,
221
5922
Hướng Nghiệp
huongnghiep
/giaoduc/tuyensinh/huongnghiep/
768859
Học phần cứng hay phần mềm dễ kiếm việc làm?
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Học phần cứng hay phần mềm dễ kiếm việc làm?

Cập nhật lúc 16:46, Chủ Nhật, 26/02/2006 (GMT+7)
,

Năm 2006, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ thông tin (CNTT) tiếp tục gia tăng. Thế nhưng, theo học quản trị mạng hay lập trình viên có dễ tìm kiếm việc làm đang là mối quan tâm của nhiều bạn trẻ?

Soạn: AM 714611 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Một buổi học thực hành trong phòng máy (Ảnh: Nguyên Vũ)

Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Giám đốc Trung tâm đào tạo FPT Aptech, hiện nay có khoảng cách tương đối lớn giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng kỹ sư CNTT. Vì thế, dù số SV được đào tạo ra trường hàng năm khá đông nhưng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lại không cao.

Có nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan dẫn đến độ “vênh” này. Do tốc độ thay đổi chóng mặt của ngành CNTT, việc chuyển đổi CNTT từ một ngành khoa học công nghệ sang một ngành kinh tế kỹ thuật, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi lĩnh vực này phải thiết kế chương trình, nội dung đào tạo linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tế.

Muốn đầu quân vào lĩnh vực này, sinh viên CNTT phải nắm được xu hướng nghề nghiệp và nhu cầu tuyển dụng của từng công ty. Ngoài có kiến thức, kỹ năng về tiếng Anh, kỹ năng công nghệ (mạng, bảo mật, nếu đi theo chuyên ngành mạng; hoặc .NET, J2EE, nếu đi theo chuyên ngành phần mềm), kỹ năng viết phần mềm, các ứng viên phải tập làm việc theo nhóm, tích lũy kinh nghiệm làm phần mềm theo quy trình công nghiệp, quản trị dự án.

Thực tế cho thấy, tùy theo nhu cầu về nhân lực, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra yêu cầu tuyển kỹ sư, chuyên viên mạng hay lập trình viên. Theo Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, hiện cả nước có trên 300 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực CNTT, trong đó đội ngũ lập trình viên chiếm 60%, còn lại là quản trị mạng, quản lý dự án…

Thời gian gần đây, do thị phần gia công phần mềm ở TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh, nhiều công ty ký được hợp đồng gia công phần mềm lớn nên họ chạy đua tuyển lập trình viên có kinh nghiệm, kỹ năng nghề cao. Song song đó, nhu cầu rao tuyển lập trình viên đi nước ngoài làm việc với mức lương hấp dẫn (2.000-3.000 USD/tháng) của các công ty xuất khẩu lao động cũng khiến cho nhân sự ở lĩnh vực này sáng giá.

Ở trong nước, riêng đối với lập trình viên mới ra trường, mức lương khởi điểm được trả đến 3,5-4 triệu đồng/tháng, còn các vị trí khác như trưởng nhóm lập trình được hưởng mức lương 8-12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và phát triển, nhiều doanh nghiệp cũ và mới đều có nhu cầu tuyển dụng ít nhất là một đến vài nhân sự về quản trị mạng, hệ thống mạng. Chính vì thế nhu cầu tuyển dụng chuyên viên quản trị mạng, hệ thống mạng ở Việt Nam hiện rất lớn.

Sinh viên CNTT nên theo học phần cứng hay phần mềm để dễ kiếm việc làm hơn? Không thể đưa ra lời khuyên nào thích đáng cho câu hỏi trên vì thị trường hệ thống (mạng, phần cứng…) hay phần mềm cũng đều là những thị trường tiềm năng trong tương lai.

Nếu có, thì lời khuyên đó là dù chọn phần cứng hay phần mềm, các sinh viên cần đi sâu vào chuyên ngành mình đã chọn. Nếu đã chọn học CNTT thì các sinh viên cần phải có “máu” và phải có tư duy phù hợp với ngành nghề chứ không phải cứ nghe nói ngành nào ra trường dễ kiếm việc làm thì lao vào học ngành đó.

CNTT là một môi trường đầy thách thức do công nghệ liên tục đổi mới, vì vậy sinh viên ngành này phải say mê, thường xuyên cập nhật những nhu cầu của thị trường, cập nhật các công nghệ mới và đặc biệt là các sinh viên chọn hướng đi chuyên về phần mềm là phải tập lập trình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, phải viết những chương trình riêng cho dù là những chương trình game đơn giản, tìm những đề tài tốt nghiệp có tính sáng tạo… Và đó chính là những điều kiện mà nhà tuyển dụng đòi hỏi.

Ông Ngô Đức Chí, Tổng Giám đốc Công ty Global Cybersoft Việt Nam, cho biết: “Khi tuyển nhân viên, kinh nghiệm không phải là tiêu chí hàng đầu của chúng tôi vì hầu hết các ứng viên được tuyển dụng đều phải trải qua chương trình đào tạo từ 3 đến 6 tháng tại công ty.

Các ứng viên mà chúng tôi chọn thường là những sinh viên có một nền tảng về chuyên ngành tốt, trang bị những kiến thức căn bản, biết suy luận và có tiềm năng”. Ông đưa ra nguyên nhân khách quan về vấn đề cung - cầu không gặp nhau: “Nói như thế không có nghĩa là các trường đại học ở Việt Nam không có sinh viên giỏi. Những ai sau khi ra trường tiếp tục học chương trình cao hơn hoặc tiếp cận với môi trường làm việc tốt tại các công ty thì đều có cơ hội thăng tiến nhanh”.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

,
,