Chương trình 322: Lắm 'tréo ngoe', ít người đi
(VietNamNet) - “Trong 104 học viên trúng tuyển Chương trình 322 giai đoạn 2000-2004, chỉ có 36% đi được nước ngoài để học tập!”. GS TS Nguyễn Tấn Phát, giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết như vậy tại buổi gặp mặt vào sáng nay 31/3 với các học viên sau ĐH trúng tuyển chương trình này.
Học viên gặp quá nhiều trở ngại
Một học viên Khoa Hoá - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM: “ĐHQG TP.HCM chưa có văn bản nào giới thiệu Chương trình 322 với các trường ở nước ngoài để họ biết rõ về mình". |
Với Chương trình 322 (đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước), trở ngại trong việc tìm trường và chương trình đào tạo để đi học đã khiến cho tỷ lệ học viên đi du học còn quá thấp. Các nguyên nhân chủ yếu: không có thông tin về hệ thống đào tạo sau ĐH tại các quốc gia đã chọn; không nắm rõ quy trình xin nhập học tại các trường; không đạt đủ yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của trường nước ngoài; do thiếu phương pháp, thời gian học tập; chưa đáp ứng đủ trình độ chuyên môn theo yêu cầu của chương trình nước ngoài; không đủ kinh phí tiếp tục tham gia chương trình (chi phí học tập, hồ sơ, liên lạc với trường nước ngoài)…
Học viên Nguyễn Gia Sơn (trường ĐH Khoa học Tự nhiên) cho rằng: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu thông tin về đề tài phù hợp với mình. Vì vậy, trước hết nên liên hệ với một trường nào đó. Sau đó, trong quá trình học, học viên sẽ dễ dàng định hướng đề tài nghiên cứu thực hiện phù hợp hơn.” Tuy nhiên, anh cũng đề nghị: ĐHQG TP.HCM nên hỗ trợ thêm về mặt tài chính trong việc chuẩn bị đi học cũng như trong lúc học tập. Khó khăn lớn của những học viên đã tốt nghiệp chuyên môn ở các ngành kỹ thuật là trình độ ngoại ngữ: muốn đạt được thang điểm TOEFL phải thi đến hai - ba lần, mà mỗi lần thi thì số tiền học viên tự bỏ ra không phải là nhỏ!
Chính vì những khó khăn trở ngại trên, GS Nguyễn Tấn Phát đã tỏ ra lo lắng: “ĐHQG TP.HCM luôn dành ưu tiên hàng đầu cho việc đầu tư đội ngũ đi học ở nước ngoài. Nếu thực hiện tốt khâu chuẩn bị đội ngũ khoa học này, chúng tôi sẽ quyết định được vấn đề phát triển của ĐHQG TP.HCM trong tương lai. Đồng thời, đội ngũ nghiên cứu sinh này đi du học ba năm về sẽ có môi trường làm việc tốt. Thế nhưng tỷ lệ người đi được như vậy là quá chậm!”.
Được biết hiện nay, ĐHQG TP.HCM đang có nhiều nỗ lực lớn để phát triển quy mô mạng lưới trường lớp, đội ngũ cán bộ… Tuy vậy, các nỗ lực này đều phụ thuộc vào vấn đề con người - đội ngũ những cán bộ khoa học kỹ thuật trong chương trình được trúng tuyển đi đào tạo ở nước ngoài như đã nêu.
Chống... "tréo ngoe"? Cần phối hợp nhiều phía
Nhiều ý kiến của học viên cũng cho rằng những thông tin ban đầu và một số quy định của Chương trình 322 là "tréo ngoe" với thời gian học của các trường ở nước ngoài. Tiến sĩ Trần Thị Hồng, đạị diện Chương trình 322, thừa nhận: “Thiếu sót của chúng tôi là không nắm rõ việc một số trường ở nước ngoài quy định đào tạo bao lâu, hai hoặc bốn năm"!
Trong khi đó, TS Phan Thanh Bình, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng hiện có hai ách tắc lớn về cá nhân học viên và khâu tổ chức. Về cá nhân, đây là chương trình lớn đầu tiên Nhà nước công khai cho mọi người đi du học để sau một thời gian có một số cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao mà bổ sung cho các trường ĐH, các viện. Mỗi học viên nghiên cứu sinh, mỗi thực tập sinh đều có những khó khăn khác nhau, tuy nhiên vấn đề tập trung ở khả năng tự vượt qua những khó khăn này. Về tổ chức, cũng cần có sự liên hệ chặt chẽ hơn giữa các trường học, ĐHQG.TPHCM và Chương trình 322 từ phía Bộ GD-ĐT.
Để giải quyết được những ách tắc trên, theo GS Nguyễn Tấn Phát, trước hết mỗi cá nhân học viên phải vận động, tìm kiếm và tự tìm cách tháo gỡ các khó khăn và... "gắng gượng đứng lên, đi bằng chính đôi chân của mình". Tuy vậy, người phó của ông Phát là TS Phan Thanh Bình cũng đề nghị: Hiện nay, nếu coi đây là đội ngũ bổ sung nguồn nhân lực ĐHQG TP.HCM thì có thể sử dụng kinh phí tái đào tạo của ĐHQG TP.HCM để hỗ trợ các học viên. Bởi vì, bên cạnh sự hỗ trợ của Chương trình 322 thì không thể thiếu vắng vai trò của ĐHQG TP.HCM!
Bài, ảnh: Cam Lu - Trương Hiệu