Tiếng Trung: Mừng và... lo
Những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một thế lực mới trên bản đồ kinh tế thế giới. Nhưng, sự phát triển chóng mặt này cũng gây ra những phản ứng không mong đợi, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hoá với mảnh đất truyền thống hơn 5.000 năm tuổi này. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ của thế hệ trẻ kém đi.
Bành trướng ở bên ngoài
Hội nghị về các nước nói Tiếng Trung chính thức khai mạc tại Bắc Kinh ngày 20/7. Nhiều thông tin khả quan khiến người Trung Quốc mỉm cười.
Hiện, số người nước ngoài học tiếng Trung lên đến 30 triệu người. Hơn 2500 trường ĐH từ 100 nước trên thế giới đưa tiếng Trung vào giảng dạy. Trung Quốc thiết lập 25 học viện về triết gia Khổng tử, thành lập 151 điểm thi kiểm tra (và cấp chứng chỉ HSK) tại 34 nước trên thế giới. Tiếng Trung đã vươn "vòi" nhanh, mạnh hơn cả những gì người ta nghĩ tới.
Sự lưu hành Tiếng Trung ở nước ngoài phản ánh nhu cầu phát triển kinh tế. Trung Quốc là một thị trường có sức hút mạnh mẽ đang ngày càng mở rộng. Học tiếng Trung, hiểu về Trung Quốc là tăng thêm cơ hội giao thương.
Sự tăng cường giao lưu, du lịch cũng góp phần đẩy xa hành trình của những "ngộ", "ái", "nỉ". Theo tính toán lạc quan của các tổ chức du lịch quốc tế, người Trung Quốc đi du lịch ngày càng nhiều. Đây cũng là đòn bẩy kích thích việc học tiếng Trung ở nhiều miền đất xa xôi.
Với lợi thế hơn 1 tỷ dân và những khu Hoa kiều định hình khắp chốn, tiếng Trung được dự đoán sẽ trở thành thứ tiếng được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới trong một tương lai không xa.
Mất thiêng ngay trên "đất mẹ"
Trước mắt người Trung Quốc, trái đất đang ngày càng nhỏ bé hơn. Nhưng nghịch lý là, khi tiếng Trung đang phát triển mạnh ở bên ngoài biên giới thì tại đất mẹ, ngôn ngữ này đang dần bị xem nhẹ.
Hiện tượng lúng túng trong truyền đạt suy nghĩ trở nên phổ biến. Ngay trong giới trí thức, như các giáo sư, học giả cũng vẫn có những sai sót đáng tiếc trong cách dùng câu chữ. Chuyện SV đại học sử dụng ngôn từ không trôi chảy là thường.
Tiếng Trung ngày càng nghèo nàn. Nói về nguyên nhân của vấn đề này, có nhà lý luận đề cập đến ảnh hưởng của phong trào học tiếng Anh. Ở Trung Quốc, hiện tiếng Anh được xem trọng hơn tiếng Trung trong chế độ thi cử. Thậm chí, trong thi cử ở các bậc học, tiếng Trung luôn ở vị trí thấp hoặc kém hơn tiếng Anh. Đặc biệt, vai trò của ngoại ngữ này trong những kỳ kiểm tra nhận việc, thăng chức... càng cao.
Thế là SV Trung Quốc dồn trí lực cho việc học tiếng Anh, thờ ơ hơn với tiếng mẹ đẻ. Trung tâm nghiên cứu giáo dục ngoại ngữ Trung Quốc tiến hành làm một điều tra trong các SV tại 4000 trường chuyên và không chuyên về Anh ngữ với các vấn đề: trong thời gian học đại học, anh (chị) đã tiêu tốn khoảng bao nhiêu thời gian cho việc học Anh ngữ? Thì nhận được trả lời là “toàn bộ” và “phần lớn”.
Làm sao để điều tiết?
Thực trạng này khiến các nhà hoạch định giáo dục Trung Quốc phải suy nghĩ và đang tìm hướng khắc phục.
Việc tiếng mẹ đẻ bị xem nhẹ, phải xem như một vấn đề văn hoá. Có nhiều nguyên nhân. Đầu thế kỷ 20, các nước phát triển bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, khiến cho các nhược điểm tương đối của văn hoá Phương Đông dần lộ ra.
Lịch sử chứng minh rằng, kinh tế và văn hoá là hai cỗ xe tác động lẫn nhau. Ở nước ngoài, sức hấp dẫn của các học thuyết cổ của Trung Quốc đang đem đến những phát hiện mới. Còn ở trong nước những điểm yếu trong văn hoá đã dẫn đến nhiều trì trệ. Làm sao để chắt lọc được những ưu điểm từ mối giao lưu văn hoá Đông-Tây?
Đây thật sự là câu hỏi lớn đối với những quốc gia Châu Á đang phát triển và hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Mong muốn đưa nền kinh tế nước nhà phát triển là điều tất yếu, nhưng cần cân nhắc trước khả năng giá trị vật chất làm lu mờ giá trị văn hoá dân tộc. Hoà nhập mà không hoà tan, đó vẫn là câu chuyện tồn tại ở nhiều quốc gia không chỉ của riêng Trung Quốc.
-
Ngọc Minh (Theo Sohu.com)