Thận trọng với các bảng xếp hạng
Con người luôn bị mê hoặc bởi các bảng xếp hạng vì chúng được coi là một công cụ phản ảnh chất lượng và số lượng. Trong khi một số thứ có thể xếp hạng khá dễ dàng thì việc xếp hạng giáo dục lại rất khó khăn. Tại Mỹ, điều này đặc biệt phức tạp do hệ thống giáo dục vô cùng phong phú và đa dạng.
Hiện có hơn 4.000 trường ĐH và CĐ. Vậy làm thế nào để những sinh viên tương lai đến từ VN và các nước khác xác định được trường nào là tốt nhất? Đây không chỉ là vấn đề đối với sinh viên nước ngoài mà còn là thách thức gay go ngay cả với sinh viên Mỹ.
HS dự triển lãm giáo dục Hoa Kỳ. Ảnh: LAD
Cách dễ nhất và nhanh nhất là dựa trên các cuộc khảo sát, xếp hạng hàng năm, chẳng hạn như bảng xếp hạng các trường ĐH, CĐ của US News and World Report (ảnh). Tuy nhiên, ngay từ khi mới bắt đầu, bảng xếp hạng này đã là mục tiêu của nhiều sự chỉ trích.
Thực tế, vào năm 1996, Gerhard Casper, cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Stanford, một trong những trường ĐH hàng đầu của Mỹ, đã gửi một bức thư tới chủ bút US News & World Report, bày tỏ rằng bảng xếp hạng của US News & World Report có nhiều vấn đề, nhất là những công thức xếp hạng mang tính hình thức và tính chính xác giả tạo, gây hiểu lầm cho độc giả.
Hơn nữa, Casper còn nghi ngờ về khả năng chất lượng các trường ĐH, cũng giống như chất lượng của một tờ tạp chí, có thể đánh giá bằng những con số thống kê. Thậm chí nếu việc ấy có thể thực hiện được thì các nhà sáng lập ra bảng xếp hạng của US News & World Report cũng còn lâu mới tìm ra được phương pháp thỏa đáng.
Một trong những chỉ trích chính là công thức xếp hạng của US News & World Report dựa trên một phương pháp luận không hoàn thiện. Ví dụ, 25% kết quả bảng xếp hạng là dựa trên ý kiến của những người được trang web của tạp chí nhìn nhận là "có thẩm quyền đánh giá chất lượng giáo dục của một trường đại học".
Đó là những người nắm giữ các vị trí chủ tịch, hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng tuyển sinh của các trường. Họ được yêu cầu xếp hạng các trường khác theo thang điểm từ 1 (kém) đến 5 (xuất sắc). Rõ ràng, cách đánh giá đó hoàn toàn mang tính chủ quan, xuất phát từ ý nghĩ và cảm nhận riêng của mỗi người, và thường chẳng liên quan gì đến vấn đề chất lượng.
Gần đây, cuộc tranh luận về bảng xếp hạng của US News đang trở nên căng thẳng hơn. Ủy ban Bảo vệ giáo dục, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2005 với mục đích "cải tiến các quy trình tuyển sinh cho sinh viên, các trường đại học và phổ thông đang dẫn đầu trào lưu chống lại bảng xếp hạng US News.
Một trong những việc mà họ thực hiện là gửi một bức thư với tiêu đề "Beyond Ranking" (tạm dịch: Sự thật phía sau bảng xếp hạng) tới hiệu trưởng các trường ĐH ở Mỹ.
Bức thư chỉ trích rằng bảng xếp hạng của US News "gây hiểu lầm cho người đọc bởi tính chính xác giả tạo và uy tín không được xác nhận bởi dữ liệu được dùng, che khuất những sự khác biệt quan trọng về sứ mệnh giáo dục bằng việc đối chiếu các cơ sở giáo dục theo một hệ quy chuẩn thuần nhất mà không hề hoặc rất ít đề cập đến việc các sinh viên thu hoạch được gì từ quá trình học tập ở các trường ĐH, CĐ, đồng thời hạ thấp giá trị giáo dục của quá trình tìm trường"...
Trong cuốn sách "College Unranked: Ending the College Admissions Frenzy" (Xóa bỏ việc phân hạng các trường đại học: Chấm dứt cơn sốt tuyển sinh đại học) do ĐH Harvard xuất bản năm 2005, Lloyd Thacker, người sáng lập ủy ban Bảo vệ giáo dục và có gần 30 năm kinh nghiệm về tư vấn và tuyển sinh đại học đã đưa ra những lời khuyên sau cho các sinh viên: |
-
Tiến sĩ Mark A.Ashwill (Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế IIE tại VN) - Theo Lao Động