Lập kế hoạch bồi dưỡng nữ nhân tài
(VietNamNet) - Đó là đề xuất của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại buổi gặp gỡ các nữ GS, PGS, cán bộ quản lý và nhà giáo tiêu biểu vùng dân tộc, hải đảo do Bộ GD-ĐT và Ủy ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tổ chức sáng nay, 4/3.
Tại buổi gặp mặt, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai cho biết: Trong tổng số giáo viên biên chế 519.067 người hiện nay, có 52.217 giáo viên người dân tộc. Riêng trong số 38.068 giảng viên ĐH, hiện có 15.327 giảng viên nữ. Trong số 63 GS được công nhận chức danh năm 2003, có 4 người là nữ. Tỷ lệ này ở chức danh PGS là 57 nữ/358.
Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ghi nhận đóng góp của đội ngũ nữ trí thức trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước và có ba đề xuất với ngành GD-ĐT để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực:
Thứ nhất: Ngành GD-ĐT phải có chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ hai, ngành phải chủ động nghiên cứu và kiến nghị về hệ thống các chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, đặc biệt đối với cán bộ nữ và nữ giáo viên. Song song với việc này là kế hoạch bồi dưỡng nữ nhân tài, tạo điều kiện cho chị em có năng lực, sở trường nghiên cứu, giảng dạy phấn đấu trở thành nhà khoa học
Thứ ba, chú ý hơn nữa tới việc phát triển giới trong giáo dục, nhất là chương trình giáo dục về giới ở các cấp học.
Cũng tại buổi gặp mặt, các giáo viên người dân tộc và vùng hải đảo đã bày tỏ kiến nghị của mình từ thực tế lăn lộn với cơ sở.
Cô giáo Krốp, trường mầm non Lộc Thắng, Bảo Lộc, Lâm Đồng, người dân tộc thiểu số đầu tiên trong ngành đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh, mong muốn có thêm nhiều trường, lớp mầm non, bởi "bậc học mầm non chưa được quan tâm đầu tư như các bậc học phổ thông khác".
Nhà giáo Lã Thị Chìu, phó hiệu trưởng trường THPT Bình Liêu, Quảng Ninh đề nghị: Bộ GD-ĐT cần có kế hoạch tăng cường trang thiết bị dạy học cho các trường vùng cao, đầu tư xây đủ phòng học, phòng thí nghiệm.
-
Tin, ảnh: Hạ Anh