Toàn văn phát biểu của GS.Ngô Bảo Châu

Cập nhật lúc 09:20, 30/08/2010 (GMT+7)

 - Tại buổi lễ chào mừng diễn ra tối ngày 29/8 ở Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, GS.Ngô Bảo Châu đã có bài phát biểu chứa đựng những thông điệp khiến hội trường hơn 3.500 người lặng đi vì xúc động. Dưới đây, VietNamNet giới thiệu toàn văn bài phát biểu của GS.Ngô Bảo Châu.

SỰ KIỆN ĐÁNG LƯU Ý NGÀY 29/8

Kính thưa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Kính thưa Chủ tịch Hội đồng học hàm Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
Kinh thưa các vị khách quốc tế,
Kính thưa các thầy các cô giáo,
Kính thưa các quí vị, các đồng nghiệp,
Các bạn sinh viên, học sinh thân mến,

nguongmo.JPG
Khách mời tại buổi lễ chào mừng. Ảnh: Bùi Tuấn

Trước hết tôi xin bầy tỏ tấm lòng cảm kích của tôi với nhà nước và chính phủ đã tổ chức buổi lễ mừng công hôm nay với một tấm lòng trân trọng và chân thành. Tôi cũng thực sự cảm động khi nhận thấy niêm vui, niềm tự hào của giải thưởng Fields đã được chia sẻ với đông bào khắp nơi trên cả nước. Bắt gặp sự hân hoan, niềm tự hào trong mắt các bạn học sinh, sinh viên có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay, làm sự hân hoan, niềm tự hào của cá nhân tôi được nhân lên nhiều lần.

Lần đầu tiên, giải thưởng Fields, giải thưởng quan trọng nhất của toán học được trao cho một nhà toán học xuất thân và có quốc tịch của một nước đang phát triển. Sự kiện này có thể sẽ tạo tiền đề cho một sự thay đổi lớn, về chất, cho toán học Việt Nam nói riêng, công tác nghiên cứu khoa học nói chung. Ít nhất đây là cái mà cá nhân tôi, và rất nhiều nhà khoa học và nhà quản lý khoa học có tâm huyết, rất hy vọng. Nhưng trước khi nói về tương lai, tôi nghĩ chúng ta nên điểm lại quá khứ, để tìm hiểu xem cái gì là nguyên nhân, những nhân tố tích cực nào đã đưa đến thành công ngày hôm nay.

Tôi sinh ra trong chiến tranh chống Mỹ và lớn lên trong hoàn cành kinh tế khó khăn của thời kỳ hậu chiến. Tuy không ai thích thú chuyện ôn nghèo kể khổ, ta vẫn không thể không nhớ lại những yếu tố lập thành con người ta, cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngay khi còn bé, tôi đã hiểu rằng bố mẹ phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi tôi khôn lớn. Gần hai mươi năm trở lại đây, tôi sinh sống ở nước ngoài, rất lâu ở Pháp, gần đây ở Mỹ. Tiếp xúc nhiều với cuộc sống ở nước ngoài, tôi có hiểu ra một điều rằng, tuổi thơ của tôi và các bạn cùng lứa tuổi, có thể thiệt thòi hơn về chuyện ăn, chuyện chơi, nhưng về chuyện học tập thì hoàn toàn không, thậm chí theo một nghĩa nào đó, tôi còn có nhiều điều kiện thuận lợi đặc biệt. Sinh ra trong một gia đình trí thức truyền thống, việc học hành của tôi luôn là ưu tiên số một của bố mẹ. Có lẽ vì bố mẹ đều là những nhà khoa học, niềm ham mê khoa học, giá trị tuyệt đối của tri thức đã ngấm vào máu tôi từ lúc nào mà không biết. Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành rất được coi trọng, nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học, thì theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là chuyện hiếm.

Mô tả ảnh.
GS Ngô Bảo Châu và thầy giáo Phạm Hùng (đầu bạc, tóc trắng) trong vòng vây của người hâm mộ. Ảnh: Bùi Tuấn

Điều kiện thuận lợi đặc biệt nữa cần kể đến là tuổi học trò của tôi đã được cộng đồng toán học Việt Nam nuôi dưỡng. Tôi hiểu cộng đồng toán học theo nghĩa rộng, từ thầy Tôn Thân giáo viên chuyên toán trường Trưng Vương, đến thầy cô khối chuyên toán A0 trường Đại học tổng hợp, cho đến nhiều nhà toán học trẻ vào thời đó đã dạy tôi với tất cả sự tâm huyết của mình, hoàn toàn vô tư trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn của lúc ấy. Tôi không thể kể hết tên các anh, các thầy nhưng xin lấy ví dụ thầy Phạm Hùng khối chuyên toán. Tôi đến học thầy trong căn buồng 8 mét vuông, lúc nào cũng nghi ngút mùi thuốc bắc vì thầy hay đau ốm. Nhưng thù lao duy nhất thầy Hùng nhận từ bố mẹ tôi đôi khi là cân đường, đôi khi là vỉ thuốc bổ. Trong cộng đồng toán học Việt Nam, việc người đi trước nắm tay người đi sau là một chuyện tự nhiên . Gần đây, do có cọ sát với một số ngành khoa học khác, tôi mới sực hiểu ra rằng, tinh thần thương yêu, đoàn kết của cộng đồng toán học Việt Nam là một cái gì rất hiếm hoi, đáng quí. Khoa học của nước ta nói chung, và toán học nói riêng, chưa có một vị trí xuất sắc trên thế giới, nhưng nếu không có tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau, cùng với tinh thần nghiêm khắc, không bao che cho những yếu kém về học thuật, thì toán học Việt Nam cũng như các ngành khoa học khác, sẽ không có bất kỳ một cơ hội nào để tiến bộ.

[video(20345)]

Cái may mắn đặc biệt tiếp theo là việc được chính phủ Pháp cấp học bổng để sang Pháp học đại học. Là một sinh viên nước ngoài, nhưng trong suốt quá trình học tập ở Pháp, chưa lần nào tôi cảm thấy được kém ưu tiên hơn so với sinh viên Pháp. Ngược lại, chính ông trưởng khoa toán trường Sư phạm Paris nơi tôi học, đã khuyên tôi đi làm luận án tiến sĩ với GS Laumon, một trong những nhà toán học Pháp xuất sắc nhất, và thuyết phục ông Laumon nhận tôi làm học trò. Ông Laumon là người đã giúp tôi từ một cậu sinh viên thích học toán trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp. Ông là một người thầy tuyệt vời, trong số 6, 7 người học trò của ông, tính đến nay đã có hai giải thưởng Fields và gần đây nhất, cô học trò trẻ nhất của ông đã được phong làm giáo sư đại học Harvard khi cô chưa đầy 30 tuổi. Trưởng thành trong nhóm khoa học do ông Laumon và một vài đồng nghiệp của ông lãnh đạo, không chỉ có tôi và anh Lafforgue, người được giải thưởng Fields vào năm 2002, còn có rất nhiều nhà toán học trẻ xuất săc khác. Ôn lại thời gian này, tôi hiểu được sự quan trọng và sức mạnh của những nhóm nghiên cứu khoa học, kết hợp những nhà khoa học có tên tuổi, có kinh nghiệm, có hiểu biết trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với những sinh viên nghiên cứu sinh tràn trể hăng say khoa học. Tôi thực sự hạnh phúc khi giải thưởng Fields tuy trao cho cá nhân tôi, nhưng cũng đem lại một sự vinh dự xứng đáng cho cộng đồng toán học Pháp.

GS G.Laumon đang kiên nhẫn ký cho các bạn học sinh sinh viên. Ảnh: Bùi Tuấn
GS.Ngô Bảo Châu trong vòng vây của PV báo chí và người hâm mộ. Ảnh: Bích Ngọc

Từ hơn ba năm nay, tôi có cái may mắn hiếm có được làm việc ở Viện nghiên cứu cao cấp ở Princeton. Viên được thành lập từ những năm 30 và là nơi Albert Einstein làm việc hơn 40 năm. Ngoài một số nhỏ những giáo sư cơ hữu của viện, hầu hết là những nhà toán học, vật lý hàng đầu của thế giới, viên thường xuyên có rất nhiều những nhà khoa học trẻ đến làm việc trong thời gian từ một đến hai năm, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Ngoài nguồn hỗ trợ tài chính rất lớn từ chính phủ Mỹ cũng như từ các tổ chức tư nhân và các cá nhân, cách tổ chức công việc hiệu quả của Viện là cái rất đáng để học tập. Sau 50 năm, tức là một khoảng thời gian không lớn so với lịch sử khoa học, Viện đã trở thành lá cờ đầu của toán học và vật lý lý thuyết và đã đóng một vai trò rất lớn cho sự hình thành của trường phái toán học Mỹ mà vào thời điểm hiện tại, vẫn đóng vai trò số một không thể bàn cãi. Nếu không có thời gian làm việc ở Princeton, rất có thể công trình Bổ đề cơ bản sẽ chưa hoàn thành vào thời điểm này. Ngoài ra, nhờ vào sự tiếp xúc với những nhà toán học thiên tài như Langlands, tôi đã xác định được rõ ràng chương trình nghiên cứu tiếp theo của mình sau khi Bổ đề cơ bản đã hoàn thành.

Từ trải nghiệm ở Pháp cũng như ở Mỹ, tôi hiểu ra rằng môi trường học thuật lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và đạo đức trong học thuật được luôn được xếp ở vị trí đầu tiên, cùng với sự bình đẳng giữa các nhà khoa học, không phân biệt già trẻ, cũng như sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học.

Cuối cùng, tôi xin nhắc đến một con người, một nhà khoa học, và một người bạn lớn của Việt Nam. Khi còn là sinh viên Henri Van Regemorter đã tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên Pháp phản đối chính sách thực dân ở Đông dương. Sau này, ông đa qua Việt Nam nhiều lần và trở thành một người bạn thân thiết của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người sáng lập ra Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật Pháp Việt. Tôi có cái may mắn được sống trong ngôi nhà của ông nhiều năm và học được rất nhiều từ con người của ông. Ông không bao giờ nói dài như tôi đang làm, nhưng qua việc làm của ông, tôi hiểu rằng, nhiệm cụ của nhà khoa học không chỉ đơn thuần là làm chuyên môn, mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi, không kể đến nguồn gốc xuất sứ, không nhất thiết là người thân, cái cơ hội để tiềm năng của họ được phát triển, trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đấy là điều tôi muốn nói với những nhà khoa học Việt nam, những nhà quản lý, và với tất cả những người làm cha, làm mẹ.

Hiện trạng khoa học và giáo dục của chúng ta chưa được như chúng ta mong đợi, nhưng ý thức của mỗi người và sự cố gắng của nhà nước, của chính phủ qua những quyết sách đúng đắn và dũng cảm, chính là tiền đề cho một sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Cuối cùng, xin chúc các bạn trẻ đang lắng nghe tôi có đủ niềm tin và sự say mê để đi hết con đường mà mình đã chọn.

Xin cảm ơn sự chú ý của quí vị. 

  • GS Ngô Bảo Châu

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Trần Xuân Độ, 53 Nguyễn Văn Trỗi, Gia Nghĩa, Đắk Nông, 19:20, 02/09/2010

Đúng là bài phát phiểu của một nhà khoa học thuần túy. Bài phát biểu rất chân thực.

Nguyen Bao Minh, 11:04, 02/09/2010

Quả thực đây là bài phát biểu rất đáng suy ngẫm của một trí thức thành công nhưng (vẫn) rất khiêm nhường.
Tuy vậy, bài phát biểu chưa thực sự hoàn chỉnh.
Như GS. NBC đã nêu "Nhưng trước khi nói về tương lai, tôi nghĩ chúng ta nên điểm lại quá khứ, để tìm hiểu xem cái gì là nguyên nhân, những nhân tố tích cực nào đã đưa đến thành công ngày hôm nay.", bài này ít nhất cần 2 ý là quá khứ-hiện tại và hiện tại-tương lai được trình bày trong một thể thống nhất, cân xứng.
Phần (điểm lại) quá khứ rất súc tích, rõ ràng, nhưng cũng gần như toàn bộ phần này chúng ta đã được biết (có thể chưa phải do chính GS. NBC phát biểu thôi), và nhận định nhân tố tích cực đưa tới thành công của GS. NBC thì phần lớn chúng ta đều (đã) biết.
Cái mà chúng ta chờ đợi nhiều nhất, mong muốn nhất là tương lai (cần phải làm gì, như thế nào) thì khá ít, mờ nhạt. Tương lai của GS. NBC đã được nêu "nhờ vào sự tiếp xúc với những nhà toán học thiên tài như Langlands, tôi đã xác định được rõ ràng chương trình nghiên cứu tiếp theo của mình sau khi Bổ đề cơ bản đã hoàn thành" - dù không cụ thể, nhưng chúng ta tôn trọng GS. NBC, vì đó là việc cá nhân; nhưng để "tạo tiền đề cho một sự thay đổi lớn, về chất, cho toán học Việt Nam nói riêng, công tác nghiên cứu khoa học nói chung" thì chỉ có vài điều như "môi trường học thuật lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ" và "ý thức của mỗi người và sự cố gắng của nhà nước, của chính phủ qua những quyết sách đúng đắn và dũng cảm, chính là tiền đề cho một sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực". Rất tiếc, những điều này chúng ta đều đã biết, tuy vậy, hi vọng rằng lời phát biểu của GS. NBC sẽ được lắng nghe hơn so với các ý kiến tương tự trước đây.
Có thể GS. NBC đã dẫn thân và trải nghiệm trong khoa học, nhưng chưa trải nghiệm và chưa sẵn sàng dấn thân trong xã hội chăng?
Xin thêm một ý nữa: trong bài phát biểu của mình, GS. NBC đã nêu vài lần "cái may mắn", dường như ở mỗi giai đoạn của cuộc đời GS. NBC đều được gặp môi trường "may mắn". Vậy làm thế nào chúng ta (nỗ lực) tạo được môi trường như vậy cho các em h/s và các nhà khoa học; và ở đâu rồi nỗ lực của cá nhân để tận dụng may mắn đó, hay chỉ cần có may mắn là đủ thôi?
Dù sao cũng rất xúc động với bài phát biểu chân thành của GS. NBC và hi vọng hơn vào tương lai của VN.

Đình Tuấn, Hà Nội, 00:10, 02/09/2010

Đã nghe GS NBC nói trên ti vi nhưng đúng như mọi người nhận định, đọc lại hôm nay vẫn thấy rất hay, đơn giản, đầy đủ và chân chính như toán học. Những điều anh nói thật đáng cho mọi người, mọi lứa tuổi học tập, khiến ta kiên tưởng đến những gì trong sáng, thành thực. Tôi tâm đắc nhất câu :"Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành rất được coi trọng, nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học, thì theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là chuyện hiếm".Và về cuối bài nói của mình anh chúc các bạn trẻ "có đủ niềm tin và sự say mê để đi hết con đường mà mình đã chọn". Dám dấn thân vào khoa học chân chính không đơn giản...

Hiền Nguyễn, An Giang, 21:11, 01/09/2010

Thông Điệp mà thế giới gởi cho Việt Nam qua Ngô Bảo Châu lúc này chính là yêu cầu về học toán, làm toán của VN sao cho khớp với thế giới nên việc thạo ngôn ngữ toán học phải ưu tiên trước. Ví dụ : Tam Giác vuông với 3 cạnh: AB cạnh góc vuông Kinh Tế, AC cạnh góc vuông Chính Trị, BC cạnh huyền Văn Hoá. Làm thế nào chứng minh: bình phương cạnh huyền bằng tổng số bình phương hai cạnh góc vuông theo nghiệm quốc tế thì Việt Nam phải làm gì ?

Hoàng, Gia Lai, 10:26, 01/09/2010

Qua bài phát biểu của Ngô Bảo Châu chúng ta không ngạc nhiên khi NBC đạt giải thưởng Fields, và cũng qua nội dung của Bài nói chuyện nầy đã "lý giải" vì lý do gì mà một thời gian "rất dài" chúng ta chẳng có ai như NBC , mặc dù trong thời gian đó có rất nhiều bài "phát biểu rất hay " và cũng làm "mọi người lặng đi vì xúc động" (chứ không phải chỉ có 3500 người -như pv đã viết) ! Chưa bao giờ Cặp "phạm trù Nhân , Quả" lại được biểu hiện rất khoa học đến vậy!

Lê Phong, Buôn Ma Thuột, 23:35, 31/08/2010

Hãy phát biểu từ đáy lòng mình với những cảm xúc thật nhất chân tình nhất bạn sẽ được mọi người ngưỡng mộ.Ngô Bảo Châu đã làm được điều đó cảm ơn anh về bài phát biểu có lý ,có tình có trước có sau và có một tấm lòng .

Bùi Xuân Điệp, Thanh Hóa, 16:47, 31/08/2010

Bài phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu là cái mà nền khoa học Việt Nam đang cần, Xét về mọi khía cạnh Giáo sư là một tấm gương lớn cho lớp trẻ Việt Nam noi theo. Sự quan tâm, sự tự hào của những người Việt Nam đối với sự nghiệp của Giáo sư chứng tỏ đất nước Việt Nam đang rất cần có những đại diện xuất sắc như thế, đồng thời cũng thúc đẩy Đảng và Nhà nước ta ngày càng có những chính sách bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

nguyen le Nghiem, 38/44/158truong Dinh Ha`noi, 01:22, 31/08/2010

toi da xem buoi truyen hinh truc tiep cua VTV1 toi ngay` 28/8/2010
nha nuoc to chuc trang trong mung` GS Ngo bao Chau la dieu` rat dung dan va`kip thoi` ban than toi rat vui va cham chu' nghe m long` day` tu* hao`ve GS Chaum anh la nguoi` nghien cuu toan hoc dam me va thanh` cong ru*c ro*~anh la nguoi` rat thong minh va` can^` cu`hom nay doc lai bai` dien van cua GS Chau toi van^~ khong thay chan' ma rat cam dong va` kinh ne^? voi su* suy nghi` cua? anh va dong' gop 'y' kien tam^ huyet va chan tinh`cho nen toanhoc noi rieng va nen giao duc cua nuoc nha`trong tuong lai , la` giao vien day toan da` ve huu, toi tam dac va nhan ra rang` tu` lau trong toi chu*a duoc nghe ai noi cau chan thanh` ve giao duc nuoc nha nhu GS Chau , moi it , xuc' tich lam nguoi` nhe cam dong va kinh ne^?
Chuc' GS va gia dinh` suc khoe? va hanh phuc' mong GS co nhung dong' gop cang` nhieu cho nen giao duc cua ta co su* do^i? mo*'i

Đặng Thị Lan, abc, 22:19, 30/08/2010

Bài phát biểu rất hay, hàm súc, cảm động và chân thành. Đúng là văn của nhà toán học: không màu mè, không sính dùng câu chữ, không thừa chữ nào, song rất truyền cảm và chuyển tải được nhiều thông điệp.Tôi học được nhiều điều từ nhà khoa học trẻ này: lòng say mê, tinh thần nghiêm túc và đức tính khiêm nhường. Đúng là: những bông lúa nặng hạt thường trĩu xuống!

Hoàng Mai, 62 Thạch Thị Thanh, quận 1, TP HCM, 19:38, 30/08/2010

Bài phát biểu này nhắc đến những người và môi trường đã đào tạo mình, rất có tư cách. Nhưng tôi nghi ngờ tư cách của VNN khi chua thêm dòng "lặng đi vì xúc động". Có gì mà phải lặng đi vì xúc động? Ôi cái tư duy nhược tiểu của nhà báo.

Nguyen thi Thanh, Hai Phong, 09:51, 30/08/2010

Bài phát biểu của thiên tài.

Các tin khác