GS.Ngô Bảo Châu:Khoa học cần bình đẳng và tự do tuyệt đối
- Nhận được nhiều tràng pháo tay trong Hội trường lớn tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình tối nay, 29/8, GS.Ngô Bảo Châu bước lên bục danh dự và nói: "Tôi hiểu nhiệm vụ của nhà khoa học không chỉ là chuyên môn mà còn là đem đến cơ hội cho những người trẻ không kể xuất xứ, lai lịch cơ hội để phát triển tiềm năng trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đó là điều tôi muốn nói với các nhà khoa học, nhà quản lý và tất cả những người làm cha mẹ".
SỰ KIỆN TRONG NGÀY |
---|
Toàn cảnh hội trường Trung tâm hội nghị quốc gia trong buổi lễ. Ảnh: Bùi Tuấn |
Có vé mời vẫn không được vào xem
Mặc dù giấy mời ghi thời gian đón khách từ 19h30 nhưng từ 16h, đường vào Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình đã đông nghẹt học sinh, sinh viên các Trường ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa, Trường Tiểu học Thực nghiệm, Trường THCS Trưng Vương,v.v...
Đến 19h, ngay ngoài cổng số 2 của trung tâm đã phải đóng cửa. Một chiếc xe biển 80B đợi khoảng 20 phút, sau khi lực lượng an ninh giải tán đám đông đứng ở tràn ở ngoài đường Phạm Hùng mới tiến được vào trong.
Vào tới sảnh, trước cửa kiểm tra an ninh, hơn 20 phóng viên đeo thẻ tác nghiệp của ban tổ chức loay hoay tìm chỗ vào. Ngay gần đó, hai dãy dài bóng áo đồng phục học sinh khối phổ thông chuyên của ĐH Khoa học Tự nhiên cũng đang kiên nhẫn chờ qua cửa soát giấy mời.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực lọt qua cửa kiểm soát đều vô ích khi các nhân viên an ninh ra thông báo: "Hội trường đã kín chỗ". Đây đó nghe tiếng lao xao "bác ruột GS.Ngô Bảo Châu cũng đang phải đứng ngoài kìa". Tay cầm tờ giấy mời trên tay, nhà giáo nhân dân Hoàng Văn Thật dẫn theo đứa cháu đích tôn, không giấu nổi sự bực mình vì chẳng thể nào vào được bên trong.
Hội trường lớn trong lễ tôn vinh GS.Ngô Bảo Châu tối nay không còn một chỗ trống.
Xếp hàng trước cửa an ninh với hy vọng vào hội trường. Ảnh: Tú Uyên |
Sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (về trân trọng nhân tài), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (về chiến lược cho toán học) cùng hai bạn trẻ (bày tỏ ngưỡng mộ, đam mê) là những chia sẻ chân thành của GS.Ngô Bảo Châu.
Những tâm sự của GS Ngô Bảo Châu
Mỗi ví dụ của GS (về tuổi thơ khó khăn thời hậu chiến, về những ngày đầu nghiên cứu ở Pháp, Mỹ...) là một thông điệp, về sự tương thân trong cộng đồng, về không gian tự do tuyệt đối và môi trường khoa học chân chính. Hội trường có sức chứa 3.500 người lặng đi vì xúc động.
GS nhắc chuyện quá khứ nhắc nhớ đến quá trình làm nên một con người. Đó là việc cha mẹ nhịn ăn nhịn mặc nuôi dạy trong khó khăn thời hậu chiến. Là việc được dìu dắt bởi những người thầy, người cô, các nhà khoa học trẻ nhiệt huyết.
Nhà toán học 38 tuổi cho rằng, trong cộng đồng Toán học Việt Nam, việc người đi trước nắm tay người đi sau là lẽ tự nhiên. Khoa học nói chung và Toán học Việt Nam nói riêng chưa thực sự xuất sắc trên thế giới, nhưng nếu không có tinh thần yêu thương, đoàn kết cũng như tinh thần nghiêm khắc không bao che cho yếu kém học thuật thì toán học và khoa học sẽ không thể tiến bộ.
Điểm lại những nhân tố "trong nước" giúp mình thành công, GS.Ngô Bảo Châu tiếp tục bày tỏ lòng tri ân với giới khoa học Pháp, Mỹ, những người thầy, những môi trường khoa học chân chính là "may mắn đặc biệt".
GS nói, mình hiểu được sức mạnh của một nhóm các nhà khoa học có tên tuổi kinh nghiệm và những nghiên cứu sinh tràn trề say mê khoa học. "Đây là vinh dự, xứng đáng cho cộng đồng khoa học Pháp và cộng đồng khoa học Việt Nam".
Cũng theo GS, nếu không có thời gian làm việc ở Viện Nghiên cứu cơ bản Princeton (Mỹ), nơi Enstein đã làm việc hơn 40 năm, chắc bổ đề cơ bản không thể hoàn thành thời điểm này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và GS.Ngô Bảo Châu. Ảnh: Bích Ngọc |
"Từ trải nghiệm ở Pháp và Mỹ tôi đã hiểu ra rằng, môi trường khoa học lành mạnh là tiền để cho sự phát triển của các nhà nghiên cứu khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi mà học thuật và đạo đức trong học thuật luôn được xếp vị trí đầu tiên cùng với sự bình đẳng của các nhà khoa học không phân biệt già trẻ, cùng với sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học", GS.Ngô Bảo Châu nói.
GS cũng không quên nhắc đến nhà khoa học Henri Rogemorter, người mà mình đã may mắn sống tại nhà ông những ngày sang Paris.
"Hiện thực khoa học, giáo dục nước nhà chưa được như mong đợi nhưng với ý thức mỗi người, sự cố gắng của Chính phủ qua các quyết sách đúng đắn, dũng cảm sẽ là tiền đề cho những chuyển biến tích cực", GS.Ngô Bảo Châu nhắn nhủ với mọi người.
Nghe phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Hình ảnh ghi lại từ VTV)
Chính phủ sẽ tạo mọi cơ hội
Trong phát biểu trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một mặt cảm ơn ngành Toán học Việt Nam, các thầy cô đã góp phần khơi gợi đam mê cho học trò; mặt khác, cũng bày tỏ sự cảm ơn tới các nhà khoa học Pháp, Hoa Kỳ đã tạo cơ hội cho "hạt giống" Ngô Bảo Châu lớn mạnh như ngày nay.
Hội trường không còn chỗ trống. Khoảng 1 giờ đồng hồ sau, lác đác vài gia đình trẻ dắt con nhỏ đi về trước. Ảnh: Tú Uyên |
Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng rằng, GS.Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh đất nước, con người và trí tuệ Việt Nam. "Vinh quang này là công lao, nỗ lực, niềm tự hào của GS, gia đình, các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu, thầy cô ở Việt Nam, Pháp, Hoa Kỳ, là niềm tự hào của giáo dục Việt Nam".
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao, thời gian qua, mặc dù phải tập trung vào nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài, nhưng GS.Ngô Bảo Châu vẫn dành thời gian giảng dạy ở trong nước, làm cầu nối giao lưu sinh viên Việt Nam với các nhà khoa học thế giới. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ.
"Với niềm tự hào mà những Ngô Bảo Châu mang lại, ta sẽ thực hiện thành công cải cách giáo dục", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng mong muốn: "Chúng ta cần có nhiều Ngô Bảo Châu, có xã hội học tập và mọi người có cơ hội tiếp thu tri thức và cơ chế trọng dụng nhân tài. Tôi mong thế hệ trẻ noi gương GS.Ngô Bảo Châu tự tin dấn thân vào khoa học, tìm tòi nghiên cứu tốt nhất. Chính phủ sẽ tạo mọi cơ hội cho các thế hệ trẻ, các nhà khoa học đóng góp ngày càng nhiều".
Nghe phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (Hình ảnh được ghi lại từ VTV)
"Mong được đứng trên vai giáo sư"
Nhận được nhiều tràng pháo tay liên tiếp từ hội trường là những cảm xúc phấn khích của bạn Hà Khương Duy, Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2009, hiện đang là SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.
Học sinh khối THPT Chuyên, thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) xem tờ "Thông tin Toán học" với những hình ảnh, bài viết về sự kiện GS Ngô Bảo Châu ở Đại hội toán học thế giới. Ảnh: Bùi Tuấn |
Khương Duy phát biểu: "Với thành công của GS, em nghe đâu đây tiếng thở pháo của các nhà Toán học trẻ. Ơn Chúa, con đường GS đang đi không phải là con đường cụt".
Ví von khiến cả hội trường vỗ tay. Ngay hàng ghế đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và GS.Ngô Bảo Châu đều nhoẻn miệng cười.
"Gần đây, em được đọc một bài phỏng vấn, trong đó GS kể về việc GS vật lộn với bổ đề cơ bản, bằng sự say mê, GS đã chinh phục được... Thành công của GS cho chúng em bài học là vượt qua được chông gai để cống hiến đời mình cho những mục tiêu cao quý", Khương Duy nói.
GS Ngô Bảo Châu trong vòng vây của máy ảnh, người hâm mộ và lực lượng an ninh. Ảnh: Bùi Tuấn |
Gương mặt trẻ của ĐH Khoa học Tự nhiên thổ lộ không màu mè: "Chúng em mong muốn được đứng trên vai GS. Biết là để leo lên thì đầy chông gai, nhưng chúng em biết có những người đã từng đi từ ngôi trường chúng em, đi từ đất nước chúng em như GS, nên sẽ tự tin hơn".
Câu nói cuối cùng của Khương Duy: "Trên thế giới không xa, thế giới sẽ nhắc đến một cái tên GS.Ngô Bảo Châu mới" lại tiếp tục nhận được tán thưởng từ hội trường. Và đặc biệt là những nụ cười không ngớt trên gương mặt GS Ngô Bảo Châu.
Một gương mặt khác, đại diện cho Trường THCS Trưng Vương, với giọng nói truyền cảm đã đọc trôi chảy một bài phát biểu cảm tưởng về "giữ vững niềm tin", "tấm gương sáng" và "luôn hướng về Tổ quốc".
-
Lê Nhung - Văn Chung