khả năng lãnh đạo và kỹ năng giao tiếp cũng như các bằng cấp".
Điều này làm nổi bật hơn tình thế tiến thoái lưỡng nan của SV: liệu có hơn nếu chỉ tập trung vào việc học tập để có bằng khá giỏi (vì các nhà tuyển dụng thường sử dụng việc chia thành hạng cao thấp khi đưa ra các tiêu chí tuyển nhân viên) hay dùng thời gian trong thư viện hy sinh các hoạt động ngoại khóa giúp phát triển các kỹ năng "mềm"?
Do đó, phát triển các kỹ năng cần thiết có thể cũng quan trọng như việc lựa chọn ngành học vậy. Nếu như thế thì bằng cấp như ngành lịch sử chẳng hạn, tiếp tục sẽ không chỉ là lựa chọn quan trọng mà còn là một thói quen tốt để kiếm việc làm.
Như vậy, các kỹ năng của những Cử nhân sử học có thể bao gồm: khả năng thực hiện nghiên cứu độc đáo, trình bày những vấn đề phức tạp ở hội thảo, viết và giao tiếp tốt, và có thể xử lý và thực hiện các dữ liệu số.
Không có câu trả lời dễ dàng
Một thuận lợi khác của bằng cấp ĐH là nó mang đến sự linh hoạt mà có thể các khóa học đào tạo nghề không có được. Dự đoán nghề nào sẽ được tuyển dụng trong tương lai là rất khó, đòi hỏi phải có sự nhận biết tinh tế.
Những năm gần đây, ngành học công cộng tăng đáng kể. Bởi vậy, ngành y, điều dưỡng, công tác xã hội và giáo dục tăng nhiều. Nhưng những nhu cầu này sẽ kéo dài bao lâu?
Điều tra của AGR cho biết, cùng với lĩnh vực kinh doanh, thị trường việc làm dành cho SV tốt nghiệp lớn nhất trong năm 2006 là lĩnh vực: giao thông và hậu cần, kinh doanh dầu khí, bảo hiểm và tài chính. Bạn sẽ không cần phải có bằng cấp trường từ các trường dạy nghề cho những công việc này.
Cũng vì thế nên không thể có các câu trả lời dễ dàng cho những người trẻ tuổi đang cố gắng quyết định theo khóa học nào ở trường ĐH, hay làm cái gì khác.
Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng cách duy nhất để cải thiện tương lai việc làm và khả năng kiếm tiền là phải theo học các khóa học hướng nghiệp.
Điều đáng quan tâm nhất là liệu khóa học có mang đến cơ hội để phát triển được các kỹ năng cần thiết, có hiệu quả và liệu bạn có cho rằng khóa học đem đến niềm vui để bạn có thể học hành chăm chỉ và đạt bằng loại khá giỏi hay không mà thôi.
-
Hoàng Thảo (Theo BBC)