Tại sao ngừng cấp học bổng ADS bậc ĐH?
(VietNamNet) - Từ năm 2006, chương trình Học bổng Phát triển của Chính phủ Australia (ADS) không còn dành cho bậc ĐH, đồng thời có thêm những nội dung hỗ trợ người đi học trở về Việt Nam làm việc. Trao đổi với bà Catherine Gill, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Australia.
Bà Catherine Gill: Cắt học bổng ĐH là do tính hiệu quả của nó. |
Tại sao sắp tới ADS sẽ không còn học bổng dành cho bậc ĐH?
- Bà Catherine Gill: Lý do chủ yếu của việc không cấp học bổng ĐH nữa là có quyết định và sự đồng ý của Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam. Quyết định này dựa trên ba lý do sau: Thứ nhất, theo khảo sát đã tiến hành vào năm 2002 với những người đã đi học ở Australia, chúng tôi thấy trình độ bằng cấp ĐH ở Việt Nam đã gần đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, chúng tôi thấy học bổng sau ĐH đạt hiệu quả cao hơn, thời gian học ngắn hơn và chi phí ít hơn. Và thứ ba, những người đi học tiến sĩ và thạc sĩ sau khi kết thúc khoá học thường trở về ngay Việt Nam và tham gia vào công việc, trong khi người học ĐH có xu hướng tiếp tục học lên. Một khóa học ĐH có thời gian dài gấp ba lần thời gian học thạc sĩ. Chính vì vậy, chi phí cũng phải gấp lên ba lần. Do đó, với một học bổng ĐH, chúng tôi có thể trao cho ba học bổng sau ĐH.
Thế nhưng, theo chúng tôi biết, mỗi năm chương trình thông báo sẽ hỗ trợ 150 suất học bổng. Cắt học bổng ĐH, tại sao chương trình không mở rộng chỉ tiêu cấp học bổng sau ĐH?
- Thực ra, sắp tới, chúng tôi sẽ tăng thêm số học bổng sau ĐH. Ngoài mức 150 học bổng hàng năm, chúng tôi sẽ có chương trình hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên trước khi lên đường cũng như sau khi hoàn thành khóa học quay trở lại Việt Nam.
Chẳng hạn, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan, bộ ngành chủ chốt để có hướng tốt hơn cho chương trình học bổng này. Việc cắt học bổng ĐH là cơ hội để chúng tôi tiếp tục hỗ trợ học bổng sau ĐH và tăng thêm học bổng tiến sĩ, vì đây là bậc học tốn kém tương đối nhiều. Chi phí cho học bổng ĐH không phải là nguyên nhân chính để cắt loại học bổng này mà do tính hiệu quả của nó.
Thưa bà, đã có những khảo sát nào về những đối tượng nhận học bổng ĐH từ ADS. Những người này đang tiếp tục học tập hoặc tham gia công việc như thế nào sau khi kết thúc các khoá học ở Australia?
- Trong khảo sát năm 2002 với 95% số học viên của chương trình, có 75% sau khi hoàn thành khóa học đã trở về, còn 20% vẫn tiếp tục theo đuổi việc học tập ở nước ngoài. Trong số những người trở về Việt Nam, có 94% trở về nơi họ làm việc trước khi đi học, hầu hết là các cơ quan nhà nước. Sắp tới, chúng tôi sẽ giới thiệu chương trình hỗ trợ và theo dõi họ trong quá trình phát triển về công việc sau khi quay trở lại Việt Nam. Một yêu cầu của chúng tôi là các ứng viên này phải thiết lập kế hoạch hành động, kế hoạch đó sẽ theo suốt ứng viên trong quá trình học ở Australia, rồi trở về Việt Nam.
Một đổi mới nữa là 50% học bổng sắp tới sẽ dành cho nhân viên các cơ quan Bộ, ngành chủ chốt mà chúng tôi thấy cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam. Bản thân các cơ quan đó phải định ra những ứng viên mà họ gửi đi đào tạo. Đây là những vị trí chiến lược lâu dài. Họ phải xem xét nhân viên của họ thiếu những kỹ năng nào, trình độ ở bậc nào và họ đưa yêu cầu cho chúng tôi đào tạo.
Vậy 50% còn lại có thể hiểu là những suất học bổng dành cho đối tượng không làm việc trong khu vực nhà nước?
- Thực ra, chúng tôi vẫn có 30% suất dành cho các đối tượng "mở", những người không đến từ các cơ quan nhà nước. Sở dĩ như vậy vì chúng tôi biết trong khối "mở" này có rất nhiều người tài có khả năng đi học. Số còn lại được phân bổ theo mức: 10% dành cho những người có điều kiện học tập khó khăn và 10% dành cho ứng viên của các dự án phát triển đặc biệt.
Khối "mở" có tính cạnh tranh rất cao, số lượng nộp đơn thường chiếm khoảng 60% đơn xin học bổng. Chúng tôi không bắt buộc là sau khi học xong, phải trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy những ứng viên có tuổi bao giờ cũng muốn quay trở lại Việt Nam.
Bà có nói trong thời gian tới sẽ có thêm những nội dung hỗ trợ du học sinh của ADS về nước. Cụ thể, đó là những gì?
- Chúng tôi dự định cung cấp chương trình phát triển về nghề nghiệp thông qua Hội học sinh đi học tại Australia. Nếu họ có nhu cầu học sau học bổng, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu và xem xét. Một điểm ưu thế nữa là khi đi học ở Australia, người học đã xây dựng được nhiều mối liên hệ, từ đó phát triển cho công việc sau này.
Xin cảm ơn bà!
-
Hạ Anh (thực hiện)