GS Ngô Bảo Châu:"Đào tạo thế hệ kế cận là số 1"
- Trước ngày sang Ấn Độ, GS Ngô Bảo Châu đã tới ĐHQG Hà Nội làm việc. Buổi gặp gỡ với lãnh đạo đại học này diễn ra trong thời gian ngắn, không có sự xuất hiện của báo chí. VietNamNet đã nhờ một cộng sự trẻ có dịp làm việc nhiều với anh ghi lại những trao đổi về giáo dục và khoa học của GS Châu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cần có cơ chế thu hút tài năng
GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Bùi Tuấn. |
Hơn một năm gặp lại, điều đầu tiên làm tôi bất ngờ là tóc anh bạc nhiều hơn, nhưng cũng dễ hiểu, bởi sau những ngày vật lộn với những bài toán hóc búa, đầu óc không ngưng nghỉ thì bất cứ một ai cũng đều vậy cả.
Vẫn là khuôn mặt đôn hậu, đôi mắt sáng và nét "khù khờ" của một người "mộ"…toán. Ở đâu cũng vậy, anh tự đặt cho mình biệt hiệu chân chất - "hòa thượng thích học toán". "Hòa thượng là một vai diễn, diễn viên chỉ cố gắng nhập vai cho đạt, và hiển nhiên không dám tự coi mình là hòa thượng", anh giải thích.
Thứ "kinh kệ toán học" mà vị hòa thượng này muốn luận bàn với những bạn trẻ yêu toán, yêu khoa học là "từ lý thuyết số, đại số, hình học, giải tích đến tổ hợp và có thể lan man sang… vật lý".
Chính vì tâm huyết với các bạn trẻ yêu toán như vậy, nên nếu ai có dịp tiếp xúc nhiều với anh sẽ dễ dàng nhận thấy, trong các cuộc gặp xã giao công việc, anh khá kiệm lời. Nhưng trong những lần trao đổi chuyên môn, trả lời mắc của những bạn trẻ học toán thì anh lại xông xáo, nhiệt tình. "Anh Châu rất tình cảm và ân cần", một bạn trẻ tâm sự.
Thực trạng nhiều học sinh giỏi toán, trong đó có nhiều em đạt giải cao trong các kỳ thi toán quốc tế lại không chọn con đường theo nghiệp toán được anh nhìn nhận: "Việc nhiều bạn trẻ không chọn khoa học như một nghề là một thiệt thòi cho nền khoa học. Chúng ta phải tôn trọng quyết định của họ. Điều quan trọng là cần phải có cơ chế thích đáng để thu hút một cách tự nhiên những tài năng này".
Đào tạo thế hệ kế cận là số…1
Theo GS. Ngô Bảo Châu, ĐHQG Hà Nội là cơ sở hàng đầu ở Việt Nam về nghiên cứu khoa học cơ bản với đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học đầu ngành nhưng sắp đến tuổi về hưu.
Trong khi đó, lại thiếu hụt thế hệ trẻ kế cận. Chính vì vậy, điều quan trọng trước mắt là đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời phải tổ chức nhiều nhóm nghiên cứu mới và tìm được những hướng nghiên cứu mới phù hợp với hoàn cảnh trong nước.
Anh cho rằng, khoa học thay đổi từng ngày, cho nên thế hệ trẻ ngày nay không thể mãi đi trên con đường nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước.
Ngoài ra, theo anh, việc việc đầu tư xây dựng một cơ sở nghiên cứu và đào tạo khoa học có uy tín tầm cỡ quốc tế như ĐH Quốc gia Hà Nội là một chuyện hệ trọng. Để làm được điều đó, chất lượng nghiên cứu và giảng dạy phải đặt lên hàng đầu, chứ không phải số lượng. Sinh viên cần được chọn lọc gắt gao, nhưng cũng cần tạo cho họ những điều kiện học tập tốt nhất có thể. Cùng với đó, quy chế tuyển chọn giáo sư dài và ngắn hạn cũng là việc tối quan trọng. Cần tuyển được người xứng đáng, trả lương cho xứng đáng, và tạo điều kiện làm việc đàng hoàng.
Ngoài cơ sở hạ tầng không thể thiếu, theo GS Châu, cần có quy chế để có thể mời các nhà khoa học uy tín nước ngoài một cách đều đặn. Việc mời được các giáo sư đầu ngành sang giảng dạy, và tiếp theo gửi học sinh theo học họ là điều kiện bắt buộc để từng bước xây dựng một trung tâm đại học đạt trình độ quốc tế.
Khi đề cập đến việc xây dựng những trường đại học đẳng cấp quốc tế trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam, theo GS. Ngô Bảo Châu, nên đi theo một số mô hình thành công như viện KIAS của Hàn Quốc. "Nếu mời được những người lãnh đạo KIAS sang tham gia lãnh đạo trường đại học đẳng cấp quốc tế tương lai mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói đến thì cũng là một yếu tố để để hiện thực hóa ý tưởng", GS. Ngô Bảo Châu cho biết.
Không thể xem nhẹ nghiên cứu cơ bản
Tương lai của khoa học cơ bản phụ thuộc vào hiện tại, chúng ta có thể tổ chức được những nhóm làm việc trẻ hăng say khoa học, tiếp cận với những luồng nghiên cứu mới trong khoa học. Hiện tại, vẫn có những đề tài nghiên cứu của các bậc tiền bối đã làm, vẫn tiếp tục cho làm lại. Không đi ra khỏi luống cày, không thể đi lên được.
Ngô Bảo Châu |
Ngay cả trong khoa học, nhiều sinh viên có xu hướng chọn theo học những ngành mang tính ứng dụng cao để sau này dễ dàng có được việc làm thu nhập cao tại những công ty nước ngoài thay vì dấn thân trên con đường nghiên cứu cơ bản.
Vì thế, những ngành khoa học cơ bản đang phải đối mặt với thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận hội đủ các tố chất để chinh phục những đỉnh cao của khoa học. Để hai "địa hạt" của khoa học này tương hỗ cho nhau một cách hiệu quả vẫn là một bài toán nan giải cho nền khoa học Việt Nam hiện nay.Theo quan điểm của GS. Ngô Bảo Châu, về lý thuyết, ranh giới giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng vô cùng mong manh, thậm chí không tồn tại.
Anh lấy một ví dụ, "Chắc ông Reed và Solomon không tưởng tượng được là công trình toán học của họ được sử dụng mỗi khi bạn đọc một cái đĩa DVD".
Đồng thời, từ quan điểm thực tế, khoảng cách giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng lại có thể là vô cùng lớn nếu không có một cấu trúc thích hợp để các cơ quan nghiên cứu và các công ty công nghệ có thể làm việc cùng với nhau.
Do vậy, việc khuyến khích các công ty công nghệ trực tiếp kết hợp nghiên cứu và giảng dạy với các trường đại học, viện nghiên cứu là việc cần làm hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, đầu tư vào một số lĩnh vực trọng điểm là cần thiết nhưng cũng nên làm một cách dè dặt. Trước hết, cần xem thực lực hiện có đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra như đội ngũ khoa học của ta đã sẵn sàng và các công ty công nghệ đón nhận các kết quả nghiên cứu ứng dụng. "Một dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng, thiếu phần đầu tư đáng kể của các công ty công nghệ kết hợp thì không thể là một dự án được đầu tư trọng điểm", anh nói.
-
Đức Minh