Du học bị 'dính' tù vì buôn sừng tê giác
Sau 2 năm lao động xuất khẩu tại Angola, tháng 4/2003, Nguyễn Linh Tùng được gia đình cho sang Nam Phi du học tự túc tại trường đại học Fort Elizabeth (UPE).
Thời gian theo học tại trường UPE, Tùng có quen David, quốc tịch Nam Phi làm việc tại một trang trại gần Johannesburg. Tùng đã mua của David hai chiếc sừng tê giác với giá 11.000USD. Do thiếu tiền, Tùng đã hỏi mượn của anh trai và được anh gửi cho 5.000USD.
Tháng 10/2004, Tùng lên máy bay về nước “thăm gia đình” lần thứ 16 trong năm cùng với cặp sừng tê giác vừa mua. Tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Tùng đã bị các cán bộ hải quan phát hiện tạm giữ.
Bị bắt cùng tang vật, cậu sinh viên với vẻ mặt “nai vàng” đã tỏ vẻ không biết gì về cặp sừng thuộc loại động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới.
Tại biên bản giám định của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) kết luận, hai chiếc sừng tê giác mà Tùng mang về Việt Nam là loại sừng trước của tê giác trắng phía nam Ceratotherinmsinrum.
Chiếc thứ nhất có khối lượng 5,95kg, dài 47cm, chu vi gốc 67,2cm. Chiếc còn lại có khối lượng 4,8kg, dài 40cm, chu vi gốc 74,4cm.
Ngày 26/1/2005, tiến hành định giá tại Sở Tài chính Hà Nội, hai chiếc sừng trên có trị giá hơn 2,9 tỷ đồng (gần 200.000USD). Như vậy, chỉ với hai chiếc sừng tê giác, nếu đem về trót lọt, Tùng có thể thu lãi gấp gần 20 lần.
23 tuổi, học một trường có tiếng của Nam Phi, không đánh giá về học lực, nhưng cái lợi kinh tế trước mắt đã khiến cậu sinh viên này rơi vào vòng phạm pháp, khi con đường học vấn còn đang rộng mở phía trước.
Việc học hành chấm dứt, không đủ điểm để theo học tiếp kì 2 tại trường, Tùng bị đuổi học.
Mới đây, Nguyễn Linh Tùng đã bị TAND TP Hà Nội xét xử, tuyên phạt 24 tháng tù, cho hưởng án treo, do có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự.
-
Nguyễn Hoàng (Nguồn: Tiền Phong)