,
221
5924
Bí kíp - Học
bikip-hoc
/giaoduc/tuyensinh/bikip-hoc/
781032
Để làm tốt trắc nghiệm môn Ngoại ngữ
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Để làm tốt trắc nghiệm môn Ngoại ngữ

Cập nhật lúc 20:22, Thứ Hai, 03/04/2006 (GMT+7)
,

Bài thi trắc nghiệm không có chỗ cho những sai lầm dù nhỏ nhất, bởi vì không hề có câu trả lời đúng một nửa hay đúng một phần như với bài thi tự luận truyền thống.

Về căn bản, khi thí sinh làm bài thi trắc nghiệm ngôn ngữ thì họ cần thành thạo ngôn ngữ ấy. Điều này có nghĩa là họ cần một lượng từ vựng đủ để biết một từ có nghĩa gì khi đọc hoặc nghe thấy nó. Kế đó họ phải biết rõ cấu trúc ngữ pháp của các loại nhóm từ hoặc câu khác nhau. Điều này liên quan đến một hiểu biết về từ loại, chức năng và biến thể của chúng, cùng các cách sắp xếp trật tự khác nhau. Ngoài ra họ cần phải quen thuộc với các âm và ngữ điệu của ngôn ngữ ấy.

Thí sinh thường gặp khó khăn khi làm bài nghe. Nhiều câu hỏi rất khó vì họ lẫn lộn giữa các âm và các từ. Vì vậy họ phải luyện tập để phát triển kỹ năng nắm bắt được các từ có âm tương tự, hiểu được những từ có âm giống nhau nhưng lại mang nghĩa khác nhau, hiểu được ngữ điệu của các loại câu khác nhau.

Sau đó khi làm bài thi họ cần tập trung lắng nghe câu nói hoặc bài đối thoại hoặc bài giảng. Điều cần nhớ là không nên đọc các câu trả lời trong lúc đang nghe. Dĩ nhiên rất tốt nếu họ được cho xem các lựa chọn trả lời trước khi bắt đầu nghe.

Bài thi ngữ pháp tương đối dễ nếu như thí sinh biết rõ ngữ pháp là đã làm nhiều bài tập . Điều đầu tiên là quan sát toàn bộ câu rồi xác định cần yếu tố gì để hoàn thành câu. Như đã nói ở trên, điều cần thiết là phải nắm rõ từ loại, chức năng của từ, của nhóm từ, và của mệnh đề.

Cũng có một số câu hỏi yêu cầu thí sinh xác định từ hoặc nhóm từ bị dùng sai trong một câu. Thí sinh được yêu cầu chỉ ra lựa chọn nào sai, chứ không cần phải sửa chữa nó cho đúng, thế nên chớ mất thì giờ tìm cách sửa nó.

Bài thi từ vựng thì không khó lắm với các thí sinh có vốn từ vựng lớn. Thí sinh nên học cách sử dụng từ điển một cách có hiệu quả. Có nhiều loại từ điển rất tốt giúp cho việc làm bài thi trắc nghiệm, ví dụ như từ điển đồng nghĩa phản nghĩa, từ điển tiền tố, hậu tố (hay còn gọi là tiếp đầu ngữ và tiếp vĩ ngữ), và từ điển những từ cùng họ hàng gốc gác.

Điều cần nhớ là một từ có nghĩa tương đương bên tiếng Việt như vầy không hẳn là lựa chọn đúng trong câu tiếng Anh như thế trong ngữ cảnh như thế.

Có nhiều cách khác nhau để xử lý bài thi đọc hiểu, tùy theo dạng câu hỏi đặt ra. Các loại câu hỏi phổ biến thường như sau (các câu hỏi này cũng tương tự như các câu hỏi của bài thi nghe nêu trên),

(1) Câu hỏi khái quát, hỏi về ý chính hoặc chủ đề của bài: thí sinh thường chỉ cần đọc câu đầu tiên của mỗi đoạn là đã có câu trả lời, và đây cũng là điều thí sinh cần làm trước hết khi làm bài thi đọc hiểu.

(2) Câu hỏi về chi tiết cụ thể: thí sinh đọc lướt qua toàn bài để tìm thông tin cần thiết; đây cũng là loại câu dễ trả lời;

(3) Câu hỏi tham chiếu: thí sinh xác định một từ – thường là đại từ – chỉ đến một từ nào đã cho trước đó; thí sinh nên chú ý đến số nhiều hay số ít, danh từ đếm được hay không đếm được, hay đại từ thay thế cho ý của cả một câu;

(4) Câu hỏi về ý tương tự: thí sinh cần hiểu một ý như thế có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau;

(5) Câu hỏi suy diễn: thí sinh phải suy luận cho ra một số thông tin mà không được diễn tả rõ ràng hoặc chỉ được ngụ ý đằng sau thông tin trong bài;

Ngoài việc dựa vào kiến thức có được thông qua học tập ra, thí sinh cũng cần nên luyện tập để phát triển trực giác của mình. Trực giác là cái cảm giác khó diễn tả cho ta biết lựa chọn nào là đúng, và không có lý do gì khác để tin là nó đúng.

Trong các tài liệu luyện thi làm bài trắc nghiệm nghiêm túc đều có các bài tập nhằm giúp thí sinh tận dụng trực giác của mình. Theo đó, nếu thí sinh trả lời theo trực giác và khi kiểm tra lại mà thấy mình chọn đa số đúng thì họ có khả năng làm bài trắc nghiệm tốt.

Có thể kiểm tra lại trực giác bằng cách làm như sau: thí sinh lựa chọn một câu trả lời theo trực giác, rồi sau đó thay đổi lựa chọn của mình. Kiểm tra lại và tự hỏi mình có thường thay đổi lựa chọn đúng thành ra lựa chọn sai hay không, hay là lựa chọn thay đổi của mình là đúng. Theo đó, thí sinh có thể biết mình có thể tin cậy vào trực giác của mình hay không.

Thí sinh cũng nên thực hiện qui trình loại trừ. Có những lựa chọn vô lý một cách lộ liễu cần phải loại trừ. Như thế xác suất đúng của lựa chọn của thí sinh đã tăng lên thành hơn ba mươi hoặc năm mươi phần trăm.

Ngoài ra thí sinh cũng có thể tập luyện khả năng nhận biết đúng sai bằng cách đọc ra trọn câu lần lượt kèm theo từng lựa chọn. Phần lớn câu nào nghe xuôi tai thì chính là câu đúng. Nếu nghe có gì trục trặc thì lựa chọn ấy đã trục trặc rồi đấy.

Trong một số trường hợp, khi những lựa chọn là định nghĩa của một từ thì đa số trường hợp lựa chọn giải thích nào dài dòng hơn thì thường là lựa chọn đúng.

Có một điều thí sinh cần biết là câu trả lời sai không ảnh hưởng đến tổng số điểm đạt được. Nếu sau khi đã thử các cách trên (trực giác, loại trừ, lắng nghe) mà vẫn không có được lòng tin, thì thí sinh nên sử dụng một mẫu tự dự đoán. Mẫu tự dự đoán là một trong bốn mẫu tự lựa chọn (hoặc A, B, C, hoặc D) mà thí sinh nên chọn để trả lời cho tất cả những câu hỏi mà họ không biết. Như vậy có khả năng rất lớn họ sẽ kiếm được một số câu trả lời đúng, hơn là chọn ngẫu nhiên đủ hết cả bốn mẫu tự.

Điều quan trọng cuối cùng mà thí sinh cần nhớ là phải biết sử dụng thời gian một cách khôn ngoan hợp lý. Thật vô ích và phí phạm khoảng thời gian quý báu mà rất hạn hẹp của mình để trầm tư suy tính mãi về cái mà mình mù tịt. Thí sinh nên làm thật nhanh các câu có vẻ dễ nhất, đánh dấu những câu khó hơn rồi để đó. Nếu còn có đủ thời gian, họ lúc nào cũng có thể quay lại từ đầu để giải quyết chúng.   

  •  TTO (Nguồn: Tài liệu được cung cấp bởi trung tâm luyện thi chất lượng cao Vĩnh Viễn)
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,