,
221
5924
Bí kíp - Học
bikip-hoc
/giaoduc/tuyensinh/bikip-hoc/
802294
Gợi ý giải đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Gợi ý giải đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT

Cập nhật lúc 12:30, Thứ Tư, 31/05/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Gợi ý tham khảo giải đề thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm học 2005 - 2006 chương trình không phân ban do tổ giáo viên bộ môn Ngữ văn, trường THPT chất lượng cao Chu Văn An (Hà Nội) thực hiện. Những gợi ý này chỉ có tính chất tham khảo. Đáp án chính thức của Bộ GD - ĐT sẽ được công bố sau khi kết thúc đợt thi, vào cuối ngày 2/6.

Học sinh trường THPT NguyễnThị Minh Khai (TP.HCM) sau giờ thi môn Văn. Ảnh: Đoan Trúc

ĐỀ VÀ GỢI Ý THAM KHẢO CÁCH LÀM ĐỀ SỐ 1 - MÔN NGỮ VĂN

Đề I:

Câu 1 (2,0 điểm): Những nét chính nào trong cuộc đời nhà thơ Êxênin đã ảnh hưởng đến sáng tác của ông?

Câu 2 (8,0 điểm). Anh hay chị hãy phân tích truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải để làm rõ cảm hứng hồi sinh trong tác phẩm.

Gợi ý tham khảo cách làm: 

Câu 1:

 Yêu cầu trả lời được 4 ý sau (mỗi ý đạt 0,5 điểm) và trong quá trình làm bài nêu được ít nhất tên hai tác phẩm của Êxênin.

    - Êxênin là nhà thơ của nước Nga. Sống khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Lúc bé ở với ông bà ngoại, thường theo bà đến các tu viện, được nghe những bài thơ tôn giáo và tiếp xúc với những người hành hương trú ngụ ở nhà ông bà ngoại. Bởi thế cảm hứng chủ đạo trong những vần thơ trước cách mạng tháng Mười là cảm hứng tôn giáo.

    - Sau CMT10 Nga, ông đứng về phía CMT10 nhưng có những khía cạnh không hiểu hết -> Thơ Êxênin mang tâm trạng hoang mang dao động. Mặc dù vậy tình cảm với quê hương bao giờ cũng chân thành, đắm đuối. Trong thơ Êxênin ta bắt gặp nhiều hình ảnh tuyệt diệu về thiên nhiên, về làng quê nước Nga. Thiên nhiên và làng quê hoà làm một trong mối rung cảm đẹp đẽ và nguồn cảm hứng dạt dào của thơ ca Êxênin.

    - Êxênin mang một nỗi lòng trắc ẩn, biểu hiện qua niềm thương cảm đối với loài vật (Bài ca về con chó mẹ), còn Những lá thư gửi em gái, gửi ông.... là những lời sẻ chia, tâm sự hay những suy tư về cuộc đời. Nhưng hơn hết là " Thư gửi mẹ" là tình yêu dành cho mẹ. Với Êxênin, mẹ là đức tin cao cả nhất.

    - Những thăng trầm trong cuộc đời khiến Êxênin mang tâm trạng u uất, tuyệt vọng. Nhà thơ đã viết bằng máu những vần thơ tuyệt mệnh đau thương. Và Êxênin đã ra đi khi mới 30 tuổi, để lại những bài thơ đẹp đẽ, thiết tha.

Câu 2:

A. Đặt vấn đề: Giới thiệu tác giả tác phẩm

    - Nguyễn Khải là cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp với những tác phẩm gắn bó với đời sống.

    + Sáng tác của nhà văn thể hiện sự nhạy bén, cách khám phá riêng với các vấn đề xã hội bằng giọng văn chính luận - triết lý sắc sảo.

    -"Mùa lạc" rút từ tập truyện ngắn cùng tên (1960), lấy bối cảnh cuộc sống ở nông trường Điện Biên - nơi Nguyễn Khải đã đến thực tế năm 1958 và còn trở lại nhiều lần.

     + Khác với những truyện ngắn về nông thôn cùng thời, "Mùa lạc" vượt qua được sự sàng lọc của thời gian bởi nhà văn quan tâm tới sự biến đổi của số phận con người - những con người nhỏ bé, khuất lấp - "như anh, như tôi" (M. Gorki). Đó cũng là cảm hứng hồi sinh sâu sắc của tác phẩm.

B. Giải quyết vấn đề:

I. Thế nào là cảm hứng hồi sinh?

- Hồi sinh: nơi đã từng có sự sống, nhưng sự sống ấy đã lụi tàn; và nay đang nảy nở, hồi hiện trở lại.

    - Cảm hứng hồi sinh được thể hiện qua sự thay da đổi thịt của thiên nhiên nông trường Điện Biên, sự đổi thay của số phận các nhân vật - Đào và các nhân vật khác

II. Phân tích cảm hứng hồi sinh qua tác phẩm " Mùa lạc"

1, Sự hồi sinh trong khung cảnh thiên nhiên:

    Màu xanh lặng lẽ của lá lạc như lan dần, sinh sôi trên mảnh đất còn đầy thương tích chiến tranh (dây thép gai, vỏ đạn, hố bom...)

    + Màu xanh  của ngô, lạc... lấn dần màu nham nhở của đất hoang, chết chóc (vài con ngỗng bì bạch, bóng dáng mấy chị có mang...)

Sự sống đang phôi thai, nảy nở trên vùng đất chiến trường xưa. Mãnh liệt, bền bỉ.

2, Sự hồi sinh trong số phận các nhân vật:

a, Trước hết là Đào - nhân vật chính:

* Trước khi lên Điện Biên, Đào đã nếm trải quá nhiều bất hạnh, niềm yêu cuộc sống như đã lụi tắt trong chị:

- chồng cờ bạc, nợ nần, bỏ đi

- Chồng chết, con chết.

Cuộc sống vất vưởng "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường" với niềm mong ước "cơm ngày hai bữa..." - niềm mong ước tội nghiệp của một con người không còn gì để ước mong.

+ Những bất hạnh ấy khiến ngoại hình của chị biến đổi đến xót xa, tâm tính thay đổi, bất cần, chán sống...

* Đào lên Điện Biên với tâm lý mệt mỏi, chán chường, "con chim bay mãi cũng mỏi cánh". Song chính ở nơi đây, tình yêu cuộc sống đã được nhen nhóm, số phận chị đã đổi thay.

- Chị lao động không biết mệt mỏi, không chịu thua kém ai.

- Chị đã đối đáp sắc sảo, làm thơ...

- Và khát vọng hạnh phúc mà chị cố vùi nén cứ nảy nở, âm thầm mà mãnh liệt: vẻ đẹp rất nam tính, tình bạn bạn chân thành của Huân đánh thức niềm ước ao hạnh phúc gia đình...

+ Bức thư của ông Dịu đã thực sự thay đổi cuộc đời Đào: Tính tình chị đổi thay, những suy tính nghiêm túc về cuộc sống tương lai - Điện Biên đã trở thành "quê hương thứ 2" của chị.

b, Cảm hứng hồi sinh còn được thể hiện qua các nhân vật khác như ông Dịu, Duệ,...

C. Kết thúc vấn đề: Nêu ý nghĩa của cảm hứng hồi sinh.

- Sự hồi sinh ấy diễn ra ở Điện Biên - mảnh đất chiến trường với những con người từng tham gia chiến đấu nơi đây.

- Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những mất mát khổ đau; chiết lý ấy không bao giờ cũ. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

ĐỀ VÀ GỢI Ý THAM KHẢO CÁCH LÀM ĐỀ SỐ 2 - MÔN NGỮ VĂN

Đề II

Câu 1 (2 điểm): Anh chị hãy trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ "Tây tiến" của Quang Dũng

Câu 2 (2 điểm): Trình bày ngắn gọn quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh

Câu 3 (6 điểm): Hãy phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ "Tâm tư trong tù" của Tố Hữu:

Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
 Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
 Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
 Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về...

Gợi ý tham khảo cách làm:

Câu 1:

- Đơn vị Tây Tiến được thành lập năm 1947, phần lớn là học sinh, trí thức Hà Nội. Quang Dũng từng là đại đội trưởng.

- Đơn vị Tây Tiến có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch, vận động đồng bào các dân tộc làm cách mạng.

- Địa bàn hoạt động của đơn vị Tây Tiến rất rộng, vùng núi rừng hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, sinh hoạt thiếu thốn nhưng các chiến sĩ vẫn phơi phới  niềm lạc quan yêu đời.

- Năm 1948, Quang Dũng rời sang đơn vị khác. Với nỗi nhớ da diết những người đồng đội thân yêu và một thời "Tây Tiến" gian khổ mà hào hùng, lãng mạn, nhà thơ viết: "Nhớ Tây Tiến". Sau đó in lại, thấy chữ "nhớ" là thừa, tác giả chỉ giữ lại tên bài thơ là "Tây Tiến".

Câu 2:

Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người còn là một nhà văn hóa lớn, danh nhân văn hóa thế giới. Người am hiểu rất sâu sắc quy luật và đặc trưng của hoạt động văn nghệ, điều này được thể hiện trực tiếp trong hệ thống quan điểm sáng tác văn chương của Người.

1. Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng; nhà văn cũng phải ở giữa cuộc đời, góp phần vào nhiệm vụ đấu tranh và phát triển xã hội. Văn chương trong thời đại cách mạng phải có chất thép.

2. Đối tượng thưởng thức của nền văn chương cách mạng là quảng đại quần chúng. Trước khi viết, Người luôn đặt ra và trả lời các câu hỏi: Viết cho ai (đối tượng thưởng thức), Viết cái gì (nội dung), Viết để làm gì (mục đích viết), Viết như thế nào (cách viết).

3. Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi tới tính chân thực của văn nghệ. Người khuyên các nghệ sĩ phải bớt đi chất thơ mộng, tăng thêm chất hiện thực. Phải miêu tả cho hay, cho chân thật cuộc sống mới, con người mới. Người luôn chú ý tới hình thức biểu hiện của văn nghệ: phải diễn đạt giản dị, dễ hiểu, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Ngoài ra, Người luôn chú ý tới mối quan hệ giữa phổ cập và nâng cao.

Câu 3:

I- Giới thiệu chung

- "Tâm tư trong tù" là bài thơ mở đâu phần "Xiềng xích" của tập "Từ ấy" được sáng tác cuối tháng 4/1939 khi Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Thừa Thiên (Huế).

- Đúng như nhan đề, bài thơ đã thể hiện những "tâm tư" của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi lần đầu tiên bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hoàn toàn cách biệt với cuộc sống bên ngoài.

- Đoạn thơ được phân tích là đoạn thứ 2 của bài thơ, cũng là đoạn thơ thể hiện chân thực, sâu sắc nỗi cô đơn, buồn nhớ và niềm khao khát mãnh liệt hướng tới cuộc sống bên ngoài.

II- Phân tích: Đoạn thơ gồm 8 câu có thể chia thành 2 ý với 2 trạng thái cảm xúc mang tính thống nhất bởi quan hệ nhân quả:

1/ Nỗi cô đơn buồn bã:

- Tha thiết yêu đời, tự nguyện gắn bó với "khối đời" cần lao đau khổ, Tố Hữu càng cô đơn buồn bã khi bị giam cầm trong tù ngục, hoàn toàn cách biệt với cuộc đời.

- Nỗi cô đơn đã được bộc lộ qua câu mở đầu "Cô đơn thay là cảnh thân tù" - Câu thơ lặp lại từ khổ 1 đến khổ 2 thể hiện cảm giác cô đơn sâu sắc và ám ảnh.

- Nghệ thuật đảo ngữ và hình thức câu cảm thán càng tô đậm sự cô đơn cùng trạng thái cảm xúc trào dâng, không thể kìm nén của người chiến sĩ trẻ tuổi (có thể so sánh với nỗi cô đơn của người chiến sĩ cách mạng lão thành trong các bài thơ của Nhật ký trong tù).

2/ Niềm khao khát hướng ra cuộc sống bên ngoài với cả nỗi nhớ và tình yêu

- Hướng ra cuộc đời bằng cách phát huy cao độ khả năng cảm nhận của các giác quan (đặc biệt là thính giác), bằng trí tưởng tượng và nhất là bằng trái tim rạo rực tình yêu đời ("Tai mở rộng là lòng sôi rạo rực")

- Trong tâm trạng ấy, cuộc đời bên ngoài hiện ra vừa cụ thể hữu hình, vừa sống động vui tươi trong hình ảnh của bánh xe "đời lăn náo nức" đó là hình ảnh tương phản sâu sắc với cuộc sống ngục tù (cô đơn >< vui sướng...).

- Cả 4 câu thơ sau là niềm khao khát mãnh liệt được lắng nghe những âm thanh của cuộc đời.

+ Nghe tiếng chim reo vui quyện hoà trong tiếng sóng, tiếng gió - mạnh mẽ và hứng khởi.

+ Nghe tiếng "dơi chiều đập cánh"... vội vã như sự cảm nhận bồn chồn vòng quanh nối tiếp của thời gian, của sự sống không ngưng nghỉ.

+ Nghe âm thanh vừa náo nức, vừa khắc khoải, vừa bồn chồn của tiếng "lạc ngựa" trong sự hoà trộn của hình ảnh con ngựa "rùng chân", cả âm thanh tiếng lạc, cả cảm giác lạnh lẽo toả ra từ lòng giếng, và có lẽ là cả lòng người...

+ Nghe âm thanh "tiếng guốc đi về" - âm thanh bình dị, thân yêu của cuộc sống đời thường.

- Qua sự lắng nghe cả bằng "tai mở rộng" và "lòng sôi rạo rực" nhà thơ đã thể hiện cả niềm yêu đời tha thiết, cả sự bồn chồn nôn nóng của "thân tù', sự khao khát hướng ra cuộc đời cùng sự cảm nhận tinh tế của một trái tim nghệ sĩ.

3. Đặc sắc nghệ thuật:

- Sử dụng các biện pháp tu từ đặc sắc: điệp từ, điệp ngữ..., những hình ảnh giàu giá trị gợi tả, gợi cảm; hình thức câu cảm thán...

- Đặc biệt điệp từ "nghe" tô đậm nỗi khát khao cháy bỏng da diết của nhân vật trữ tình hướng ra cuộc đời.

  • TS Trịnh Thu Tuyết và thạc sỹ Nguyễn Hoài Anh 
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,